Bạn đang học tiếng Anh nhưng vẫn ngại giao tiếp? Bạn cảm thấy thật khó khăn khi phải giao tiếp với người bản xứ? Đừng lo, với những mẹo mà BlogAnChoi sắp giới thiệu đây sẽ phần nào giúp bạn tự tin hơn cũng như gợi ý cho bạn thêm những cách học phù hợp hơn để tiếng Anh giao tiếp không còn là nỗi sợ nữa nhé!
Bước qua nỗi sợ hãi và kiên trì đến cùng
Việc đầu tiên chính là, ĐỪNG BỎ CUỘC. Có thể bạn cảm thấy rất chán nản khi mãi mà không tiến bộ lên được, nhưng đừng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, chỉ là có thể phương pháp bạn áp dụng vẫn chưa phù hợp với bản thân. Khi chúng ta học bất kỳ một ngôn ngữ mới nào đều sẽ có những trở ngại ban đầu, nếu bạn không kiên trì thì bạn chẳng bao giờ chạm tay đến được thành công cả.
Và đừng vì sợ giao tiếp mà bạn lại từ bỏ nhé, không sao cả, chúng mình có thể cùng nhau cái thiện. Hy vọng khi bạn đọc đến đây, bạn vẫn chưa bỏ cuộc nhé!
Tự tạo môi trường để luyện tập
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành khắp mọi nơi, thì việc đi học trung tâm hay đi ra ngoài để “bắt Tây” cùng trò chuyện khá là khó đúng không? Bạn có biết, bạn vẫn có thể tạo cho mình một môi trường học tiếng Anh ngay trong chính căn phòng của mình đó. Cùng xem những cách sau đây nhé.
1. Luyện tập nghe thông qua âm nhạc, phim ảnh
Các bạn sẽ khá thắc mắc là đang cần cải thiện kỹ năng nói cơ mà? Thật ra, nếu kỹ năng nghe của bạn được cải thiện, thì tin mình đi, kỹ năng nói của bạn cũng sẽ theo đó mà đi lên thôi. Việc này giống như một đứa bé khi mới chào đời, thứ tiếng chúng nghe được đầu tiên ngay từ khi mới sinh chính là từ mẹ chúng. Thời gian đầu, các bé tiếp nhận một ngôn ngữ thông qua việc duy nhất, chính là Nghe, sau đó nghe rồi sẽ nói theo được, từ đó khả năng nói của các bé tốt lên rất nhiều.
Chính vì vậy, việc luyện tập nghe cũng là một phương pháp giúp bạn nói tốt hơn rất nhiều, có thể nghe nhạc hoặc xem phim, mình cực kì khuyến khích bạn xem series Friends hoặc The BigBang Theory nhé, xem siêu vui mà học được rất nhiều từ hay, cách phát âm rõ ràng. Về âm nhạc, bạn có thể chọn bất cứ bài hát tiếng Anh nào mà mình thích, sau đó tập hát theo, đồng thời ngẫm nghĩ về lời bài hát, từ đó học thêm nhiều từ mới, tiện cả đôi đường phải không nào?
2. Viết nhật ký
Việc viết nhật ký mỗi ngày đã không còn quá xa lạ nữa rồi, nhưng hãy thử viết nhật ký bằng tiếng Anh xem nào, nó sẽ đòi hỏi người viết phải tư duy, chọn lọc từ vựng. Viết nhật ký giống như bạn đang kể lại một ngày của mình, nhưng hãy kể và suy nghĩ câu chuyện của mình bằng tiếng Anh, việc này sẽ kích thích chúng mình sử dụng tiếng Anh một cách chủ động hơn, thì khi mình giao tiếp sẽ không mất quá nhiều thời gian để “dịch” lại câu mình muốn nói từ tiếng Việt sang tiếng Anh nữa. Như thế thì phản xạ của bạn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều, cũng sẽ tự tin diễn đạt thành câu hơn nữa đó.
3. Sử dụng Cambly: ứng dụng giao tiếp với người bản xứ
“Học đi đôi với hành”, câu này rất đúng trong việc chúng ta học bất kỳ ngôn ngữ nào. Nếu chỉ học lý thuyết suông mà không thực hành thì xem như là công cốc rồi. Nếu xung quanh không có người để bạn có thể tập luyện, thì mình giới thiệu Cambly, một ứng dụng giúp bạn kết nối với nhiều thầy cô người bản xứ trên thế giới.
Bạn có thể luyện giao tiếp thường ngày, hay cả IELTS Speaking thì các thầy cô trên Cambly cũng có thể giúp bạn nữa đó, cũng như bạn có cơ hội được trò chuyện với nhiều người hơn mà không cần bước chân ra khỏi nhà. Đây có thể là một “trợ thủ đắc lực” trong việc học của bạn đấy.
Cùng xem cô nàng Hương Witch review về ấn tượng lần đầu với Cambly nhé:
Học từ vựng theo nhóm liên quan đến bạn
Để nói tốt thì việc có đầy đủ từ vựng là rất cần thiết. Tiếng Anh có đến 1 triệu từ vựng khác nhau, nhưng thật ra, chỉ cần từ 2000 đến 3000 từ là có thể giao tiếp thoải mái ở bất kì lĩnh vực nào. Nhưng việc học một lúc cả ngàn từ như vậy là bất khả thi, nên mình khuyên mọi người hãy nhóm các từ vựng lại theo chủ đề. Hiện nay có rất nhiều sách học từ vựng khác nhau trên thị trường, từ dễ đến khó, nhưng mình khuyên bạn đừng nên mua đại trà mà hãy học từ vựng ở những chủ đề phổ biến nhất và liên quan đến công việc của mình nhất.
Ví dụ, bạn là nhân viên marketing của một công ty thì đừng nên tốn thời gian học những từ vựng liên quan đến ngành mỹ thuật hay thiết kế, như vậy thì vừa tiết kiệm thời gian, từ vựng liên quan mật thiết đến bạn, sẽ không bị chán và bỏ dở giữa chừng.
Luyện tập phát âm đúng
Muốn nói tốt, trước tiên hãy nói “đúng”. “Đúng” ở đây không phải là giọng chuẩn bản xứ mà là phát âm từ vựng một cách chính xác nhất để mọi người cùng hiểu. Cái mình nói chính là pronunciation – phát âm, chứ không phải accent, mọi người đừng hiểu lầm nhé.
Khi mọi người phát âm từ đúng, thì tự nhiên người đối diện sẽ hiểu mọi người muốn truyền đạt điều gì, nếu mà có cho mình một đống kiến thức về từ vựng mà lại phát âm sai, thì cũng bằng không. Mình sẽ gợi ý cho bạn những cách sau để luyện tập phát âm đúng nhé!
1. Các app học phát âm
Mình đặc biệt khuyên bạn nên dùng 2 app chính là ELSA Speak và Duolingo. Cá nhân mình đã có những trải nghiệm rất tốt ở cả 2 ứng dụng này, sử dụng công nghê AI phân biệt giọng nói tân tiến nhất, giúp bạn chỉnh phát âm sao cho đúng nhất, ngoài ra app còn hỗ trợ học tiếng Anh một cách khá cụ thể.
Đầu tiên là ELSA Speak, app có hỗ trợ nhận diện giọng nói bằng công nghệ AI, so sánh phát âm của bạn với những dữ liệu mà nó có, từ đó đưa ra các đánh giá và nhận xét cho cách phát âm của bạn cũng như đề xuất những điều chỉnh nhất định. Ngoài ra ELSA Speak còn có trợ lý ảo hỗ trợ người học ở ngôn ngữ mẹ đẻ nữa đấy, nên các bạn đừng lo là sẽ không hiểu app nói gì nữa nhé.
Bạn có thể cân nhắc nâng cấp lên Pro tuỳ theo điều kiện của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào các app như thế này có thể chính xác hoàn toàn, nên đôi khi nó hơi bị “trục trặc” ở việc nhận biết phát âm của người học.
Tiếp đến là ứng dụng Duolingo, chú chim xanh “ác mộng” bạn có thể thấy trên các hội nhóm học tập mọi người chia sẻ rất nhiều. Điểm đầu tiên khiến mình ưng ý về ứng dụng này chính là nó hoàn toàn miễn phí, và mình sẽ không bị áp lực khi học vì các bài học ở Duolingo được “trò chơi hoá” rất vui nhộn và dễ tiếp thu. Cũng như ELSA Speak, Duolingo cho phép bạn luyện phát âm nhưng đôi khi lại không chuẩn lắm.
Tuy nhiên, Duolingo còn một số hạn chế như không giải thích rõ ràng lỗi sai cho người học hoặc bạn không thể sáng tạo những câu trả lời khác được, nên nếu bạn muốn học sâu hơn nữa thì Duolingo chắc không phải là sự lựa chọn tốt.
Xem review về 2 app học ở trên nhé, ngoài ra còn những ứng dụng khác nữa nên mọi người có thể tham khảo phần 1 nha!
2. Tự ghi âm và xem lại cách đọc đúng
Một việc mình tự làm để chỉnh lại phát âm của mình chính là mỗi ngày lên mạng tìm những đoạn văn ngắn, phù hợp, sau đó đọc to và ghi âm lại. Việc bản thân mình ghi âm lại, nghe lại một lần nữa, để bản thân mình nhận ra được rằng mình có nói sai ở chữ nào không, từ đó điều chỉnh lại, cũng khá dễ để mình tự kiểm tra, bạn chỉ cần search “[từ vựng] + pronunciation” thì kết quả sẽ ra những cách đọc đúng ở những chữ bạn không chắc.
Một nguồn kênh hữu ích khác chính là YouTube, bạn có thể thấy được hàng ngàn video khác nhau về cách phát âm đúng, các bảng nguyên âm, phụ âm và cách đọc chúng. Hãy tận dụng hết những gì bạn có để cải thiện nhé.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng quên đánh giá 5*, bình luận tích cực và chia sẻ đến với nhiều người hơn nữa nhé!
Những bài viết liên quan khác của BlogAnChoi tại đây:
- Top 10 ứng dụng học tiếng Anh tốt nhất trên điện thoại
- Bỏ túi tại nhà 6 ứng dụng học tiếng Anh hiệu quả được hàng triệu người tin dùng
source https://bloganchoi.com/muon-giao-tiep-tieng-anh-tot-dung-bo-qua-cac-tuyet-chieu-nay/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét