Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

“Bội thực kỹ năng” – Khi có quá nhiều kỹ năng để học, đâu là điều quan trọng nhất?

Ngày nay chỉ cần gõ từ khóa “kỹ năng” vào thanh tìm kiếm của bất kỳ nền tảng nào chúng ta sẽ thấy quá nhiều những kỹ năng cần thiết phải học. Với GenZ bọn mình, danh sách “cần học” nhiều đến mức khiến mình cảm thấy “bội thực kỹ năng”. Mình tự hỏi đâu là những kỹ năng quan trọng mang tính mấu chốt và cần thiết so với những kỹ năng phụ trợ khác. Và đây là câu trả lời của mình.

1. Tự học – “Vua của mọi kỹ năng”

Nếu hỏi mình đâu là vua của mọi kỹ năng mềm, mình sẽ không do dự trả lời bạn đó là kỹ năng tự học.

Chỉ khi bạn tôi luyện cho mình kỹ năng tự học tốt, bạn sẽ có thể tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức khác nhau một cách logic nhất. Hơn hết là các kiến thức sẽ được bạn tự động đào sâu, nghiên cứu và tìm hiểu chi tiết mà không có bất kì trường lớp nào có thể dạy.

Tự học - “Vua của mọi kỹ năng” (Ảnh: Internet)
Tự học – “Vua của mọi kỹ năng” (Ảnh: Internet)

Bật mí với bạn đây là kỹ năng luôn có ở những người thành công và các tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Elon Musk,.. Vì vậy sẽ không ngoa khi nói rằng kỹ năng tự học là một trong những yếu tố quan trọng đưa bạn đến gần thành công trong cả học tập và công việc.

2. Self-Awareness – Bạn đã đủ hiểu mình?

Self-awareness (tự nhận thức bản thân) là một kỹ năng vô cùng quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay.

Đặc biệt đối với GenZ, trong cơn bão thông tin và những lần peer pressure muốn xỉu. Sở dĩ cảm thấy peer pressure là vì chúng ta thường so sánh và chưa nhận thức đủ về giá trị của chính bản thân mình.

Chính việc thiếu nhận thức về bản thân sẽ khiến bạn tự hỏi:

  • Không biết mình thích gì? Còn thiếu gì? Nên làm gì?
  • Điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của mình là gì?
  • Mình có năng khiếu, tài lẻ hay tiềm năng gì chưa khai phá?
Self-Awareness - Bạn đã đủ hiểu mình? (Ảnh: Internet)
Self-Awareness – Bạn đã đủ hiểu mình? (Ảnh: Internet)

Thành thật, mình đã từng thiếu self-awareness và nó đã khiến mình đưa ra những lựa chọn và quyết định kinh khủng.

Quá trình self-awareness để biết mình là ai giữa cuộc đời này sẽ là quá trình dài mà bạn phải không ngừng tìm tòi và khám phá chính mình. Nếu hiện tại bạn chưa trả lời được những câu hỏi đấy thì hãy bắt đầu khám phá chính mình từ hôm nay bằng việc không ngừng trải nghiệm và soi chiếu bản thân.

3. Kỹ năng giao tiếp – EQ chính là chìa khóa

Bạn đã từng phá hỏng một mối quan hệ vì lời nói hay hành động không phù hợp của mình?

Bạn cảm thấy ngại bắt chuyện khi gặp người lạ?

Bạn cảm thấy mình “nhạt toẹt” nên không muốn nói chuyện với ai?

Mình đã từng trải qua tất cả những điều đó, cũng từng đánh mất một vài mối quan hệ. Và mình phát hiện hầu hết vấn đề nằm ở kỹ năng giao tiếp kém. Đó là lúc mình buộc phải nhìn nhận từ những sai lầm giao tiếp của bản thân và học cách cải thiện.

Kỹ năng giao tiếp - EQ là mấu chốt (Ảnh: Internet)
Kỹ năng giao tiếp – EQ là mấu chốt (Ảnh: Internet)

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện khả năng giao tiếp?

Chỉ có thể là không ngừng mạnh dạn dấn thân, trải nghiệm và gặp gỡ từ người này đến người khác, từ môi trường này đến người khác. Khi đó bạn sẽ mở rộng được góc nhìn của bản thân, làm mình trở nên thú vị hơn và đương nhiên kỹ năng giao tiếp của bạn tự khắc sẽ cải thiện đáng kể.

4. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình học tập và làm việc. Việc lựa chọn và đưa ra cách giải quyết cho mỗi vấn đề phát sinh buộc chúng ta phải có góc nhìn toàn diện và thấu đáo.

Khi bạn đối mặt với càng nhiều vấn đề và giải quyết chúng theo nhiều cách khác nhau, bạn sẽ học được cách so sánh đâu là giải pháp tốt nhất (rèn luyện critical thinking), dần dà bạn sẽ rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Kỹ năng giải quyết vấn đề (Ảnh: Internet)
Kỹ năng giải quyết vấn đề (Ảnh: Internet)

Thế nên đừng sợ hay né tránh bất kỳ rắc rối nào nảy sinh trong kế hoạch hay quy trình của bạn, vì khi đối mặt với chúng, ta sẽ có thêm nhiều bài học giá trị.

5. Time Management – Khi thời gian nằm trong tay bạn

Thời gian là hữu hạn. Bạn muốn có nhiều thời gian để làm những việc mình yêu thích nhưng thoáng chốc mới làm xong bài luận, xoay qua xoay lại thì trời đã chập tối. Chẳng kịp làm thêm gì. Đó là chuyện mà hầu hết chúng ta đều gặp phải ít nhất 1 lần.

Nếu không tìm ra giải pháp, lâu dần sẽ dẫn tới việc chúng ta thường xuyên bị deadline “dí” đến 2-3h sáng hay tệ hơn là thường xuyên trễ deadline. Nguyên nhân của tất cả việc đó nằm ở kỹ năng quản lý thời gian của bạn.

Chỉ khi có kỹ năng quản lý thời gian, chúng ta mới nắm quyền kiểm soát cuộc đời mình tốt hơn và dành thêm nhiều thời gian cho bản thân.

Tất cả những kỹ năng này đều cần rèn luyện mài giũa lâu dài. Nếu bạn còn đang cảm thấy thiếu sót kỹ năng nào thì hãy không ngừng trau dồi thêm nha. Mình chắc chắn rằng trong quá trình mài giũa bạn sẽ tự khắc gặt hái thêm nhiều kỹ năng khác nữa.

Một số bạn viết mà bạn đọc có thể tham khảo thêm:

Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết! Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với mọi người. Chúc mọi người một ngày tốt lành!



source https://bloganchoi.com/ky-nang-nao-quan-trong-nhat-can-hoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét