Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Có thể tin tưởng ChatGPT về thông tin y tế và sức khỏe không?

Cơn sốt ChatGPT đang tạo ra sức ảnh hưởng chưa từng thấy trên thế giới, thậm chí nhiều người đã dựa vào ChatGPT để tham khảo ý kiến và xin lời khuyên về các vấn đề trong đời sống. Nhưng con bot này có thực sự “thông thái” và đáng tin cậy trong lĩnh vực y tế sức khỏe hay không? Làm cách nào để ChatGPT đưa ra thông tin chính xác có ích cho người dùng? Hãy cùng khám phá nhé.

Có thể bạn đang sở hữu một ứng dụng trên điện thoại hay đồng hồ thông minh có chức năng theo dõi các chỉ số sức khỏe, thống kê quá trình tập luyện hay theo dõi chế độ ăn. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe?

ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ AI đang tạo ra cơn sốt toàn cầu và ngày càng nổi tiếng. Tuy nhiên nhiều người vẫn nghi ngờ công cụ này trong lĩnh vực sức khỏe và y tế. ChatGPT có thể bắt chước cách nói chuyện của con người rất tốt, nhưng có một số lưu ý quan trọng phải nhớ nếu bạn có ý định dựa vào nó để tham khảo thông tin về sức khỏe.

ChatGPT có thực sự chính xác trong lĩnh vực sức khỏe? (Ảnh: Internet)
ChatGPT có thực sự chính xác trong lĩnh vực sức khỏe? (Ảnh: Internet)

ChatGPT có tiềm năng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho con người như thế nào?

Khi nói đến thông tin y tế, sử dụng các công cụ AI như ChatGPT sẽ cho chúng ta một số lợi ích đáng kể:

  • ChatGPT rất tiện lợi, sẵn sàng hoạt động 24/7 miễn là có mạng Internet. Nó cũng có thể đưa ra câu trả lời và thông tin được cá nhân hóa một cách nhanh chóng, giúp bạn tiết kiệm thời gian so với việc phải tự mình nghiên cứu thông tin trên mạng.
  • ChatGPT có khả năng truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ và tìm ra câu trả lời nhanh chóng, phù hợp cho câu hỏi của người dùng. Đây là ưu điểm lớn khi bạn không có nhiều thời gian hoặc khi bạn cần tìm thông tin cụ thể nào đó.
  • ChatGPT có thể điều chỉnh câu trả lời và lời khuyên của nó cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của bạn. Ví dụ, nó cho phép bạn đặt ra tham số và đặt nhiều câu hỏi nối tiếp để tìm kiếm thông tin chi tiết hơn, từ đó đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa phù hợp hơn.
  • ChatGPT rất dễ sử dụng. Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ ra và gõ ra được, ChatGPT đều có thể đáp ứng. Thậm chí nếu công cụ này được tích hợp vào trợ lý ảo bằng giọng nói thì người dùng sẽ không cần gõ phím nữa! Điều này có thể giúp cho ChatGPT càng trở nên phổ biến hơn và dễ tiếp cận hơn đối với mọi người ở mọi độ tuổi, bất chấp trình độ hiểu biết về công nghệ.
ChatGPT có nhiều ưu điểm vượt trội (Ảnh: Internet)
ChatGPT có nhiều ưu điểm vượt trội (Ảnh: Internet)

Ví dụ sử dụng ChatGPT để tư vấn về sức khỏe và y tế

Có một số trường hợp bạn có thể sử dụng ChatGPT để tìm hiểu về lĩnh vực y tế sức khỏe. Ví dụ đối với người mới bắt đầu có thể tham khảo về thông tin dinh dưỡng, ví dụ như hướng dẫn chung về thói quen ăn uống lành mạnh. Nó cũng có thể đưa ra lời khuyên về kế hoạch bữa ăn hàng tuần dựa trên tạng người, giới tính, mức độ vận động, độ tuổi, sở thích ăn uống và mục tiêu sức khỏe của bạn (ví dụ như bạn muốn giảm cân, tăng cơ hay mục tiêu khác).

Bạn cũng có thể sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch tập luyện dựa trên thể trạng, mục tiêu và quỹ thời gian của mình. Nó có thể gợi ý cho bạn một ứng dụng yoga tuyệt vời hoặc ứng dụng tập luyện fitness để lấy lại vóc dáng.

Nếu bạn muốn có giấc ngủ ngon hơn, ChatGPT có thể đưa ra các mẹo và gợi ý để cải thiện thói quen đi ngủ, ví dụ như cách thư giãn cơ thể và tạo môi trường thoải mái để chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

ChatGPT có thể đưa ra những thông tin cơ bản giúp chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Internet)
ChatGPT có thể đưa ra những thông tin cơ bản giúp chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Internet)

Bạn cũng có thể dùng ChatGPT để tìm kiếm thông tin về cách thực hiện lối sống lành mạnh, cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật. Thậm chí bạn có thể yêu cầu nó tư vấn về sàng lọc ung thư dựa trên các yếu tố của riêng cá nhân như tuổi, giới tính và tiền sử gia đình.

Hạn chế của ChatGPT khi tư vấn về sức khỏe và y tế

Điều quan trọng cần nhớ là công nghệ AI chỉ hoạt động dựa trên dữ liệu dùng để huấn luyện nó. Theo các nhà phát triển của công ty Open AI đã tạo ra ChatGPT, “ChatGPT không được kết nối với internet và đôi khi nó có thể đưa ra những câu trả lời không chính xác. Nó có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021 và đôi khi cũng có thể tạo ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch.”

Ngoài ra các nhà phát triển lưu ý rằng ChatGPT đôi khi sẽ tự tạo ra các câu trả lời không có thật, hay có thể gọi là “ảo tưởng”. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất của ChatGPT và do đó người dùng phải đặc biệt thận trọng khi xem xét những câu trả lời về y tế sức khỏe do công cụ này đưa ra. Chính OpenAI cũng khuyên mọi người nên tự kiểm tra độ chính xác của câu trả lời.

ChatGPT có thể đưa ra thông tin sai lệch (Ảnh: Internet)
ChatGPT có thể đưa ra thông tin sai lệch (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, ChatGPT hiện không ghi rõ nguồn thông tin tham khảo như các hệ thống AI khác (ví dụ như Perplexity). Mặc dù ngay cả lời khuyên của bác sĩ ngoài đời thật cũng có thể thay đổi theo thời gian tùy theo hiểu biết của khoa học, nhưng điều quan trọng là người dùng phải kiểm tra lại thông tin y tế dựa theo các nguồn đáng tin cậy như bác sĩ. Kiến thức của ChatGPT bị giới hạn tới năm 2021 nghĩa là nó có thể không cập nhật được những tiến bộ mới nhất của y học.

Do đó, nếu bạn muốn sử dụng ChatGPT để tham khảo về y tế và sức khỏe thì có một số mẹo và thủ thuật có thể giúp tăng độ tin cậy của câu trả lời.

Cách sử dụng ChatGPT để đưa ra thông tin chính xác về y tế sức khỏe

Dưới đây là một số cách mà bạn nên làm để nhận được thông tin đáng tin cậy nhất từ ChatGPT:

Kiểm tra thực tế

Vì ChatGPT dễ đưa ra thông tin sai lệch nên bạn cần so sánh câu trả lời của nó với các nguồn khác cũng như các chuyên gia ngoài đời thật. Thậm chí bạn có thể yêu cầu ChatGPT hướng dẫn các nguồn thông tin uy tín về sức khỏe và y tế.

Luôn kiểm tra lại thông tin dựa theo các nguồn đáng tin cậy (Ảnh: Internet)
Luôn kiểm tra lại thông tin dựa theo các nguồn đáng tin cậy (Ảnh: Internet)

Xem xét toàn diện

Lời khuyên về sức khỏe và y tế có thể khác nhau rất nhiều tùy theo mỗi cá nhân, do đó bạn nên cung cấp càng nhiều thông tin chi tiết về bản thân mình càng tốt, bao gồm tiền sử cá nhân, mục tiêu sức khỏe và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, trước khi yêu cầu đưa ra câu trả lời.

Hỏi tiếp để làm rõ thông tin

Nếu thông tin do ChatGPT đưa ra có vẻ không rõ ràng hoặc không đầy đủ, hãy hỏi tiếp để yêu cầu nó giải thích rõ hơn. Thậm chí bạn có thể yêu cầu nó đặt câu hỏi ngược lại để hiểu rõ hơn về bạn trước khi đưa ra câu trả lời.

Hỏi cụ thể

Thông tin do ChatGPT cung cấp có cụ thể hay không còn tùy vào câu hỏi của bạn. Ví dụ, nếu bạn hỏi nó theo cách đơn giản như “Làm cách nào để giảm cân?” thì câu trả lời sẽ rất chung chung. Nhưng nếu bạn đưa ra các tham số và yêu cầu rõ ràng thì nó sẽ đưa ra lời khuyên chi tiết hơn mà bạn có thể áp dụng vào thực tế.

Tóm lại: Có thể tin tưởng ChatGPT để tham khảo thông tin sức khỏe không?

Câu trả lời là còn tùy vào cách bạn sử dụng nó như thế nào. Ví dụ: bạn có sử dụng Instagram, TikTok và Facebook để tìm hiểu về sức khỏe không? Có thể, nhưng không nên coi đó là nguồn thông tin duy nhất. Nhiều người sử dụng các nền tảng này để khơi dậy cảm hứng, nhắc nhở và hỗ trợ trong quá trình rèn luyện sức khỏe của bản thân. Tương tự, bạn chỉ nên coi ChatGPT như một công cụ bổ sung trong việc chăm sóc sức khỏe và phải luôn kiểm tra lại thông tin dựa trên các nguồn uy tín đáng tin cậy.

Cuối cùng, việc dùng ChatGPT như thế nào là quyền của bạn. Hãy ý thức rõ các lợi ích và hạn chế của nó mỗi khi muốn hỏi bất cứ điều gì. Cũng giống như tất cả những nguồn thông tin trên mạng khác, bạn nên cẩn trọng với lời khuyên được đưa ra và phải tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác trước khi đưa ra quyết định.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/chatgpt-thong-tin-y-te-va-suc-khoe/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét