Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Cần lưu ý gì khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19?

Để tăng cường khả năng phòng chống COVID-19 cho cộng đồng, Bộ Y Tế đang triển khai tiêm mũi 3 vaccine đồng loạt diện rộng cho các tỉnh thành. Vậy chúng ta cần lưu ý gì khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19? Bài viết này sẽ giải đáp giúp bạn thắc mắc này!

1. Khi nào được tiêm mũi 3 vaccine chống COVID-19?

Nhiều tỉnh thành hiện nay đã bắt đầu tiêm mũi 3 chống COVID-19, và theo như yêu cầu của Bộ Y tế thì dự kiến đến hết quý I/2022, tất cả mọi người sẽ hoàn tất mũi thứ 3 này.

Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra là người dân đang hoang mang bởi 2 khái niệm “liều bổ sung” và “liều nhắc lại”. Nhiều địa phương không nắm được rõ yêu cầu của bộ Y Tế dẫn đến tổ chức tiêm vaccine không đúng khoảng cách thời gian quy định.

Vaccine mũi 3 có gì đặc biệt? (Ảnh: Internet).
Vaccine mũi 3 có gì đặc biệt? (Ảnh: Internet).

Liều bổ sung là gì?

Liều bổ sung sẽ dành cho những người từ đủ 18 tuổi trở lên và đã hoàn thành đầy đủ việc tiêm chủng vaccine (đa số là 2 mũi). Những người nhiễm HIV, ung thư, cấy ghép nội tạng, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch và đang rơi vào tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng cũng được ưu tiên tiêm liều bổ sung này.

Về thời gian yêu cầu, có thể tiêm liều bổ sung sau khi đã hoàn thành mũi cuối cùng (liều cơ bản) từ 28 ngày đến 90 ngày.

Liều bổ sung có tác dụng khôi phục hệ miễn dịch của cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch sau các liều cơ bản.

Liều nhắc lại là gì?

Liều nhắc lại sẽ dành cho những người từ đủ 18 tuổi trở lên, những người đã tiêm đủ liều cơ bản (hoặc liều bổ sung). Bộ Y Tế cũng sẽ ưu tiên những người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp chăm sóc, xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Về thời gian yêu cầu, liều nhắc lại sẽ được tiêm khi mũi cuối cùng của liều cơ bản (hoặc liều bổ sung) được hoàn thành ít nhất 3 tháng.

Người dân nên tuân thủ quy định tiêm chủng từ Bộ Y Tế. (Ảnh: Internet)
Người dân nên tuân thủ quy định tiêm chủng từ Bộ Y Tế. (Ảnh: Internet)

2. Bao lâu sau khi tiêm mũi 3 vaccine chống COVID-19 thì thuốc sẽ có hiệu lực?

Theo như các bác sĩ hàng đầu của Ontario (Canada) cho biết, phải mất 14 ngày sau khi tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 thì nó mới có khả năng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, với mũi thứ 3 thì tiến sĩ Kieran Moore – hiện đang là Giám đốc Sở y tế Ontario (Canada) cho rằng thời gian sẽ rút ngắn hơn.

Trong khoảng từ 5-7 ngày sau khi tiêm thì cơ thể đã bắt đầu xuất hiện các kháng thể chống lại COVID-19. Với một số người có sức đề kháng yếu, thời gian sản sinh ra kháng thể có thể lên đến 14 ngày.

Nhiều địa phương đã tổ chức tiêm mũi 3 cho người dân. (Ảnh: Internet)
Nhiều địa phương đã tổ chức tiêm mũi 3 cho người dân. (Ảnh: Internet)

3. Vaccine mũi 3 liệu có thể giúp chúng ta không mắc COVID-19?

Việc tiêm bổ sung mũi 3 sẽ tăng cường hệ miễn dịch của con người nhằm phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, đã là vaccine thì không thể hiệu quả tuyệt đối 100%. Tiêm 3 mũi không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là và mất cảnh giác.

Mọi người nhất định không nên chủ quan mà phải tuân thủ quy tắc 5K, tự theo dõi sức khỏe của mình và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Đã có nhiều người dù đã hoàn thành 3 mũi vaccine nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19, thậm chí là mắc những triệu chứng rất nặng!

4. Cần chuẩn bị gì trước và sau khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19?

Trước khi tiêm

Chuẩn bị tâm lý và ăn uống là những vấn đề cần chú ý trước khi tiêm mũi 3. Theo tư vấn của bác sĩ Amesh Adalja hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, mọi người trước khi tiêm mũi 3 nên uống đủ nước để giúp cơ thể tránh tình trạng mất nước, giúp tinh thần tỉnh táo và không cảm thấy mệt mỏi, đau đầu.

Uống đủ nước trước khi tiêm vaccine (Ảnh: Internet).
Uống đủ nước trước khi tiêm vaccine (Ảnh: Internet).

Mọi người lưu ý không hoạt động thể dục thể thao hay vận động cường độ cao trước khi tiêm mũi 3. Đặc biệt không nên nhịn đói hay uống cà phê, bia rượu! Và cũng đừng dùng thuốc giảm đau, nó sẽ vô tình làm giảm đi tác dụng của vaccine chống COVID-19.

Tốt nhất là trước ngày đi tiêm nên ngủ sớm để giữ tinh thần thoải mái và giúp cơ thể khỏe khoắn nhất. Một mẹo để bạn không bị đau sau khi tiêm là nên tiêm ở tay không thuận vì nó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của bạn!

Sau khi tiêm

Sau khi tiêm xong mũi 3, cơ thể sẽ bắt đầu phản ứng với thuốc. Tầm 5-7 giờ sau, một số người sẽ bắt đầu cảm thấy hơi nhức mỏi, đau chỗ cánh tay và có triệu chứng sốt. Đây là những triệu chứng tác dụng phụ rất bình thường sau khi tiêm.

Bạn nên bổ sung nước để cơ thể không mất nước. Đặc biệt, nên ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung các chất từ trứng, sữa, cá, thịt,… để cơ thể phục hồi. Nên nhớ không được uống rượu bia, không được thức khuya và chỉ dùng thuốc giảm đau khi thật sự cần!

Nếu cơ thể sốt cao trên 38,5°C và không có dấu hiệu giảm thì nên báo ngay với cán bộ y tế hoặc đến Trung tâm Y tế gần nhất.

Hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau tiêm của Bộ Y Tế (Ảnh: Bộ Y Tế)
Hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau tiêm của Bộ Y Tế (Ảnh: Bộ Y Tế)

5. Tiêm mũi 3 có thực sự cần thiết?

Các kháng thể sau khi sản sinh ra trong cơ thể con người, thường sau một khoảng thời gian nhất định sẽ suy giảm. Chính vì thế, việc tiêm thêm mũi 3 là giúp cơ thể tiếp tục có khả năng phản ứng miễn dịch, giúp hệ miễn dịch luôn trong trạng thái sẵn sàng để chống lại các triệu chứng và tác nhân gây bệnh từ COVID-19.

Tiêm mũi 3 không chỉ là một giải pháp hiệu quả và quan trọng vì sức khỏe của mỗi người mà còn là biện pháp bảo vệ cộng đồng. Vaccine không hoàn toàn giúp cơ thể chống lại COVID-19 nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi càng có nhiều người được tiêm đủ liều thì nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ càng được thuyên giảm.

Bạn có thể đọc một số bài viết khác của BlogAnChoi tại đây:

Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết! Hãy bình luận để trao đổi với BlogAnChoi nhé!



source https://bloganchoi.com/can-luu-y-gi-khi-tiem-mui-3-vaccine-phong-covid-19/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét