Nhật Ký Tự Do Của Tôi hiện đang là bộ phim thu hút đông đảo người xem bởi nội dung nhẹ nhàng nhưng thể hiện rõ nét cuộc sống của hầu hết những người trẻ đang loay hoay tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời họ.
Thông tin phim Nhật Ký Tự Do Của Tôi
- Thể loại: Chính Kịch, lãng mạn, đời thường
- Diễn viên: Kim Min Ki, Kim Ji Won, Son Suk Ku, Lee El
- Đạo diễn: Kim Seok Yoon
- Biên kịch: Park Hae Young
- Ngày phát hành: 09/04/2022
- Số tập: 16
- Thời lượng: 60 phút
Nội dung chính phim Nhật Ký Tự Do Của Tôi
Nhật Ký Tự Do Của Tôi là bộ phim truyền hình Hàn Quốc ra mắt vào năm 2022, bộ phim xoay quanh cuộc sống hằng ngày của ba anh em sinh ra trong một gia đình nông thôn tại thị trấn Gyeonggi, cả ba đều đã trưởng thành và có công việc tại thành phố Seul. Thế nhưng cả ba đều đang mắc kẹt và chật vật trên con đường tìm kiếm cuộc sống viên mãn của mình.
Xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay đan xen giữa nơi làm việc của ba chị em Ki-Jung, Chang-hee và Mi-jeong tại Seul và cuộc sống sau giờ làm ở vùng ngoại ô Gyeonggi. Nếu như Seul vẫn luôn được coi như một thành phố nhộn nhịp, đáng sống và sôi động thì những gì ta thấy qua góc nhìn của ba chị em thì đó chỉ là một nơi cô đơn và lạc lõng, với những mối quan hệ công sở xã giao cùng với áp lực công việc hay còn chính là áp lực xã hội.
Trailer phim Nhật Ký Tự Do Của Tôi
3 điều khiến bạn đồng cảm với Nhật Ký Tự Do Của Tôi
Không cần mất nhiều thời gian để làm rõ mối quan hệ của các nhân vật trong phim, Nhật Ký Tự Do Của Tôi bằng một cách tự nhiên đã giúp người xem ngay lập tức nắm bắt được câu chuyện, cũng như bị cuốn vào mạch cảm xúc của các tuyến nhân vật từ những phút đầu tiên. Phải chăng những gì phim đang thể hiện quá đỗi chân thực với cuộc sống thực tế hiện nay.
Sự im lặng
Theo dõi từ tập đầu tiên, chúng ta có thể thấy những khoảng lặng xuất hiện không hề ít, khi ba chị em ngồi trong taxi, lúc cả gia đình sinh hoạt cùng nhau hay là sự im lặng của Mi-joeng trong những cuộc nói chuyện của hội chị em chốn công sở. Ngay chính căn bếp của gia đình, Mi-joeng và mẹ cùng chuẩn bị cơm, hai người giống như những chiếc máy đã được lập trình sẵn, việc ai người đó làm, họ không nói với nhau câu nào, chỉ nghe thấy âm thanh loảng xoảng của xoong nồi và tiếng xả nước.
Hình ảnh anh chàng họ Goo – người làm thuê cho gia đình nhà Mi-joeng, mỗi khi không có gì để làm anh cũng chỉ ngồi lặng bên hiên nhà, mắt nhìn xa xăm, cả ngày anh không nói chuyện với ai, đêm đến chỉ biết tìm đến rượu.
Im lặng dường như là cách họ cho thế giới biết rằng: “Tôi chẳng còn mấy mặn mà với những gì xung quanh, bởi chính bên trong tôi đã mang quá nhiều nỗi buồn”. William Wrinter từng có câu: “Im lặng là sự hùng biện cuối cùng của nỗi buồn”.
Tái hiện chân thực cuộc sống thực tại
Mi- joeng làm trong một công ty mang tên Joy, Joy là vui mừng, hân hoan, vui sướng. Thế nhưng điều đó lại hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm hằng ngày của Mi-joeng tại đây. Cô cảm thấy áp lực với công việc, mệt mỏi với những cuộc hẹn của đồng nghiệp sau giờ làm, liên tục bị gọi lên phòng hỗ trợ của công ty để nghe tư vấn chỉ vì cô chưa tham gia bất cứ CLB nào.
Hình ảnh công ty Joy như đang nhắc đến xã hội của chúng ta hiện nay khi đã quá đề cao sự hướng ngoại, đặt nó là tiêu chuẩn tiên quyết mà bất kể một ai cũng phải có. Một trong số những người cũng thường xuyên phải đến phòng hỗ trợ giống Mi-joeng đã nói : “Mình là đối tượng quan tâm đặc biệt chắc? Để cho người ta yên ổn hướng nội cũng không được à?”.
Cũng trong tập 1, Nhật Ký Tự Do Của Tôi cũng đưa ra một chi tiết rất hay, đó chính là “khoảng cách”. Khoảng cách là cái cớ để Mi-joeng từ chối những cuộc tụ tập cùng mọi người trong công ty. Chúng ta có thể thấy được sự qua loa trong những lời hỏi han của đồng nghiệp về nơi cô ở như một cách xã giao thông thường, thực chất họ không có nhu cầu muốn biết và muốn nghe.
Tương tự như trường hợp của Ki- jung, người bạn trai hỏi cô nhà ở đâu để chọn chỗ hẹn ở Seul cho thích hợp, cô nói mình ở Gyeonggi nhưng anh ta còn không hề muốn hỏi cô ở phía nào của Gyeonggi mà chọn chỗ hẹn ở một nơi rất xa, khiến cô phải đi một chặng đường dài. Khoảng cách cũng là lý do khiến bạn gái của Chang-hee chia tay anh ấy.
Từ chi tiết này có thể thấy với một hành động rất nhỏ là chịu khó lắng nghe người nào đó nói họ sống ở đâu nhưng chắc chắc không phải ai trong chúng ta cũng làm được. Dường như sự quan tâm của những người xung quanh với nhau không còn được sâu sắc nữa. Đó là lý do vì sao khiến chúng ta khao khát muốn tìm ai đó thật lòng lắng nghe những chia sẻ của mình.
Khao khát muốn được chia sẻ
Nhìn bề ngoài Ki-jung là cô chị luôn khao khát tìm kiếm một người để yêu, cô đã từng quả quyết mình nhất định sẽ yêu đại một ai đó, chỉ vì không muốn mùa đông này phải cô đơn. Thế nhưng sâu trong niềm khao khát ấy chính là nhu cầu được sẻ chia và thấu hiểu. “ Mình cần một ai đó để bộc bạch nỗi lòng, không phải những lời nói sáo rỗng, để giả vờ như tôi đang hiện diện mà đó là những lời có sức nặng”- Ki-jung nói.
Hay Mi-joeng, khi công việc và các mối quan hệ trở nên khó khăn khiến cô kiệt sức, cô đã nghĩ đến nhân vật “anh” một người cô chưa từng gặp, không hề biết người đó đang ở đâu, nhưng cô tin trong lòng anh cô sẽ không hề tầm thường.
Cả Ki-jung và Mi-joeng đều vô tình nghĩ rằng, tình yêu sẽ là thứ duy nhất giúp xoa dịu mọi tổn thương, là liều thuốc giảm đau ngay tức thức. Họ mong nhận được sự đồng cảm của người kia, hay với Mi-joeng thì đó chính là sự sùng bái.
Tổng kết
Nhật Ký Tự Do Của Tôi là nơi người xem dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mình ở trong đó, bộ phim xứng đáng là một trong những bộ phim healing đáng xem trong năm.
source https://bloganchoi.com/review-phim-nhat-ky-tu-do-cua-toi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét