Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

GPU gắn ngoài là gì? Có nên mua eGPU để cày game trên laptop mượt hơn?

Bạn thường chơi game trên laptop nhưng cảm thấy chất lượng đồ họa của máy chưa đủ? Đã có giải pháp là những chiếc card đồ họa GPU gắn ngoài. Nhưng trước khi chọn mua thì hãy tìm hiểu xem eGPU là gì và có những tính năng nào đáng chú ý nhé!

Các bộ xử lý đồ họa bên ngoài (eGPU) thường được nhiều người dùng laptop khen ngợi vì có chất lượng đồ họa không kém gì máy tính để bàn, trong khi vẫn có thể mang đi mọi nơi dễ dàng như một chiếc laptop, 2 trong 1 cực kỳ tiện lợi.

GPU gắn ngoài - eGPU (Ảnh: Internet).
GPU gắn ngoài – eGPU (Ảnh: Internet).

Nhưng thực tế eGPU có tốt bằng GPU tích hợp bên trong máy không? Có đáng bỏ ra chi phí khá lớn để mua một bộ eGPU hay không, và kết quả nhận lại sẽ như thế nào? Hãy cùng khám phá nhé.

1. GPU bên ngoài hoạt động như thế nào?

Thường thì GPU bên ngoài được gắn vào một đế cắm, đế này có cổng PCIe dành cho card đồ họa và thường dùng cáp Thunderbolt hoặc USB-C để kết nối với máy tính.

Đế cắm eGPU kết nối với laptop (Ảnh: Internet).
Đế cắm eGPU kết nối với laptop (Ảnh: Internet).

Cách sử dụng đế cắm này cũng đơn giản giống như cài card, cài driver, boot lại máy hay cài đặt bất kỳ phần mềm nào – tất nhiên cách làm sẽ khác nhau tùy theo phần cứng của máy.

Sau khi đã kết nối xong, máy tính sẽ chuyển các lệnh yêu cầu đồ họa đến eGPU thay vì GPU mặc định có sẵn bên trong máy. Về lý thuyết, điều này sẽ giúp máy tăng hiệu suất đồ họa tốt hơn vì đa số laptop thường không mạnh về xử lý đồ họa (có thể sử dụng eGPU cho máy tính để bàn, nhưng không phổ biến bằng laptop).

Dùng loại eGPU càng lớn hơn và mạnh hơn sẽ mang lại hiệu quả đồ họa tốt hơn, thậm chí có thể đủ để chơi các game nặng đòi hỏi đồ họa cao.

2. Tác dụng của eGPU không phải là thần kỳ như nhiều người tưởng

Thực tế GPU gắn bên ngoài sẽ cho hiệu suất thấp hơn so với khi dùng chính chiếc GPU đó gắn bên trong máy. Cụ thể, mức “lỗ” về hiệu suất theo ước tính là khoảng 10 đến 15%. Đó cũng không phải là vấn đề lớn, nhất là với những dòng card đồ họa cao cấp hiện nay có dung lượng cực khủng. Nhưng nếu bạn muốn chơi các tựa game AAA mới ra với cấu hình cực cao, eGPU của laptop có thể sẽ không chạy tốt.

Dùng eGPU có nâng đồ họa cực cao cho laptop hay không? (Ảnh: Internet).
Dùng eGPU có nâng đồ họa cực cao cho laptop hay không? (Ảnh: Internet).

Nói cách khác, GPU bên ngoài vẫn cải thiện hiệu suất đồ họa của laptop, nhưng chưa chắc “thần kỳ” như mong đợi. Lý do chủ yếu là vì máy tính xách tay thường không được thiết kế để xử lý việc nặng như vậy. Còn nếu nó có khả năng đó thì cũng rất có thể đã được tích hợp sẵn GPU bên trong khá mạnh, không cần dùng GPU bên ngoài nữa.

Bên cạnh đó, chỉ có cổng PCIe có thể truyền khối lượng dữ liệu lớn với tốc độ nhanh, còn cổng Thunderbolt và USB-C loại mới nhất cũng không thể đạt được tốc độ truyền dữ liệu tương xứng như vậy.

Ngoài ra bản thân phần cứng của laptop cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của eGPU. Nếu bạn đang dùng một chiếc máy cũ và cắm thêm eGPU RTX 3070 thì cũng không làm tăng quá nhiều chất lượng đồ họa khi chơi game. Nhưng nếu bạn có một chiếc laptop đời mới với CPU tốt (khoảng 3 năm trở lại), thì rất có thể eGPU sẽ giúp trải nghiệm chơi game được cải thiện đáng kể.

3. Đế cắm eGPU khá đắt tiền

Đế cắm eGPU thực chất chỉ là một bộ phận của bo mạch chủ được trang bị thêm cổng PCIe và dây kết nối, nhưng giá bán lại khá cao, có thể tới vài trăm USD hoặc hơn. Đó là chưa tính bản thân chiếc GPU cũng đắt tiền không kém.

Bộ thiết bị này có giá không hề rẻ (Ảnh: Internet).
Bộ thiết bị này có giá không hề rẻ (Ảnh: Internet).

Một số loại đế cắm chỉ tương thích với một số hãng laptop nhất định, tức là không thể chuyển sang máy mới nếu bạn cần phải đổi máy, mà phải mua hẳn đế mới. Trong khi đó nhiều chiếc laptop không được nhà sản xuất cho biết phù hợp với loại đế eGPU nào, tức là bạn sẽ phải tự mày mò và thử nhiều loại khác nhau.

Về giá cả, có rất nhiều sản phẩm với mức giá khác nhau và bạn phải tìm hiểu xem eGPU nào phù hợp nhất cho nhu cầu của mình. Ví dụ như Razer Core X được coi là một trong những eGPU tốt nhất nhưng có giá từ 400 USD (khoảng 9 triệu VNĐ).

4. Phải tìm hiểu kỹ eGPU trước khi chọn mua

Đế cắm eGPU có nhiều tính năng và độ tương thích khác nhau, ví dụ như:

  • Đế OWC Mercury Helios 3 chỉ cắm được card có kích thước tối đa 75 inch (khoảng 190 cm)
  • Đế Akitio Node chỉ tương thích với loại card có chiều dài một nửa
  • Graphics Amplifier của Alienware không có cổng USB và Thunderbolt mà sử dụng đầu cắm riêng của hãng
  • HP Accelerator Omen được trang bị thêm cổng SATA nên có thể cắm thêm ổ cứng HDD hoặc SSD
Mỗi loại đế cắm có đặc tính khác nhau (Ảnh: Internet).
Mỗi loại đế cắm có đặc tính khác nhau (Ảnh: Internet).

Ngoài ra mỗi loại đế eGPU kể trên đều có tính tương thích khác nhau: Graphics Amplifier của Alienware có đầu nối độc quyền nên chỉ dùng được với laptop Alienware, hay đế Razer Core chỉ dùng được với Thunderbolt 3. Còn loại đế ASUS ROG XG Station 2 có thể dùng tốt với máy ASUS, nhưng các dòng máy khác thì không rõ.

Đó là chưa kể đến những loại GPU mới xuất hiện trên thị trường như Nvidia RTX 30-series và AMD Radeon RX 60-series, bạn sẽ phải nghiên cứu kỹ trước khi chọn được loại card và đế cắm phù hợp với mình.

5. GPU gắn bên ngoài có làm cho đồ họa tốt hơn nhiều không?

Mặc dù có những vấn đề như nêu trên nhưng eGPU vẫn giúp tăng chất lượng đồ họa cho máy tính để bạn có thể chạy được những game hay phần mềm mà trước đây không thể chạy được do đồ họa của máy quá yếu. Có rất nhiều thông số chứng minh eGPU làm tăng chất lượng đồ họa đáng kể, nhưng đối với các dòng GPU kết hợp CPU thì chưa rõ.

Dùng eGPU giúp chơi game mượt hơn trên laptop (Ảnh: Internet).
Dùng eGPU giúp chơi game mượt hơn trên laptop (Ảnh: Internet).

Rất khó để đo chính xác eGPU giúp tăng đồ họa lên bao nhiêu, nhưng nếu laptop của bạn không thể chơi được một game nào đó mà bạn rất thích thì hãy thử dùng eGPU – đó là một trong những cách dễ thực hiện nhất.

Lưu ý cho những ai dùng máy máy Mac M1: Apple đã loại bỏ chức năng kết nối eGPU cho phần cứng của dòng máy mới nhất này, nên bạn sẽ không thể tăng hiệu suất của MacBook M1 bằng cách dùng thêm eGPU.

MacBook M1 không thể dùng được eGPU (Ảnh: Internet).
MacBook M1 không thể dùng được eGPU (Ảnh: Internet).

6. GPU bên ngoài đang được cải thiện ngày càng tốt hơn

Tốc độ truyền dữ liệu của cổng Thunderbolt và USB-C vẫn chưa được nâng cao đáng kể, nhưng phần cứng và phần mềm dùng cho eGPU vẫn đang tiếp tục được cải thiện.

Ngày càng có nhiều người muốn sử dụng GPU gắn bên ngoài, và các hãng sản xuất GPU cũng muốn thu hút thêm nhiều khách hàng hơn, do đó lĩnh vực này có rất nhiều động lực để tiếp tục phát triển.

7. Loại đế cắm eGPU nào tốt nhất hiện nay?

Có nhiều loại đế eGPU chất lượng tốt trên thị trường hiện nay với nhiều mức giá và đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau. Dưới đây là hai loại được nhiều người đánh giá cao.

Đế cắm kết hợp eGPU Nvidia và AMD: Razer Core X

Đế cắm Razer Core X Chroma (Ảnh: Internet).
Đế cắm Razer Core X Chroma (Ảnh: Internet).

Razer Core X là đế cắm GPU bên ngoài được xếp hạng tốt nhất trên trang eGPU.io, có đủ chỗ để cắm các GPU mới nhất của Nvidia và AMD, cả 2 đều dùng cổng PCIe. Để cung cấp năng lượng cho các GPU hạng nặng này, Razer Core X được bán kèm với một PSU riêng có công suất 650W và hỗ trợ cổng Thunderbolt 3 để đạt hiệu suất tối đa khi chơi game.

Ngoài ra hãng Razer còn có phiên bản Razer Core X Chroma rất hoành tráng đi kèm với PSU 700W, cổng USB bổ sung, cổng Gigabit Ethernet và RGB.

Đế cắm kết hợp eGPU Nvidia và AMD: Akitio Node Titan

Akitio Node Titan (Ảnh: Internet).
Akitio Node Titan (Ảnh: Internet).

Akitio Node Titan là phiên bản nâng cao của Akito Node Pro và có thêm nhiều ưu điểm như bộ cấp nguồn 650W bổ sung cho GPU bên ngoài để cung cấp đủ năng lượng cho đồ họa tối ưu. Node Titan có thể cắm được GPU rộng tới 2,5 khe, như vậy sẽ không dùng được với card AMD Radeon 60-series hay RTX 30 Series, nhưng hầu hết các GPU thế hệ trước đều có thể chạy tốt.

Đế cắm này tương thích với eGPU AMD nhưng cũng có thể chuyển sang GPU Nvidia rất dễ dàng. Node Titan được nâng cấp đáng kể so với dòng Node Pro trước đó, trọng lượng nhẹ hơn chỉ còn hơn 3 kg nên dễ mang đi. Nhưng lưu ý là kích thước của Node Titan khá lớn, phù hợp cho máy tính để bàn hơn, và chỉ có một cổng Thunderbolt 3 duy nhất.

Tổng kết: Có nên dùng eGPU hay không?

Những lưu ý trên sẽ giúp bạn có thêm thông tin để quyết định có nên mua eGPU hay không. Có rất nhiều yếu tố quyết định: giá của đế cắm, giá của card đồ họa đi kèm với đế và liệu laptop của bạn có chạy được các game đồ họa cao hay không – hãy cân nhắc tất cả trước khi quyết định. Nếu điều kiện cho phép thì sao không thử dùng eGPU cho laptop ngay hôm nay!

Bạn có thể mua eGPU và đế cắm tại đây

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/egpu-choi-game-gpu-gan-ngoai-la-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét