Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

6 tính năng được mong đợi trên smartphone tương lai: Pin graphene, sạc không dây cải tiến

Từ chiếc Nokia bấm nút hồi đầu những năm 2000 cho đến Galaxy S hay iPhone 13 hiện nay, công nghệ của điện thoại đã tiến bộ đến mức không tưởng. Bạn cảm thấy chiếc smartphone của mình đã quá hoàn hảo và đạt tới đỉnh cao? Thực ra vẫn còn một số tính năng mới hứa hẹn nhiều bất ngờ trong tương lai gần, hãy cùng xem đó là gì nhé.

1. Pin graphene

Vấn đề mà hầu như người dùng điện thoại nào cũng muốn khắc phục là dung lượng pin. Nhiều dòng điện thoại ngày nay có pin lên tới 5000mAh, nhưng về bản chất vẫn được chế tạo từ lithium-ion, tức là chỉ sau khoảng 3 năm sẽ xuống cấp đáng kể và có thể phải mua điện thoại mới.

Pin lithium-ion thường xuống cấp chỉ sau vài năm (Ảnh: Internet).
Pin lithium-ion thường xuống cấp chỉ sau vài năm (Ảnh: Internet).

Trong khi đó graphene là vật liệu có nhiều ưu điểm lý tưởng để chế tạo pin như trọng lượng nhẹ hơn, cứng hơn, sử dụng linh hoạt hơn, dẫn điện tốt hơn và lưu trữ nhiều điện hơn. Như vậy khi dùng pin graphene sẽ giúp cho điện thoại mỏng và nhẹ hơn, thời gian dùng pin lâu hơn, sạc nhanh hơn, ít bị nóng máy và lâu bị chai pin hơn.

Hiện tại chưa có chiếc điện thoại nào được trang bị pin graphene xuất hiện trên thị trường, nhưng Samsung đang nghiên cứu công nghệ này. Có thể vài năm tới chúng ta sẽ thấy một sản phẩm dùng pin graphene của gã khổng lồ này.

2. Camera mặt trước ẩn dưới màn hình

Hiện nay đã có nhiều mẫu smartphone được trang bị camera ẩn dưới màn hình như Galaxy Z Fold 3 của Samsung, ZTE Axon 30 và Xiaomi Mix 4, tuy nhiên công nghệ này chưa thể áp dụng rộng rãi cho các điện thoại phổ thông.

Camera ẩn dưới màn hình của Samsung (Ảnh: Internet).
Camera ẩn dưới màn hình của Samsung (Ảnh: Internet).

Camera ẩn dưới màn hình có nhược điểm là nhận được ít ánh sáng hơn so với camera truyền thống, do đó chất lượng hình ảnh không ổn định. Trong điều kiện ánh sáng tốt có thể cho ra những bức ảnh “tạm được” (nhưng vẫn bị mờ), còn khi ánh sáng yếu hoặc các vấn đề khác thì hình ảnh khá tệ.

Để khắc phục nhược điểm đó, các nhà sản xuất thường tích hợp thuật toán xử lý hình ảnh mạnh để giảm mờ và làm cho hình ảnh sắc nét hơn. Nhưng cách này cũng gây tác dụng phụ là có thể khiến hình ảnh bị xử lý quá mức, trông có vẻ “giả tạo”. Như vậy phần mềm không thể bù đắp hoàn toàn cho phần cứng, mà phải cải thiện công nghệ chế tạo camera.

3. Màn hình không viền 100%

Không chỉ có phần camera ở phía trên, mà phần “cằm” ở phía dưới của mặt trước điện thoại cũng sẽ dần được loại bỏ. Đó là phần nằm dọc theo cạnh dưới chứa các bộ phận để điều khiển màn hình. Các điện thoại giá rẻ và tầm trung thường có phần cằm lớn làm mất diện tích hiển thị màn hình.

Viền trên và viền dưới của điện thoại ngày càng nhỏ hơn (Ảnh: Internet).
Viền trên và viền dưới của điện thoại ngày càng nhỏ hơn (Ảnh: Internet).

Các nhà sản xuất đã có giải pháp để thu nhỏ phần “cằm”, nhưng chi phí không hề rẻ. Ví dụ như iPhone X của Apple ra mắt năm 2017 đã giảm phần viền dưới bằng cách “cuộn” màn hình hiển thị vào bên trong điện thoại, như vậy các bộ phận để điều khiển màn hình không nhất thiết phải nằm ở cạnh dưới mà được đặt ở phía sau màn hình, làm cho màn hình có thể trải rộng ra gần như toàn bộ mặt trước.

Tuy nhiên màn hình của iPhone vẫn bị “vướng” ở viền trên do phần notch, kể cả iPhone 13. Do vậy các hãng điện thoại Android có lẽ sẽ đi trước về vấn đề màn hình không viền thực sự, nếu loại bỏ được phần cằm dưới và camera selfie ở phía trên.

4. Sạc không dây cải tiến

Sạc không dây hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm (Ảnh: Internet).
Sạc không dây hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm (Ảnh: Internet).

Công nghệ sạc không dây được “quảng cáo” rất rầm rộ, nhưng thực tế không giải quyết được nhiều vấn đề của sạc truyền thống. Trong khi người dùng muốn sạc pin nhanh hơn và tiện hơn, sạc được mọi lúc mọi nơi, thì sạc không dây hiện nay vẫn yêu cầu phải để yên điện thoại ở một chỗ, chỉ cần nhấc rời khỏi phần đế sạc là sẽ ngừng sạc. Đó là chưa kể tốc độ sạc không dây rất chậm so với sạc có dây.

Hiện nay một số hãng như Xiaomi và Motorola đã giới thiệu công nghệ sạc không dây cải tiến nhưng vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi để bán trên thị trường. Nếu công nghệ này được phát triển thành công và kết hợp với pin graphene thì điện thoại trong tương lai sẽ không còn lo về pin nữa.

5. Giảm bớt bloatware

Hầu như thiết bị công nghệ nào cũng chứa bloatware, đó là các phần mềm được cài sẵn trong sản phẩm nhưng không thực sự cần thiết mà còn làm tốn tài nguyên, làm chậm máy. Đối với iPhone và điện thoại Android chính hãng thường không gặp vấn đề này, nhưng các điện thoại Android giá rẻ thường chứa nhiều bloatware làm tốn dung lượng bộ nhớ và hao pin.

Đây cũng là một trong những lý do làm cho điện thoại của Trung Quốc thường rẻ hơn nhiều so với các hãng khác, vì nhà sản xuất để cho các nhà cung cấp dịch vụ cài nhiều ứng dụng vào điện thoại nhằm bù đắp cho thiếu sót của phần cứng, do đó chi phí sản xuất phần cứng rẻ hơn và lợi nhuận thu về cao hơn.

Nếu bạn ưu tiên điện thoại giá rẻ trên hết thì có thể chấp nhận bloatware, nhưng đối với điện thoại tầm trung và cao cấp thì đó là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta mong rằng bloatware sẽ biến mất trong tương lai, hoặc càng ít càng tốt.

6. Giảm khí thải carbon

Công nghệ luôn đi kèm với tác động xấu cho môi trường, ngành sản xuất điện thoại càng thấy rõ điều này hơn. Hiện nay nhiều hãng lớn đã cam kết giảm lượng khí thải carbon của sản phẩm bằng cách sử dụng vật liệu tái chế trong quá trình sản xuất và thay đổi chuỗi cung ứng. Đó là hướng đi đúng, nhưng chưa đủ.

Các thiết bị điện tử như smartphone gây ảnh hưởng tới môi trường (Ảnh: Internet).
Các thiết bị điện tử như smartphone gây ảnh hưởng tới môi trường (Ảnh: Internet).

Không chỉ tái chế trong khâu sản xuất, chúng ta cũng nên làm ra những chiếc điện thoại có thể sửa được nhiều lần và được hỗ trợ phần mềm lâu hơn. Ví dụ các điện thoại cao cấp gần đây của Samsung được hỗ trợ phần mềm kéo dài khoảng 4 năm, nhưng vẫn kém hơn so với iPhone của Apple.

Hiện nay điện thoại đã được chế tạo đủ bền để dùng được nhiều năm. Lý do chính khiến mọi người thay điện thoại là do pin xuống cấp, do đó có thể chỉ thay pin để dùng tiếp mà không cần mua hẳn điện thoại mới. Chỉ cần dùng điện thoại bền là bạn đã góp phần giảm lượng khí thải carbon có hại cho môi trường.

Tổng kết

Điện thoại thông minh là những thiết bị chứa đựng nhiều công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay. Tất nhiên muốn thay đổi cần có thời gian, trong tương lai các tính năng nêu trên sẽ mang lại cho chúng ta những chiếc điện thoại “như mơ” có thể dùng được cả tuần mà không cần sạc pin, màn hình không viền thực sự, phần mềm mượt mà và ít gây hại cho môi trường.

Bạn mong chờ tính năng nào nhất? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/tinh-nang-smartphone-tuong-lai-pin-graphene/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét