Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

5 lỗi sai có thể làm mainboard máy tính bị hư và cách khắc phục để tránh “chết máy”

Nếu coi CPU là bộ não điều hành mọi hoạt động của máy tính thì mainboard hay bo mạch chủ chính là trái tim giúp kết nối các bộ phận với nhau để thực hiện nhiệm vụ. Nếu mainboard bị hư hỏng sẽ làm cả bộ máy bị tê liệt, thậm chí không khởi động được. Vậy những nguyên nhân nào khiến mainboard dễ hư hỏng?

Bo mạch chủ là bộ phận phải làm việc cật lực mỗi ngày nên thường được thiết kế có khả năng chống chịu tốt, nhưng vẫn cần chăm sóc đúng cách để đảm bảo hoạt động tối ưu và lâu bền nhất.

Mainboard là trái tim của máy tính (Ảnh: Internet).
Mainboard là trái tim của máy tính (Ảnh: Internet).

Bo mạch chủ được bảo vệ tốt cũng giúp tất cả các thành phần khác của máy tính hoạt động trơn tru. Hãy tránh 5 lỗi dưới đây để giữ mainboard khỏe mạnh lâu bền nhé.

1. Đoản mạch

Đoản mạch là hiện tượng mạch điện bị nối tắt làm cho dòng điện trở nên quá mạnh và gây hư hại thiết bị, thường xảy ra với máy tính để bàn nhưng đôi lúc cũng có thể xuất hiện ở laptop. Nhất là đối với PC tự lắp rất dễ mắc lỗi này nếu lắp không đúng cách.

Bo mạch chủ có chức năng truyền điện đến các bộ phận khác của máy, do đó không được để bất kỳ vật kim loại nào tiếp xúc với nó dẫn đến nối tắt mạch điện, kể cả vỏ máy và các thành phần khác lắp trên mainboard. Thủ phạm thường gặp gây đoản mạch là quạt CPU bị lỏng và các dây cắm không gắn chặt.

Khi tự lắp PC phải chú ý đặt mainboard vào vỏ máy đúng vị trí, vặn tất cả các ốc thật chặt để cố định. Chỉ cần 1 con ốc bị lỏng cũng có thể làm hư cả mainboard. Ngoài ra các bộ phận khác bên trong máy phải được sắp xếp gọn gàng đúng chỗ, không để bất kỳ vật thể lạ nào lọt vào tiếp xúc với mainboard gây đoản mạch.

Điểm đoản mạch trên mainboard rất nhỏ (Ảnh: Internet).
Điểm đoản mạch trên mainboard rất nhỏ (Ảnh: Internet).

2. Tăng điện đột ngột

Lưu ý rằng mainboard chính là thành phần nối trực tiếp với bộ nguồn (PSU) của máy tính, do đó phải dùng đúng loại PSU phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu khả năng cấp điện của PSU thấp hơn so với sức tiêu thụ điện của các linh kiện thì máy sẽ không hoạt động tốt.

Dây cắm cung cấp điện từ nguồn vào mainboard (Ảnh: Internet).
Dây cắm cung cấp điện từ nguồn vào mainboard (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên hiện tượng thiếu điện ít khi xảy ra mà vấn đề thường gặp là tăng điện quá mức. Ví dụ khi tắt các thiết bị ngốn nhiều điện trong nhà như máy lạnh, tủ lạnh sẽ làm cho bóng đèn bị chớp, đó là vì dòng điện quá lớn từ các thiết bị đó đột ngột chuyển hướng sang bóng đèn.

Tương tự như vậy, dòng điện tăng bất ngờ cũng gây hại cho các thành phần bên trong máy tính như mainboard. Hiện tượng này rất thường xảy ra trong thực tế, có thể do cách bố trí mạch điện trong nhà, lưới điện của cả khu vực hay các sự cố bất ngờ như sét đánh.

Dòng điện tăng quá mức sẽ làm hỏng máy tính (Ảnh: Internet).
Dòng điện tăng quá mức sẽ làm hỏng máy tính (Ảnh: Internet).

Hầu hết bộ nguồn và mainboard của máy tính phù hợp với mức điện nhỏ, nếu điện tăng lên quá mạnh sẽ làm nóng bo mạch chủ và các linh kiện gắn lên nó, có thể gây hư hại nghiêm trọng. Giải pháp tốt nhất để tránh hiện tượng này là dùng ổ cắm chống sét cho máy tính.

3. Thông gió không tốt

Nhiệt độ cao là kẻ thù nguy hiểm của các thiết bị điện tử nói chung. Các linh kiện máy tính hoạt động tối ưu khi nhiệt độ được duy trì mát mẻ, nhưng vấn đề là bản thân quá trình hoạt động của chúng lại sinh ra rất nhiều nhiệt. Do đó phải đảm bảo máy tính luôn được tản nhiệt tốt, dù là dùng quạt hay bộ heat sink.

Tản nhiệt tốt sẽ giúp các linh kiện hoạt động hiệu quả và an toàn (Ảnh: Internet).
Tản nhiệt tốt sẽ giúp các linh kiện hoạt động hiệu quả và an toàn (Ảnh: Internet).

Nếu bạn thấy máy tính thường xuyên bị nóng thì hãy lau chùi sạch bụi ở cánh quạt và các lỗ thông gió. Bo mạch chủ quá nóng có thể sẽ bị cong vênh, mặc dù không biến dạng tới mức nhìn rõ bằng mắt thường nhưng cũng đủ để làm hư các điểm tiếp xúc chịu lực như ốc vít và chân cắm của linh kiện. Các điểm tiếp xúc không tốt về lâu dài sẽ làm hỏng máy rất nặng.

4. Linh kiện không tương thích

Một trong những sai lầm thường gặp khi dùng máy tính là lắp các linh kiện với nhau mà không tìm hiểu rõ xem chúng có tương thích hay không. Nếu mainboard không phù hợp với các bộ phận khác thì khả năng hoạt động không thể đạt tối ưu. Tốt nhất là hãy hỏi ý kiến tư vấn của người bán hoặc tham khảo thông tin trên mạng trước khi mua linh kiện.

Ngoài ra cũng phải kiểm tra chất lượng của các bộ phận gắn vào mainboard, đừng tiếc tiền mua RAM và bộ nguồn hàng xịn cho chiếc máy của mình. Đặc biệt cần chọn card đồ họa tốt vì đây là bộ phận dễ sinh nhiệt làm nóng máy.

5. Thao tác với mainboard không đúng cách

Phải hết sức cẩn thận khi tháo lắp mainboard (Ảnh: Internet).
Phải hết sức cẩn thận khi tháo lắp mainboard (Ảnh: Internet).

Bo mạch chủ có thể bị hỏng do thao tác trong quá trình lắp đặt. Nếu tự lắp PC tại nhà, hãy trang bị vòng đeo tay chống tĩnh điện và luôn đặt mainboard trên thảm chống tĩnh điện trong lúc tháo lắp, nếu không chỉ cần một cú sốc tĩnh điện cũng có thể làm hư bo mạch chủ không thể sửa được.

Một lưu ý cực kỳ quan trọng là hạn chế đụng chạm vào bề mặt của mainboard để không làm hỏng các mạch điện nhỏ li ti, cách làm đúng là chỉ cầm vào các cạnh của nó. Ngoài ra khi lắp mainboard vào vỏ máy phải chú ý vặn tất cả các ốc đều nhau, không phải vặn chặt một ốc rồi mới chuyển sang ốc khác. Cách này giúp đảm bảo áp lực đồng đều ở tất cả các vị trí của mainboard.

Cách đơn giản để kiểm tra bo mạch chủ bị hư hay không

Mainboard bị hư thường khó phát hiện hơn so với các bộ phận khác của máy tính. Nếu xảy ra lỗi phần cứng rõ ràng như không khởi động được máy thì có thể nghi ngờ, nhưng chưa thể chắc chắn ngay là do mainboard. Các bo mạch chủ hiện nay đều có đèn nhấp nháy để báo hiệu trục trặc, ngoài ra một số bước sau đây sẽ giúp khoanh vùng để tỉm xem có phải mainboard bị hư hay không.

  • Đầu tiên cắm nguồn điện xem có sáng đèn LED màu xanh lá trên mainboard hay không: nếu đèn không sáng thì nguồn điện hoặc bo mạch chủ có vấn đề, nếu thay bộ nguồn khác mà vẫn không được thì nhiều khả năng mainboard đã hư.
  • Nếu đèn sáng, hãy kiểm tra 2 bộ phận cơ bản cần thiết để khởi động máy là CPU và RAM. Tháo dây cắm của các bộ phận khác, chỉ để lại CPU và RAM gắn với mainboard và xem có khởi động lên BIOS hoặc UEFI được hay không.
  • Nếu bước trên vẫn không được thì vấn đề có thể do pin CMOS của mainboard, thường phải thay pin này nếu máy đã dùng được vài năm.
Pin CMOS của mainboard (Ảnh: Internet).
Pin CMOS của mainboard (Ảnh: Internet).

Trên đây là những lỗi sai thường gặp có thể làm mainboard nhanh hư và cách phòng tránh để giữ độ bền cho máy. Bạn có đang áp dụng những cách này cho máy tính của mình không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/mainboard-may-tinh-bi-hu-bo-mach-chu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét