Bạn đang tìm mua một chiếc điện thoại đày đủ tính năng nhưng giá không quá đắt? Vivo V25 Pro là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn với bộ camera tuyệt vời, kích thước nhỏ gọn và dễ sử dụng bằng một tay, đặc biệt là mức giá rất phải chăng nhưng vẫn đem lại cảm giác cao cấp. Hãy cùng xem chi tiết điện thoại Vivo V25 Pro có gì hấp dẫn nhé!
Giới thiệu về điện thoại Vivo V25 Pro
Các đặc điểm chính
- Camera tuyệt vời
- Nhẹ và nhỏ gọn
- Mặt lưng có khả năng đổi màu đẹp mắt
- Pin tốt
Thông số kỹ thuật
- Thương hiệu: Vivo
- CPU: MediaTek Dimensity 1300 (6nm)
- Màn hình: AMOLED kích thước 6,56 inch, tốc độ làm mới 120Hz
- RAM: 8GB/12GB
- Bộ nhớ: 128GB/256GB
- Pin: Li-Po dung lượng 4830mAh
- Cổng kết nối: USB-C 2.0
- Hệ điều hành: Android 12, Funtouch 12
- Camera trước: 32MP, f/2.5, góc rộng
- Camera sau: ống kính rộng 64MP f/1.9, siêu rộng 12 MP f/2.2, macro 2MP f/2.4
- Kết nối: Wi-Fi 6, Bluetooth 5.2, GPS
- Kích thước: 158,9 x 73,5 x 8,6 mm
- Màu sắc: Đen tuyền, Xanh dương
- Trọng lượng: 190 g
- Sạc nhanh 66W
- Xếp hạng IP: Không có
Ưu điểm
- Cung cấp hơn 50 bộ lọc và hiệu ứng hình ảnh để tăng khả năng sáng tạo của bạn
- Màn hình có độ sáng tối đa 1300 nits
- Loa công suất mạnh cho âm thanh rõ
Nhược điểm
- Không có xếp hạng IP
- Có nhiều bloatware được cài sẵn
Các điện thoại tầm trung hiện nay thường có các tính năng cao cấp như camera chụp ảnh cực đẹp, nhưng bù lại không có một số thành phần sang trọng như mặt lưng hoàn toàn bằng kính. Điều đó cũng đúng với chiếc điện thoại tầm trung tốt nhất của Vivo là V25 Pro: camera tuyệt vời, màn hình đẹp và loa to rõ. Nhưng để giữ mức giá phải chăng, Vivo đã phải giảm bớt các tính năng khác.
Vậy V25 Pro có gì thú vị và có đáng mua không? Hãy cùng khám phá nhé.
So sánh điện thoại Vivo V25 và V25 Pro
Trước khi đi vào chi tiết của chiếc điện thoại V25 Pro, chúng ta hãy cùng xem qua phiên bản không Pro của nó. Mặc dù trông giống nhau bề ngoài nhưng chúng có những điểm khác biệt đáng kể. Dưới đây là so sánh các thông số kỹ thuật của V25 và V25 Pro:
Vivo V25 Pro | Vivo V25 | |
Kích thước | 158,9 x 73,5 x 8,6 mm | 159,2 x 74,2 x 7,8 mm |
Trọng lượng | 190 g | 186 g |
Độ bền chắc | Chống rơi, chống trầy xước, chống mồ hôi | – |
Màn hình | AMOLED tốc độ 120Hz , HDR10 +, độ sáng tối đa 1300 nits | AMOLED tốc độ 90Hz , HDR10 + |
Kích thước màn hình | 6,56 inch | 6,44 inch |
Độ phân giải | 1080 x 2376 pixel | 1080 x 2404 pixel |
Chip | MediaTek Dimensity 1300 (6 nm) | MediaTek Dimensity 900 (6 nm) |
Bộ nhớ | 128GB/256GB | 128GB/256GB |
RAM | 8GB/12GB | 8GB/12GB |
Camera chính | 64MP, f /1.9 | 64MP, f/1.8 |
Ống kính siêu rộng | 12MP, f/2.2 | 8MP, f/2.2 |
Ống kính macro | 2MP, f/2.4 | 2MP, f/2.4 |
Camera selfie | 32MP, f/2.5 | 50MP, f/2.0 |
Pin | Li-Po dung lượng 4830 mAh | Li-Po dung lượng 4500 mAh |
Có thể thấy V25 Pro có màn hình chất lượng tốt hơn, tốc độ làm mới nhanh hơn và pin lớn hơn một chút so với V25. Tuy nhiên phiên bản thường lại có một ưu điểm là camera selfie tốt hơn, tiếp nối danh tiếng của mẫu điện thoại trước đó Vivo V23 được coi là điện thoại selfie đỉnh cao.
Bây giờ hãy xem cụ thể Vivo V25 Pro có những gì.
Mở hộp điện thoại Vivo V25 Pro
Vỏ hộp màu xám không có gì nổi bật, nhưng bên trong lại rất hấp dẫn. Ngay khi mở hộp bạn sẽ thấy điện thoại Vivo V25 Pro được bọc trong lớp nhựa mờ, bên dưới nó là một chiếc ốp lưng bằng nhựa trong, bộ sạc 80 watt kích thước lớn và cáp sạc USB-A sang USB-C. Ngoài ra nhà sản xuất còn kèm theo tai nghe có dây với đầu cắm 3,5mm và bộ chuyển đổi giúp bạn cắm tai nghe vào cổng USB-C của điện thoại.
Mẫu điện thoại này có 2 tùy chọn màu sắc là đen tuyền và xanh dương. Nếu chọn màu xanh bạn sẽ thấy mặt lưng của điện thoại có đặc tính nhạy cảm với tia cực tím, chuyển màu tối khi chiếu tia UV. Đó là một điểm thú vị có thể khoe với mọi người trong các bữa tiệc có đèn màu, nhưng hầu như không có tác dụng gì trong đời sống hàng ngày.
Thiết kế bên ngoài của điện thoại Vivo V25 Pro
Chiếc điện thoại được chế tạo rất mỏng và nhẹ. Ở cạnh bên phải có nút nguồn và chỉnh âm lượng như bình thường, cạnh dưới có khay SIM, một lỗ nhỏ thu âm thanh, cổng USB-C và một loa đơn. Cạnh trên và bên trái để trống, chỉ có một lỗ cho micrô phụ.
Mặt sau của điện thoại có cụm camera gồm một ống kính nhỏ và 2 ống kính lớn. Cảm biến chính 64MP nằm ở trên cùng và có đèn flash ngay bên cạnh, phía dưới là cảm biến siêu rộng 12MP. Cảm biến nhỏ là Super Macro 2MP nằm dưới cùng.
Ở mặt trước, V25 Pro được trang bị cảm biến vân tay quang học ẩn dưới màn hình, khi di chuyển điện thoại sẽ làm cảm biến này sáng lên. Ngoài ra bạn cũng có thể mở khóa điện thoại bằng nhận diện khuôn mặt với camera đục lỗ nằm ở phần giữa phía trên của màn hình.
Màn hình AMOLED của điện thoại có tính năng luôn bật (always on), khi điện thoại đang tắt màn hình vẫn hiển thị cho bạn thời gian đồng hồ, các thông báo đến và thậm chí cả tin nhắn. Bạn cũng có thể điều chỉnh cài đặt để tính năng luôn bật chỉ hoạt động khi cầm điện thoại lên, theo khung giờ cố định hoặc mọi lúc.
Các cạnh bo cong của V25 Pro giúp thao tác điều hướng trở nên dễ dàng trong hệ điều hành Funtouch 12 dựa trên Android 12. Thiết kế mỏng và nhẹ của điện thoại cũng giúp người dùng không bị mỏi tay khi cầm lâu để xem video hay chơi game. Mặt lưng của điện thoại có lớp phủ mờ vừa đẹp mắt vừa không để lại dấu vân tay.
Hiệu suất của điện thoại Vivo V25 Pro
Chip của Vivo V25 Pro không phải là phiên bản mới nhất và tốt nhất của Qualcomm nên về lý thuyết chắc chắn không thể có hiệu suất quá khủng, tuy nhiên vẫn đủ tốt cho hầu hết các nhu cầu hàng ngày như xem video, lướt web và chơi các game nhẹ. Bạn cũng có thể chỉnh sửa video và ảnh trên chiếc điện thoại này nhưng sẽ ko nhanh và mượt như các thiết bị cao cấp.
Màn hình AMOLED có tốc độ làm mới 120Hz hiển thị đồ họa mượt mà, kể cả khi chơi các game cần thông số cao như Real Racing 3 và Genshin Impact. Bạn cũng được trải nghiệm màu sắc sống động vì màn hình đạt chuẩn HDR10+ và có độ sáng tối đa lên tới 1300 nits.
Một vấn đề nhỏ với độ sáng màn hình là thường hơi tối khi được đặt ở chế độ tự động. Độ sáng màn hình thấp là rất tốt khi sử dụng điện thoại trong bóng tối, nhưng nếu dùng ban ngày thì màn hình tối có thể gây khó chịu. Bạn có thể điều chỉnh độ sáng theo ý mình để cho dễ nhìn hơn.
Về âm thanh, điện thoại này có loa to giúp nghe rõ từng chi tiết nhỏ. Mặc dù chỉ có một loa ở phía dưới và âm thanh không có độ sắc nét giống như các điện thoại cao cấp nhưng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu thường ngày. Rất khó nhận thấy những khuyết điểm của âm thanh trừ khi bạn đã quen với các thiết bị chất lượng hàng đầu.
Vivo V25 Pro cũng rất tuyệt khi chơi game. Khi bạn mở game bất kỳ, điện thoại sẽ cung cấp một thanh công cụ ẩn trong cạnh phải của màn hình. Khi vuốt từ cạnh này ra, bạn sẽ thấy một số tùy chọn phục vụ cho việc chơi game như các chế độ năng lượng, tắt thông báo và cuộc gọi đến, cải thiện chế độ xem, khóa độ sáng, chụp ảnh màn hình nhanh và quay màn hình.
Các cạnh màn hình bo cong mượt mà tạo cảm giác thích thú khi chơi game, trong khi ốp lưng trong suốt giúp bạn cầm chắc điện thoại trong những lúc căng thẳng.
Chụp ảnh với điện thoại Vivo V25 Pro
Sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không nói đến điểm nhấn quan trọng của V25 Pro – một chiếc điện thoại chụp ảnh. Vivo chú trọng vào chức năng này đến mức có hẳn một dòng chữ Professional Photography (chụp ảnh chuyên nghiệp) được in ở cạnh trên của điện thoại.
Chụp ảnh thông thường
Camera có độ phân giải tối đa 64MP, nhưng bạn nên nhớ rằng số MP không nói lên tất cả về chụp ảnh. Với Vivo V25 Pro, bạn sẽ có được chất lượng hình ảnh tuyệt vời không chỉ là độ phân giải. Hình ảnh được chụp dưới ánh sáng ban ngày cho cảm giác rất sắc nét, rõ ràng với màu sắc sống động và chân thực.
Camera cũng có hệ thống lấy nét tự động tuyệt vời, phân biệt được các đối tượng trong khung hình và theo dõi chính xác mọi người di chuyển để điều chỉnh tiêu điểm, vì vậy hiếm khi hình ảnh bị mất nét. Khẩu độ rộng f/1.9 của ống kính chính cũng giúp tạo hiệu ứng bokeh tự nhiên đẹp mắt mà không cần dựa vào làm mờ hậu cảnh nhân tạo.
Bạn cũng có thể chụp được những hình ảnh rất đẹp trong điều kiện ánh sáng yếu mà không cần chuyển sang chế độ ban đêm, chỉ cần có nguồn sáng tốt là V25 Pro có thể tạo ra hình ảnh tươi sáng với các chi tiết sắc nét.
Chụp ảnh chế độ ban đêm
Nếu cần chụp ảnh trong bóng tối thực sự, không có nhiều ánh sáng thì bạn nên chuyển sang chế độ ban đêm. Ở chế độ này điện thoại sẽ phơi sáng trong thời gian dài – 4 giây trở lên, do đó bạn phải chuẩn bị tripod (giá 3 chân) hoặc có cách nào đó để giữ yên điện thoại trong lúc chụp.
Điện thoại sẽ tự động quyết định thời gian phơi sáng, nếu khung cảnh quá tối có thể chuyển sang chế độ ban đêm cực đoan với thời gian phơi sáng kéo dài lên 15 giây để đảm bảo thu được nhiều ánh sáng hơn.
Chế độ chụp ảnh chân dung
Khi chuyển sang chế độ chân dung, bạn sẽ có thêm rất nhiều tùy chọn để chụp ảnh như có tới 15 bộ lọc để thay đổi phong cách hình ảnh, hay sử dụng AI có sẵn của điện thoại để thay đổi vẻ ngoài của đối tượng con người được chụp.
Chế độ này cũng cho phép bạn tạo hiệu ứng đánh bóng, chỉnh màu da và làm trắng da. Đặc biệt hơn nữa là bạn có thể thay đổi các đặc điểm trên khuôn mặt của đối tượng, ví dụ như làm thon gọn hoặc điều chỉnh lại khuôn hàm, giảm bọng mắt, thu ngắn hoặc kéo dài khuôn mặt, nâng cao hàm, chỉnh phần trán, sửa mũi, v.v.
Ngược lại, nếu bạn muốn giữ vẻ tự nhiên mà không chỉnh sửa nhiều thì hãy bỏ qua các bộ lọc và thay vào đó hãy chọn phần hướng dẫn tư thế. Camera sẽ cung cấp cho bạn hơn 50 tư thế khác nhau để chụp ảnh selfie, ảnh cá nhân, ảnh nhóm và nhiều thể loại khác. Thậm chí bạn có thể điều chỉnh hiệu ứng bokeh từ f/16 đến f/0.95, tạo ra hình ảnh rất nông để làm cho đối tượng chính trong hình trở nên nổi bật.
Quay video và các chế độ khác
Khi chuyển sang chế độ quay video, bạn sẽ thấy điện thoại có thể quay với chất lượng cao tới 4K60, tuy nhiên điều đó cũng khiến bạn không thể sử dụng các tính năng khác. Nếu muốn mở các tính năng như siêu ổn định hình ảnh, chế độ siêu ban đêm tự động và HDR, bạn phải giới hạn chất lượng video ở mức Full HD và 60 FPS.
Bên cạnh đó camera của V25 Pro còn có một số chế độ quay video chuyên biệt như Live Photo, Slo-mo, Time-lapse, Vlog Movie, và các chế độ chụp ảnh khác như 64 MP, Toàn cảnh, Chuyên nghiệp, Tài liệu, Thể thao chuyên nghiệp, Phơi sáng dài và Phơi sáng kép.
Mỗi chế độ này có các chế độ phụ nhỏ hơn và hướng dẫn riêng giúp bạn biết cách sử dụng chúng hiệu quả kể cả khi chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra còn có 2 chế độ đáng chú ý khác là AR Sticker giúp bạn thêm các bộ lọc sticker vui nhộn vào khuôn mặt của mình kể cả khi đang video call bằng các ứng dụng khác, và Dual View cho phép quay video bằng camera trước và sau cùng lúc.
Tất cả những chế độ chụp ảnh quay phim tiện lợi này mang lại rất nhiều giá trị cho một chiếc điện thoại tầm trung có vẻ bình thường về những mặt khác.
Tóm lại: Vivo V25 Pro có đáng mua không?
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh và quay phim chất lượng tốt mà không quá đắt tiền như flagship thì chắc chắn nên chọn Vivo V25 Pro. Chiếc điện thoại này đáp ứng được tất cả yêu cầu của những người thích chụp ảnh: bộ cảm biến thông số cao, rất nhiều bộ lọc và hướng dẫn chụp ảnh, các chế độ chuyên biệt thú vị, v.v.
Tất nhiên bạn cũng phải chấp nhận một số nhược điểm ở mức giá này, ví dụ như điện thoại không được xếp hạng IP và không có âm thanh nổi. Giao diện Android của nó là Funtouch 12 cũng chứa rất nhiều bloatware không thể gỡ bỏ. Nhưng nhìn chung những điểm trừ này có thể chấp nhận được để đổi lấy chức năng chụp ảnh quay phim cực tốt.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Điện thoại Honor 70: Chụp ảnh quay phim cực xịn với mức giá tầm trung
- So sánh camera điện thoại RedMi Note 8 Pro và Huawei Mate 30 Pro
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/dien-thoai-vivo-v25-pro-chup-anh-quay-phim-gia-re/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét