Tham khảo ngay 2 cách nấu nước bí đao hạt chia, nấu nước sâm bí đao quả la hán cực kỳ đơn giản, bổ dưỡng, để giúp bạn và gia đình giải khát, giải nhiệt mùa hè, thanh lọc cơ thể nhé.
Lợi ích của bí đao với sức khỏe
Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn… là một loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Trong thành phần của bí đao phần lớn là nước, không chứa lipid, với hàm lượng natri rất thấp. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C…
Theo y học cổ truyền, bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Trong bí đao chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp, không có chất béo.
Bên cạnh đó, bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc. Hạt bí, vỏ bí, lá bí, dây bí, hoa bí đều có thể làm thuốc và là thức ăn hằng ngày rất tốt. Ngoài ra, bí đao còn có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như : táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn…
Bí đao giúp giải nhiệt, hạ đường huyết, hạ huyết áp
Bởi vì bí đao chứa nhiều vitamin, hàm lượng kali cao, hàm lượng muối natri thấp nên thích hợp nhất cho bệnh nhân cao huyết áp, bệnh thận, phù nề cần ăn ít natri. Bí đao có tác dụng giải độc, làm dịu cơn khát, giải nhiệt và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Bí đao giúp bảo vệ thận
Nước ép bí đao và chiết xuất từ bí đao có thể làm tăng lượng nước tiểu, giảm mức độ bệnh thận do thủy ngân clorua gây ra và có tác dụng làm giảm đáng kể hàm lượng nhiễm độc huyết thanh. Nghiên cứu cho thấy axit amin tổng số trong bí đao (với liều lượng lớn) và cucurbitacin trong bí đao có tác dụng bảo vệ và ngăn chặn rõ ràng đối với tổn thương thận do clorua thủy ngân gây ra.
Bí đao giúp giảm cân, hạ mỡ máu
Bí đao có công dụng giảm cân chủ yếu là bởi vì bí đao có khả năng làm no bụng mà không chứa năng lượng nhiều.
Trong bí đao chứa rất nhiều nước và không chứa chất béo. Hơn nữa, trong bí đao còn chứa hợp chất hóa học hyterin-caperin ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ trong cơ thể, nên cơ thể sẽ không bị tích lũy mỡ thừa.
Bí đao chứa nhiều chất xơ dạng sợi, loại chất xơ này rất có lợi cho ruột và đường tiêu hóa. Khả năng sinh nhiệt thấp, hàm lượng chất béo gần như không có và có khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên Bí đao là vị thuốc lý tưởng để chữa bệnh béo phì.
Bí đao có tác dụng làm đẹp
Cao bí đao từ lâu đã được biết đến là một phương thuốc làm đẹp bí truyền của các mỹ nhân từ xưa. Cao bí đao có nhiều công dụng như giữ ẩm cho da, làm cho da căng mịn, sáng hồng, bớt dầu, bong mụn cám và mụn đầu đen.
Ngoài ra, cao bí đao còn thích hợp với những chị em đang bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì và những người có da mặt bị sần sùi, chân lông to, da mặt xỉn màu.
Bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai…
Bí đao có tác dụng trị bệnh
Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: Xơ cứng động mạch, tiểu đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh cao huyết áp và béo phì.
Bí đao còn có tác dụng giải độc từ các loại cá, tôm, rượu, làm giảm mỡ tích tụ trong cơ thể.
Cách nấu nước bí đao giải nhiệt
Nguyên liệu nấu nước bí đao giải nhiệt
- 1.5kg bí đao già (nhiều phấn trắng, vỏ đốm vàng, hạt cứng)
- 20g thục địa (rễ cây địa hoàng đã được chế biến)
- 4 đoạn mía lau dài 15cm
- 10 cọng lá dứa (lá nếp)
- 4 lít nước lạnh
- 60g đường phèn
- Dụng cụ: Nồi nấu, bình đựng
Các bước nấu nước bí đao giải nhiệt
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Mía lau mua về nướng lên để tạo mùi thơm và làm tăng vị ngọt tự nhiên. Sau đó, bạn dùng dao sắc để chẻ mía theo chiều dọc thành những thanh mía dài.
Tiếp theo bạn hãy rửa sạch lá dứa, cắt khúc ngắn vừa rồi bó lại thành từng bó nhỏ để vớt ra dễ dàng hơn khi sau nấu xong.
Thục địa đem rửa sạch rồi cắt lát. Bạn cần lưu ý không sử dụng quá nhiều thục địa vì sẽ làm nước sâm bị đắng.
Bí đao rửa sạch, không cần gọt vỏ rồi bạn hãy cắt khoanh dày khoảng 1 – 2 cm. Để nước bí đao đậm đà, bạn có thể chọn những trái bí già có đốm vàng bên ngoài, trắng phấn ngoài vỏ và hạt bên trong đã cứng. Nếu không tìm mua được bí già thì bạn cũng có thể dùng bí như bình thường cũng được nhưng cần khoét để loại bỏ phần hạt, mục đích của việc này là để nước không bị chua.
Bước 2: Tiến hành nấu nước sâm bí đao
Bạn lấy một chiếc nồi to và rộng để cho mía lau vào dưới đáy nồi, sau đó là cho đường phèn vào nấu chung với 2 lít nước. Khi đường phèn đã tan thì bạn hãy cho thêm đường cát vào để nấu chung. Chú ý, khi nấu sâm bí đao, bạn không nên cho bí đao vào nấu trước, vì nếu bí đao nấu lâu sẽ bị chua và khiến đường lâu tan.
Sau khi đường đã được tan hoàn toàn, thì bạn hãy cho thêm bí đao, lá dứa và thục địa vào nồi nấu. Thời gian nấu nước sâm bí đao là khoảng 15 phút. Trong suốt quá trình nấu bạn có thể không cần đậy nắp nồi.
Khi nước sôi, bạn cần chỉnh lửa nhỏ và nấu thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ để cho nguyên liệu ra hết các chất dinh dưỡng. Nếu có thời gian thì sau khi nấu sôi, bạn cho các nguyên liệu vào nồi ủ rồi ủ khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ. Với cách làm nước sâm này thì chắc chắn thức uống của bạn sẽ thêm phần đậm vị và thơm hơn rất nhiều.
Chú ý: Bạn chỉ nên để một vài miếng thục địa là đã đủ để nồi nước bí đao đã có màu đẹp mắt, không nên cho quá nhiều làm nước có màu đen, thậm chí có vị đắng không ngon miệng.
Bước 3: Lọc lấy nước bí đao và bảo quản
Khi nồi nước sâm bí đã chuyển sang màu nâu nhạt, bí đao đã chín mềm rục, thì bạn hãy vớt bí ra và lọc lấy phần nước cốt sâm bí đao để được phần nước trong, không có lợn cợn.
Bạn hãy cho nước sâm vào các chai. Nước sâm bí đao ngon sẽ màu nâu đỏ, vị ngọt thanh và có mùi thơm dịu nhẹ. Bạn chỉ cần bảo quản các chai nước sâm bí trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần.
Video hướng dẫn nấu nước bí đao giải nhiệt
Cách nấu nước bí đao với la hán quả
Nguyên liệu để nấu trà bí đao la hán quả
- 1,5 quả bí đao hoặc 150gr bí đao khô nếu có.
- 2 quả la hán quả.
- 15 gram thục địa.
- 2 khúc mía lau (khoảng 150 gram).
- 70 gram lá dứa tươi.
- 7 quả táo đỏ.
- 100 gram đường phèn.
Các bước nấu nước bí đao la hán quả
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Các nguyên liệu mua về đem rửa sạch và để cho ráo nước
Cắt bí đao thành từng khoanh dày khoảng 1 cm, sau đó bỏ hết phần ruột đi.
Cho các nguyên liệu: mía lau, la hán quả (đã bóp nát), thục địa, lá dứa, bí đao đã cắt vào cùng 1 nồi và 4 lít nước lọc.
Bước 2: Nấu trà bí đao la hán quả
Nấu các nguyên liệu với lửa lớn đến khi sôi thì cả nhà nhỏ lửa liu riu trong thời gian khoảng 45 đến 50 phút để các chất dinh dưỡng của các dược liệu ra hết.
Khi nấu với lửa liu riu được 45 đến 50 phút thì cho 100 gram đường phèn vào và tiếp tục nấu với lửa nhỏ trong 15 phút nữa là được.
Bước 3: Thưởng thức thành phẩm
Sau khi nấu hỗn hợp như thời gian trên thì kết quả là nước trà bí đao la hán quả có màu nâu đỏ thẫm, đặc trưng của món này, đẹp mắt y như ngoài quán. Đợi cho nước hơi nguội bạn có thể tiến hành dùng ray lọc lấy nước và để vào bình bảo quản. Nước bí đao la hán quả nguội hẳn thì có thể bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.
Video hướng dẫn nấu nước bí đao la hán quả
Cách nấu nước bí đao hạt chia
Nguyên liệu nấu nước bí đao hạt chia
- 500g bí đao
- 1/4 muỗng cà phê muối
- 3 – 5 khúc mía lau
- 3 cây lá dứa
- 80g đường phèn
- 2 lít nước
- 3 muỗng cà phê hạt chia (có thể dùng hạt é nếu không có hạt chia)
Các bước nấu nước bí đao hạt chia
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bí đao rửa sạch, để nguyên vỏ và cắt khoanh dày khoảng 1 – 2 cm và bỏ hạt để tránh làm chua nước. Nên chọn những trái bí già có đốm vàng bên ngoài, hạt bên trong đã cứng thì nước sẽ ngon và đậm đà hơn.
Rửa sạch lá dứa, để ráo và cột lại thành bó cho gọn.
Bước 2: Nấu nước bí đao
Bắc nồi lên rồi cho 2 lít nước, 1/4 muỗng cà phê muối, bí đao và mía lau vào nồi đun. Khi nước đã sôi thì cho lá dứa vào đun với lửa nhỏ khoảng 2 tiếng.
Cho 2 lít nước với muối nấu cùng với bí đao, mía lau cho sôi rồi cho lá dứa vào, đun nhỏ lửa khoảng 2 tiếng
Bước 3: Lọc nước bí đao
Sau 2 tiếng, bạn đổ ra ray lọc để lọc lấy nước, bỏ xác.
Cho đường phèn đập nhỏ vào phần nước bí đao vừa đổ ra, dùng muỗng khuấy cho đường tan hết.
Bước 4 : Ngâm hạt chia, pha nước bí đao
Cho hạt chia vào ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút để hạt chia nở ra.
Sau khi nước bí đao đã nguội thì cho vào ly, thêm đá và đổ hạt chia đã ngâm nở rồi và thưởng thức thôi.
Video hướng dẫn nấu nước bí đao hạt chia
Cách nấu trà sữa bí đao cực hấp dẫn
Nguyên liệu nấu trà sữa bí đao
- Bí đao: 1 kg
- Sữa tươi: 200 ml
- Mía: 200 gr
- Lá dứa: 4 nhánh
- 5 quả la hán
- Bột sương sáo: 25 gr
- Bột bắp: 10 gr
- Đường phèn: 200 gr
- Đường đen: 50 gr
- Đường trắng: 50 gr
Các bước pha trà sữa bí đao
Bước 1: Sơ chế bí đao
Bí đao mua về rửa sạch, cạo hết lớp phấn lông bên ngoài, để vỏ và bỏ ruột để nước bí đao được ngọt và ít bị chua hơn. Sau đó cắt nhỏ ra để bí đao khi nấu mau mềm hơn.
Bước 2: Nấu trà bí đao
Xếp mía, quả la hán đã bóp nát và lá dứa ở dưới đáy nồi. Cho bí đao lên trên. Đổ vào 2 lít nước rồi đậy vung, bật lửa vừa nấu trong 30 phút để nấu nước bí đao.
Sau 30 phút, bạn mở nắp ra, cho 200gr đường phèn vào rồi nấu thêm 15 phút nữa. Sau khi bí đã mềm và dậy mùi thơm thì bạn tắt bếp và để nguội.
Sau khi trà bí đao nguội bạn lọc qua rây lấy nước, bỏ phần xác nguyên liệu nấu nước đi. Riêng bí đao thì vắt để lấy cho hết phần nước nhé. Vậy là chúng ta có được trà bí đao.
Bước 3: Làm sương sáo
Pha 10gr bột bắp và 25gr bột sương sáo với 100ml nước, khuấy đều cho bột và nước hòa quyện lại với nhau.
Bắc 1 cái nồi lên bếp và đun sôi 400ml nước. Khi nước sôi, cho phần bột sương sáo đã khuấy đều vào nấu. Để nhỏ lửa nấu trong 3 – 4 phút và khuấy đều tay cho bột tan hoàn toàn.
Đổ qua 1 cái rây để lọc cặn bột rồi cho vào tủ lạnh 2 tiếng cho sương sáo đông lại. Sau đó đem sương sáo ra và cắt nhỏ theo ý thích.
Bước 4: Nấu đường đen
Bắc 1 cái nồi lên bếp, cho vào nồi 50gr đường đen, 50gr đường trắng và 50ml nước. Chỉnh mức lửa nhỏ, khuấy nhẹ và đun cho đến khi hỗn hợp đường tan hết và sánh lại thì tắt bếp.
Bước 5: Thành phẩm
Trước tiên bạn dùng muỗng múc đường đen và phết lên thành ly để trang trí. Cho trà bí đao vào 1/3 ly, tiếp tục cho sữa vào khoảng 1/3 ly rồi cho thêm đá theo sở thích.
Cuối cùng cho sương sáo lên trên là có thể thưởng thức trà sữa bí đao rồi!
Trà sữa bí đao ngọt thanh, tươi mát, không hề bị gắt, ăn kèm sương sáo mát lành và giúp thanh nhiệt cực kì tốt đấy. Đây chính là thức uống không thể bỏ qua trong hè này!
Video hướng dẫn nấu trà sữa bí đao cực dễ
Lưu ý để nấu nước bí đao ngon ngọt, không chua
- Chọn những quả bí đao già, bên ngoài vỏ có đốm vàng, khi cắt ra thì hạt bí đao đã già và cứng.
- Chọn những quả chắc, nặng tay.
- Muốn bí đao ngon thì nên chọn mua loại có phần cuống to và mập.
- Nếu được mình có thể dùng bí đao khô để thay thế cho bí đao tươi nhưng về hương vị thì không khác gì cả, mà còn dễ bảo quản dùng lâu nữa, tiện lợi khi nào dùng thì mang ra dùng thôi.
- Đối với bí đao bạn nên bỏ ruột đi để nước trà bí đao la hán quả thơm ngon hơn và đặc biệt không có vị chua.
- Chỉ nên rửa sạch bí đao, không nên gọt vỏ, vì chất dinh dưỡng của bí đao tập trung rất nhiều ở vỏ.
- Khi cắt bí đao nên cắt vừa phải (khoảng 1 cm là tương đối chuẩn nhất), vì nếu cắt mỏng quá thì sẽ dễ bị rục quá mức, nếu dày quả sẽ không ra hết chất dinh dưỡng của bí đao.
- Khi rót nước trà bí đao la hán quả vào bình để bảo quản thì tốt nhất nên lau thật khô bình, đảm bảo không còn nước sót lại bên trong đó, để có thể bảo quản được lâu hơn.
- La hán quả nên bóp cho nát ra, có như vậy thì hương vị mới có thể ngấm sâu vào trà được.
- Bạn nên chọn đường phèn để nấu thay vì đường cát. Vì đường phèn có vị ngọt thanh hơn và không bị gắt cổ.
- Nếu không thích trà bí đao la hán quả nặng mùi thuốc bắc quá thì có thể giảm bớt lượng thục địa nhé.
Một số thông tin khác có thể bạn quan tâm:
- 2 cách pha trà măng cụt giải nhiệt: “Tam tai” của măng cụt, đến vỏ cũng không tha
- Cách làm gỏi mãng cầu xiêm trộn gà xé: Món ăn lạ miệng, ngon “nhức cái nách”
- Cách làm gỏi gà hoa phượng cực dễ: Màu bắt mắt, vị bắt miệng
- Cách pha cafe ngon, pha 1 lần uống cả tuần cho người nghiện mà ngại làm
- 20 món ngon từ đậu phụ: Dễ làm, dễ ăn, dễ nghiền, mùa hè nhất định phải thử
source https://bloganchoi.com/cach-nau-sam-nuoc-bi-dao-ngon-don-gian/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét