Xe ô tô được trang bị nhiều công nghệ giúp đảm bảo an toàn cho người dùng trong mọi tình huống, đặc biệt là các công nghệ hiện đại được thiết kế tự động có thể loại bỏ những sai sót của con người, tránh xảy ra tai nạn và giảm nhẹ thiệt hại nếu có xảy ra. Dưới đây là những công nghệ an toàn hiện đại được sử dụng phổ biến trên ô tô, hãy cùng khám phá nhé!
Công nghệ an toàn cho xe hơi đã bắt đầu được quan tâm phát triển từ cuối những năm 1980. Một số tính năng an toàn mà ngày nay chúng ta coi là bình thường, ví dụ như dây an toàn và túi khí, thực ra đã từng là những sáng kiến công nghệ mang tính đột phá và mất nhiều năm mới trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả mọi chiếc xe được bán ra thị trường.
Bước phát triển tiếp theo để đảm bảo an toàn cho xe là những công nghệ tự động. Mặc dù chưa có luật nào yêu cầu tất cả xe ô tô phải trang bị các công nghệ này nhưng hầu hết các mẫu xe đời mới đều áp dụng chúng để giảm nguy cơ tai nạn xuống mức tối thiểu.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), trong năm 2021 ở Mỹ có khoảng 42.915 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông xe cơ giới. Với số vụ tai nạn đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2005, NHTSA nhận xét rằng tình trạng an toàn giao thông đường bộ đang có vấn đề nghiêm trọng.
Cơ quan này cũng cảnh báo rằng 94% các vụ tai nạn mức độ nặng có liên quan trực tiếp đến lỗi của con người. Đó cũng là một trong những lý do cần phải áp dụng các công nghệ mới tự động để giúp tránh sai sót của người lái và giảm tai nạn.
Hãng xe điện Tesla hiện nay được coi là dẫn đầu trong lĩnh vực tự động hóa xe hơi, nhưng nhiều thương hiệu khác cũng trang bị các tính năng tự lái và tính năng an toàn tự động cơ bản cho hầu hết các mẫu xe mới của họ. Tất cả những tính năng này được thiết kế dựa trên các cảm biến và camera cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống máy tính thông minh trên xe phân tích và xử lý, có thể nói là chiếc xe có khả năng “nhận biết” môi trường xung quanh để hoạt động một cách tối ưu, giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.
Các công nghệ an toàn tự động cho xe hơi phổ biến hiện nay là:
- Phanh khẩn cấp tự động (AEB)
- Cảnh báo va chạm phía trước (FCW)
- Cảnh báo điểm mù (BSW)
- Hỗ trợ cắt ngang phía sau (RCTA)
- Cảnh báo chệch làn đường (LDW)
- Hỗ trợ giữ làn đường (LKA)
- Kiểm soát hành trình thích ứng (ACC)
Dưới đây chúng ta sẽ xem từng công nghệ này một cách chi tiết.
1. Phanh khẩn cấp tự động (AEB)
Theo thông tin của J.D. Power – công ty nghiên cứu, dữ liệu và phân tích người dùng của Mỹ – thì hệ thống AEB lần đầu tiên xuất hiện như một tính năng cao cấp của xe hơi hạng sang vào giữa những năm 2000. Đến năm 2023, hầu hết mọi chiếc xe mới sản xuất được bán ở Mỹ đều được trang bị công nghệ AEB theo thỏa thuận giữa các nhà sản xuất ô tô và NHTSA.
Phanh khẩn cấp tự động là hệ thống công nghệ an toàn có thể dự đoán nguy cơ xảy ra một vụ va chạm và phản ứng tự động bằng cách kích hoạt phanh của xe, có thể làm dừng lại ngay lập tức hoặc giảm tốc độ. Hệ thống AEB cần dữ liệu từ các thiết bị như radar, camera và LiDAR để nhận biết môi trường và phân tích các mối nguy hiểm theo thời gian thực.
AEB có một số nhược điểm như kém hiệu quả vào ban đêm hơn so với ban ngày, thường hoạt động tốt hơn khi xe chạy với tốc độ thấp, còn khi xe chạy nhanh nó có thể không làm dừng xe hoàn toàn. Một số yếu tố như bóng tối trên đường có thể khiến AEB kích hoạt cảnh báo nhầm và khiến cho xe bị phanh tự động.
AEB có thể hoạt động trong điều kiện giao thông đông đúc và giao thông bình thường, trên bãi đậu xe, môi trường đô thị, nông thôn hoặc đường cao tốc. Các tính năng quan trọng của hệ thống AEB gồm phát hiện người đi bộ, người đi xe đạp và phanh tự động khi lùi.
Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) cho biết rằng hệ thống AEB giúp giảm 50% các vụ va chạm từ phía trước và 56% các vụ đâm xe từ phía trước có xảy ra thương tích. Ngoài ra hệ thống AEB trong điều kiện ánh sáng tốt giúp giảm 27% các vụ va chạm với người đi bộ và 30% tỷ lệ va chạm có thương tích.
2. Cảnh báo va chạm phía trước (FCW)
Cũng dựa vào radar, LiDAR hay camera để thu nhận dữ liệu từ môi trường xung quanh, nhưng khác với hệ thống AEB, công nghệ FCW không tự động kiểm soát xe mà chỉ đưa ra cảnh báo dưới dạng hình ảnh, âm thanh hoặc rung để người lái quyết định hành động khi có nguy cơ xảy ra va chạm. Bản thân hệ thống FCW không có tác dụng phanh xe nhưng các nhà sản xuất ô tô có thể ghép nối chúng với AEB để tạo ra các hệ thống tích hợp đa năng hơn.
Cảnh báo của FCW được đưa ra kịp thời để người lái xe có đủ thời gian để phản ứng như giảm tốc độ, phanh hoặc đánh lái đổi hướng. Công nghệ này cũng đang được phát triển và hoàn thiện, đến năm 2022 hầu hết các hệ thống FCW có thể được điều chỉnh để đưa ra cảnh báo sớm, trung bình hoặc muộn.
Tuy nhiên FCW cũng có một số nhược điểm, vì chúng hoạt động dựa vào cảm biến hoặc camera nên các yếu tố môi trường như băng, tuyết, sương mù hoặc thời tiết xấu có thể ảnh hưởng và làm hệ thống hoạt động không chính xác.
Năm 2022, Consumer Reports đã khảo sát các tài xế sử dụng hệ thống FCW trên 47.000 mẫu ô tô trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022. Kết quả cho thấy 56% người lái xe hài lòng với công nghệ này.
Các hãng xe thường thay đổi tên gọi của FCW để quảng bá cho các tính năng an toàn của chúng, đôi khi làm cho người mua xe cảm thấy khó hiểu. Ví dụ hãng Acura gọi nó là FCW AcuraWatch, Audi đặt tên là Pre Sense phía trước và Pre Sense city, trong khi BMW gọi là “cảnh báo va chạm phía trước với chức năng giảm thiểu va chạm trong thành phố và phanh trong thành phố”. Theo IIHS, công nghệ FCW có thể giúp giảm 27% số vụ va chạm từ phía sau – một trong những dạng va chạm phổ biến nhất.
3. Cảnh báo điểm mù (BSW)
Một nghiên cứu năm 2022 của IIHS cho thấy xe SUV và các loại xe kích thước lớn thường đâm vào người đi bộ khi đang rẽ hướng. Trong năm 2020, số ca tử vong do va chạm với người đi bộ tăng 59%, tổng cộng là 6.500 ca, đồng thời cũng có 54.700 người đi bộ bị thương trong các vụ va chạm xe cơ giới. IIHS cho rằng sự gia tăng tai nạn là do điểm mù.
Ô tô thông thường có một số điểm mù ở các vị trí: hai bên xe, gương chiếu hậu, ở phía sau và ở phần trụ A – cấu trúc có vai trò kết nối phần mái với thân xe. Nghiên cứu cho thấy xe càng lớn thì vùng điểm mù càng lớn. Hệ thống cảnh báo điểm mù BSW sử dụng cảm biến để quét các khu vực điểm mù của xe và cảnh báo cho người lái.
Cảnh báo này sẽ tự động kích hoạt khi xe đánh lái, phanh gấp hoặc trong lúc chuyển làn đường nếu các điểm mù có xuất hiện xe khác, người đi bộ hoặc các vật thể khác. Theo khảo sát của Consumer Reports, phần lớn người dùng cảm thấy công nghệ này hữu ích. Trong số 47.000 phương tiện được khảo sát, 64% tài xế cho biết họ hài lòng với BSW.
4. Các công nghệ an toàn khi đỗ xe và khi đang chạy
Năm 2016, CBS thống kê rằng có 20% số vụ tai nạn xảy ra trong các bãi đậu xe và nhà để xe. Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, những sự cố như vậy gây ra hơn 50.000 vụ va chạm và khiến khoảng 60.000 người bị thương. Các tài xế đang đỗ xe thường bị phân tâm hoặc bị bất ngờ với các tình huống xảy ra khi lái xe lùi, do đó công nghệ cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCTA) được thiết kế sử dụng cảm biến hoặc camera để quan sát phần phía sau và 2 bên của xe khi lùi.
Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo chệch làn đường (LDW) đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo an toàn khi xe ô tô đang chạy. Nó có chức năng cảnh báo người lái xe khi đi chệch ra khỏi làn đường mà không có tín hiệu báo rẽ. LDW không tự động điều khiển xe nhưng có thể được kết hợp với các công nghệ an toàn khác để làm xe phanh lại hoặc đổi hướng.
Các nghiên cứu cho thấy hệ thống LDW có thể giảm 11% tổng số vụ va chạm và giảm 21% số ca thương tích. Camera của LDW thường được gắn trên kính chắn gió gần gương chiếu hậu, có chức năng quan sát các vạch kẻ làn trên đường cao tốc hoặc đường bộ để đảm bảo xe không lấn làn. Các nhà sản xuất xe hơi tạo ra nhiều biến thể khác nhau cho hệ thống này như LKA (hỗ trợ giữ làn đường) và LCA (hỗ trợ định tâm làn đường) có thể kiểm soát xe, đánh lái hoặc phanh.
Nếu trong lúc lái xe bạn thấy màn hình điều khiển có thông báo như Hỗ trợ giữ làn đường không hoạt động, Hệ thống giữ làn đường trục trặc, Cảnh báo chệch làn đường không hoạt động, Hiệu chỉnh cảnh báo chệch làn đường, thì đó là dấu hiệu cho thấy hệ thống LDW gặp trục trặc và cần mang đến chuyên gia để kiểm tra hiệu chỉnh lại.
5. Kiểm soát hành trình thích ứng (ACC)
Đây là tên gọi chung của các hệ thống an toàn phức tạp được thiết kế để duy trì khoảng cách an toàn giữa các xe với nhau. Khi ACC được kích hoạt sẽ tự động điều chỉnh tốc độ của xe. Bạn có thể đã biết về hệ thống này dưới tên gọi khác như Kiểm soát hành trình chủ động, Kiểm soát hành trình động, Kiểm soát hành trình bằng radar, Kiểm soát hành trình tự động, Kiểm soát hành trình thông minh, và nhiều cách gọi khác tùy vào từng hãng xe.
ACC cũng sử dụng dữ liệu trực quan từ các thiết bị camera, laser, radar hoặc LiDAR được lắp đặt trên xe. Công nghệ này được gọi là “tương lai của trí thông minh xe hơi” do các chức năng tiên tiến vượt trội của nó.
Tổng kết: Ưu và nhược điểm của công nghệ an toàn tự động trên ô tô
Những lợi ích mà các công nghệ này mang lại là rất rõ ràng: giúp giảm đáng kể nguy cơ tai nạn, tử vong và thương tích. Một ưu điểm khác của những xe được trang bị hệ thống an toàn tự động là giúp tối ưu hóa hoạt động giao thông trên đường, tránh ùn tắc.
Tuy nhiên công nghệ an toàn tự động vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Do cơ chế phụ thuộc nhiều vào các cảm biến nên hệ thống có thể bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết xấu và các yếu tố bất ngờ khác. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp phải thu hồi xe do lỗi phần mềm.
Và một điều quan trọng là các chuyên gia cho rằng người lái xe đang trở nên quá ỷ lại vào khả năng tự động tránh tai nạn của xe. Bạn hãy nhớ rằng cho dù hệ thống an toàn tự động có tiên tiến đến đâu thì bản thân người lái vẫn phải cảnh giác, sẵn sàng can thiệp và hành động bất kỳ lúc nào để tránh những sự cố bất ngờ.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Top 7 công ty bảo hiểm xe ô tô uy tín và tốt nhất hiện nay
- Gần nửa triệu xe SUV của GM bị thu hồi: Lý do tại sao?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/cong-nghe-an-toan-tu-dong-xe-o-to-bao-ve-nguoi-dung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét