Mỗi người trong chúng ta có thể đều đã nghe những lời cổ vũ mà thực sự chỉ khiến chúng ta cảm thấy bực bội hơn. “Đừng suy nghĩ quá nhiều, mọi thứ sẽ ổn thôi” hoặc “Đừng buồn, người khác còn xui hơn kìa!” là những câu nói chẳng có chút ích lợi nào cả, chúng chỉ khiến chúng ta trốn tránh khó khăn, kìm nén cảm xúc thực sự của bản thân và gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm lý mà thôi. Hãy cùng tìm hiểu những nguy hiểm của thái độ lạc quan quá mức và khi nào câu nói “Mọi thứ sẽ ổn thôi” khiến người ta phát cáu nhé.
Tính tích cực độc hại là gì?
“Tính tích cực độc hại” là cách tiếp cận cuộc sống mà một người luôn phải duy trì thái độ tích cực và tránh mọi cảm xúc tiêu cực. Những người có kiểu suy nghĩ này thường rất dễ trở nên cực đoan, vì khi cố gắng tìm ra mặt tích cực của mọi việc thì họ lại kìm nén những cảm xúc tiêu cực thay vì vượt qua nó, điều này sẽ khiến cảm xúc của họ càng trở nên tồi tệ hơn.
Khi cố gắng giúp đỡ người khác, những người như vậy thường cư xử theo cách khá “toxic”. Họ thực sự không hiểu tại sao lời khuyên “đừng buồn nữa” của họ lại gây khó chịu cho người khác như vậy, và họ cũng không biết rằng khi một người nói ra cảm xúc thật thì đó là cách giải quyết tốt hơn nhiều.
Trốn tránh các vấn đề
Nhiều người không chỉ che giấu cảm xúc thật của họ đằng sau những câu nói nghe có vẻ rất lạc quan như “Mọi chuyện đều sẽ tốt hơn”, “Hạnh phúc là sự lựa chọn của cá nhân”, “Hãy mỉm cười và thế giới sẽ mỉm cười lại với bạn” mà còn muốn cả những người xung quanh phải trốn tránh vấn đề y như họ như “Bị sa thải không phải là một vấn đề lớn!”, “Có gì đáng sợ khi ly hôn? Hôm nay một vợ, ngày mai vợ khác”. Tất cả những câu nói này đều là ví dụ về sự tích cực độc hại.
Thay vì tìm cách giải quyết khó khăn thì những người này lại tự lừa dối mình. Họ cư xử như những đứa con nít tin rằng nếu họ lấy hai bàn tay che mặt lại thì những người khác sẽ không nhìn thấy họ: “Nếu tôi lờ đi một vấn đề thì vấn đề đó hoàn toàn không tồn tại.”
Không cho phép bản thân nghĩ đến những cảm xúc tiêu cực
Khi bỏ qua và bóp nghẹt những cảm xúc tiêu cực thì chúng sẽ chỉ tăng thêm mà thôi. Một người có cá tính mạnh có thể sẽ chống lại được những cảm giác “xấu” trong bản thân như sự giận dữ, buồn bã hoặc trầm uất. Tuy nhiên nếu ta cứ liên tục nói dối bản thân rằng mọi thứ đều tốt trong khi thực tế không phải thì cuối cùng sức khỏe tâm lý của chúng ta lại bị ảnh hưởng không tốt.
Những người hâm mộ sự tích cực độc hại không thể chấp nhận cảm xúc tiêu cực của họ cũng như cảm xúc tiêu cực của người khác. Khi đối mặt với sự lo lắng, trống trải hoặc trầm cảm của người khác, họ cố gắng hạ thấp cảm giác của người đó để tách bản thân khỏi những sự khó chịu đó.
Làm mất giá trị tình cảm của người khác
Ranh giới giữa hỗ trợ và hạ thấp cảm xúc của người khác là rất mong manh. Đôi khi chúng ta cảm thấy không thể chịu đựng nổi khi ở bên cạnh một người đang cảm thấy tồi tệ và đau đớn. Để che giấu sự khó xử của mình, ta bắt đầu yêu cầu người đó làm những điều không thực tế và chỉ nói những câu như “Hãy kiểm soát cảm xúc của mình nào!” hoặc “Cười lên đi!”, “Nói cái gì tích cực lên!”.
Thực ra những lời khuyên như vậy chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi và xấu hổ của người khác mà thôi.
Cảm thấy tội lỗi khi thể hiện cảm xúc tiêu cực
Với sự xuất hiện của các mạng xã hội, sự tích cực độc hại bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong cuộc sống của chúng ta. Thông thường, mọi người chỉ chia sẻ những việc tốt đẹp trong cuộc sống của họ với người theo dõi. Chủ nghĩa lạc quan được coi là một chuẩn mực trong khi chủ nghĩa bi quan bị chỉ trích. Nhưng đôi khi một bức tranh đẹp lại ẩn chứa những nét buồn sâu bên trong.
Khi thường xuyên thể hiện sự vui vẻ để che giấu cảm xúc thật thì chúng ta sẽ tích tụ những thứ tiêu cực để chờ cơ hội bùng phát. Điều này tạo ra sự bất hòa trong nội tâm: “Tại sao tôi lại cảm thấy tồi tệ như vậy? Mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều ổn cả”. Đôi khi việc chèn ép những cảm xúc chân thật sẽ dẫn đến chán nản và tự phê bình bản thân.
Sự khác biệt giữa tích cực độc hại và giúp đỡ lành mạnh
Các nhà tâm lý học khuyên bạn nên từ bỏ việc phân chia cảm xúc thành tốt và xấu. Trên thực tế, cảm xúc không có tốt hay xấu, chúng chỉ là những tín hiệu thu hút sự chú ý đến những điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta và đóng vai trò như một nguồn thông tin cho những người xung quanh. Chấp nhận và sống thật với cảm xúc khó khăn và buồn bã sẽ giúp chúng ta vượt qua chúng nhanh chóng hơn.
Không giống như sự tích cực độc hại, sự lạc quan lành mạnh không bao giờ đòi hỏi bạn phải kìm nén những cảm xúc “xấu” mà thay vào đó, bạn chỉ cần liên hệ chúng bằng sự chú ý và cảm thông. Để giúp đỡ một người đúng cách thì không nên đánh giá người đó mà hãy cho họ một khoảng thời gian để buồn bã, sau đó thì bạn mới có thể cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng này.
Không có gì xấu khi cổ vũ người khác và nói lên những điều tích cực với bản thân, miễn là bạn đừng lờ đi những nỗi lo hoặc kìm nén những cảm xúc tiêu cực là được.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 500+ câu nói hay nhất, ấn tượng nhất giúp bạn sống tích cực hơn mỗi ngày
- Làm thế nào để xung đột một cách tích cực?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/khi-nao-thi-cau-noi-moi-thu-se-on-thoi-khien-nguoi-ta-phat-cau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét