Sáng ngày 06/11/2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã chính thức được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại. Trong vòng 15 ngày tiếp theo, người dân tại Hà Nội có thể trải nghiệm dịch vụ này miễn phí. Trong bài viết này, BlogAnChoi sẽ hướng dẫn bạn các bước để có thể trải nghiệm dịch vụ này, cũng như những lưu ý khi sử dụng loại hình giao thông mới này tại thủ đô.
Gửi xe để lên tàu
Hiện tại, do mới đi vào khai thác nên việc gửi đỗ phương tiện cá nhân cho hành khách lên tàu vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ Ga Cát Linh (Ga Đầu) và Ga Yên Nghĩa (Ga Cuối) có chỗ gửi xe thì những nhà ga khác ở giữa hai điểm vẫn chưa có bãi đỗ xe. Nếu bạn muốn đi xe máy để lên tàu từ những ga khác (ngoại trừ ga Cát Linh, Yên Nghĩa) thì phải lưu ý vấn đề này nhé!
Một giải pháp tạm thời đó chính là bạn có thể gửi xe tại những bãi gửi xe tư nhân. Tuy nhiên, giải pháp này có điểm bất cập đó chính là bạn sẽ phải chủ động tìm bãi đỗ xe, cũng như giá mỗi lần gửi thường cao hơn từ 3 đến 4 lần so với giá niêm yết. Trong tương lai, những bãi đỗ xe dành riêng cho khách đi tàu sẽ xuất hiện ở những ga giữa, giúp trải nghiệm di chuyển bằng tàu điện Cát Linh – Hà Đông thêm phần hoàn thiện.
Ngoài ra trong vòng 15 ngày chạy thử, hành khách sẽ được gửi xe miễn phí 100% tại ga Yên Nghĩa và Ga Cát Linh khi tham quan và trải nghiệm. Bạn hãy lưu ý thông tin này để sắp có thể sắp xếp và trải nghiệm chuyến tàu này nhé!
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có những điểm dừng nào?
Hiện nay, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang có tất cả 12 nhà ga, tương ứng với 12 điểm dừng bao gồm:
- Ga Số 1 – Ga Cát Linh: Là ga lớn nhất, nằm ở đoạn giao ngã 5: Cát Linh, Hào Nam, Giảng Võ và Giang Văn Minh. Từ ga Cát Linh, hành khách có thể kết nối với tuyến metro số 3 (Nhổn – ga Hà Nội), BRT số 1 Kim Mã – Yên Nghĩa và các tuyến bus số 18, 22, 23.
- Ga Số 2 – La Thành: Nằm trên cao gần ngã tư La Thành – Hào Nam. Tại đây hành khách có thể bắt xe bus tuyến 50, 99, 23, 30.
- Ga Số 3 – Thái Hà: Nằm trên phố Hoàng Cầu mới, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến bus 26, 30, 50, 18, 35A, 84.
- Ga Số 4 – Láng: Nằm sát bên bờ sông Tô Lịch, hành khách có thể di chuyển bằng tuyến bus 09B, 16, 24, 27.
- Ga Số 5 – Ga Thượng Đình: Ở gần đoạn giao cắt Khương Đình – Nguyễn Trãi, hành khách có thể kết nối với tuyến xe bus số 02, 19, 01, 27.
- Ga Số 6 – Ga Vành Đai 3: Nằm ở hầm chui Thanh Xuân. Tại đây có rất nhiều tuyến bus kết nối là 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyên Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển.
- Ga Số 7 – Phùng Khoang: Nằm ở đoạn giao giữa phố Nguyễn Trãi và Phùng Khoang. Hành khách có thể đến đây bằng tuyến bus 39, 27, 02, 19, 01.
- Ga Số 8 – Ga Văn Quán: Nằm ở bến xe Hà Đông cũ, có vị trí thuận tiện giúp hành khách kết nối với các tuyến bus, xe khách tại bến xe Hà Đông.
- Ga Số 9 – Ga Hà Đông: Nằm gần bệnh viện đa khoa Hà Đông. Từ ga này, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 89, 01, 02, 27, 33.
- Ga Số 10 – Ga La Khê: Nằm gần nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung. Từ đây hành khách có thể kết nối các tuyến bus số 01, 02, 21A, 27.
- Ga Số 11 – Ga Văn Khê: Nằm ở giữa phố Quang Trung và đường Ba La, tại đây có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 91, 01, 02, 21A, 27.
- Ga Cuối – Yên Nghĩa: Nằm ngay ở trước bến xe Yên Nghĩa trên đường Quang Trung, Hà Đông. Ga này giúp hành khách kết nối với các tuyến xe buýt nội đô cũng như các xe khách liên tỉnh đi Hoà Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Kon Tum…
Trải nghiệm thực tế đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông
Trong những ngày tàu khởi chạy lần đầu tiên, mình đã có cơ hội để đi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Chiều đi mình khởi hành từ Ga Cát Linh đến Ga Văn Khê và chiều về ngược lại. Mình có chút cảm nhận như sau:
Mua vé lên tàu
Tại tầng 2 mỗi ga sẽ có nơi để bán vé. Bạn chỉ cần đến quầy bán vé và yêu cầu số lượng vé cần thiết. Sau đó bạn quẹt thẻ qua những bốt soát vé. Bạn nên giữ lại vé này cho đến khi chuyến hành trình kết thúc. Khi đã đến ga xuống, bạn xuống dưới tầng 2 và đưa vé vào cửa ra vào để đi ra.
Ưu điểm
- Tốc độ: Mình thường mất tối thiểu 1 tiếng để có thể di chuyển từ Cát Linh đến Ga Văn Khê bằng xe máy trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, việc phải hít khói bụi cũng như tắc đường là những thứ khiến mình ái ngại mỗi khi di chuyển qua cung đường này. Tuy vậy, mình chỉ mất khoảng 15 – 20 phút để đến ga Văn Khê nếu đi bằng tàu điện trên cao.
- Thư giãn: Nếu đi trên quãng đường này bằng xe máy, mình thường phải căng mắt ra để điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, khi đi bằng tàu điện, mình hoàn toàn có thể ngắm cảnh trong lúc tàu đang đi, và chỉ một lúc sau là đã đến nơi cần đến. Đây là điểm cộng thứ hai khiến mình muốn đi lại chuyến tàu này trong tương lai.
Nhược điểm
- Gửi xe: Như mình đã đề cập ở trên, việc gửi xe để lên tàu vẫn là một điểm trừ cần được khắc phục trong tương lai.
Kết luận
Sau rất nhiều năm chờ đợi, người dân ở Hà Nội cuối cùng cùng đã có thể trải nghiệm tuyến đường sắt trên sao Cát Linh – Hà Đông. Dẫu còn nhiều vấn đề tồn tại, mình vẫn nghĩ rằng trong tương lai đây sẽ là hình thức giao thông mà nhiều hành khách chọn di chuyển giữa hai đầu của thành phố.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 10 đồ chơi làm nên tuổi thơ dữ dội của thế hệ 8X 9X
- Trải nghiệm ứng dụng Techcombank Mobile – Liệu có đáng nâng cấp?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/trai-nghiem-tuyen-duong-sat-tren-cao-cat-linh-ha-dong-lieu-co-nhu-loi-don/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét