Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người bệnh trong quá trình điều trị ung thư

Một vài phương pháp điều trị ung thư làm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tạm thời và dễ có nguy cơ nhiễm trùng từ đường tiêu hóa. Cùng tìm hiểu với BlogAnChoi xem làm sao để đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình điều trị ung thư nha!

Phương pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Bệnh nhân cần thận trọng với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm trong suốt quá trình điều trị. Một vài phương pháp phổ biến trên thế giới để đảm bảo an toàn thực phẩm như:

  • Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn nguyên vẹn bao bì và còn hạn sử dụng.
  • Ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống. Nếu không có điều kiện đi chợ hàng ngày thì bệnh nhân có thể sử dụng thực phẩm đông lạnh. Lưu ý là thực phẩm đông lạnh chỉ được phép rã đông một lần. Do đó, trước khi bảo quản, bạn nên chia nhỏ thực phẩm để vừa đủ cho một lần sử dụng.
  • Khi rã đông, cách tốt nhất là bạn nên đưa thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh. Nếu không được thì bạn cũng có thể sử dụng chế độ rã đông ở lò vi sóng. Cách cuối cùng là xả thực phẩm đông lạnh dưới vòi nước mát để rã đông. Chú ý là không nên rã đông ở nhiệt độ phòng và thực phẩm rã đông bằng lò vi sóng thì phải được chế biến ngay.
  • Đối với thực phẩm có vỏ cứng bên ngoài như cam, bơ,… bạn nên dùng bàn chải chà nhẹ nhàng lớp vỏ bên ngoài và rửa sạch trước khi cắt hay lột vỏ. Đối với thực phẩm có vỏ mềm như nho, cherry,… bạn nên ngâm trong nước không được lâu hơn 30 phút và sau đó rửa lại dưới vòi nước sạch.
Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc (Nguồn: Internet)
Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc (Nguồn: Internet)
  • Rửa tay, dụng cụ nhà bếp (dao, thớt) trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm, đặc biệt đối với thịt hoặc cá sống.
  • Sử dụng một thớt cho thực phẩm sống và một thớt cho thực phẩm chín. Để dễ phân biệt, bạn nên mua 2 thớt có hình dạng, màu sắc khác nhau.
  • Nên nấu chín kỹ thực phẩm đến tận bên trong, đặc biệt là thịt, cá, trứng.
  • Không ăn thịt, cá, trứng sống như bò tái, nem chua, sushi, sashimi, trứng luộc lòng đào,…
Nên ăn thực phẩm tươi, nấu chín kỹ (Nguồn: Internet)
Nên ăn thực phẩm tươi, nấu chín kỹ (Nguồn: Internet)
  • Hạn chế ăn buffet hoặc các khu vực tự phục vụ.
  • Nên ăn ngay sau khi nấu. Không để thực phẩm nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng.
  • Bảo quản thực phẩm còn dư vào hộp kín trong ngăn mát tủ lạnh càng sớm càng tốt và bảo quản không quá 3 ngày.
  • Đảm bảo sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa đã được tiệt trùng.

Thảo dược (nấm lim xanh, nấm linh chi, tam thất,…) có điều trị ung thư được không?

Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được rằng các loại thảo dược như nấm lim xanh, nấm linh chi, tam thất,… có thể chữa trị hoặc làm chậm quá trình tiến triển của ung thư. Do vậy, không được từ chối điều trị ung thư bằng phương pháp Tây y mà theo đuổi điều trị bằng các loại thảo dược.

Thảo dược không thể điều trị ung thư (Nguồn: Internet)
Thảo dược không thể điều trị ung thư (Nguồn: Internet)

Đặc biệt là ở người trẻ, ung thư giai đoạn sớm hoặc những loại ung thư có khả năng chữa trị thành công cao, nếu từ chối điều trị ung thư bằng phương pháp Tây y mà theo đuổi điều trị bằng các loại thảo dược thì điều đó cũng đồng nghĩa bệnh nhân đang đánh mất cơ hội điều trị cho chính mình. Nói chung, các loại thảo dược chỉ mang tính chất hỗ trợ như tăng cường sức đề kháng chứ không mang tính chất điều trị.

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:

Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
  2. Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học.


source https://bloganchoi.com/dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-dieu-tri-ung-thu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét