Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ hiện nay, NFT có thể là nhân tố mới giúp các thương hiệu tạo ra bước đột phá. Dưới đây là ví dụ cho thấy một số thương hiệu đang sử dụng NFT để đưa chiến dịch marketing của họ lên tầm cao mới.
Mã thông báo không thể thay thế (NFT) được cho là sẽ đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các thương hiệu với cộng đồng người dùng. Với Web 3.0 sắp ra mắt, sử dụng NFT có thể là một bước đi khôn ngoan giúp nâng cấp các chiến dịch marketing vượt ra khỏi những khuôn khổ truyền thống.
Khái niệm NFT vẫn còn khá mới và khó hiểu đối với nhiều marketer, nhưng trên thực tế nó đã được các doanh nghiệp sử dụng trên quy mô lớn nhằm khám phá tiềm năng đầy hứa hẹn. Các thương hiệu sử dụng NFT như một phương tiện để củng cố thông điệp tiếp thị của họ và đã có nhiều cách sáng tạo để tăng mức độ tương tác của người dùng trên nhiều khía cạnh khác nhau.
NFT giúp tăng nhận biết thương hiệu
Ưu điểm lớn nhất của NFT là chúng có thể được phát triển dưới dạng tài sản kỹ thuật số gắn liền với một thương hiệu và sau đó khách hàng có thể giao dịch hoặc bán để hưởng lợi. Điều này giúp các doanh nghiệp có cơ hội thâm nhập vào thị trường mới gồm những người thích sưu tập vật phẩm và xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng. Nhờ việc tạo ra các vật phẩm NFT được săn đón rộng rãi, doanh nghiệp có thể tạo ra động lực mới và gắn nó vào bản sắc thương hiệu của mình.
Một lý do thuyết phục nữa để sử dụng NFT là chúng có thể giúp thu thập và phân tích thông tin. NFT có thể theo dõi hành vi của khách hàng và thu thập dữ liệu mà sau đó có thể được dùng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Khi NFT ngày càng được sử dụng phổ biến, các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ này sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường.
Nhưng chính xác thì NFT có thể được vận dụng vào các chiến dịch marketing như thế nào? Hãy cùng xem xét chi tiết về các thương hiệu đang sử dụng công cụ này để đạt được hiệu quả tuyệt vời như thế nào.
Thu hút sự chú ý
Theo Alanna Gregory, trưởng nhóm tương tác và giữ chân khách hàng toàn cầu của Afterpay, NFT mang đến cơ hội marketing tương tự như sự phát triển của mạng xã hội trong thập kỷ qua:
“Web3 ngày nay sẽ làm những gì mà mạng xã hội đã làm cho các thương hiệu vào đầu những năm 2010. Sự thay đổi này chủ yếu sẽ được mở ra thông qua thực tế nhập vai, có thương hiệu và được hỗ trợ VR. Giống như khán giả truyền thống đổ xô vào mạng xã hội, họ sẽ theo dõi chính các thương hiệu đó trong các cộng đồng metaverse.”
Một trong những cách sử dụng NFT hiệu quả nhất trong marketing ngày nay là khuyến khích sự tương tác của người dùng thông qua token. Với tư cách là một công nghệ hoàn toàn mới, NFT có thể dễ dàng tạo tiếng vang cho thương hiệu và nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chúng như một công cụ để kéo tương tác. Chẳng hạn, nhà sản xuất tàu Norwegian Cruise Line khi ra mắt các tàu thuộc lớp Prima mới đã hợp tác với một nghệ sĩ để tạo ra 6 tác phẩm nghệ thuật NFT.
Hiện nay Norwegian Cruise Line đã có thị trường NFT của riêng mình và mặc dù bộ sưu tập ban đầu của họ được bán đấu giá ở mức khởi điểm 2.500 USD và số tiền thu được đã được quyên góp cho Teach For America, nhưng thị trường thứ cấp của thương hiệu này đã chứng kiến các token được niêm yết ở mức giá sàn là 10.500 USD.
Điều đó cho thấy sử dụng NFT không chỉ giúp thương hiệu thu hút được sự quan tâm nhiều hơn mà còn có thể khiến người dùng nhận ra chiến dịch marketing này là một cơ hội đầu tư. Tuy nhiên cũng phải cảnh giác với các trò gian lận NFT và nên thực hiện mọi biện pháp để phòng tránh.
Tạo phần thưởng độc quyền
NFT cũng có thể giúp mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng, điều này đã được minh họa bởi nhà máy rượu Robert Mondavi của Mỹ. Đây là thương hiệu đầu tiên trên thế giới tung ra nhãn rượu của riêng mình được bán dưới dạng NFT. Đặc biệt là chỉ có 1996 chai để sưu tầm và các token này có thể được đổi thông qua NFT duy nhất của riêng chúng.
Các token hấp dẫn này được bán lẻ với giá 3.500 USD và mỗi token sở hữu một khóa blockchain có thể mở khóa chai rượu tuyệt hảo của riêng nó. Chiến dịch marketing này được cho là có khả năng tạo ra doanh thu 6,9 triệu USD.
Xây dựng tương tác xã hội
Mặc dù có nhiều biến động ảnh hưởng đến thị trường NFT nhưng các token vẫn được săn đón rất nhiều vì chúng không chỉ là đồ sưu tầm mà còn là cơ hội đầu tư. Điều này đã giúp các thương hiệu không chỉ tăng doanh số bán hàng mà còn thu hút được lượng tương tác đáng kể từ người dùng.
Một ví dụ điển hình là thương hiệu McDonald khi gã khổng lồ thức ăn nhanh của Mỹ tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình như một giải thưởng cho cuộc thi trên mạng xã hội. Để tham gia, người dùng chỉ cần retweet bài đăng của McDonald trên Twitter:
i present to u the most important NFT. RT for a chance to win one of ten exclusive #McRibNFT
no purch. nec. 50 U.S./DC, 18+ only. winners need crypto wallet to receive NFT. rules: https://t.co/2QRhsPlpur pic.twitter.com/KYmWI67PhG
— McDonald's (@McDonalds) November 1, 2021
Với hơn 94.000 lượt retweet trên bài đăng gốc và 11.000 bình luận, chiến dịch này rõ ràng đã thu được mức độ tương tác cao trên mạng xã hội.
Bán hàng ảo
Có nhiều ví dụ cho thấy hoạt động bán hàng ảo chiếm vị trí trung tâm khi nói đến NFT dành cho các thương hiệu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là hãng thời trang Burberry của Vương quốc Anh đã hợp tác với Mythical Games để tạo ra một nhân vật có thương hiệu hoạt động trong không gian ảo, đi kèm với nhân vật là một loạt quần áo và phụ kiện NFT trong game.
Nhân vật ảo có thương hiệu và vật phẩm NFT là những công cụ tuyệt vời để thúc đẩy việc bán hàng hóa có thương hiệu, đồng thời củng cố lòng trung thành và sự tương tác của người dùng. Khi metaverse được phát triển và trở nên phổ biến, chúng ta có thể sẽ thấy hoạt động bán hàng ảo tăng tốc trở thành một công cụ tiếp thị, trong đó các hình đại diện có thể mặc quần áo và phụ kiện có thương hiệu dưới dạng giao diện kỹ thuật số.
Marketing kết hợp NFT đã sẵn sàng bùng nổ?
Đương nhiên lĩnh vực NFT phải đối mặt với nhiều biến động và sự bất ổn của thị trường trên diện rộng, điều này có thể khiến các marketer ngần ngại sử dụng NFT làm công cụ tiếp thị. Nhưng mặt khác, sự ra đời của Web 3.0 có thể mang đến cho các thương hiệu rất nhiều cơ hội bất ngờ để áp dụng token như một phương tiện giúp tăng tương tác và tỷ lệ chuyển đổi.
Nhìn về tương lai của digital marketing, gần như có thể chắc chắn rằng NFT sẽ đóng vai trò rất quan trọng và có rất nhiều tiềm năng đang chờ đợi các doanh nghiệp khám phá.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Samsung sử dụng công cụ tìm kiếm Bing thay cho Google?
- Những lý do khiến Diablo IV sẽ là tựa game thống trị trong năm 2023
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/thuong-hieu-su-dung-nft-ho-tro-marketing/