Kì thi đại học kết thúc cũng là lúc các bạn trẻ bắt đầu chạm chân đến ngưỡng cửa cuộc đời. Có người chọn dừng việc học để có thể ngay lập tức kiếm tiền, cũng có người tiếp tục con đường tri thức của mình bằng cách đăng kí vào các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên không phải ai cũng lựa chọn học ở một ngôi trường gần nhà. Vậy khi bắt đầu theo đuổi đam mê ở một chân trời mới, các bạn tân sinh viên cần biết điều gì?
1. Thuê trọ uy tín
Đây hẳn là một trong những điều không chỉ các bạn sinh viên mà cả phụ huynh e ngại khi cho con đến một thành phố khác để học tập và sinh sống. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm khiến các bạn không biết bắt đầu từ đâu. Vậy nên điều đầu tiên bạn có thể làm đó là tìm hiểu về khu vực xung quanh trường mình, sau đó tìm đến các hội nhóm cho thuê trọ trong khu vực đó và lựa chọn phòng phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.
Tuy nhiên bạn cần phải có các biện pháp an toàn để xác minh được danh tính người cho thuê, cần đến xem phòng trực tiếp trước khi đặt cọc và kiểm tra thật kĩ hợp đồng trước khi kí nhằm tránh mất tiền oan. Thực tế đã có không ít trường hợp các bạn sinh viên bị lừa do chủ quan và không có kinh nghiệm trong việc đi thuê trọ. Bạn cũng có thể nhờ anh chị em, bạn bè, hoặc những người có kinh nghiệm đi cùng để đảm bảo an toàn hơn.
Ngoài ra, nếu bạn còn e ngại vấn đề thuê trọ ngoài thì có thể tham khảo ở kí túc xá của trường. Đây cũng là một cách giúp bạn vừa làm quen được bạn mới vừa tránh được rủi ro khi sống một mình bên ngoài.
2. Quản lí chi tiêu
Sau 18 năm sống cùng phụ huynh và không được tự quản lí tiền bạc, hẳn các bạn tân sinh viên rất háo hức khi có thể tự tay giữ tiền và tiêu tiền theo ý thích mà không cần phải hỏi ý kiến người lớn. Bạn có thể sẽ có những buổi tụ tập bạn bè, hoặc mua sắm những món đồ mà bạn thích thú,… Đi kèm với đó, khả năng bạn lỡ “vung tay quá trán” là rất cao.
Vậy nên một cách đơn giản để quản lí chi tiêu của mình là phân chia nguồn tiền thành các nhóm chính, ví dụ như tiền thuê trọ, tiền ăn uống, tiền tiêu dùng hàng ngày,… Thêm vào đó, bạn cũng có thể ghi chép lại chi tiêu trong tháng của mình để kiếm soát được đâu là khoản chi tiêu hợp lí và đâu là khoản không cần thiết.
3. Cân bằng giữa học và làm
Hầu hết sinh viên ai cũng đã từng đi làm ít nhất một công việc bán thời gian. Có thể là vì để trang trải chi phí, có thể chỉ là để có thêm kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống. Nhưng ai cũng biết rằng sức mạnh của đồng tiền là rất lớn. Bạn có thể dễ dàng lơ là việc học của mình nếu quá chú tâm vào công việc làm thêm.
Ở hầu hết các trường, năm nhất và năm hai sẽ là hai năm khá nhẹ nhàng, chủ yếu là học các môn đại cương cơ bản. Vậy nên bạn có thể chọn đi làm trong khoảng thời gian này để công việc không trở thành gánh nặng trong học tập. Bạn có thể làm bán thời gian tại quán ăn, quán cafe, cửa hàng tiện lợi,… vì đây là những nơi bạn có thể làm việc theo ca đã đăng kí. Sắp xếp thời gian học tập và làm việc hợp lí, vậy là bạn có thể vừa hoàn thành tốt bài tập ở trường vừa kiếm được tiền rồi.
4. Trải nghiệm đời sống sinh viên
Đời sinh viên của ai cũng phải trải qua ít nhất vài lần chạy deadline đến mất ăn mất ngủ, hoặc là được trải nghiệm thử cuộc sống nhập ngũ khi đi học quân sự. Áp dụng một phương pháp học mới, quen được những người bạn mới, làm những chuyện chưa từng làm bao giờ, gặp phải những vấn đề mà bạn sẽ phải tự mình giải quyết,… Tất cả những gì bạn trải qua trong suốt 4 năm đại học sẽ trở thành những kỉ niệm đáng nhớ mà đến sau này khi bạn tốt nghiệp rồi, mãi mãi bạn sẽ không thể có lại được. Tuổi trẻ chỉ có một lần và chúng ta không nên phung phí. Vậy nên nếu có cơ hội, bạn hãy cứ trải nghiệm hết nhé. Nó sẽ là một hành trang quý báu cho đường đời của bạn sau này đấy!
Một số bài viết liên quan:
- 10 điều tân sinh viên cần chuẩn bị trước và sau khi nhập học
- 10 kinh nghiệm “xương máu” dành cho tân sinh viên để “sống còn” trong môi trường đại học
- Bật mí 5 cách phối đồ đi học dành cho những cô nàng tân sinh viên
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức mới nhất nhé!
source https://bloganchoi.com/nhung-dieu-tan-sinh-vien-can-biet-khi-song-xa-nha/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét