Lang ben là một bệnh lý về da thường gặp ở mọi đối tượng. Lang ben không gây đe dọa đến tính mạng nhưng gây khó chịu và làm mất thẩm mỹ người bệnh vì những mảng da không đều màu nhau.
Lang ben là gì?
Lang ben (tên khoa học: Tinea versicolor) là một bệnh nhiễm trùng nấm da thường hay gặp. Loại nấm này sẽ gây thay đổi sắc tố bình thường của da, tạo thành các mảng da nhỏ có màu sắc khác các vùng da xung quanh. Lang ben có thể ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng ngực và lưng là phổ biến hơn cả.
Nguyên nhân gây bệnh lang ben là gì?
Nguyên nhân hay gặp nhất gây ra bệnh lang ben là do một loại nấm thuộc họ Malassezia (loại nấm hay gây các bệnh ở lớp sừng của da) gây ra. Nấm Malassezia sử dụng lipid làm chất dinh dưỡng, thông thường chúng sẽ tập trung nhiều ở các vùng da tiết nhiều bã nhờn như mặt, cổ, ngực… và không gây tổn thương da, chỉ gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi và phát triển một cách quá mức.
Các nguyên nhân có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm là:
- Thời tiết nóng ẩm
- Người có da dầu, dễ đổ mồ hôi
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu (người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em, người lớn tuổi)
- Thay đổi nội tiết tố (tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, phụ nữ tiền mãn kinh…)
- Vệ sinh cá nhân kém
Đối tượng nào dễ bị lang ben?
Lang ben có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thông thường gặp ở người trẻ tuổi và có xu hướng ở nam nhiều hơn ở nữ. Người có da nhờn, hay đổ mồ hôi, tuổi dậy thì, trẻ em mắc bệnh cúm, sởi…. cũng là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lang ben.
Lang ben thường gặp ở vùng khí hậu nóng, ẩm hơn là vùng khí hậu lạnh, khô. Bệnh cũng có thể tự thuyên giảm vào mùa đông và tái phát vào mùa hè.
Đặc điểm của bệnh lang ben là gì?
Vị trí hay gặp của bệnh là ở nửa thân trên như cổ, cánh tay, ngực, mặt. Các mảng da bị tổn thương có kích thước không đều nhau và có nhiều hình dạng như hình oval, hình trứng, hình bầu dục. Bề mặt vùng da bị tổn thương có thể xuất hiện các vảy mịn gọi là dát, các dát này có thể bị bong nếu cạo nhẹ.
Vùng da bị lang ben có thể có màu nhạt hay đậm hơn các vùng da xung quanh, có thể màu trắng, hồng hoặc nâu. Thông thường lang ben không gây ngứa, chủ yếu ngứa khi ra nắng hoặc ra nhiều mồ hôi. Vùng da bị tổn thương do lang ben cũng dễ bị bắt nắng hơn da bình thường.
Bệnh lang ben có lây không?
Lang ben có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, dao cạo râu…
Phòng ngừa lang ben bằng cách nào?
- Vào mùa hè tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nên che chắn khi đi ra đường.
- Hạn chế làm việc, học tập ở nơi nóng, ẩm.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn gối, mùng mền.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Khi vận động, làm việc ra quá nhiều mồ hôi cần lau khô mồ hôi.
- Nên cho trẻ em đi tiêm ngừa các bệnh cúm, sởi.
Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán lang ben?
Thông thường bệnh lang ben được chẩn đoán dựa trên lâm sàng, nhưng một số xét nghiệm có thể giúp khẳng định bệnh chính xác hơn:
- Soi đèn Wood thấy rìa vùng da bị tổn thương phát huỳnh quang màu xanh lá cây.
- Soi tươi dưới kính hiển vi (với KOH 10%) thấy các sợi nấm với các bào tử tập trung lại thành chùm nho.
- Nuôi cấy thường âm tính và không có ý nghĩa chẩn đoán.
Điều trị bệnh lang ben như thế nào?
Chủ yếu là điều trị tại chỗ bằng các thuốc bôi da, các thuốc bôi có thể sử dụng như: kem bôi da Ketoconazol 2%, Terbinafine 1%, Ciclopirox 1%… Hiệu quả điều trị có thể thấy sau 1-2 tuần sử dụng, nhưng có thể mất vài tháng để màu sắc da trở lại bình thường.
Nếu kem bôi không có tác dụng, vùng da tổn thương lan rộng thì có thể cân nhắc chuyển sang dùng thuốc uống. Các thuốc kháng nấm đường uống có thể sử dụng như: Itraconazole: 200mg/ngày uống trong vòng 7 ngày, Fluconazol 150mg/lần/tuần, dùng trong 1-2 tuần.
Lưu ý: việc sử dụng thuốc để điều trị lang ben cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn, không tự ý dùng thuốc.
Lang ben là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở Việt Nam. Bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại gây ra sự khó chịu, bất tiện và làm mất thẩm mỹ người bệnh. Hy vọng qua bài viết trên mọi người đã có cái nhìn rõ hơn về bệnh lang ben, từ đó có các biện pháp phòng ngừa và điều trị tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 5 mẹo điều trị bệnh da liễu có thể bạn chưa biết
- Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí khoa học
- Điều trị và phòng tránh dị ứng thời tiết ngay tại nhà an toàn, hiệu quả
Trên đây là những thông tin cơ bản, cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh lang ben mà BlogAnChoi muốn giới thiệu cho bạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình một cách tốt nhất! Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/benh-lang-ben-la-benh-gi-cach-phong-ngua-va-dieu-tri-nhu-the-nao/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét