Điện thoại màn hình gập như Galaxy F Fold và Z Flip của Samsung là xu hướng đang được giới công nghệ quan tâm, thậm chí được cho là tương lai của smartphone và sẽ trở thành loại điện thoại bình dân phổ biến với mọi người. Nhưng hiện nay những chiếc điện thoại màn hình gập vẫn rất hiếm xuất hiện và rất ít người sử dụng chúng trong thực tế. Có phải chỉ là do mức giá quá đắt hay còn nhược điểm nào khiến chúng chưa được hoàn hảo? Hãy cùng khám phá nhé!
Dưới đây là một số yếu tố mà điện thoại màn hình gập cần thay đổi để chinh phục được nhiều người dùng phổ thông hơn.
1. Giá đắt
Đây là “điểm yếu” rõ ràng nhất và có lẽ cũng là quan trọng nhất: giá tiền. Khoảng 5 năm trước, nếu ai đó nói rằng một chiếc điện thoại có giá hơn 20 triệu thậm chí là gấp đôi con số đó thì chắc sẽ bị cho là ảo tưởng. Nhưng giờ đây thế giới công nghệ đã dần làm quen với các kiểu thiết kế điện thoại mới lạ như điện thoại màn hình gập, cuộn hoặc xoay, thì những mức giá này là hết sức bình thường.
Tuy nhiên bên cạnh sự hào hứng với công nghệ đột phá đem lại trải nghiệm mới thì rất ít người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đô la hay hàng chục triệu đồng chỉ để mua một chiếc điện thoại. Trong khi đó rất nhiều mẫu điện thoại giá rẻ đã được nâng cấp với nhiều tính năng đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của mọi người, thậm chí dần dần sánh ngang với điện thoại cao cấp. Vậy tại sao phải mua điện thoại đắt hơn cả chục lần?
Nhưng vấn đề này cũng không khó giải quyết, vì cũng giống như từ trước tới nay, công nghệ mới sẽ ngày càng rẻ hơn theo thời gian. Một chiếc điện thoại giá 10 triệu ở năm 2022 có thể làm được nhiều việc “phi thường” hơn so với điện thoại cùng mức giá đó ở năm 2012. Nếu xu hướng này tiếp tục thì điện thoại màn hình gập cũng có thể trở thành hàng bình dân trong tương lai. Khi nhu cầu của người dùng tăng lên, sản xuất cũng tăng theo và giá sẽ được hạ xuống theo quy luật chung.
2. Màn hình chính chưa đủ bền
Nhìn chung phần cứng của các mẫu điện thoại màn hình gập hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và còn nhiều điểm cần cải thiện để đạt chất lượng tốt hơn.
Lớp vỏ ngoài của những chiếc điện thoại này khá bền vì có thể được làm từ chất liệu tương tự như mặt lưng của điện thoại thông thường, nhưng màn hình ở của chúng vẫn rất yếu và dễ bị trầy xước hư hỏng. Điều này cũng là dễ hiểu vì các nhà sản xuất phải lựa chọn vật liệu mềm dẻo để điện thoại có thể gấp vào bên trong được dễ dàng.
Tất cả các mẫu điện thoại màn hình gập đã được sản xuất và phát hành ra thị trường cho đến nay đều gặp phải vấn đề này. Các hãng công nghệ đang cố gắng tìm cách để cải tiến nhưng có lẽ đây là câu đố không dễ giải quyết trong thời gian ngắn, khiến cho điện thoại gập khó duy trì được độ bền khi sử dụng trong môi trường thực tế.
3. Nếp gấp trên màn hình
Một vấn đề khác cũng không thể tránh khỏi đối với tất cả các thiết bị màn hình gập cho đến nay là nếp gấp trên màn hình. Rõ ràng, mặt kính của điện thoại thông thường (ví dụ như kính Gorilla Glass Victus) luôn ở trạng thái tĩnh và do đó có thể được chế tạo để tăng độ cứng và độ bền. Nhưng màn hình của điện thoại gập phải mở ra đóng vào nhiều lần trong quá trình sử dụng, lâu dần sẽ tạo thành một nếp gấp ở giữa có thể thấy rõ.
Điều này không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới việc lướt ngón tay trên màn hình cảm ứng khi sử dụng điện thoại. Cảm giác không mượt mà chắc chắn khiến cho người dùng cảm thấy khó chịu, nhất là khi đã bỏ ra một số tiền rất lớn để sở hữu một thiết bị cao cấp như thế.
Làm sao để màn hình gập không xuất hiện nếp gấp là một thách thức cực lớn đối với các nhà sản xuất hiện nay. Một hướng giải quyết có thể là thiết bị Surface Duo của Microsoft không có nếp gấp vì 2 màn hình tách rời nhau và được kết nối thông qua một bản lề có thể xoay 360°, nhưng khi đó nó không còn là màn hình gập đúng nghĩa nữa.
4. Khoảng trống khi gập lại
Đây cũng là một vấn đề không thể tránh khỏi về phần cứng. Khi gập lại, hai nửa của điện thoại sẽ không ép sát nhau hoàn toàn vì có thể làm trầy xước hay vỡ màn hình bên trong. Thay vào đó màn hình sẽ được uốn cong rất nhẹ để tạo ra một khoảng trống ở giữa, nhưng cũng chính vì thế mà bụi và nước từ môi trường bên ngoài có thể xâm nhập vào ảnh hưởng đến thiết bị.
May mắn là vấn đề này không khó giải quyết, như chúng ta đã thấy điện thoại màn hình gập Mate X2 của Huawei được chế tạo để 2 mặt gấp lại sát nhau hơn so với các hãng khác, gần như không còn khoảng trống ở giữa.
5. Khả năng chống bụi
Chúng ta đã thấy khả năng chống nước đạt chuẩn IPX8 rất ấn tượng trên điện thoại màn hình gập như Galaxy Z Fold 3 và Flip 3 của Samsung. Nhưng khả năng chống bụi vẫn là một điểm yếu của các thiết bị này.
Bụi là vấn đề khó giải quyết hơn nước vì điện thoại gập có rất nhiều bộ phận chuyển động thường xuyên và tạo ra khe hở. Bất kỳ hạt bụi nhỏ nào xâm nhập vào bên trong điện thoại qua các khe hở đó có thể gây ra sự cố và làm hỏng các linh kiện. Nếu không khắc phục được điều này thì chúng ta sẽ không thể yên tâm mang điện thoại màn hình gập tới những nơi nhiều cát bụi như khi du lịch ở biển được.
6. Hiệu suất pin
Khi sản xuất những chiếc điện thoại màn hình gập, người ta phải giảm bớt những bộ phận thông thường bên trong để nhường chỗ cho các bộ phận chuyển động, ví dụ như bản lề. Đây là chi tiết chiếm rất nhiều không gian của thiết bị, do đó buộc phải giảm bớt kích thước của pin khiến cho điện thoại gập thường có thời lượng pin không quá dài.
Thêm vào đó, màn hình AMOLED có độ sáng cao và tốc độ làm mới cao cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng của điện thoại. Các điện thoại đời mới cũng tăng dần kích thước màn hình nên càng hao pin nhiều hơn. Như vậy nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại màn hình gập thì phải sạc thường xuyên và đôi khi bị hết pin vào đúng lúc cần dùng, đó cũng là một lý do khiến nhiều người e ngại thiết bị này.
7. Tỷ lệ khung hình
Bên cạnh những yếu tố phần cứng như trên thì phần mềm của điện thoại gập cũng cần thay đổi để phù hợp với người dùng hơn. Các mẫu điện thoại này thường biến thành hình vuông khi mở ra, do đó tỷ lệ khung hình rất khác so với điện thoại thông thường có dạng hình chữ nhật. Ví dụ, màn hình chính của điện thoại Samsung Galaxy Z Fold 3 có tỷ lệ khung hình là 22,5:18.
Trong khi đó hầu hết các video trên YouTube được quay ở tỷ lệ khung hình 16:9, vì vậy khi xem video trên các điện thoại gập như Z Fold 3 bạn sẽ thấy khoảng trống màu đen rất lớn ở phía trên và dưới khung hình bởi vì video không thể vừa khít với màn hình giống như các điện thoại bình thường.
8. Các ứng dụng
Hiện tại chưa có nhiều ứng dụng khai thác được lợi thế của màn hình gập. Điều này cũng dễ hiểu vì các nhà phát triển thường tạo ra ứng dụng dành cho số đông người dùng chứ không phải một số ít người sở hữu thiết bị đặc biệt. Đây cũng là lý do tại sao iPhone thường được hỗ trợ ứng dụng và tối ưu hóa tốt hơn các điện thoại Android – bởi vì tất cả iPhone đều được thiết kế giống nhau chứ không thay đổi như các hãng Android.
Điện thoại màn hình gập hiện tại chưa đủ phổ biến để thu hút sự chú ý của các nhà phát triển ứng dụng. Tuy nhiên Google cũng đang cố gắng thuyết phục nhiều người tham gia sáng tạo ứng dụng cho các thiết bị kiểu mới này – có thể đó là dấu hiệu cho thấy chính Google cũng sắp ra mắt điện thoại gập của riêng mình.
Tóm lại: Điện thoại màn hình gập có thể trở thành bình dân trong tương lai?
Tại thời điểm này vẫn chưa thể chắc chắn khi nào điện thoại màn hình gập mới trở nên phổ biến và quen thuộc với mọi người. Để đạt được điều đó, trước tiên các nhà sản xuất cần phải khắc phục những nhược điểm mà trước đây họ buộc phải chấp nhận đánh đổi để tạo ra kiểu dáng màn hình gập mới lạ. Có như vậy thì điện thoại gập mới thể hiện được ưu điểm vượt trội so với điện thoại thông thường và khiến mọi người muốn mua hơn.
Một số vấn đề rất dễ giải quyết trong ngắn hạn, trong khi những vấn đề khác khó hơn và có thể phải mất nhiều năm mới hoàn thiện. Dù thế nào đi nữa thì cũng có rất nhiều triển vọng lạc quan dành cho điện thoại màn hình gập trong tương lai.
Bạn có muốn sở hữu một chiếc điện thoại gập không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Galaxy Fold gặp lỗi màn hình – Phải chăng smartphone màn hình gập còn quá xa vời?
- Điện thoại màn hình gập của Apple có thể sẽ áp dụng công nghệ E Ink
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/dien-thoai-man-hinh-gap-nhuoc-diem/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét