Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Flurona là gì? Có nguy hiểm hơn corona?

Trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc thì có một vấn đề khác lại nổi lên và gây lo ngại, đó là “flurona”. Vậy flurona là gì? Có phải là một biến thể mới nguy hiểm? Và tại sao lại khiến các chuyên gia y tế lo ngại như vậy?

Flurona là gì?

Trong những ngày cuối năm 2021, các bác sĩ tại Bệnh viện Beilinson ở Israel đã xác nhận một trường hợp mắc cả bệnh cúm và COVID-19 đồng thời. Cụ thể: ngày 23/12/2021, một phụ nữ 29 tuổi mang thai có kết quả dương tính với COVID-19, sau đó 6 ngày cũng được phát hiện mắc cúm A. Bệnh nhân này đã được nhập viện và điều trị khỏi bệnh.

Flurona là vấn đề mới của COVID-19 (Ảnh: Internet).
Flurona là vấn đề mới của COVID-19 (Ảnh: Internet).

Đã có nhiều trường hợp nhiễm cả 2 bệnh này được ghi nhận ở các quốc gia khác và được gọi là “flurona”. Đây là từ ghép giữa flu (cúm) và corona, dùng để chỉ tình trạng mắc cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc.

Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong một báo cáo của Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Israel hồi tháng 12 năm 2020, trong đó flurona mô tả “khả năng bùng phát song song của bệnh cúm và COVID, và hậu quả là gánh nặng đối với hệ thống y tế”.

Flurona có nguy hiểm hơn COVID-19? (Ảnh: Internet).
Flurona có nguy hiểm hơn COVID-19? (Ảnh: Internet).

Trường hợp nói trên ở Israel không phải là ca mắc flurona đầu tiên. Hồi tháng 6/2020, các bác sĩ tại Medilife Health Group ở Thổ Nhĩ Kỳ đã báo cáo 6 trường hợp mắc flurona từ ngày 10/3 đến 10/5. Các bác sĩ tại Bệnh viện Clinic Barcelona ở Tây Ban Nha cũng cho biết có 4 ca mắc flurona vào tháng 5/2020.

Như vậy flurona đã xuất hiện từ lâu, nhưng tại sao bây giờ chúng ta lại nghe nói về nó nhiều hơn?

Các chuyên gia y tế hiện đang lo ngại về flurona vì biến thể Omicron mới xuất hiện có khả năng lây lan cực mạnh và nhiều nơi đã nới lỏng các quy định hạn chế về đại dịch. Ví dụ như ở Canada, theo số liệu của FluWatch, số ca mắc cúm năm 2020-2021 ở nước này chỉ là 69, nhưng từ ngày 12/12/2021 đến 1/1/2022 đã có tới 158 ca.

Giáo sư Dominik Mertz, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học McMaster cho biết: nhiều khu vực trên thế giới đang có mức độ bệnh cúm và COVID-19 đều tăng cao, dẫn đến nhiều trường hợp đồng nhiễm cả 2 loại virus gây bệnh.

Nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 cũng làm cho bệnh cúm dễ lây lan (Ảnh: Internet).
Nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 cũng làm cho bệnh cúm dễ lây lan (Ảnh: Internet).

Các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19, đồng thời cũng giúp ngăn lây truyền bệnh cúm. Khi những quy định hạn chế này được dỡ bỏ, số ca mắc cúm cũng gia tăng.

Theo giáo sư Mertz, mặc dù flurona là hiện tượng hiếm gặp nhưng lại khiến các chuyên gia lo lắng vì nó có thể làm hệ thống y tế bị quá tải trong lúc đang rất khó khăn vì đối phó với COVID-19.

Những người nào có nguy cơ mắc flurona?

Cho đến nay, flurona đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Iran, Brazil, Philippines và Hungary. Giáo sư Mertz cho biết: nguy cơ cao nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với các loại virus đường hô hấp này, đặc biệt là trong môi trường nhà trẻ và trường học.

Những nơi tập trung đông người như trường học rất dễ lây lan bệnh hô hấp (Ảnh: Internet).
Những nơi tập trung đông người như trường học rất dễ lây lan bệnh hô hấp (Ảnh: Internet).

Ngoài ra những người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch cũng nên cẩn thận vì họ có nguy cơ cao đối với cả COVID-19 và bệnh cúm.

Flurona có triệu chứng như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh cúm và COVID-19 rất giống nhau, nếu mắc cả hai bệnh sẽ rất khó phân biệt được triệu chứng nào là của bệnh nào.

Theo Public Health, triệu chứng dễ thấy nhất của bệnh cúm là sốt, ho và đau nhức cơ bắp, ngoài ra người bệnh có thể bị nhức đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, đau họng và chảy nước mũi. Trong khi đó các triệu chứng thường gặp của COVID-19 là ho, khó thở, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và đau đầu.

COVID-19 và bệnh cúm có nhiều triệu chứng giống nhau (Ảnh: Internet).
COVID-19 và bệnh cúm có nhiều triệu chứng giống nhau (Ảnh: Internet).

Theo giáo sư Mertz, dễ phân biệt nhất có lẽ là triệu chứng mất vị giác và khứu giác, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng mắc COVID-19 rất cao. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa rõ mắc cả 2 bệnh có gây triệu chứng nghiêm trọng hơn so với từng bệnh riêng lẻ hay không, vì số ca mắc flurona vẫn còn rất ít.

Nên làm gì khi mắc flurona?

Giáo sư Mertz cho biết: bệnh cúm và COVID-19 có cách điều trị khác nhau, nếu mắc cả 2 bệnh cùng lúc có thể sẽ phải điều trị cả hai. Theo Public Health, người bị cúm nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và uống thuốc để giảm đau nhức. Nếu mắc COVID-19 mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà thì cũng làm tương tự.

Cần làm gì để tránh mắc flurona?

Cơ quan Y tế Công cộng của Canada cho biết khả năng mắc flurona hiện nay là rất hiếm. Các chuyên gia khuyến cáo: những người có nguy cơ nhiễm bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa giống như trong suốt thời gian đại dịch. Cách tốt nhất để tránh bị cúm hoặc COVID-19 là tuân theo các hướng dẫn về y tế cộng đồng. Cả 2 loại virus này đều lây lan theo cách giống nhau: thông qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện.

Theo Public Health, để ngăn ngừa COVID-19 chúng ta nên đeo khẩu trang, cải thiện hệ thống thông gió tại nơi ở, giữ khoảng cách với mọi người, rửa tay và khử trùng các bề mặt vật dụng, nếu đã mắc bệnh phải tránh tiếp xúc với người khác.

Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 (Ảnh: Bộ Y tế).
Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 (Ảnh: Bộ Y tế).

Các biện pháp phòng ngừa cúm cũng tương tự: rửa tay, tránh chạm tay vào mũi và miệng, dùng khuỷu tay che miệng khi ho, giữ vệ sinh và tự cách ly nếu đã bị bệnh.

Cũng không thể bỏ qua biện pháp đơn giản và cực kỳ hiệu quả là tiêm vaccine. Chúng ta đã có vaccine ngừa cúm và vaccine COVID-19 có độ an toàn và tác dụng cao.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về flurona và cách bảo vệ bản thân khỏi 2 căn bệnh đường hô hấp này. Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:



source https://bloganchoi.com/flurona-la-gi-covid-19-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét