Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Áp lực đồng trang lứa: Đừng vì “con người ta” mà hạ thấp chính mình

‘Áp lực đồng trang lứa’ với câu nói ám ảnh “Nhìn người ta kìa, xem con nhà họ đi” khiến nhiều người phải gồng mình chạy theo những chuẩn mực vô hình. Nhưng làm thế nào mới có thể thoát khỏi thứ áp lực ấy, làm sao mới để bộc lộ ưu điểm của bản thân? Hãy cùng BlogAnChoi giải đáp khúc mắc và tìm ra phương pháp hiệu quả nhất ngay dưới đây.

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa hay còn được biết với tên gọi Peer Pressure, đây là một thuật ngữ đang phổ biến trong thời gian gần đây. Được dùng để nói về những áp lực tâm lý mà một người nào đó đang gặp phải khi họ bị so sánh với những người trong cùng một cộng đồng, cùng lứa tuổi hoặc trong một nhóm đối tượng cụ thể. Dưới những áp lực vô hình đó họ bắt buộc phải thay đổi hành vi, thái độ để tạo nên sự phù hợp.

Áp lực đồng trang lứa được biểu hiện rõ qua việc so sánh những người trong cùng 1 nhóm (Nguồn: Internet)
Áp lực đồng trang lứa được biểu hiện rõ qua việc so sánh những người trong cùng 1 nhóm (Nguồn: Internet)

Và đôi khi bạn phải biến đổi quá nhiều đến mức quên đi giá trị bản thân, quên đi mục tiêu ban đầu và chạy theo một loại chuẩn mực mơ hồ. Đó cũng là khi lưỡi dao tiêu cực của peer pressure xuất hiện. Dễ hiểu hơn một chút, đó giống như việc bạn luôn cố gắng đi theo xu hướng ăn mặc của các bạn cùng lớp chỉ để nhận lại được sự hòa đồng từ họ. Trong khi bạn không thích, cũng chẳng muốn làm theo, nhưng bởi tâm lý sợ bị cô lập mà ép buộc chính mình.

Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang rơi vào ‘Peer Pressure’

Có vô vàn những vấn đề tâm lý khác nhau mà chúng ta dễ dàng gặp phải trong cuộc sống. Vậy đâu là biểu hiện chủ yếu của áp lực đồng trang lứa, để giải đáp hãy thử đọc vài điều dưới đây:

  • Khó ngủ, luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng mà không rõ nguyên do.
  • Ngại những nơi đông người, ngại nói chuyện hoặc chia sẻ vì sợ mình khác mọi người.
  • Có cảm giác rằng bản thân không phù hợp với nơi mà mình đang sống và làm việc.
  • Thay đổi hành vi một cách vô thức, làm những việc mà bản thân không muốn.
  • Đặc biệt nhất là luôn đặt bản thân vào một chiếc cân, tự so sánh mình với mọi người.

Đó chính là những dấu hiệu điển hình cho thấy bạn đang gặp phải áp lực bạn bè. Điều này thể hiện rõ ràng nhất là khi bạn luôn bị ám ảnh bởi những câu so sánh từ người khác. Và sau đó tự hạ thấp giá trị của bản thân.

Những đối tượng đang gánh chịu ‘Áp lực đồng trang lứa’

Dễ dàng nhận ra đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất chính là thanh thiếu niên. Đây là độ tuổi tiếp giao giữa sự bồng bột và trưởng thành, là nơi mà vô vàn các căn bệnh tâm lý gặp nhau. Bố mẹ nói con yếu kém, chẳng bằng con nhà người ta trong khi không hiểu rõ những điều mà con cái họ có thể làm và muốn làm. Bị ám ảnh bởi những lời so sánh của người ngoài, và còn vô vàn những ví dụ khác khiến cho người trẻ cảm thấy tự ti và mặc cảm.

Những cô cậu học sinh là những người dễ rơi vào trạng thái áp lực nhất (Nguồn: Internet)
Những cô cậu học sinh là những người dễ rơi vào trạng thái áp lực nhất (Nguồn: Internet)

Vậy còn người trưởng thành thì sao? Cớ gì mà sau bao nhiêu sóng gió họ vẫn bị áp lực đồng trang lứa quật ngã. Đó là khi họ đang sống ở trong một môi trường với những quy tắc bất thành văn. Ai cũng biết rượu bia hại sức khỏe nhưng vẫn phải cố gồng mình uống thêm vài ly để giữ sự giao hảo.

Cuối cùng là người già và trẻ em, mặc dù không phải trải qua những tình huống như trên nhưng họ vẫn không thể miễn nhiễm với con virus ấy. Nhiều ba mẹ đã cố tình nhồi vào đầu con cái họ đủ mọi kỹ năng đàn ca, mỹ thuật, chỉ để con sánh vai cùng những cậu ấm cô chiêu. Khiến những chiếc xích đu, cầu trượt trở thành một thứ xa vời.

Mọi đối tượng đều có thể chịu ảnh hưởng bởi pres
Mọi đối tượng đều có thể chịu ảnh hưởng bởi peer pressure (Nguồn: BlogAnChoi)

Chung quy lại, không ai là không bị tác động bởi peer pressure. Trừ khi họ là người đủ bản lĩnh sẽ vượt qua và hòa nhập nhưng không hòa tan. Nhưng có những người chọn cách chấp nhận thực tại, thậm chí là từ bỏ bản thân.

3 lý do khiến con quái vật ‘Áp lực đồng trang lứa’ tồn tại và phát triển

Nếu đã gọi nó là quái vật thì chắc chắn những ý nghĩa tốt đẹp đã bị xóa nhòa bởi hiện thực xã hội. Dưới đây là 3 nguyên do chính khiến cho thứ áp lực này phát triển mạnh mẽ đến vậy.

1. Chưa đủ trưởng thành trong suy nghĩ cá nhân

Lý do này thường xảy đến với những cô cậu học trò đang tuổi mới lớn, những con người đang tập dời xa vòng tay gia đình để bước vào xã hội rộng lớn. Họ dần dần bước đến một thế lớn hơn, với nhiều dòng suy nghĩ và đa dạng những vấn đề khác nhau. Khi họ chưa đủ trưởng thành, suy nghĩ chưa thật sự đủ và đúng nên rất dễ dàng vấp phải áp lực mang tên peer pressure.

Khi suy nghĩ của bạn chưa đủ sâu thì rất dễ phải gánh chịu áp lực từ người khác (Nguồn: Internet)
Khi suy nghĩ của bạn chưa đủ sâu thì rất dễ phải gánh chịu áp lực từ người khác (Nguồn: Internet)

Ở một thế giới mà mỗi góc lại là một gang màu sáng tối đa dạng, nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc, không thể định hướng bản thân thì rất dễ rơi vào lạc lõng. Không chỉ những cô bé cậu bé mới lớn mà đôi khi những người dù đã đi làm nhiều năm vẫn không thể có được suy nghĩ riêng cho mình. Khi đó vấn đề không còn nằm ở người ta nữa mà là do chính bạn đang tự cho đi sự tự do và nhận lại sự kiểm soát của người khác.

2. Khát khao được hòa nhập

Nguyên nhân góp phần không kém khiến cho áp lực đồng trang lứa dễ nảy sinh và phát triển chính là khao khát được hòa nhập, được công nhận. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có những người nhân viên phải cố giữ khuôn mặt rạng rỡ để tham gia những buổi tiệc tùng mà họ không hề hứng thú? Đơn giản thôi bởi họ không muốn bị cô lập, không muốn nhận những lời nói như là: Sao cậu không đi? Ai cũng đi cơ mà, hay cậu không thích bọn tôi?

Mong muốn được hòa nhập tưởng chừng đơn giản mà lại quá khó với nhiều người (Nguồn: Internet)
Mong muốn được hòa nhập tưởng chừng đơn giản mà lại quá khó với nhiều người (Nguồn: Internet)

Người trẻ có áp lực của người trẻ, người lớn có áp lực của người lớn. Và những người muốn được hòa nhập cũng vậy, thậm chí cái gánh nặng đó còn lớn gấp vài lần bình thường. Làm gì có ai mà không muốn hòa hợp với đồng nghiệp, vui vẻ cùng bạn bè. Làm gì có ai có thể chịu đựng cảnh tượng bị những người làm việc cùng đưa cho cái nhìn phán xét, kì thị. Hoặc chấp nhận bị bạn bè trêu trọc chỉ vì bản thân khác biệt.

3. Chủ nghĩa tập thể được tôn thờ một cách tiêu cực

Từ thời tiền xử con người đã có tập tính sống theo bầy đàn, làm việc, sinh hoạt và ăn uống cùng nhau. Chính vì vậy mà tạo nên sự đoàn kết, gắn bó và hòa hợp. Tinh thần tập thể là một điều thật sự rất rất tốt, một công ty đoàn kết thì dù có khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Một nhóm làm việc cùng nhau mà biết chia sẻ và trợ giúp thì không gì là không thể làm.

Đoàn kết khiến xã hội phát triển hơn nhưng ở một vài nơi nó đang bị bóp méo (Nguồn: Internet)
Đoàn kết khiến xã hội phát triển hơn nhưng ở một vài nơi nó đang bị bóp méo (Nguồn: BlogAnChoi)

Tuy nhiên khi thế giới ngày một phát triển, tính cách của con người cũng bị tác động không nhỏ. Và đôi khi chủ nghĩa tập thể bị bóp méo, trở thành cái mác để cho một vài con người hiên ngang thể hiện cái tôi ấu trí, bao trùm sự kiểm soát lên tất cả mọi người.

Giống như việc một người xếp đánh giá nhân viên qua việc phải làm thêm giờ mới là nhân viên giỏi. Còn những người về đúng giờ thì dù có hoàn thành tốt công việc cũng sẽ bị coi là lười nhác. Và để tránh sự xét nét, so sánh của cấp trên những nhân viên ấy có hoàn thành xong việc sớm thì vẫn phải cam chịu quay lại bàn trong sự buồn chán.

Peer pressure không chỉ có tiêu cực

Có lẽ đối với nhiều người khi mới tìm hiểu về áp lực lứa tuổi sẽ nghĩ chúng chỉ toàn là tiêu cực. Bạn nghĩ đó là điều sẽ mang lại vô vàn khó khăn, áp lực và mệt mỏi? Nhưng thật ra thì không hẳn là vậy, Peer pressure mang lại nhiều điều tích cực trong công việc và cuộc sống khi con người biết kiểm soát bản thân. Là khi họ cố gắng học hỏi, hội nhập nhưng không để bản thân bị hòa tan hay bị ép buộc.

Mặt tích cực của áp lực đồng trang lứa là giúp con người phát triển tốt hơn (Nguồn: BlogAnChoi)
Mặt tích cực của áp lực đồng trang lứa là giúp con người phát triển tốt hơn (Nguồn: BlogAnChoi)

Ví dụ như nếu bạn đang ở trong một nhóm bạn rất giỏi tiếng anh, còn khả năng của bản thân thì bình thường. Và để cải thiện khả năng, bạn nỗ lực trau dồi nhiều hơn để có thể giỏi tiếng anh như bạn bè của mình. Đó chính là mặt tích cực mà áp lực đồng trang lứa mang đến. Chúng kích hoạt công tắc nỗ lực ở mức cao nhất, khiến cho bạn phải thay đổi từng giây từng phút. Chúng giúp bạn hoàn thiện bản thân và khắc phục những nhược điểm đang tồn tại.

3 cách giúp bạn vượt qua rào cản mang tên ‘Áp lực đồng trang lứa’

Người ta thường hay nói hãy biến áp lực trở thành động lực. Nhưng làm sao để có thể tự mình di chuyển tảng đá khổng lồ chỉ trong một cái chớp mắt. Việc cần thiết nhất là bạn phải ngồi lại, bĩnh tĩnh suy ngẫm, đối diện trực tiếp với sự thật và tìm phương hướng giải quyết.

1. Thấu hiểu và tin tưởng bản thân mình

Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để xóa bỏ áp lực chính là hiểu bản thân. Hãy tạm bỏ đi những lời nói ngoài kia và dành một khoảng không gian riêng cho chính mình. Thử lắng nghe xem bản thân mình muốn gì, có thể làm được gì và sẽ cần phải làm gì để hiện thực hóa mong muốn đó.

Hãy dành cho riêng mình một chút thời gian để suy ngẫm (Nguồn: Internet)
Hãy dành cho riêng mình một chút thời gian để suy ngẫm (Nguồn: BlogAnChoi)

Bạn phải biết mình là ai thì mới có thể chọn được con đường phù hợp cho mình. Giống như khi chọn được một chiếc áo phù hợp là khi bạn hiểu sở thích của mình và biết được số đo của bản thân. Những điều này không ai có thể làm thay bạn hết, phải biết trân trọng giá trị của chính mình thì người khác mới có thể cảm nhận và trân trọng nó.

Và cũng hãy nhớ xác định rõ ràng giới hạn của bản thân là ở đâu, sau đó hãy để cho mọi người biết được ranh giới đó. Đừng quá mềm lòng và nhân nhượng để cho bất cứ ai cũng có thể vượt quá giới hạn đó và làm tổn thương bạn.

2. Biết cách lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc

Mình cũng đã có nói Peer pressure không hoàn toàn xấu. Đôi khi sự so sánh đó khiến cho bạn nhận ra khuyết điểm của bản thân và sửa chữa chúng. Nhưng nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi bạn biết rằng điều gì đáng để lắng nghe, nhận xét của ai là đúng để tiếp thu. Bạn có thể nghe hết tất cả những gì họ đang nói về bạn, nhưng điều gì đúng điều gì sai, đâu là góp ý trân thành và đâu là giả dối thì phải tự bản thân mình đánh giá.

Bầu trời có lúc trong xanh,lúc xám xịt, con người cũng có người tốt kẻ xấu. Nên hãy xây dựng ý kiến riêng của bản thân, sẵn lòng và tươi cười nhận góp ý. Nhưng đừng quá nhu nhược rồi tự đẩy mình vào ngõ cụt.

3. Hiểu rằng ai cũng có lựa chọn riêng

Có một câu nói thế này “Trên đời có 3 việc chính: việc của bản thân, việc của người khác, việc của ông trời”. Những điều ông trời làm là thứ xuất hiện trong tương lai nên chẳng ai quản nổi, điều người khác làm là những sự việc đang diễn ra trong cuộc sống của họ. Còn việc của bản thân sẽ tác động trực tiếp đến hiện tại và tương lai của chính mình.

Quyền lựa chọn là của mỗi người nên hãy tôn trọng điều đó (Nguồn: BlogAnChoi)
Quyền lựa chọn là của mỗi người nên hãy tôn trọng điều đó (Nguồn: BlogAnChoi)

Nhớ rằng ai trên đời cũng có timeline và timezone của riêng mình. Bạn xem phim gì là do bạn chọn, người yêu bạn cũng là do bạn chọn, hãy cố gắng chọn những điều phù hợp nhất với bản thân. Và cũng đừng quên rằng người ta cũng có quyền lựa chọn. Bạn không nhất thiết phải lấy điều đó để làm tiêu chuẩn cho chính mình, nhưng hãy tôn trọng lựa chọn để nhận lại được sự khoan dung.

Không một ai có thể định nghĩa thành công, không ai đo được nỗ lực bao nhiêu là đủ. Chính vì vậy qua bài viết này mình mong các bạn có thể dễ dàng nhận ra giá trị của chính mình, bao dung với bản thân và cố gắng hết sức vì tương lai tươi đẹp.

Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết hay ho khác của BlogAnChoi ngay dưới đây:

Đừng quên ghé thăm BlogAnChoi thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất, hay nhất và bổ ích nhất nha. Và nếu bạn thấy bài viết này hữu ích đừng quên tích 5* và chia sẻ bài viết đến với nhiều người khác nữa nha.



source https://bloganchoi.com/ap-luc-dong-trang-lua-con-nguoi-ta/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét