Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Ung thư máu là bệnh gì, có chữa được không? Tại sao hay gọi là bệnh máu trắng?

Ung thư thường có khối u, vậy ung thư máu có phải là khối u trong máu? Triệu chứng khi bị ung thư máu là gì? Có phải ung thư máu đồng nghĩa với “án tử”? Hãy cùng khám phá những sự thật về căn bệnh hiểm nghèo này nhé!

Máu gồm những thành phần nào?

Tổng lượng máu chiếm khoảng 8% trọng lượng cơ thể bình thường của con người, đóng vai trò sống còn để duy trì hoạt động của cơ thể. Khi máu lưu thông trong hệ thống mạch máu sẽ cung cấp oxy, chất dinh dưỡng, hormone và kháng thể cho tất cả các cơ quan và tế bào.

Máu gồm phần dịch lỏng và các tế bào (Ảnh: Internet).
Máu gồm phần dịch lỏng và các tế bào (Ảnh: Internet).

Máu gồm 2 phần với tỷ lệ gần bằng nhau là huyết tương (chất lỏng giúp đưa chất dinh dưỡng tới các cơ quan và nhận chất thải để bài tiết ra ngoài) và các tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

  • Hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và CO2 theo chiều ngược lại
  • Bạch cầu là các tế bào chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể, chống nhiễm trùng
  • Tiểu cầu giúp tạo cục máu đông để cầm máu khi bị thương

Ung thư máu là như thế nào?

Ung thư máu là hiện tượng sản sinh quá nhiều các tế bào máu, thường là bạch cầu, do đó mới có tên gọi dân gian là bệnh máu trắng.

Tế bào bạch cầu có chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể (Ảnh: Internet).
Tế bào bạch cầu có chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể (Ảnh: Internet).

Ở cơ thể khỏe mạnh bình thường, các tế bào bạch cầu mới được tạo ra từ tế bào gốc trong tủy xương với số lượng vừa đủ để thay thế những tế bào già. Nếu quá trình này bị rối loạn dẫn đến tạo tế bào mới không kiểm soát thì sẽ hình thành ung thư máu.

Ung thư máu chiếm khoảng 10% trong tổng số tất cả các loại ung thư được chẩn đoán ở Mỹ mỗi năm, tỷ lệ ở nam cao hơn nữ. Đặc biệt một dạng ung thư máu là bệnh bạch cầu thường xảy ra ở trẻ em, chiếm khoảng 25% trong số các bệnh ung thư ở trẻ em.

Ung thư máu có phải chỉ là một bệnh duy nhất?

Thực ra đó là tên gọi chung của nhiều dạng ung thư khác nhau, được chia thành 3 loại chính:

Bệnh bạch cầu (leukemia)

Trong máu của người bệnh có rất nhiều bạch cầu (Ảnh: Internet).
Trong máu của người bệnh có rất nhiều bạch cầu (Ảnh: Internet).

Đây là dạng ung thư xảy ra ở tế bào bạch cầu hoặc các tế bào gốc sẽ trở thành bạch cầu. Bệnh này khiến cho tế bào bạch cầu không thể thực hiện chức năng chống nhiễm trùng như bình thường, gồm các dạng là: bệnh bạch cầu cấp tính (tiến triển nhanh) hoặc mãn tính (tiến triển chậm hơn), ảnh hưởng đến tế bào lympho (bệnh bạch cầu lympho) hoặc các tế bào miễn dịch khác (bệnh bạch cầu dòng tủy).

Bệnh bạch cầu chỉ xảy ra với tế bào bạch cầu trong máu và không lan sang các cơ quan khác, là loại ung thư máu phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Ung thư hạch (lymphoma)

Đây là ung thư xảy ra ở hệ bạch huyết – thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, đặc biệt là ở các hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ dạng hạt có nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh. Lymphoma ảnh hưởng đến loại tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho, trong đó phổ biến nhất là lymphoma Hodgkin, hay bệnh Hodgkin. Tất cả những dạng khác được gọi là lymphoma không Hodgkin.

Lymphoma làm cho hạch bạch huyết sưng to (Ảnh: Internet).
Lymphoma làm cho hạch bạch huyết sưng to (Ảnh: Internet).

Đây là dạng ung thư máu phổ biến nhất ở người lớn, chiếm hơn một nửa số trường hợp ung thư máu được chẩn đoán và thường liên qua với virus HIV, EBV, đột biến gene và các chất gây ung thư trong môi trường.

U tủy (myeloma)

Đây là ung thư xảy ra ở tế bào tạo máu trong tủy xương, có thể là bất kỳ xương nào nhưng thường gặp là xương chậu và cột sống, cũng có thể xảy ra ở nhiều nơi cùng lúc, ảnh hưởng đến các tế bào có vai trò sản xuất kháng thể để chống nhiễm trùng, do đó làm người bệnh dễ bị tấn công và mắc bệnh nghiêm trọng.

Myeloma ảnh hưởng đến các tế bào tạo kháng thể (Ảnh: Internet).
Myeloma ảnh hưởng đến các tế bào tạo kháng thể (Ảnh: Internet).

Những ai có nguy cơ mắc ung thư máu?

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh này vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn, nhưng các nhà khoa học cho rằng do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố đã được biết là làm tăng nguy cơ mắc một số dạng ung thư máu:

  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc với phóng xạ và các hóa chất như benzen
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), HIV và HTLV

Triệu chứng của ung thư máu là gì?

Nhiều trường hợp bệnh ung thư máu có thể gây triệu chứng rõ ràng và được phát hiện sớm, nhưng các trường hợp khác có thể không biểu hiện triệu chứng và tiến triển từ từ trong nhiều năm. Tùy theo dạng ung thư cụ thể mà triệu chứng sẽ khác nhau, nhìn chung thường có các biểu hiện như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi, yếu cơ
  • Hay bị nhiễm trùng
  • Dễ chảy máu, khó cầm máu
  • Đau xương khớp
  • Sụt cân ngoài ý muốn
  • Sưng hạch bạch huyết, gan to, lách to
  • Một số dạng có thể gây thiếu máu
Các triệu chứng thường gặp của ung thư máu (Ảnh: Internet).
Các triệu chứng thường gặp của ung thư máu (Ảnh: Internet).

Ung thư máu được chẩn đoán như thế nào?

  • Bệnh bạch cầu: bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm công thức máu để đếm số lượng các loại tế bào, từ đó có thể xác định số lượng bạch cầu tăng cao bất thường so với hồng cầu và tiểu cầu.
  • Lymphoma: người bệnh cần thực hiện sinh thiết, tức là lấy một mẫu mô của hạch để kiểm tra dưới kính hiển vi. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cho chụp X-quang, CT hoặc PET để phát hiện các hạch bạch huyết bị sưng to bất thường.
Sinh thiết hạch ở bệnh nhân lymphoma (Ảnh: Internet).
Sinh thiết hạch ở bệnh nhân lymphoma (Ảnh: Internet).
  • Myeloma: làm công thức máu hoặc xét nghiệm máu/nước tiểu để phát hiện các chất báo hiệu hoạt động bất thường của tế bào tạo máu trong tủy. Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết tủy xương, chụp X quang, CT, MRI, PET để phát hiện bệnh cũng như đánh giá mức độ lan rộng.

Các phương pháp điều trị ung thư máu là gì?

Điều trị ung thư máu có nhiều mức độ khác nhau, từ theo dõi sát không cần điều trị cho tới các phương pháp truyền thống hay hiện đại. Với rất nhiều dạng ung thư máu đã được công nhận cho đến nay, quan trọng là phải chẩn đoán chính xác trước khi quyết định điều trị.

Điều trị cụ thể sẽ tùy vào dạng ung thư, tuổi của người bệnh, tốc độ tiến triển của bệnh và đã lan sang các cơ quan khác hay chưa. Các phương pháp điều trị đã tiến bộ rất nhiều trong vài chục năm qua, nhiều dạng ung thư máu hiện nay có thể điều trị với tỷ lệ thành công khá cao.

Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Hóa trị: dùng các thuốc chống ung thư tiêm vào tĩnh mạch hoặc đôi khi bằng đường uống để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chúng tăng sinh nhưng cũng có thể làm hại các tế bào bình thường.
Tiêm thuốc hóa trị có nhiều tác dụng phụ nặng nề (Ảnh: Internet).
Tiêm thuốc hóa trị có nhiều tác dụng phụ nặng nề (Ảnh: Internet).
  • Xạ trị: sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm đích: sử dụng các loại thuốc thế hệ mới để tiêu diệt tế bào ác tính mà không làm hại các tế bào khỏe mạnh bình thường. Liệu pháp này được dùng nhiều nhất đối với bệnh bạch cầu.
  • Cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương: đầu tiên phải tiêu diệt hết các tế bào ung thư, sau đó đưa tế bào gốc khỏe mạnh từ người khác ghép vào cơ thể người bệnh để sản xuất ra tế bào máu khỏe mạnh như bình thường.
  • Phẫu thuật: loại bỏ các hạch bạch huyết bị bệnh, được sử dụng để điều trị một số bệnh lymphoma.
  • Liệu pháp miễn dịch: kích hoạt hệ miễn dịch của chính người bệnh để tự tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm hại tế bào bình thường.

Một số quan niệm sai lầm về ung thư máu

1. Ung thư máu chỉ xuất hiện ở trẻ em?

Mặc dù bệnh bạch cầu là một trong những loại ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất ở trẻ em, khoảng 30% trong số tất cả các loại ung thư, nhưng nó cũng thường xảy ra ở người già. Theo Viện Ung thư Quốc gia của Mỹ, bệnh bạch cầu là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất ở những người từ 65 đến 74 tuổi.

Tỷ lệ mắc các dạng khác nhau theo nhóm tuổi:

  • Bệnh bạch cầu lympho cấp tính phổ biến nhất ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính rất hiếm ở trẻ em, thường xảy ra ở người lớn.
Bệnh bạch cầu thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn (Ảnh: Internet).
Bệnh bạch cầu thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn (Ảnh: Internet).

2. Thiếu máu dẫn tới ung thư máu?

Thiếu máu có thể là triệu chứng ở bệnh nhân bị ung thư máu, nhưng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh. Thiếu máu là hiện tượng cơ thể không tạo ra đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc không đủ hemoglobin để vận chuyển oxy, làm người bệnh lúc nào cũng mệt mỏi và các cơ quan bị rối loạn chức năng. Có nhiều nguyên nhân khác cũng gây thiếu máu, phổ biến nhất là do thiếu sắt.

3. Tất cả bệnh nhân ung thư máu đều phải cấy ghép tủy xương?

Phương pháp cấy ghép không nhất thiết phải áp dụng với tất cả bệnh nhân ung thư máu. Những trường hợp cần cấy ghép phải được đánh giá kỹ dựa trên chẩn đoán cơ bản, đáp ứng của cơ thể với điều trị và đặc điểm gene của ung thư. Đã có nhiều tiến bộ trong liệu pháp nhắm đích giúp tăng khả năng điều trị thành công bệnh bạch cầu cấp tính mà không cần ghép tủy.

4. Ung thư máu đồng nghĩa với bản án tử?

Tỷ lệ điều trị thành công căn bệnh này đang ngày càng được cải thiện, giúp bệnh nhân có thể sống lâu hơn. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả như liệu pháp nhắm đích, ghép tủy xương và liệu pháp miễn dịch giúp đánh bại ung thư, mở ra cơ hội chữa trị dứt điểm nếu được chẩn đoán sớm.

Tổng kết

Ung thư máu là căn bệnh hiểm nghèo chưa rõ nguyên nhân chính xác, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay đã có nhiều phương pháp chữa ung thư máu với khả năng thành công cao, nhưng cần phát hiện bệnh sớm mới đem lại kết quả tốt.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/ung-thu-mau-la-benh-gi-co-chua-duoc-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét