Tân binh phòng vé “Cô gái từ quá khứ” đã chính thức ra rạp mới đây vào ngày 13/10. Bước ra từ phòng chiếu, một vị khán giả đã không tiếc lời tán dương: “Đây là bộ phim Việt chỉn chu và đáng xem nhất thời điểm hiện tại”.
Một trong những phim Việt được chờ đợi nhất thời gian gần đây chính là “Cô gái từ quá khứ” bởi bộ phim này quy tụ dàn cast chất lượng với sự tham gia của Ninh Dương Lan Ngọc – “ngọc nữ” màn ảnh Việt – và Kaity nguyễn – “bảo chứng phòng vé”. Chính thức ra rạp từ 13/10, bộ phim đã thu hút nhiều tín đồ điện ảnh và nhận về không ít lời khen ngợi.
5. Tạo hình nhân vật và hậu kỳ
Khán giả gần như đã quen với hình tượng của Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn đều xinh đẹp, chỉn chu, thế nhưng, vào vai hai nhân vật có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, Lan Ngọc và Kaity đã khiến người xem một phen “hết hồn”. Những chi tiết như đầu tóc rối xù, răng nhiều vết ố, quần áo tả tơi và những phân cảnh Hoàng Quyên (Lan Ngọc thủ vai) ăn vụng miếng cơm cúng đã lột tả một cách chính xác và chân thực hình tượng nhân vật trong phim.
Đến phân đoạn nhân vật Hoàng Quyên “vịt hóa thiên nga”, tạo hình của nhân vật lại vô cùng kiều diễm, xinh đẹp, gắn với bối cảnh những chiếc “penthouse” và siêu xe sang trọng. Hai thái cực hình ảnh này đã làm mãn nhãn người xem.
Không chỉ trau chuốt về mặt hình tượng nhân vật, đoàn làm phim của “Cô gái từ quá khứ” cũng có sự đầu tư cho phần hậu kỳ. Điều khiến fan phim không cảm thấy thất vọng như độ giả trân của hiệu ứng hậu kỳ của những “bi kịch” phòng vé của những bộ phim Việt gần đây, có lẽ một phần đến từ những kỹ xảo chân thật của “Cô gái từ quá khứ”.
Hình ảnh ngọn lửa thiêu hay thanh kiếm xuyên qua người đều vô cùng chân thực, kết hợp cùng hiệu ứng âm thanh sống động đã đưa người xem đi vào trong câu chuyện của nhân vật, như thể câu chuyện chính là một sự việc có thực đã xảy ra ở Bảo Lộc và ở Sài Gòn – bối cảnh được lấy của bộ phim.
4. Diễn xuất của các diễn viên
Ngay sau khi bộ phim được công chiếu, điều khiến công chúng và báo giới dành nhiều sự chú ý nhiều nhất chính là diễn xuất của Lan Ngọc. Nhiều người đánh giá, cô đã có cho mình một vai diễn xứng tầm, một lần lột xác hình tượng.
Với bề dày kinh nghiệm trong nghiệp diễn xuất, Lan Ngọc đã vào vai nhân vật Đỗ Hoàng Quyên một cách trọn vẹn, tròn vai, lột tả được những cung bậc cảm xúc nhân vật, ngay cả khi nhân vật cô đảm nhận có hai mặt đối lập trong một con người. Khán giả nhìn ra được sự túng quẫn, bần hàn nhưng lại có chút gian trá của cô gái nhà quê tên Quyên trong quá khứ, cũng cảm nhận được sự sang chảnh nhưng cũng nhiều ưu lo của Ms.Q – Hoàng Quyên của hiện tại.
Song hành với Ninh Dương Lan Ngọc là Kaity Nguyễn, người vào vai Quỳnh Yên – một cô gái có diễn biến nội tâm phức tạp không kém. Vốn được người hâm mộ nhớ đến với vai diễn thành công trong “Em chưa 18”, Kaity Nguyễn đứng trước thách thức phải phá đảo được hình tượng cũ, thoát được cái bóng của nhân vật Linh Đan.
Nhưng không làm khán giả thất vọng, với vai diễn Quỳnh Yên “đa nhân cách”- một mặt là cô bé ngây thơ chân thành, một mặt là ác nữ mưu mô xảo trá, Kaity đã chứng minh được rằng cô có thể “cân” được mọi loại hình nhân vật khi nhận kịch bản.
Không chỉ hai nhân vật chính đã lột xác và lăn xả vì vai diễn, NSƯT Lê Khanh trong vai bà Kim, NSƯT Hữu Châu vai ông Tùng, Lãnh Thanh trong vai Bách đều có sự chuyển mình trong hình tượng. Chưa nói đến những cái tên gạo cội như Hữu Châu hay Lê Khanh, Lãnh Thanh trong vai Bách cũng khiến người xem cảm thấy “diễn như không diễn”, thực sự là một phá gia chi tử, một tên lưu manh khốn nạn và đáng ghê tởm, khác hoàn toàn những gì người xem đã quen nhìn thấy từ trước tới nay.
3. Những cú plot twist khiến khán giả ngã ngửa
“Cô gái từ quá khứ” đã mở đầu với intro là một vụ hỏa hoạn và mưu sát đầy kịch tính nhưng chưa khiến người xem bất ngờ. Một vài khán giả đã bắt đầu bình phẩm phim ngay từ phần đầu và chưa hề nhập tâm. Thế nhưng, khán phòng bắt đầu yên lặng và dõi theo từng tình tiết. Và cú plot twist đầu tiên đến mà không hề “báo” trước, chỉ trong 3 giây ngắn ngủi, khán giả đã phải ồ lên kinh ngạc và bắt đầu ngộ ra được những điều khó hiểu trước đó.
Cái hay của “Cô gái đến từ quá khứ” là chuỗi plot twist nối tiếp nhau, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ suy nghĩ rằng đây là một drama chính kịch thường thấy, nhịp phim đột ngột thay đổi, tình tiết mở nút dồn dập xuất hiện, “Cô gái từ quá khứ” trong phút chốc trở thành một tấn kịch tâm lý xã hội, đây hẳn là cú plot twist đến từ vị trí biên kịch, tạo nên sự khác biệt cho “Cô gái từ quá khứ”.
Plot twist của phim không hẳn xuất sắc như những bộ phim Hollywood, nhưng có lẽ chính nhờ là một bộ phim Việt, đã khiến tấn kịch ấy trở nên rất “đời”. Và ngay chi tiết nằm cuối cùng bộ phim, plot twist vẫn xuất hiện, lần này không nhanh và dồn dập như trước, nhưng vẫn mang ý nghĩa đưa thông điệp một lần nữa in hằn lên tâm trí người xem.
2. Xây dựng kịch bản có chiều sâu, có tiết tấu
Với cách đan xen diễn biến theo tâm trạng nhân vật chứ không đi theo kết cấu thời gian, người xem đồng thời cũng đi cùng với những cung bậc cảm xúc của nhân vật chính. Kết cấu trọng tâm nằm ở phần cuối phim, người xem phải đợi đến những phút cuối cùng mới lý giải được diễn tiến.
Không nhiều những giây phút lãng mạn hường phấn hay sướt mướt ủy mị như các bộ phim Việt thường thấy, nhưng tấn bi kịch “Cô gái từ quá khứ” vẫn có sự hài hước từ hội chị em bạn dì của nhân vật chính, hay có sự ngọt ngào nóng bỏng từ tình yêu được đoàn làm phim cài cắm vào. Vừa đủ cho người xem không cảm thấy nhàm chán, mọi chi tiết của kịch bản đều có sự tính toán hợp lý, ăn khớp với nội dung.
1. Thông điệp để lại được dư ba trong lòng khán giả
Ám ảnh và nhức nhối là ấn tượng của khán giả đối với thông điệp của “Cô gái từ quá khứ”. Phim lấy đề tài về một căn bệnh tâm lý tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ – Tâm thần phân liệt – để nói lên bi kịch của nhân vật và những vấn nạn, tiêu cực tồn tại trong xã hội.
Trong phần cuối bộ phim, khi tất cả đã vỡ lở, khi bi kịch trong quá khứ lại một lần nữa lặp lại trong hiện tại, một bài hát với giai điệu đầy ám ảnh đã được phát, khiến tất cả như ngưng đọng lại. Đau đớn, thống khổ, rạn nứt đều hiện hữu, nhưng nó không bùng phát lên như cách mà nhân vật Quyên không hề khóc, chỉ lặng lẽ nằm xuống ôm lấy Jack – người chồng chính tay cô vừa làm hại. Chúng chỉ đọng lại ngay ở đáy mắt, và khán giả đều im lặng, nhấm nháp vị đắng của nỗi đau cuộc đời Quyên.
Chính chi tiết ấy đã khiến cho thông điệp được dấy lên một cách ám ảnh và nhức nhối. Nói chính xác hơn, phim không “nói” thông điệp là gì, mà chỉ “hỏi” người xem, để người xem tự vấn tự đáp. Cuối cùng, phim đã đưa ra con số thống kê về thực trạng của căn bệnh tâm thần phân liệt và kêu gọi xã hội quan tâm hơn đến con “quái vật” tâm lý này.
Nhìn chung, “Cô gái từ quá khứ” có thể không khiến người ta phải ồ lên như những siêu phẩm từ vũ trụ Marvel hay thiên đường Disney, thành công của bộ phim có lẽ phải chờ đến con số phòng vé có đủ bùng nổ, và chính bạn phải tự mình cảm nhận để trả lời. Nhưng với sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản đến hình ảnh và dàn diễn viên thực lực, hứa hẹn “Cô gái từ quá khứ” vẫn là một sự lựa chọn khiến người ra rạp cảm thấy hài lòng.
Bạn có thể quan tâm:
- Những lý do khán giả Việt nên bỏ tiền ra rạp xem “Girls 2: Những Cô Gái Và Gangsters”
- Tâm lý phụ nữ- một thế giới nhiều uẩn khúc và gai góc qua 5 bộ phim tâm lý gây ám ảnh
- 1001 lý do các bạn gái nên có váy slip dress trong tủ đồ
source https://bloganchoi.com/review-co-gai-tu-qua-khu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét