Steam là nền tảng game online PC ngày càng phát triển lớn mạnh và có nhiều người chơi, nhất là khi giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19 khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Bạn không biết tìm những tựa game hay và hot ở đâu? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá Steam – nền tảng game PC được yêu thích hàng đầu hiện nay trên thế giới nhé!
Steam là gì mà hot đến vậy?
Steam không phải là một tựa game cụ thể mà là nền tảng cung cấp game thuộc công ty Valve. Để hiểu vì sao Steam có lượng fan đông đảo như hiện nay thì trước tiên hãy cùng xem qua “gia thế khủng” của công ty đã khai sinh ra nó nhé.
Valve Corporation – Cái tên “huyền thoại” trong làng gamer
Valve Corporation, hay còn gọi là Valve Software, là một công ty đặt trụ sở tại thành phố Bellevue, bang Washington (Mỹ) chuyên sản xuất, phát hành và phân phối game trên các nền tảng kỹ thuật số. Công ty được thành lập năm 1996 bởi Gabe Newell và Mike Harrington – cả hai đều là những lập trình viên tài ba, từng làm việc nhiều năm ở tập đoàn Microsoft và dày dạn kinh nghiệm về game PC.
Bạn có thể ít nghe nói tới hãng game Valve, nhưng chắc hẳn đã rất quen thuộc với những tựa game đình đám như Half-Life, Counter-Strike (CS), Portal hay series Dota, v.v. Tất cả chúng đều là sản phẩm do Valve sản xuất và phát hành, đạt được thành công rực rỡ và để lại dấu ấn lâu dài đến tận ngày nay.
Bạn có thể xem thêm về quá trình phát triển của Valve và các tựa game “huyền thoại” của hãng này trong video dưới đây:
Steam – Nền tảng phân phối game PC hàng đầu thế giới
Sau một thời gian phát triển game, Valve nhận thấy cần phải có một nền tảng phân phối game của riêng mình để kết nối với người chơi tốt hơn, thế là họ tạo ra Steam.
Chính thức ra mắt vào ngày 12/9/2003, ban đầu Steam chỉ là một ứng dụng phần mềm độc lập để Valve tải lên các bản cập nhật tự động cho game online máy tính – không chỉ game của hãng mà còn của các nhà sản xuất khác nữa.
Sau đó nền tảng Steam đã được bổ sung thêm nhiều hoạt động và tính năng mới để thực sự trở thành một “hệ sinh thái” dành cho những người yêu game trên khắp thế giới. Không chỉ phân phối game như ban đầu, hiện nay Steam còn là công cụ quản lý bản quyền kỹ thuật số của các trò chơi và tạo không gian để mọi người có thể giao tiếp với nhau giống như một mạng xã hội rất thú vị.
Kể từ lúc mới ra đời, Steam đã thu hút số lượng người chơi đông đảo và con số này ngày càng tăng thêm đến chóng mặt. Theo thống kê của trang Statista, số người dùng hoạt động trung bình mỗi tháng của Steam trong năm 2020 là 120 triệu, còn số người cùng hoạt động tại một thời điểm cao nhất trong tháng 5/2021 là 25,47 triệu.
Đến giữa năm 2021 đã có hơn 46 nghìn tựa game được phân phối trên Steam. Như vậy đủ thấy sức hấp dẫn của nền tảng này lớn đến mức nào.
Tại sao Steam lại trở thành nền tảng chơi game hấp dẫn đến vậy?
Steam có rất nhiều tựa game hay và hot đủ thể loại, liên tục được cập nhật
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Steam đã được chú ý nhờ gắn liền với tên tuổi công ty Valve – tác giả của tựa game bắn súng Half-Life nổi đình đám lúc bấy giờ. Chỉ sau 1 năm Steam ra đời, Valve đã phát hành Half-Life 2 và tiếp đó là một loạt các phần phụ bản khác trên nền tảng này.
Khi Half-Life 2 bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, Steam lại thu hút người chơi bằng tựa game Portal và đặc biệt là Counter-Strike: Source (CSS). Đây là phiên bản làm mới từ Counter-Strike – sản phẩm lừng danh của nhà phát triển game người Canada gốc Việt Lê Minh “Gooseman” cũng thuộc Valve.
Sau đó Valve và Steam lại nâng cấp CSS thành Counter Strike: Global Offensive và vẫn đang tiếp tục phát triển thêm đến ngày nay, đồng thời ra mắt một số dòng game bắn súng khác cũng rất được yêu thích như Left 4 Dead, Day of Defeat, Team Fortress, Dota 2, v.v. Đó đều là những tựa game kinh điển trong thể loại bắn súng và được coi là trụ cột định hình nên thể loại này cho đến tận ngày nay.
Nhưng nếu bạn không thích thể loại bắn súng thì sao? Đừng lo vì Steam còn có rất nhiều “món ngon” khác đáp ứng nhu cầu của mọi người chơi. Chẳng hạn như hiện nay trong số các game miễn phí đang hot trên Steam có DPS IDLE là game thẻ bài, Dragon And Home – game phiêu lưu nhập vai, Ransack Raccoon với nhân vật chính là chú gấu mèo dễ thương, hay tựa game Among Us rất hot trong năm 2020 vừa rồi, v.v.
Bất kể gu của bạn là gì thì Steam luôn là sự lựa chọn lý tưởng hàng đầu, và tất cả đều là game có bản quyền.
Steam có nhiều tính năng để người chơi tìm kiếm game theo ý thích
Khi mới vào trang chủ của Steam chắc bạn sẽ thấy hơi “hoang mang” vì giao diện quá nhiều hình ảnh và nhiều tựa game hiển thị cùng lúc, không biết nên bắt đầu từ đâu.
Trước tiên hãy chọn ngôn ngữ ở góc trên bên phải màn hình vì Steam hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt. Đây cũng là một yếu tố giúp nền tảng này tiếp cận được với người chơi trên khắp thế giới và ngày càng có thêm nhiều fan.
Cạnh nút ngôn ngữ là nút Đăng nhập, trong đó cũng cho phép bạn tạo tài khoản mới.
Nếu bạn đã có ý định tìm một game cụ thể nào đó thì hãy nhập vào ô tìm kiếm, hoặc nhấn vào Danh mục để tìm game theo các chủ đề như hành động, chiến thuật, phiêu lưu, nhập vai, thể thao, v.v. Trong mỗi chủ đề này lại có nhiều mục nhỏ chi tiết hơn.
Còn nếu bạn muốn dạo qua để khám phá từ từ thì ở trang chủ có các tựa game đang nổi và được đề xuất. Nếu đăng nhập vào tài khoản trên Steam bạn sẽ được gợi ý các game đúng với sở thích của mình hơn.
Tiếp theo phía dưới có mục Ưu đãi đặc biệt là các game đang được giảm giá rất nhiều, và các game thực tế ảo (VR) cũng rất thú vị nếu bạn muốn trải nghiệm sống động như thật và kích thích hơn.
Sau đó là một bảng liệt kê các tựa game mới đang hot, game bán chạy nhất hoặc sắp được ra mắt. Bạn có thể xem trong các mục này để bắt trend các game thịnh hành hiện nay.
Còn nếu bạn muốn xem các game thủ khác đang “chiến” như thế nào thì Steam có hẳn một mục live stream. Tại đây bạn có thể kết nối trực tiếp với cộng đồng gamer trên khắp thế giới cũng đang tham gia vào Steam, cảm giác “đã” hơn rất nhiều so với chơi một mình đấy chứ!
Điều đặc biệt nhất: Steam có một cộng đồng người chơi giao lưu kết nối với nhau rất sôi động
Không chỉ cập nhật các game mới cực hot để hấp dẫn khách hàng, Steam còn rất chú trọng tới trải nghiệm của mọi người ngoài việc chơi game đơn thuần. Đó là lý do để họ xây dựng một cộng đồng nơi người chơi từ khắp nơi trên thế giới không phân biệt trình độ có thể thảo luận với nhau và giao lưu học hỏi rất thoải mái.
Tại trang chủ của Steam, bạn chỉ cần nhấn vào mục Cộng đồng phía trên là có thể kết nối với các “chiến hữu” trên nền tảng này. Trong cộng đồng có đăng công khai các hình ảnh, video, tin tức, hướng dẫn và đánh giá về game để bất kỳ ai cũng có thể tham khảo. Còn nếu muốn chat và thảo luận với các game thủ khác, bạn cần đăng nhập tài khoản Steam.
Cộng đồng người chơi cũng có thể gửi phản hồi và đánh giá về game lên Steam, bạn có thể nhìn vào các đánh giá này để hiểu sơ qua về tựa game mà mình muốn chơi. Ngoài ra còn có các tính năng khác rất thú vị như kết bạn, chia sẻ media, đề xuất game dựa trên nội dung mà bạn bè đang chơi, mời bạn bè vào game, bảng tin và nhóm, v.v. Các tính năng này đa dạng hơn so với các nền tảng chơi game khác như Epic Games Store.
Đặc biệt một nơi không thể bỏ qua là Chợ cộng đồng, khu vực tổ chức các hoạt động mua bán vật phẩm trong game với giá cả công khai rõ ràng và thực hiện thông qua ví điện tử Steam. Với khu chợ này Steam đã khẳng định với người dùng rằng chơi game kiếm tiền là có thật!
Steam có điểm trừ nào không so với các nền tảng game PC khác?
Đánh giá một cách khách quan thì mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm như trên và được đông đảo người dùng yêu thích gắn bó suốt gần 20 năm qua, nhưng Steam cũng có một vài nhược điểm khi so sánh với các đối thủ sừng sỏ khác trong ngành.
Giao diện hơi “rối” khiến các newbie khó sử dụng
Nhìn chung giao diện của Steam được thiết kế theo hướng hiện đại và bắt mắt với nhiều mục đa dạng. Nhưng chính vì phân chia nhiều như vậy nên Steam có thể khiến bạn bị “ngợp” khi mới bắt đầu làm quen. Để so sánh hãy xem giao diện của một nền tảng khác là Epic Games Store ra đời vào năm 2018:
Cả hai “ông lớn” đều hấp dẫn người dùng theo cách riêng và tùy thuộc vào sở thích của mỗi game thủ, nhưng nếu xét về tính dễ sử dụng thì giao diện tối giản của Epic Games Store được cho là thân thiện hơn vì ít tab và menu thả xuống, chỉ cần nhấp vào tựa game là có thể khởi chạy, cập nhật hoặc cài đặt.
Steam có số lượng game rất nhiều, và chất lượng cũng rất “đa dạng”
Bên cạnh những game thực sự hay và hot thì Steam cũng chứa nhiều game thường thường bậc trung, thậm chí chất lượng thấp. Về mặt này thì nó cũng tương tự như Cửa hàng Google Play chứa rất nhiều ứng dụng hay dở khác nhau.
Số lượng game “khủng” giúp người chơi có nhiều lựa chọn hơn, nhưng cũng có thể khiến bạn mất thời gian chơi thử các game hạng thường trước khi tìm được game hay thật sự. Để tránh điều này bạn nên dùng các mục tìm kiếm như đã nói ở phần trên để lọc ra game tốt ngay từ đầu.
Phần lớn các game trên Steam phải trả phí bản quyền
Đối với những người quen chơi game miễn phí thì có thể gọi đây là một “nhược điểm” của Steam, nhưng tiền nào của nấy thôi. Bản thân Valve và các nhà phát triển game khác hợp tác với Steam đều mong muốn sản phẩm của mình được trả công xứng đáng và bảo vệ bản quyền, tránh bị chơi “lậu”. Do đó khoản phí mà người chơi trả cho họ cũng góp phần khuyến khích các nhà phát triển tạo ra nhiều tựa game xuất sắc hơn.
Nếu bạn vẫn muốn chơi miễn phí thì Steam cũng có nhiều game rất hấp dẫn, chẳng hạn như Counter Strike: Global Offensive, Dota 2, Apex Legends, v.v.
Nhưng nếu bạn sẵn sàng trả tiền để chơi thì câu hỏi quan trọng là: mua game trên Steam có an toàn không?
Steam có nhiều phương pháp bảo mật để bạn chơi và mua game an toàn
An toàn ở đây là tránh mất tiền vô cớ, không để lộ thông tin cá nhân và đặc biệt Steam còn cho phép hoàn lại tiền sau khi mua!
Các giao dịch của người dùng được mã hóa bằng giao thức HTTPS, tức là chỉ có người mua và Steam biết nội dung giao dịch. Nếu có bên thứ ba chen ngang và đánh cắp dữ liệu thì cũng không thể đọc được vì đã bị mã hóa.
Bạn cũng không lo bị lộ thông tin thẻ tín dụng khi mua hàng trên Steam, vì nền tảng này cho phép thanh toán bằng PayPal để người dùng yên tâm hơn. Ngoài ra còn một cách khác là mua bằng thẻ quà tặng ngoài đời thực, tuy nhiên tính năng này chỉ được thực hiện tại các cửa hàng ở Mỹ mà thôi.
Nếu bạn sợ tài khoản của mình trên Steam bị hack thì hãy sử dụng tính năng Steam Guard – phương pháp xác thực hai yếu tố. Sau khi nhập tên tài khoản và password, bạn phải nhập thêm mã xác thực được gửi tới email hoặc ứng dụng Steam trên điện thoại thì mới được đăng nhập. Ngoài ra cũng có thể thêm số điện thoại để phòng khi có sự cố vẫn có thể đăng nhập lại được.
Cuối cùng, nếu bạn đã quyết định rút hầu bao để mua game nhưng sau đó lại nhận ra nó không hay như mình tưởng, hoặc máy tính của bạn có vấn đề về cấu hình không thể chạy được game, thì Steam sẽ hỗ trợ bằng cách cho phép hoàn lại tiền. Lưu ý rằng ưu đãi này chỉ có hiệu lực nếu bạn chơi game đó chưa tới 2 giờ đồng hồ và gửi yêu cầu hoàn tiền trong vòng 2 tuần kể từ lúc mua.
Tuy vậy trên trang web của Steam cũng cho biết: họ có thể xem xét các yêu cầu hoàn tiền nằm ngoài quy tắc trên, do đó bạn vẫn có cơ hội trả lại hàng nếu cảm thấy “hối hận” sau khi mua.
Tổng kết
Không phải ngẫu nhiên mà Steam giữ vững được vị thế nền tảng game PC hàng đầu thế giới suốt nhiều năm qua. Dù ra đời đã lâu và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ “trẻ khỏe” hơn nhưng Steam vẫn là sự lựa chọn được nhiều người yêu thích nhờ những tính năng và ưu đãi tuyệt vời cùng với cộng đồng gamer lớn mạnh.
Những điểm trừ là không tránh khỏi, nhưng hy vọng trong tương lai Steam sẽ cố gắng khắc phục và hoàn thiện để ngày càng thu hút thêm nhiều fan trên khắp thế giới đến với mình.
Bạn có thể thư giãn với một số game hay của Steam trong video này:
Mời bạn theo dõi tiếp những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Cách tải và chơi game Play Together trên LDPlayer – Cày game siêu hot trên máy tính tha hồ kiếm xu!
- Game Axie Infinity là gì mà gây sốt đến vậy? Liệu có dễ “chơi để kiếm tiền”?
Hãy ghé thăm BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin thú vị bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/steam-nen-tang-game-pc-duoc-yeu-thich/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét