Thị trường tài chính trong những giờ khắc cuối cùng của năm đầy những tiếng thở dài của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Những biến động liên quan đến chính trị, thời tiết khắc nghiệt ở nhiều nơi do biến đổi khí hậu và sự điều chỉnh của các chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến 2022 thật sự là một năm kinh tế buồn.
Một năm đáng quên của thị trường tài chính – chứng khoán
Ở phố Wall, cả ba chỉ số trung bình chính đều giảm vào thứ Sáu, đánh dấu năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 và kết thúc chuỗi ba năm chiến thắng.
Chỉ số Dow Jones giảm 73 điểm, tương đương 0,2% vào thứ Sáu, ngày giao dịch cuối cùng của năm. Tính riêng trong năm nay, chỉ số công nghiệp này đã giảm khoảng 9%.
Chỉ số S&P 500 thậm chí còn kết thúc thảm hại hơn khi giảm hơn 0,3% trong phiên giao dịch cuối cùng, và mất khoảng 20% giá trị trong năm 2022.
Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng giảm 0,1% vào thứ Sáu, gần với mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Chỉ số công nghệ này kết thúc năm với mức giảm tổng là 33%.
Ở phố Wall lúc này, người vui mừng nhất có lẽ là những nhà đầu tư vào cổ phiếu năng lượng. Quỹ iShares US Energy ETF, quỹ theo dõi cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ, đã tăng 52% vào năm 2022. Con số này đã tăng vọt 126% trong hai năm qua do chi phí dầu và khí đốt tăng cao, làm giảm lợi nhuận của công ty.
Còn tại châu Âu, thị trường tài chính cũng kết thúc năm với mức giảm 11,8%, kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 2018.
Quá ít nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và một năm nữa của COVID đã khiến thị trường đảo lộn trong năm nay.
Lạm phát gia tăng trên toàn cầu và các ngân hàng trung ương đã buộc phải tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục để giữ cho đà tăng giá không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, định kỳ đóng cửa toàn bộ các thành phố để ngăn chặn đại dịch. Nguồn cung cấp năng lượng đã bị cắt, nhưng dù sao thì nỗi lo suy thoái kinh tế cũng khiến nhu cầu giảm trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và những cơn bão lớn cũng khiến kinh tế thế giới thêm phần khó khăn.
Hậu quả có quá ít nơi an toàn cho các nhà đầu tư gửi tiền của họ. Trong khi chứng khoán có một năm tồi tệ, trái phiếu thậm chí còn tồi tệ hơn. Lạm phát, tăng lãi suất ồ ạt và đồng đô la siêu mạnh khiến trái phiếu không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tỷ suất sinh lợi của Chỉ số S&P Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ là -10,7% vào năm 2022. Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 30 năm, ở mức thấp, đã giảm xuống mức sinh lợi tồi tệ nhất, -35%, trong một thế kỷ.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng có một năm 2022 khốn khổ: Lợi tức thu được từ trái phiếu do các công ty thuộc S&P 500 phát hành là -14,2% trong năm nay. Chỉ số trái phiếu Mỹ tổng hợp của Bloomberg có năm tồi tệ nhất kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1977, theo FactSet.
Lạm phát tăng nhanh trên 9% ở Mỹ – mức cao nhất trong 40 năm – làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Nhưng nó chủ yếu làm thiệt hại lợi nhuận của các công ty.
Theo John Butters, chuyên gia phân tích tại FactSet, thu nhập của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến chỉ tăng 5,1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm là 8,5% mà Phố Wall đã công bố trong 10 năm qua.
May mắn thay, lĩnh vực năng lượng đã mang lại lợi nhuận hơn 60% trong năm nay, vượt trội đáng kể so với mọi lĩnh vực khác trong S&P 500. Trong bối cảnh không có lĩnh vực nào khác tăng nổi 5% từ đầu năm đến nay. Đây cũng chính là nguồn sống khi tạo ra toàn bộ lợi nhuận của Phố Wall. Butters dự đoán nếu loại trừ năng lượng, thu nhập của S&P 500 sẽ giảm 1,8% trong năm 2022.
Occidental Petroleum là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm này, với mức tăng khoảng 120%. Constellation Energy đứng ở vị trí thứ hai, tăng khoảng 110% và Hess đứng thứ ba với mức tăng khoảng 95%.
Nhưng nhìn chung, mức lợi nhuận từ trung bình đến thảm hại đã khiến thị trường cổ phiếu giảm mạnh trong suốt cả năm. Chứng khoán toàn cầu đã mất 33.000 tỷ USD giá trị từ mức đỉnh của chúng.
Generac Holdings, một công ty giải pháp công nghệ năng lượng, là cổ phiếu hoạt động kém nhất trong S&P 500 năm nay, giảm khoảng 74%. Đứng thứ hai là công ty ứng dụng hẹn hò Match Group, giảm 70%.
Cổ phiếu tăng trưởng, hoặc cổ phiếu của các công ty đang mở rộng kinh doanh một cách nhanh chóng, đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Các nhà đầu tư đánh giá các công ty này dựa trên kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Nhưng viễn cảnh màu hồng đó đã không tới trong một năm kinh tế xám xịt.
Tesla của Elon Musk giảm khoảng 70%, khiến công ty công nghệ ô tô này trở thành công ty hoạt động kém thứ ba trong năm nay. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng góp mặt trong 10 cổ phiếu kém nhất — giảm 64% vào năm 2022.
Nên nhớ rằng vào đầu năm nay, Tesla vẫn là công ty có giá trị lớn thứ 5 trong S&P 500 và Meta đứng thứ 6. Còn ở thời điểm hiện tại, Tesla là công ty có giá trị cao thứ 11 trong chỉ số và Meta rớt xuống vị trí thứ 19.
Ngay cả Amazon, Apple và Microsoft – những Big Tech – cũng gặp phải những cú sốc lớn khi các nhà đầu tư điều chỉnh theo một môi trường mà tỷ giá đang tăng.
Cũng không thể không nhắc đến những thảm họa tiền số khiến hàng triệu nhà đầu tư bỗng dưng mất trắng. Sau đợt tăng giá ấn tượng vào năm 2021 để đạt mức cao kỷ lục (như dogecoin tăng phi mã nhờ vào những trò lố của Musk), các nhà đầu tư đã phải đối mặt với hàng loạt cú sốc lớn mang tính dây chuyền.
Đầu tiên là sự sụp đổ của đồng TerraUSD/Luna, gián tiếp khiến quỹ cho vay tiền điện tử Celcius rồi tới Quỹ đầu tư Three Capital Arrow phải tuyên bố phá sản. Rồi mới đây là cú lừa ngoạn mục mang tên FTX, khi CEO và người đồng sáng lập của nó lén lút rút tiền của khách hàng đi cho bạn gái đầu tư – mà lạ thay, càng đầu tư càng lỗ và lỗ tới hàng tỷ USD.
Kết quả là nhà đầu tư vội vã và nhanh chóng rút hết tiền ra khỏi các sàn tiền kỹ thuật số (vì nhỡ đâu mai nó sập thì sao?). Chính phủ các nước thì cũng vội vã xây dựng luật và chính sách để quản lý thị trường này. Còn những người đứng đầu trong các sàn tiền điện tử thừa nhận có thể sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại niềm tin.
Bài viết bạn có thể quan tâm:
- Chuyên gia dự báo Bitcoin có thể mất tới 18% giá trị và suy thoái kéo dài
- Góc nhìn chuyên gia: Triển vọng kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2023?
- 7 gợi ý giúp doanh nghiệp triển khai chiến dịch influencer marketing hiệu quả năm 2023
Đừng quên theo dõi Blog Ăn Chơi để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường tài chính – kinh tế nhé!
source https://bloganchoi.com/thi-truong-tai-chinh-ket-thuc-nam-2022/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét