Trong cuộc sống, có lẽ cụm từ “động lực” không còn quá xa lạ. Động lực để học giỏi, động lực kiếm tiền, động lực sống. Nhưng ít ai nói với bạn động lực chỉ là yếu tố mang tính nhất thời, và không có cam kết. Ngược lại, kỉ luật mang tính cam kết lâu dài và là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị của kỷ luật trong trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay. Tính cam kết cho mọi thành công của bạn bắt đầu từ sự kỷ luật của chính bạn!
Kỷ luật quan trọng như thế nào trong cuộc sống?
Nếu như động lực có thể sinh ra và mất đi thì kỷ luật hoàn toàn ngược lại. Nó đòi hỏi sự kiên định, bền bỉ của bạn cho suốt một quá trình dài nỗ lực, cố gắng. Sẽ đến lúc bạn nhận ra không phải lúc nào trong cuộc sống cũng có động lực sẵn ở đó cho bạn. Động lực thực chất do bạn tự tạo ra cho bản thân mình để thực hiện một mục tiêu, một ước mơ hay một tham vọng nào đó. Cách duy nhất để bạn thực hiện được những ước mơ, mục tiêu hay tham vọng đó thì chỉ có kỷ luật.
Kỷ luật sẽ đưa bạn đến nơi mà động lực không làm được giống như tiêu đề tôi đặt ra cho bài viết này vậy. Động lực là bạn sẽ làm khi bạn có hứng và bạn có thể bỏ dở bất cứ lúc nào. Còn kỉ luật là những hành động lặp đi lặp lại thậm chí là không có cảm xúc. Đôi lúc bạn còn cảm thấy nó rất nhàm chán nhưng bạn vẫn làm. Thay vì động lực ngày hôm nay bạn làm một bài ngày hôm sau không làm gì hết thì kỷ luật là mỗi ngày bạn làm một bài, ngày nào cũng làm cho đến khi bạn hoàn thành.
Làm sao để duy trì kỷ luật cho bản thân?
Ở lứa tuổi học sinh sinh viên mình gặp không ít các bạn trẻ, mỗi ngày các bạn tạo ra cho bản thân rất nhiều động lực khác nhau chẳng hạn như: “Từ nay sẽ giảm cân để có eo thon như Ngọc Trinh”, “Quyết tâm giành học bổng đi du học”, “Mỗi ngày tôi sẽ dậy vào lúc 4 giờ sáng”… Dẫu biết là chẳng có gì sai khi các bạn tạo ra cho mình một động lực để cố gắng nhưng việc đặt ra những động lực ấy sẽ trở nên phi thực tế hay nói cách khác là “động lực ảo” nếu các bạn không cố gắng đến cùng, hay chỉ được dăm ba ngày rồi bỏ.
Vậy phải làm sao để động lực trở nên thực tế ? chỉ có một cách bạn phải rèn luyện “Tính Kỷ luật”, duy trì nó như một thói quen hằng ngày. Từ đó, bạn sẽ thấy những động lực bạn tự đặt đặt ra lâu nay đã không còn là gánh nặng đối với bạn như trước nữa, con đường đi đến những mục tiêu của bạn sẽ được rút ngắn dần theo thời gian.
Tôi biết ngay lúc bắt đầu sẽ rất khó khăn cho bạn để làm một điều gì đó lặp đi lặp lại, nhưng mọi thứ sẽ thay đổi theo thời gian, bạn sẽ quen dần với điều đó. Cho một ví dụ nhé:Lúc nhỏ bạn tập đi xe đạp cảm thấy rất khó khăn trong việc giữ thăng bằng đúng không? Tôi cũng giống như bạn vậy đó, nhưng ngày qua ngày bạn tập luyện rồi bạn cũng cảm thấy đạp xe chẳng có gì khó khăn cả, phải không nào. Vậy đó, nếu bạn muốn đạt được một điều gì đó cũng vậy, bạn phải dành thời gian, sự kiên định, đặc biệt là tinh thần kỷ luật cao. Tôi tin bạn sẽ làm được.
Mặt khác, chúng ta không phải cỗ máy để lúc nào cũng phải kỷ luật 24/24. Sẽ có những ngày bạn buông thả bản thân, cho phép bản thân được lười biếng. Nhưng hãy đảm bảo rằng sau khi quay lại với học tập, công việc bạn phải tràn đầy năng lượng, kỷ luật với những mục tiêu đã đề ra để mang đến những kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của bản thân nhé các bạn!
source https://bloganchoi.com/ki-luat-dong-luc-tinh-cam-ket-cho-moi-thanh-cong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét