Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Vì sao đợt bùng phát COVID-19 lần này lại nghiêm trọng và kéo dài như vậy?

Tính đến thời điểm 27/4/2021, Việt Nam vẫn là một quốc gia thành công trong chống dịch COVID-19, một kỳ tích đáng tự hào khiến thế giới phải nể trọng và học hỏi. Nhưng tại sao lần bùng dịch thứ tư này mọi chuyện lại hoàn toàn khác? Mỗi ngày nước ta ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm và tình hình vẫn chưa ổn định. Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân khách quan

Do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh hơn

Chủng virus Delta có đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Tốc độ lây lan nhanh và lan vào các khu công nghiệp, khi dân cư đông đúc khiến chúng ta không kịp trở tay.

Biến thể Delta đang hoành hành trên khắp thế giới, không riêng gì Việt Nam (Nguồn: Internet).
Biến thể Delta đang hoành hành trên khắp thế giới, không riêng gì Việt Nam (Nguồn: Internet).

Chủng virus mới lây lan nhanh kết hợp với tỷ lệ rất cao người nhiễm virus không hề có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dẫn đến việc nhận diện ca bệnh và kiểm soát dịch càng trở nên khó khăn.

Nguồn cung vaccine còn hạn chế và phụ thuộc từ nước ngoài

Có thể hiểu rằng ở đợt dịch thứ 4 này, chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 2 lần so với biến thể ban đầu, vì thế phương pháp chống dịch giống như 3 đợt bùng phát trước đó là chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của nó. Bên cạnh truy vết khoanh vùng để ngăn chặn đà lây lan thì vaccine là thứ vũ khí không thể thiếu để giúp chúng ta quay lại trạng thái bình thường mới nhanh nhất.

Việt Nam chưa chủ động được vắc xin trong nước (Nguồn: Internet).
Việt Nam chưa chủ động được vắc xin trong nước (Nguồn: Internet).

Thế nhưng tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu dẫn đến khả năng cung cấp cho nước ta cũng bị hạn chế. Vắc xin trong nước chưa thể tự chủ trong sản xuất dẫn đến tình hình là hiện nay Việt Nam mới chỉ tiêm được hơn 21 triệu liều trên tổng số 150 triệu liều cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tính ra, chúng ta mới tiêm được 1 phần 8 số lượng cần thiết.

Hiện tại vắc xin của Việt Nam là Nanocovax đã thử nghiệm giai đoạn 3 thành công và gửi lên hội đồng thẩm định. Chúng ta cùng hy vọng rằng sẽ sớm tự chủ được nguồn vắc xin trong thời gian tới. Việt Nam cũng đã ký kết mua hơn 100 triệu liều vắc xin với các đối tác, và chính phủ vẫn đang tiếp tục tìm nguồn cung vắc xin thêm nữa. Hy vọng rằng mục tiêu sẽ sớm hoàn thành và vắc xin sẽ chuyển về Việt Nam một cách nhanh nhất.

Nguyên nhân chủ quan

Do ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt

Yếu tố quan trọng giúp nước ta thành công trong những đợt dịch trước đây là nhờ người dân chấp hành tuyệt đối các chỉ thị được đưa ra, không ra đường khi có yêu cầu giãn cách. Còn trong đợt bùng phát lần này chúng ta lại thấy thường xuyên có những trường hợp vi phạm quy định giãn cách, không chịu đi cách ly, thậm chí trốn cách ly làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Nguyên nhân của những hành động đó một phần là vì bản thân ý thức kém, chưa hiểu rõ dịch bệnh này nguy hiểm và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội như thế nào, một phần khác là vì sự chủ quan sau khi nước ta đã chống dịch thành công ở những lần trước.

Một số người chưa tuân thủ quy định cách ly và giãn cách xã hội làm dịch bệnh dễ lây lan (Ảnh: Internet).
Một số người chưa tuân thủ quy định cách ly và giãn cách xã hội làm dịch bệnh dễ lây lan (Ảnh: Internet).

Cũng do ý thức của một bộ phận người dân chưa tự giác nên nhiều địa phương phải siết chặt quy định, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh phải yêu cầu người dân ở yên trong nhà và mọi nhu yếu phẩm đều được các lực lượng chống dịch cung cấp đến từng nhà dân.

Một số địa phương mắc sai sót trong công tác chống dịch

Bên cạnh vi phạm của người dân thì bản thân các cơ quan chức năng ở một số địa phương cũng vi phạm quy định phòng chống COVID-19. Những trường hợp chốt kiểm soát không nghiêm hay cán bộ chủ quan đã được nhiều báo đưa tin trong thời gian qua.

Nhiều địa phương đã được lãnh đạo Nhà nước kiểm tra thị sát tận nơi để đánh giá công tác chống dịch và chấn chỉnh các sai phạm nếu có. Ngày 26/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất thành phố Thủ Đức, và ngày 31/8 Thủ tướng đã kiểm tra, phê bình công tác chống dịch ở quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Cuối cùng phải kể đến nguyên nhân mở cửa đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5

Có thể nhớ lại rằng trước đó chúng ta đã khống chế đợt bùng dịch ở Bắc Ninh và Bắc Giang tốt đến như thế nào. Nhưng việc mở cửa du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 lại khiến nhiều người lo ngại sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, và thực tế đã xảy ra đúng như vậy.

Kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, mọi người đi du lịch khắp nơi trên cả nước dẫn đến việc người ra Bắc vào Nam cũng nhiều mang theo nguồn lây đến nhiều địa phương khác nhau.

Theo các bạn đâu là nguyên nhân chính dẫn đến đợt dịch lần thứ 4 bùng phát dữ dội như hiện nay? Chúng ta cùng hy vọng rằng không phải nghỉ 2/9 đến tết âm lịch giống như cái cách chúng ta nghỉ 30/4 đến mùng 2/9 nữa. Chúc các lực lượng chống dịch tuyến đầu dồi dào sức khỏe để “Covid nhanh đi đi”.

Bởi vì chúng ta là người Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch để được tiếp tục nghe giai điệu của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” một lần nữa tại chính thành phố mang tên Bác.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/vi-sao-covid-19-lan-nay-keo-dai-nghiem-trong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét