Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

“Siêu miễn dịch” COVID-19 là gì?

Nhiều người dù đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh – đó không phải là chuyện hiếm. Nhưng sau khi khỏi bệnh, miễn dịch tự nhiên của họ kết hợp với miễn dịch từ vaccine có thể tạo nên hiện tượng “siêu miễn dịch” mạnh hơn so với những người khác. Vậy “siêu miễn dịch” có thực sự tốt và kéo dài được bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

“Siêu miễn dịch” COVID-19 là gì?

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA tháng 12/2021 đã khảo sát các nhân viên y tế mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine, hay còn gọi là hiện tượng nhiễm “đột phá”. Kết quả cho thấy những người đã tiêm 2 liều vaccine và sau đó bị nhiễm “đột phá” sẽ xuất hiện phản ứng miễn dịch rất mạnh, tổng lượng kháng thể tăng gấp 3 lần.

Tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Internet).
Tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Internet).

Để hiểu tại sao lại có “siêu miễn dịch”, trước tiên cần biết rằng vaccine có chứa các thành phần của virus giúp cơ thể chúng ta làm quen với mầm bệnh và tạo ra kháng thể chuẩn bị sẵn. Theo tiến sĩ Bill Messer, chuyên gia về miễn dịch và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ), nhiễm virus sau khi tiêm vaccine giúp kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn. “Hệ miễn dịch học được những bài học từ vaccine, áp dụng những bài học đó để đối phó khi bị nhiễm, sau đó thu thập thêm kiến ​​thức từ việc bị nhiễm đột phá.”

Tiến sĩ Messer nói rằng nhiễm bệnh càng nặng thì hệ thống miễn dịch càng được huấn luyện và tăng cường mạnh hơn: “Nếu ai đó có các triệu chứng rất nhẹ thì hệ miễn dịch có thể không nhận được bài học tốt giống như khi triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn.”

Đáng chú ý là mức độ miễn dịch của cơ thể sau khi được tiêm vaccine cộng với nhiễm “đột phá” có thể mạnh hơn so với từng trường hợp riêng lẻ cộng lại, tức là 1 +1 > 2. Theo tiến sĩ Messer, nhiễm virus sau khi tiêm vaccine có thể giúp hệ miễn dịch nhận diện virus tốt hơn.

Tiêm vaccine cộng với nhiễm virus có thể tạo miễn dịch mạnh hơn (Ảnh: Internet).
Tiêm vaccine cộng với nhiễm virus có thể tạo miễn dịch mạnh hơn (Ảnh: Internet).

“Siêu miễn dịch” có xảy ra với biến thể omicron không?

Nghiên cứu nêu trên được thực hiện trong giai đoạn biến thể delta chiếm ưu thế, vậy hiện nay biến thể omicron có khả năng tạo ra siêu miễn dịch tương tự hay không?

Omicron khác với delta, có chứa nhiều đột biến hơn và khả năng lây lan cũng như né tránh hệ miễn dịch cũng tốt hơn. Tuy vậy tiến sĩ Andy Pekosz, chuyên gia virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) cho rằng “siêu miễn dịch” vẫn có thể xảy ra với omicron.

Omicron có khả năng lây lan và chống lại miễn dịch mạnh hơn (Ảnh: Internet).
Omicron có khả năng lây lan và chống lại miễn dịch mạnh hơn (Ảnh: Internet).

Tiến sĩ Pekosz nói: dữ liệu cho thấy rõ ràng là “sau khi tiêm vaccine mRNA [Moderna và Pfizer] cộng với nhiễm COVID đột phá, bạn sẽ có nhiều kháng thể hơn và có thể “phản ứng chéo” với các biến thể khác nhau”.

Có nên cố tình bị nhiễm COVID-19 để tăng cường miễn dịch?

Giáo sư, bác sĩ Bettina Fries tại Đại học Stony Brook (Mỹ) nói: “Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích điều này”, vì có một số người không tạo ra phản ứng miễn dịch tốt mà chưa rõ lý do tại sao, và cũng không thể đoán trước ai sẽ rơi vào trường hợp đó, vì vậy sẽ rất nguy hiểm nếu cố tình để cho bản thân bị nhiễm COVID-19.

Ngoài ra phản ứng miễn dịch của từng người đối với nhiễm virus hoặc tiêm vaccine sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quát, bệnh nền, và có đang bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch hay không. “75% trường hợp tử vong do COVID xảy ra ở những người từ 70 tuổi trở lên. Và chúng ta đều biết những người mắc bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh phổi, hoặc những người bị suy giảm miễn dịch, nên cẩn thận hơn hết”, bác sĩ Fries cho biết.

Bất cứ ai cũng không nên chủ động bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Internet).
Bất cứ ai cũng không nên chủ động bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Internet).

Các chuyên gia cũng phản đối việc không tiêm vaccine mà chỉ dựa vào miễn dịch tự nhiên do đã mắc COVID-19 trước đó. Chỉ riêng việc nhiễm virus không thể tạo ra siêu miễn dịch, và “ngay cả khi bạn đã mắc COVID, nếu bạn không được tiêm phòng thì không thể nói trước được điều gì”, bác sĩ Fries nói.

Việc tiêm ngừa không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn giúp tránh lây nhiễm cho những người xung quanh, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng như người già. Hãy nhớ rằng nếu bạn bị nhiễm virus thì dù không có triệu chứng vẫn có thể lây cho người khác.

“Siêu miễn dịch” kéo dài được bao lâu?

Vẫn chưa thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tiến sĩ Messer cho rằng siêu miễn dịch có thể tồn tại trong vòng 3-6 tháng, nhưng không có cơ sở chắc chắn mà chỉ dựa trên suy đoán từ các loại phản ứng miễn dịch khác.

Ông cũng nói thêm: “Ngay cả khi kháng thể giảm đi, bạn vẫn sẽ còn lại các tế bào miễn dịch “ghi nhớ” [tế bào T] liên quan đến việc nhiễm virus hoặc tiêm vaccine”. Các tế bào này có thể kích hoạt hệ miễn dịch nhanh và mạnh hơn nếu bị nhiễm virus lần sau, do đó phản ứng miễn dịch vẫn tốt hơn lần đầu.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng

Dù có miễn dịch tự nhiên hay không thì tiêm vaccine vẫn là cần thiết (Ảnh: Internet).
Dù có miễn dịch tự nhiên hay không thì tiêm vaccine vẫn là cần thiết (Ảnh: Internet).

Các chuyên gia cho rằng COVID-19 sẽ tiếp tục tồn tại như các bệnh truyền nhiễm khác, sẽ có những đợt dịch lặp lại và virus tiếp tục biến đổi. Nhiều khả năng chúng ta sẽ phải tiêm vaccine nhắc lại thường xuyên giống như bệnh cúm.

Ban đầu vaccine được tạo ra để giúp mọi người có khả năng miễn dịch càng nhanh càng tốt để ngăn đại dịch lây lan, nhưng giờ đây COVID-19 có thể sẽ tồn tại mãi mãi và cần có kế hoạch miễn dịch lâu dài, có thể là tiêm nhắc lại sau mỗi 2 hoặc 3 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/sieu-mien-dich-covid-19-la-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét