Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Bạn có phải là “thế hệ trong nhà”? Sống trong nhà quá nhiều sẽ làm hại chúng ta đến đâu?

Còn gì thích hơn được ở trong ngôi nhà ấm cúng và thân thuộc của mình! Đó là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian của cả cuộc đời để sống. Nhưng bạn có biết rằng ở trong nhà quá nhiều cũng có thể gây hại, nhất là khi ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu xem “thế hệ trong nhà” đang phải chịu những tác hại như thế nào nhé!

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của các ứng dụng giao hàng tận nhà, xem truyền hình theo yêu cầu và thậm chí có thể làm việc tại nhà mà không cần bước chân ra ngoài chút nào.

Cuộc sống trong nhà quá tiện nghi đến mức hầu như không cần phải đi ra ngoài (Ảnh: Internet).
Cuộc sống trong nhà quá tiện nghi đến mức hầu như không cần phải đi ra ngoài (Ảnh: Internet).

Trong một thế giới đầy tiện lợi và kết nối công nghệ cao như vậy, tại sao nhiều người lại than thở rằng họ cảm thấy uể oải, chán nản và thậm chí ốm vặt liên tục? Một trong những lý do có thể là “tác dụng phụ” của lối sống hiện đại: mọi người hầu như không rời khỏi môi trường sống bên trong ngôi nhà của mình.

Chúng ta đang trở thành “thế hệ trong nhà” như thế nào?

Trên thực tế, một báo cáo gần đây của công ty VELUX chuyên thiết kế và xây dựng nhà ở được hỗ trợ bởi số liệu từ YouGov, một công ty chuyên phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường quốc tế, đã nêu lên một vài thống kê đáng kinh ngạc về “thế hệ trong nhà” (the indoor generation), tức là những người được sinh ra và lớn lên phần lớn ở môi trường trong nhà.

Kết quả của cuộc khảo sát này cũng như nhiều nghiên cứu khoa học khác đã cho thấy lối sống ở trong nhà quá lâu có thể ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến sức khỏe của chúng ta.

Từ trẻ em cho đến người lớn - nhiều người trong chúng ta đang gia nhập vào "thế hệ trong nhà" (Ảnh: Internet).
Từ trẻ em cho đến người lớn – nhiều người trong chúng ta đang gia nhập vào “thế hệ trong nhà” (Ảnh: Internet).

Một trong những điểm nổi bật nhất được ghi nhận trong báo cáo là: trong suốt hai thế kỷ qua, xã hội con người đã chuyển từ khoảng 90% số người làm việc ngoài trời xuống dưới 1/4 dân số dành phần lớn thời gian làm việc bên ngoài.

Ngày nay, thói quen di chuyển từ nhà hoặc căn hộ vào trong xe hơi hoặc tàu điện ngầm, sau đó đến văn phòng làm việc và cuối cùng lại trở về nhà ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lịch trình khép kín như vậy khiến chúng ta không nhận được đủ lượng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và không khí trong lành tốt cho sức khỏe.

Cuộc sống trong nhà có thực sự hoàn hảo? (Ảnh: Internet).
Cuộc sống trong nhà có thực sự hoàn hảo? (Ảnh: Internet).

Nhiều người hiện nay dành quá nhiều thời gian ở trong nhà, thậm chí đã quen với lối sống “nhân tạo” đó đến mức chẳng hề nghĩ về nó nữa. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng điều này có thể gây hại rất nặng nề cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Những ngôi nhà ngày nay được thiết kế và xây dựng tốt đến mức ngăn chặn không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên ban ngày có thể lọt vào. Không khí tù đọng kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm trong chính căn nhà có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều bệnh tật từ đau đầu, đau mắt đến dị ứng, hen suyễn và nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nữa.

Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng gây ra các vấn đề sức khỏe như thiếu vitamin D, có thể góp phần khiến bạn thấy mệt mỏi và trầm cảm. Nếu không có hành động để thay đổi, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao mỗi người trong chúng ta đều phải điều chỉnh lại lối sống trong nhà của mình – phải thay đổi cách xây dựng và thiết kế nhà cửa, sau đó thay đổi cách sinh hoạt hằng ngày nữa.

Không khí trong nhà có thể ô nhiễm gấp nhiều lần không khí ngoài trời

Rất nhiều nguồn gây ô nhiễm trong nhà mà chúng ta không thể nhìn thấy (Ảnh: Internet).
Rất nhiều nguồn gây ô nhiễm trong nhà mà chúng ta không thể nhìn thấy (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu của YouGov cho thấy có tới 80% số người được hỏi không biết rằng không khí trong nhà có thể ô nhiễm gấp 5 lần không khí trong lành ngoài trời. Sống trong bầu không khí độc hại như vậy có thể gây ra các vấn đề khó chịu, từ ngứa mắt, đau đầu và khó ngủ cho đến hen suyễn và dị ứng. Dù bạn sống ở khu vực nào thì việc mở cửa sổ đón không khí trong lành hầu như luôn tốt hơn so với hít thở không khí tù đọng trong nhà.

Không khí trong nhà bị ô nhiễm từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những thứ mà bạn hầu như không bao giờ để mắt tới, bao gồm:

  • Khí CO2 từ hoạt động hô hấp của cơ thể: trung bình một gia đình 4 người thở ra khoảng 1800 lít CO2 mỗi ngày
  • Vật liệu xây dựng, chất tẩy rửa
  • Đồ nội thất, đồ nhựa
  • Mảnh vụn li ti của thực phẩm khi nấu nướng
  • Khói do đun bếp, đốt nến hoặc thuốc lá
  • Lông và các chất bài tiết của vật nuôi
  • Hơi ẩm từ bồn tắm, vòi hoa sen và máy giặt. Thậm chí nhiều người do thiếu không gian nên buộc phải phơi quần áo trong nhà, càng làm tăng thêm độ ẩm và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn ngoài trời (Ảnh: Internet).
Không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn ngoài trời (Ảnh: Internet).

Các hoạt động như nấu ăn, dọn dẹp và tắm rửa đều làm tăng thêm độ ẩm cho không khí trong nhà, từ đó có thể dẫn đến sự phát triển của nấm mốc gây ra các vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, khi bạn dành càng nhiều thời gian để sinh hoạt trong nhà thì càng có nhiều bụi và các hạt li ti khác bị khuấy động và phát tán trong không khí.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra một điều đáng lo ngại: phòng của trẻ em thường là nơi bị ô nhiễm nhất trong ngôi nhà, thậm chí còn tệ hơn cả phòng tắm hoặc phòng giặt đồ. Có tới 45% các phòng ngủ của trẻ em có lượng CO2 quá cao do không được thông gió tốt.

Tác hại của ô nhiễm không khí trong nhà

Không khí trong nhà kém chất lượng có thể khiến bạn gặp các triệu chứng dai dẳng như hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ và đau đầu. Đặc biệt, các dấu hiệu này thường sẽ giảm bớt khi bạn rời khỏi nhà.

Hãy kiểm tra không khí trong nhà nếu bạn thường xuyên bị hắt hơi sổ mũi (Ảnh: Internet).
Hãy kiểm tra không khí trong nhà nếu bạn thường xuyên bị hắt hơi sổ mũi (Ảnh: Internet).

Các vấn đề về hô hấp và dị ứng có thể xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn do chất lượng không khí trong nhà kém. Môi trường ẩm mốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn lên 40%, và một nghiên cứu trên toàn châu Âu cho thấy có 2,2 triệu người mắc bệnh hen suyễn do hậu quả trực tiếp của việc sống trong các tòa nhà ẩm ướt hoặc nấm mốc. Bên cạnh đó ẩm mốc cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng.

Báo cáo của YouGov chỉ ra rằng thiệt hại kinh tế mỗi năm liên quan đến bệnh nặng do ô nhiễm không khí trong nhà có thể lên tới 22 tỷ USD ở Mỹ và 82 tỷ euro ở châu Âu.

Làm cách nào để không khí trong nhà trở nên tốt hơn?

Chỉ có một giải pháp về lâu dài thực sự hiệu quả để khắc phục tình trạng này, đó là thay thế không khí cũ bên trong ngôi nhà bằng không khí trong lành. Tuy nhiên trên thực tế có đến gần 60% các ngôi nhà không được thông khí đầy đủ.

Mở nhiều cửa sổ để không khí lưu thông dễ dàng

Đón không khí trong lành qua ô cửa sổ (Ảnh: Internet).
Đón không khí trong lành qua ô cửa sổ (Ảnh: Internet).

Không khí trong nhà bao gồm nhiều thành phần như các chất khí, các hạt lơ lửng, chất thải sinh học và hơi nước – tất cả đều tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe. Bạn nên thông gió cho ngôi nhà khoảng 3 hay 4 lần một ngày, mỗi lần ít nhất 10 phút, và mở nhiều cửa sổ. Ngoài ra cũng đừng quên thông gió trong phòng ngủ trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Vệ sinh thảm trên sàn

Bạn nên thường xuyên giặt sạch thảm, phơi ở chỗ thoáng khí, hoặc tốt hơn hết là thay hẳn những tấm thảm đã cũ hay chuyển sang dùng sàn cứng. Thảm dày và đồ nội thất như ghế sofa cũ chính là nơi trú ngụ của mạt bụi và vi khuẩn.

Tránh ẩm ướt

Cố gắng đừng phơi quần áo trong nhà, vì chúng tỏa ra hơi ẩm có thể tạo môi trường cho các loại nấm mốc sinh sôi gây hại cho sức khỏe của bạn. Cũng vì lý do đó, hãy đảm bảo rằng phòng tắm của bạn được thông gió đầy đủ.

Hãy chú ý nơi giặt đồ và phơi quần áo (Ảnh: Internet).
Hãy chú ý nơi giặt đồ và phơi quần áo (Ảnh: Internet).

Nếu không gian sống của bạn không cho phép phơi đồ bên ngoài thì hãy mở cửa sổ gần nơi phơi quần áo trong nhà để hơi ẩm thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Không hút thuốc lá và tránh đốt nến trong nhà

Khói thuốc lá và khí thải từ đốt nến đặc biệt có hại cho môi trường không khí trong nhà. Nghiên cứu ở Đan Mạch cho thấy có tới 76% các hạt lơ lửng gây hại trong các ngôi nhà xuất phát từ chính hoạt động của người dân.

Đốt nến để đẹp và thơm, nhưng lại gây ô nhiễm không khí (Ảnh: Internet).
Đốt nến để đẹp và thơm, nhưng lại gây ô nhiễm không khí (Ảnh: Internet).

Tắt các thiết bị khi không sử dụng

Các thiết bị điện như tivi và ổ đĩa cứng của máy tính cũng thải ra các chất hóa học góp phần làm cho không khí trong nhà xấu đi.

Tránh sử dụng hóa chất

Hầu hết các sản phẩm tẩy rửa đều chứa nhiều hóa chất độc hại tiềm tàng, do đó bạn nên thay thế chúng bằng cách sử dụng khăn vải mịn và các vật liệu tự nhiên như giấm trắng để chà rửa vệ sinh. Có rất nhiều mẹo vặt trên mạng hướng dẫn cách giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ mà không cần dùng đến hóa chất.

Nhựa dẻo rất tiện lợi, nhưng cũng là nguồn gây ô nhiễm

Khi bị nóng lên, nhựa có thể tỏa ra các khí độc. Nếu trong nhà có trẻ em thì bạn nên giám sát để đảm bảo đồ chơi bằng nhựa của trẻ không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra cũng không nên để các đồ vật bằng nhựa trên sàn nếu bạn đã lắp đặt hệ thống sưởi sàn cho ngôi nhà.

Thiếu ánh sáng tự nhiên có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con người

Ánh sáng mặt trời giúp chúng ta cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Điều đặc biệt là tác dụng đó không thể được thay thế bằng ánh sáng nhân tạo.

Nên đón ánh sáng tự nhiên kể cả khi đang ở trong nhà (Ảnh: Internet).
Nên đón ánh sáng tự nhiên kể cả khi đang ở trong nhà (Ảnh: Internet).

Trong cuộc khảo sát của YouGov, 63% người được hỏi tin rằng ánh sáng ban ngày có tác động đáng kể đến năng suất làm việc, và các nghiên cứu khoa học khác đã chứng minh điều này.

Ngay cả ánh sáng nhân tạo cường độ mạnh nhất cũng không thể so sánh với ánh sáng tự nhiên khi xét về tác dụng đối với sức khỏe. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên hệ giữa thiếu ánh sáng ban ngày với nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính có tới 15% dân số thế giới mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder – SAD, hay còn gọi là trầm cảm mùa đông) ở các mức độ khác nhau.

Thiếu ánh sáng làm tâm trạng chúng ta không tốt (Ảnh: Internet).
Thiếu ánh sáng làm tâm trạng chúng ta không tốt (Ảnh: Internet).

Ngoài ra còn có nhiều vấn đề sức khỏe khác liên quan đến việc ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, ví dụ như thiếu vitamin D có thể gây triệu chứng mệt mỏi và tăng khả năng mắc bệnh tật. Bạn cần ra khỏi nhà để cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giúp tổng hợp vitamin D, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc.

Bên cạnh đó, ánh sáng nhân tạo có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và dẫn đến các vấn đề như khó tập trung, huyết áp cao, v.v.

Ánh sáng tự nhiên có thể nâng cao khả năng học tập của trẻ em

Một nghiên cứu năm 2012 với hơn 2000 trẻ em trên khắp châu Âu đã cho thấy ánh sáng tự nhiên trong lớp học giúp cải thiện kết quả các bài kiểm tra toán và logic của học sinh lên tới 15%. Kết hợp các cửa sổ hướng về phía Nam và hệ thống che nắng hiệu quả giúp cho trẻ em cảm thấy vui vẻ và học tập hiệu quả hơn. Chắc chắn kết quả này cũng có thể áp dụng trong gia đình và nơi làm việc.

Trẻ em nên học tập và vui chơi dưới ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Internet).
Trẻ em nên học tập và vui chơi dưới ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Internet).

Những kết quả này là bằng chứng rõ ràng cho thấy trẻ em tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ở mức độ vừa đủ là rất có lợi và cần thiết cho thể chất và cả tinh thần. Các bậc cha mẹ có thể dựa vào đây để sắp xếp lại không gian sống của con mình, hoặc tìm những hoạt động ngoài trời ở địa điểm thích hợp cho trẻ.

Triệu chứng khi thiếu ánh sáng tự nhiên

Mặc dù những tác hại khi thiếu ánh sáng ban ngày không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng bạn vẫn cần để ý phát hiện kịp thời.

Các cơ quan trao đổi chất của chúng ta cần ánh sáng tự nhiên để hoạt động bình thường, do đó mệt mỏi và khó ngủ thường là các triệu chứng xuất hiện khi cơ thể thiếu ánh sáng. Rối loạn giấc ngủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác như căng thẳng, trầm cảm, bệnh tim, và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Rối loạn giấc ngủ có thể là do ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Internet).
Rối loạn giấc ngủ có thể là do ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Internet).

Thiếu ánh sáng tự nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin D, làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và ảnh hưởng đến tâm trạng chung cũng như khả năng tập trung của trí óc, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi đang phát triển.

Làm cách nào để tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn?

Khoa học đã chứng minh rằng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn sẽ tăng cường sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, không chỉ nâng cao tâm trạng mà còn có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm và duy trì nhịp sinh học cân bằng. Sau đây là một số thay đổi nhỏ đơn giản mà bạn có thể thực hiện mỗi ngày.

Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà

Mặc dù ánh sáng qua cửa sổ chỉ có cường độ khoảng 3.000 lux, thấp hơn nhiều so với 10.000-100.000 lux của ánh sáng ngoài trời, nhưng như vậy cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho những người vốn sống ở nơi thiếu ánh sáng.

Hãy tận dụng các cửa sổ và cửa chính để đón nhiều ánh sáng (Ảnh: Internet).
Hãy tận dụng các cửa sổ và cửa chính để đón nhiều ánh sáng (Ảnh: Internet).

Hãy thử di chuyển bàn ăn hoặc bàn làm việc của bạn đến gần cửa sổ hơn. Ánh sáng nhân tạo không thể “bắt chước” đặc tính của ánh sáng mặt trời, đó là chống trầm cảm một cách tự nhiên. Do đó hãy chiếu sáng ngôi nhà và nơi làm việc của bạn bằng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt.

Đối với trẻ em, hãy đảm bảo có thật nhiều ánh sáng tự nhiên chiếu vào trong nhà hoặc phòng của trẻ. Tốt nhất bạn nên mở rèm hoàn toàn vào ban ngày. Nếu trẻ có một không gian riêng hoặc một cái bàn để học và chơi, bạn có thể di chuyển nó đến gần cửa sổ hơn.

Thuận theo nhịp sinh học của cơ thể

Cơ thể của chúng ta chỉ có thể đồng bộ hóa với nhịp sinh học tự nhiên 24 giờ khi tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối một cách chính xác. Tốt nhất là nên thiết kế phòng ngủ hướng về phía Đông để đón ánh mặt trời buổi sáng – đặc biệt là những phòng dành cho thanh thiếu niên, độ tuổi có đồng hồ sinh học đặc trưng và thường khó dậy sớm. Ngoài ra bạn cũng nên mắc rèm để ngăn tối đa ánh sáng từ bên ngoài lọt vào phòng ngủ vào ban đêm.

Tác động của ánh sáng và đồng hồ sinh học đối với cơ thể (Ảnh: Internet).
Tác động của ánh sáng và đồng hồ sinh học đối với cơ thể (Ảnh: Internet).

Đi dạo ngoài trời

Cuộc khảo sát của YouGov cho thấy: nhìn chung cứ 10 người thì có 8 người dành gần 22 giờ ở trong nhà mỗi ngày. 1/6 số người được hỏi thừa nhận rằng họ hầu như không bao giờ đi ra ngoài và dành đến 24 giờ mỗi ngày chỉ ở trong nhà.

Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng tiếp xúc với ánh sáng ban ngày khoảng 2 giờ mỗi ngày sẽ mang lại tác dụng tuyệt vời giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của chúng ta. Do đó bạn hãy ra ngoài trời mỗi khi có cơ hội và đi dạo thường xuyên, cũng đừng quên khuyến khích trẻ nhỏ ra ngoài chơi bất cứ khi nào có thể.

Hãy dành thời gian đi dạo ngoài trời mỗi ngày (Ảnh: Internet).
Hãy dành thời gian đi dạo ngoài trời mỗi ngày (Ảnh: Internet).

Đối với những người đi làm, bạn có thể hạn chế đi xe hơi và thay bằng đi bộ hoặc xe đạp nếu có thể, ăn trưa và nghỉ giải lao ngoài trời, hoặc thỉnh thoảng đi chơi ngoài trời trong các kỳ nghỉ. Thậm chí bạn có thể đặt điện thoại rung chuông nhắc nhở đi bộ 10-15 phút ngoài trời mỗi ngày – có rất nhiều cách để tập thói quen cho cơ thể tận hưởng ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành.

Phòng của trẻ em thường là nơi bị ô nhiễm nhiều nhất trong nhà

Phòng của trẻ em thường là nơi không khí bị nhiễm bẩn nhiều nhất. Bên cạnh các hạt vật chất độc hại xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau trong nhà thì đồ chơi và thiết bị điện tử trong phòng của trẻ em cũng có thể là nguyên nhân tạo ra khí độc.

Phòng của trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn (Ảnh: Internet).
Phòng của trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn (Ảnh: Internet).

Một cuộc khảo sát gần đây ở Đan Mạch cho thấy khoảng một nửa số gia đình có nồng độ CO2 trong phòng trẻ em vào ban đêm cao hơn mức khuyến nghị, và khoảng ¼ số phòng có nồng độ CO2 cao gấp ba lần mức CO2 tối đa theo khuyến nghị.

Tác hại của không khí ô nhiễm đối với trẻ em

Trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi không khí trong nhà kém chất lượng vì phổi và não của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và trẻ cũng thở nhanh hơn so với người lớn. Ô nhiễm không khí và nồng độ CO2 cao có thể dẫn đến các vấn đề như đau đầu, khó ngủ và mệt mỏi, từ đó làm trí óc khó tập trung.

Môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ (Ảnh: Internet).
Môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ (Ảnh: Internet).

Làm thế nào để tránh ô nhiễm không khí trong phòng của trẻ?

  • Hãy thông khí cho phòng của trẻ giống như đối với toàn bộ ngôi nhà bằng cách mở cửa sổ. Đặc biệt nên thực hiện điều này vào buổi sáng khi trẻ đang chơi và trước khi trẻ đi ngủ vào buổi tối.
  • Mạt bụi rất thích trú ngụ trên giường nên hãy thay ga trải giường thường xuyên. Bạn cũng nên thay nệm và gối nếu đã sử dụng quá lâu. Những chiếc nệm đã qua sử dụng hay những chiếc gối đã dùng từ 2 năm trở lên có thể chứa nhiều con mạt cùng với chất thải của chúng gây ô nhiễm rất nghiêm trọng mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Chăn ga gối nệm có thể chứa nhiều mầm bệnh khó thấy (Ảnh: Internet).
Chăn ga gối nệm có thể chứa nhiều mầm bệnh khó thấy (Ảnh: Internet).
  • Theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), bạn nên loại bỏ tất cả những đồ chơi làm bằng nhựa trước năm 2007 vì chúng đã bị phát hiện là có chứa một số hóa chất bị cấm. Nếu điều kiện cho phép, bạn nên cho trẻ nhỏ chơi ở một phòng khác với phòng ngủ, điều này sẽ giúp giảm lượng chất ô nhiễm có hại tiềm tàng trong không khí.

Các giải pháp lâu dài và toàn diện hơn

Bên cạnh việc thay đổi các thói quen sinh hoạt hằng ngày, điều quan trọng là phải “cải tạo” môi trường bên trong ngôi nhà của bạn. Chúng ta dành phần lớn thời gian hằng ngày để sống trong nhà mình, do đó những giải pháp này sẽ mang lại tác dụng lâu bền cho chính bạn và những người thân yêu, mặc dù có thể khá tốn kém và khó khăn lúc ban đầu.

Cải thiện không gian sống hiện tại

Không gian sống được thiết kế hợp lý sẽ giúp người sống bên trong khỏe mạnh hơn (Ảnh: Internet).
Không gian sống được thiết kế hợp lý sẽ giúp người sống bên trong khỏe mạnh hơn (Ảnh: Internet).

Hãy nghĩ xem có cách nào để bạn mang thế giới bên ngoài vào trong nhà mình hay không. Nếu sống ở môi trường đô thị thì đa số chúng ta đã tách rời bản thân mình khỏi thiên nhiên, do vậy những hành động nhỏ như đặt vài chậu cây để thanh lọc không khí cũng có thể cải thiện môi trường trong nhà của bạn rất nhiều.

Ngoài ra bạn có thể thiết kế không gian sinh hoạt sao cho tạo được tầm nhìn tốt hơn ra bên ngoài thông qua các cửa sổ và cửa chính. Hãy tính toán không gian trong nhà và chiều cao cửa sổ để đón lượng ánh sáng ban ngày tối ưu.

Mở rộng không gian sống

Phòng rộng rãi giúp không khí lưu thông tốt hơn (Ảnh: Internet).
Phòng rộng rãi giúp không khí lưu thông tốt hơn (Ảnh: Internet).

Tăng thêm diện tích và không gian cho ngôi nhà của bạn là một cách tuyệt vời để cải thiện môi trường trong nhà. Bạn có thể cải tạo hoặc mở rộng tầng áp mái và ưu tiên lựa chọn các giải pháp giúp mang lại nhiều không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên hơn.

Kiểm tra kỹ trước khi chọn một nơi ở mới

Nếu bạn muốn tìm một ngôi nhà khác để chuyển đến ở thì hãy lưu ý rằng những nơi đã lâu năm có thể tiềm ẩn các vấn đề liên quan đến môi trường trong nhà. Ví dụ, bạn nên kiểm tra xem tất cả các cửa sổ có thể mở rộng hoàn toàn và thông khí tốt hay không, đặc biệt là trong nhà bếp và phòng tắm.

Ngoài ra, nếu muốn tu sửa lại ngôi nhà thì nên chọn màu sơn tươi sáng để tạo ra các bề mặt giúp phản chiếu ánh sáng tốt hơn cho không gian bên trong nhà.

Tông màu tươi sáng giúp ngôi nhà trở nên thân thiện hơn (Ảnh: Internet).
Tông màu tươi sáng giúp ngôi nhà trở nên thân thiện hơn (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Một phát hiện đáng ngạc nhiên khác từ cuộc khảo sát của VELUX và YouGov là mọi người thường không nhận thức được mình đang ở trong nhà quá nhiều. Tính trung bình, những người được hỏi nghĩ rằng họ dành 66% thời gian ở trong nhà, trong khi dữ liệu thực tế cho thấy con số này là gần 90%.

Rõ ràng lối sống hiện đại đã cải thiện nhiều khía cạnh của xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chất lượng sống nói chung, nhưng không thể bỏ qua những tác dụng phụ khi sống trong nhà quá nhiều và ít vận động ngoài trời. Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm theo mùa và nhiều bệnh khác từ hen suyễn đến béo phì chỉ là một vài ví dụ trong số đó.

Chúng ta đang trở thành "thế hệ trong nhà" mà không hề hay biết (Ảnh: Internet).
Chúng ta đang trở thành “thế hệ trong nhà” mà không hề hay biết (Ảnh: Internet).

Như vậy điều quan trong nhất đối với mỗi người là phải hiểu rõ về môi trường trong nhà của mình cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến nó, khi đó bạn sẽ có thể biến ngôi nhà hoặc căn phòng của mình trở nên lành mạnh và hạnh phúc hơn!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/the-he-trong-nha-tac-hai-khi-song-trong-nha-qua-nhieu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét