Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới và được coi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nhưng căn bệnh này có phải mới xuất hiện gần đây? Bệnh đậu mùa khỉ có dễ lây ở nơi đông người hay không? Có phải đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục? Hãy cùng xem những quan niệm sai lầm về đậu mùa khỉ và đâu mới là sự thật nhé.
Các chuyên gia cho biết hiện nay có rất nhiều thông tin sai lệch về bệnh đậu mùa khỉ đang lan truyền nhanh chóng, ví dụ như đường lây và những người dễ mắc bệnh này. Mỗi khi có một đợt bùng phát dịch bệnh, điều quan trọng là mỗi người phải tìm hiểu thông tin đúng để cùng nhau phòng tránh bệnh. Như chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19, thông tin sai lệch có thể gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi người cũng như nỗ lực chung của cộng đồng để dập dịch.
Dưới đây là 11 quan niệm sai lầm về bệnh đậu mùa khỉ đã được các chuyên gia y tế bác bỏ, hãy cùng xem bạn có đang mắc phải những điều này hay không nhé.
1. Đậu mùa khỉ là một căn bệnh mới xuất hiện?
Tháng 5/2022, các cơ quan y tế ở Anh báo cáo một trường hợp người dân mới trở về từ Lagos, Nigeria mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tới cuối tháng 5 ở Mỹ phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh là một người đàn ông ở bang Massachusetts đã đi du lịch đến Canada. Đó là lúc mọi người bắt đầu biết đến căn bệnh mang tên đậu mùa khỉ.
Nhưng sự thật là bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện từ hơn 60 năm trước. Đó là vào năm 1958, các nhà khoa học lần đầu tiên ghi nhận một căn bệnh ở khỉ có triệu chứng nổi bóng nước giống như đậu mùa trên người. Sau đó đến năm 1970 bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tuy nhiên từ đó đến nay hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ chỉ giới hạn ở một số quốc gia châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ được coi là bệnh lưu hành địa phương bao gồm:
- Benin
- Cameroon
- Cộng hòa Trung Phi
- Cộng hòa Dân chủ Congo
- Gabon, Ghana (mới chỉ phát hiện ở động vật)
- Bờ biển Ngà
- Liberia
- Nigeria
- Cộng hòa Congo
- Sierra Leone
- Nam Sudan
2. Bệnh đậu mùa khỉ có thể bắt nguồn từ vaccine COVID-19?
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khẳng định rằng mọi người không thể bị nhiễm COVID-19 hay bất kỳ loại virus nào từ vaccine COVID-19. Trên thực tế, bệnh đậu mùa khỉ và COVID-19 không hề liên quan với nhau, tác nhân của chúng là 2 loại virus hoàn toàn khác nhau.
Vaccine COVID-19 và những loại vaccine hiện đang được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ đều được công nhận là an toàn và hiệu quả. Các loại vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi hiện nay đều không chứa virus sống, trong đó 2 loại được dùng nhiều nhất là Pfizer-BioNTech và Moderna được sản xuất bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA). Cơ chế của những loại vaccine này là cung cấp cho các tế bào của chúng ta bản hướng dẫn để tạo ra một loại protein vô hại có trên virus, sau đó hệ miễn dịch sẽ học cách tấn công protein đó và như vậy có thể chống lại virus nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Không có mối liên quan nào giữa vaccine COVID-19 và virus đậu mùa khỉ.
Trong khi đó vaccine Janssen của hãng Johnson & Johnson được chế tạo theo công nghệ vectơ virus, tức là sử dụng một loại virus vô hại để huấn luyện cơ thể chống lại COVID-19. Vaccine Novavax sử dụng các mảnh protein nhỏ của virus để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể. Cả 2 loại vaccine này đều không liên quan gì đến bệnh đậu mùa khỉ và tất nhiên cũng không có tác dụng chống lại bệnh này.
3. Có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ ở hồ bơi?
Vẫn còn nhiều vấn đề chưa hoàn toàn sáng tỏ về bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là cách lây truyền, nhưng hiện tại các nhà khoa học cho rằng dường như không có bằng chứng virus lây qua nước, mà chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp da với da.
Tuy nhiên bệnh này cũng có thể lây lan khi chạm vào quần áo và khăn trải giường của người bệnh đã sử dụng mà chưa được giặt sạch, do đó các chuyên gian khuyên rằng mọi người nên cẩn thận đề phòng khi đi bơi. Điều quan trọng là phải chú ý những thứ mà bạn chạm vào, trong đó khăn tắm và quần áo có nguy cơ cao lây lan virus.
Mặc dù không có căn cứ để kết luận bệnh đậu mùa khỉ lây qua nước hồ bơi nhưng bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc da kề da hoặc mặt đối mặt với người bệnh ở dưới nước.
4. Có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ ở những nơi tụ tập đông người không?
Hạn chế số người tụ tập là một chiến lược có hiệu quả được áp dụng rộng rãi trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19 bởi virus gây bệnh này có khả năng phát tán trong không khí và nhiễm vào cơ thể khi chúng ta hít phải các hạt siêu nhỏ có chứa virus. Càng ít người ở chung trong một không gian kín thì càng ít có nguy cơ lây bệnh.
Đối với bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù virus có thể lây qua dịch tiết đường hô hấp nhưng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đã lưu ý rằng những giọt chứa virus này rơi xuống đất nhanh hơn, do đó các chuyên gia cho rằng ít có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong đám đông, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không thể.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc lâu dài và gần gũi với người bị bệnh, tức là cần tiếp xúc da kề da với vết loét hở, chẳng hạn như ôm nhau hoặc chạm vào các đồ vật, quần áo mà người bệnh đã sử dụng. Những hành động như hôn và dùng chung đồ dùng cốc chén với người mang virus, ví dụ như trong tiệc tùng, cũng có thể làm lây bệnh. Nói cách khác, bản thân việc ở trong đám đông không phải nguyên nhân lây bệnh mà những hành động tiếp xúc gần gũi của mọi người với nhau mới là nguy cơ.
5. Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục (STI), nhưng hiện nay rất nhiều người đang lầm tưởng điều này.
Mặc dù bệnh có thể lây qua hoạt động tình dục nhưng đó không phải là con đường chủ yếu, vì vậy không được coi là STI. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp da với da mà không cần phải quá thân mật hay quan hệ tình dục, trong khi đó các bệnh STI chủ yếu lây lan qua đường tình dục.
6. Chỉ những người đồng tính nam mới có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Đây là quan niệm sai lầm cực kỳ tai hại, bắt nguồn từ hiện tượng có nhiều ca mắc bệnh được phát hiện trong cộng đồng những người đồng tính nam. Điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh ở đây là bệnh đậu mùa khỉ có thể nhiễm vào bất kỳ người nào, bất kể khuynh hướng tình dục hoặc bạn tình như thế nào. Do đó tất cả mọi người nên tự ý thức và học cách tự bảo vệ mình để tránh mắc bệnh.
Quan niệm sai lầm này tương tự với giai đoạn đầu của đại dịch HIV/AIDS trước đây, ở thời điểm đó những người đồng tính bị coi là nguồn lây bệnh và bị kỳ thị dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính họ và cả cộng đồng.
7. Tất cả mọi người đều có thể được tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ một cách dễ dàng?
Hiện nay có 2 loại vaccine có thể được dùng để ngừa bệnh đậu mùa khỉ mặc dù ban đầu chúng được sản xuất không phải dành cho bệnh này. Đó là vaccine có tên ACAM2000 và JYNNEOS được chế tạo để chống lại bệnh đậu mùa ở người, nhưng CDC cho biết chúng có hiệu quả ít nhất 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ.
JYNNEOS là loại vaccine mới hơn và được sử dụng phổ biến hơn, được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào năm 2019, còn ACAM2000 được phê duyệt từ năm 2007.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể được tiêm các loại vaccine này. Các chuyên gia cho biết rằng vaccine đậu mùa khỉ hiện không được phổ biến rộng rãi vì nguồn cung thiếu hụt, chỉ được cung cấp hạn chế và được nhà nước kiểm soát chặt. Ở Mỹ, CDC khuyến cáo nên tiêm phòng cho những người đã bị phơi nhiễm hoặc có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, cụ thể là những đối tượng sau:
- Người có tiếp xúc với virus trong vòng 4 đến 14 ngày gần đây.
- Người đang làm việc trong các lĩnh vực hoặc môi trường nhất định, ví dụ như các nhân viên y tế và nhân viên phòng thí nghiệm làm việc để chẩn đoán các loại virus cùng họ với đậu mùa khỉ.
8. Virus đậu mùa khỉ được tạo ra trong phòng thí nghiệm?
Điều này là hoàn toàn sai. Bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ một đàn khỉ được sử dụng cho nghiên cứu khoa học vào cuối những năm 1950. Trong vài thập kỷ qua đã có những đợt bùng phát bệnh này với quy mô nhỏ trên toàn thế giới, trong đó phần lớn xảy ra ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung Phi và Tây Phi.
Mặc dù bệnh được phát hiện đầu tiên ở khỉ nhưng các nhà khoa học không chắc liệu virus có thực sự bắt nguồn từ khỉ hay không, bởi vì nhiều loài động vật khác cũng có thể mang virus này. Nhưng rõ ràng là nó không được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
9. Bệnh đậu mùa khỉ sẽ tàn phá thế giới giống như COVID-19?
COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống như chúng ta đã thấy từ năm 2020 đến nay, từ việc đóng cửa các doanh nghiệp đến học tập và làm việc bị gián đoạn. Liệu kịch bản sẽ lặp lại với bệnh đậu mùa khỉ?
Mặc dù số ca mắc vẫn không ngừng tăng cao nhưng các chuyên gia hy vọng rằng căn bệnh này sẽ không tác động quá nghiêm trọng. Theo những hiểu biết về bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay, sự lây truyền bệnh đòi hỏi phải có sự tiếp xúc cơ thể gần gũi nên ít có khả năng các hoạt động tụ tập và gặp gỡ thông thường sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt giống như với COVID-19.
Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi tác động của COVID-19, nhưng các nhà khoa học đã biết đến bệnh đậu mùa khỉ từ lâu và có hiểu biết khá đầy đủ về nó, hơn nữa chúng ta đã có vaccine hiệu quả phòng ngừa bệnh này và sẵn sàng được triển khai. Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm hiểu rõ thêm về loại virus này để tìm cách làm chậm sự lây lan và cuối cùng là tiêu diệt nó.
Trên đây là những quan niệm sai lầm về bệnh đậu mùa khỉ mà bạn không nên tin theo. Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 5 điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ để phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh
- Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Có nguy hiểm như COVID-19 không?
source https://bloganchoi.com/quan-niem-sai-lam-benh-dau-mua-khi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét