Sau 49 ngày người chết đi về đâu? Đây là câu hỏi mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng thắc mắc khi người thân, bạn bè của mình vừa qua đời. Vậy để trả lời giúp bạn câu hỏi này, BlogAnChoi.com mời bạn cùng tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi.
Người nào phải trải qua giai đoạn trung ấm thân?
Một người khi vừa mất đi, thì sẽ có 3 trường hợp xảy ra
Nếu người đó sống cực thiện
Nghĩa là người đó khi còn sống luôn làm việc thiện, tâm nghĩ điều thiện. Họ nói những lời nói, làm những hành động có ích cho mọi người. Người đó luôn có niềm tin sâu sắc vào Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc hay nghỉ ngơi họ cũng luôn nghĩ đến Phật. Ngoài nghĩ đến Phật ra, họ không nghĩ đến bất cứ điều gì. Vậy thì khi người đó mất đi chắc chắn họ sẽ được sanh lên cõi Phật, mà không cần trải qua giai đoạn thân trung ấm.
Nếu người đó sống cực ác
Đó là những hạng người miệng nói điều ác, thân ưa làm điều ác, ý luôn nghĩ điều ác, sẵn sàng làm bất cứ việc gì có lợi cho bản thân mình, không có niềm tin vào Chánh Pháp, sống buông thả, theo tà kiến. Những hạng người này khi kết thúc sinh mệnh thì họ sẽ bị đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn, và cũng không trải qua bất kỳ giai đoạn trung ấm thân nào
Nếu người đó vừa ác vừa thiện
Những người chánh tà không phân minh, thì sau khi sinh mệnh kết thúc họ phải trải qua giai đoạn trung ấm thân
Thân trung ấm là gì?
Thân trung ấm được hiểu là thân sau khi chết và trước khi tái sinh, có nơi còn gọi là “hương ấm thân” nghĩa là thân được nuôi dưỡng bằng hương thơm. Vì thế khi ở trong giai đoạn này người chết rất cần được hưởng mùi hương, đồ chay tịnh. Đây cũng là lý do vì sao không được cúng đồ mặn có vị tanh hôi cho người mất.
Vậy vì sao có quan niệm là người chết sau 49 ngày sẽ đi tái sanh?
Thực ra người chết có thể tái sanh, chọn cho mình một cảnh giới để sinh vào có thể là sau 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày,… cũng có thể là 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần,… 7 tuần. Thông thường 7 tuần, ngày chung thất (49 ngày) thường là thời gian chỉ chung chung cho người mất còn đang trong giai đoạn trung ấm thân. Và thường có tuần lễ chung thất nhằm giúp cho người mất sớm được siêu thoát.
Vậy không phải chỉ có sau 49 ngày người mất mới được siêu thoát, hoặc chọn cho mình cảnh giới để tái sanh. Việc người mất sớm được siêu thoát hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nghiệp lực, căn cơ, phước đức, quá trình tạo phước của người thân hiện tại,…
Có người có thể sau 49 ngày là đi tái sanh, nhưng có người còn phải chờ đến 1 năm, 2 năm,… 10 năm,… vẫn chưa được tái sinh. Vậy bạn nên cần tìm hiểu rõ để giúp cho người thân đã mất của mình nhanh chóng tìm ra cảnh giới tốt đẹp để sanh về.
Nên và không nên làm gì khi người thân hoặc bạn bè mất đi?
Hộ niệm
Có nên hộ niệm cho người mất không? Và ai là người hộ niệm đúng? Tất cả sẽ được BlogAnChoi giải thích cho bạn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua cụm từ Hộ niệm cho người mất đúng không? Vậy bạn đã biết cách hộ niệm thế nào cho đúng và giúp người mất được sớm siêu thoát không
Nếu người thân là người hộ niệm:
Người thân đó khiến người mất không vui, cực ghét: Trường hợp này, người thân đó nên đứng cách xa người mất 5m, vì nếu đứng gần sẽ khiếm người mất nổi sân, tạo oán đối khiến họ chậm sanh vào chốn lành. Và tự phát tâm sám hối với người mất như: giờ phút này, xin ba/ mẹ/ anh/ chị/ bạn,… hãy tha thứ cho con/ em/ anh/ tôi,.. vì những lỗi lầm tôi đã gây ra cho quý vị, tôi xin được sám hối trước quý vị, và xin quý vị hãy nhất tâm niệm Phật mà ra đi nhẹ nhàng, tôi nguyện cùng niệm Phật với quý vị để giúp quý vị được siêu thoát. Sau đó khởi tâm niệm Phật, và niệm từng câu rõ ràng, hướng Hương Linh đến với Phật A Di Đà
Người thân đó là người mà người mất cực kỳ thương: Trường hợp này, người thân đó cũng phải đứng cách xa 5m, và khởi tâm buông bỏ ái dục với người mất, để người mất biết ái dục là nguồn gốc của sinh tử luân hồi, giúp họ xả bỏ ái dục, và nhất tâm niệm Phật.
Người thân đó là người không thương, không ghét với người mất, và họ cũng chẳng biết gì về Phật Pháp: hạng người này không có ảnh hưởng gì với người mất cả, không có chi lợi ích, cũng không gây hại chi cả. Vì thế họ có đứng bên cạnh cũng không có ảnh hưởng gì
Vậy người hộ niệm là người như thế nào? Đó là người phải có GIới, Định, và Tuệ. Quan trọng hơn hết là người hộ niệm đó có niềm tin về thế giới Tịnh Độ, về bản nguyện độ sanh của Đức Phật A Di Đà, và nhất tâm nhất trí niệm Phật, hướng Hương Linh theo Phật
Cần làm gì để giúp người mất sớm được siêu thoát?
Cúng dường
Cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng là một trong những cách giúp cho người mất được hưởng phước đức. Khi người mất đi, họ không thể làm gì để tạo phước cho mình, thì trong 49 ngày họ đang chờ sự làm phước, cúng dường từ người thân để họ được hưởng phước báu, tăng thêm năng lượng cho họ sớm được tái sanh cảnh giới an lành. Như trong Kinh Địa Tạng, Đức Phật có dạy, khi người thân làm phước để hồi hướng cho người đã mất, thì người thân hiện tại hưởng được 7 phần, còn người chết chỉ hưởng được 1 phần.
Phóng sanh
Phóng sanh, cúng thị thực là một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với người sống lẫn người mất. Thường những người bị bệnh nặng, bạn nên cố gắng phóng sanh đều đặn hoặc phóng sanh vào các ngày thập trai (mồng một, mồng tám, mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi). Khi phóng sanh, bạn nguyện hồi hướng công đức đó đến người mất, thì người mất sẽ nương vào phước đức, những việc làm tốt đẹp của bạn để sớm được tái sinh ở cảnh giới an lành.
Tụng kinh, bái sám, lạy sám hối
Thông thường nếu bạn biết tụng kinh thì bạn có thể tụng một mình, nếu được có thể phát nguyện tụng từ 50 cho đến 100 ngày. Nếu bạn không có thời gian thì có thể mời đạo tràng về tụng niệm, có thể 1 tuần 1 lần. Các bài kinh thường được tụng như Kinh A Di Đà, Kinh Thủy Sám, Kinh Địa Tạng, …chú Đại Bi, chú Vãng Sanh cũng nên được trì tụng trong khoảng thời gian 49 ngày này.
Việc lạy sám hối sẽ rất có ích cho bạn và cho cả người mất, bạn có thể phát nguyện vì Hương Linh mà lạy sám hối, đồng thời giúp Hương Linh sám hối với các oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp, và nguyện hồi hướng công đức cho họ.
Các bài sám hiện nay rất nhiều, bạn có thể tụng bất cứ bài nào. Mọi người thường tụng các bài sám về Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, … nếu người mất khi còn sống thích bài sám gì thì bạn nên tụng bài sám đó để họ nghe theo, và hướng theo năng lượng của bạn
Làm công việc thiện nguyện
Công việc thiện nguyện bạn có thể làm mọi lúc mọi nơi, nếu ra đường thì người ăn xin vất vả, bạn có thể tự tay đem của ra bố thí cho họ, hoặc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi,… bằng nhiều cách khác nhau. Và tất cả những gì bạn làm được, bạn nên phát tâm hồi hướng đến người đã mất. Được như vậy, người mất sẽ nhận được nhiều lợi lớn.
Dâng cúng hoa hương thơm, cúng đồ chay thanh tịnh
Như trên chúng tôi vừa nói, trong giai đoạn trung ấm thân, hương linh sống và nuôi dưỡng thân mình bằng hương thơm, vì thế bạn nên cúng nhiều loại hoa thơm cho họ, hoa càng thơm càng tốt. Và đặc biệt khi dâng cúng món ăn, thì chỉ nên làm đồ chay thanh tịnh, để khi họ hưởng lấy hơi từ thức ăn, họ nhẹ nhàng và hoan hỷ với sự cúng thực phẩm chay của bạn.
Tránh làm những việc gì để không ảnh hưởng đến người mất
Cúng đồ mặn
Một số người có quan niệm cho rằng, khi người sống thích ăn gì thì khi mất nên cúng những thứ ấy, vì sợ là họ ăn không quen, hoặc cho rằng nên làm mâm cỗ lớn, gà, bò, heo, chả,… mới thể hiện lòng hiếu kính. Nhưng có ai đâu biết rằng, chính việc cúng đồ mặn sẽ gây ra nhiều oán đối với hương linh, bởi khi bạn cúng đồ tanh hôi họ không những không nhận được mà còn khiến họ dễ nổi sân, khiến việc sanh vào cảnh giới cao bị chậm lại. Vì thế hãy nhớ rằng, cúng chay cho hương linh là tốt nhất nhé!
Luôn khóc lóc, kể lễ thảm thiết
Có lẽ vì quá thương người mất như bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em,… trong gia đình nên người thân hiện tại rất khó để vượt qua nỗi đau mất mát lớn lao này, vì thế họ luôn gợi nhớ những kỷ niệm về người mất, khóc lóc, kể hết chuyện này đến chuyện khác với lòng thương nhớ, nuối tiếc, hoặc bỏ ăn, bỏ ngủ,… khiến bản thân ngày càng mệt mỏi, sức khỏe thêm yếu,…. Chính những hành động này của người thân còn sống đã vô tình làm trở ngại sự ra đi của người mất, khiến họ luôn thấy khó lòng đi tái sanh, không yên tâm. Là người có học Phật, hiểu đạo gặp những lúc này, bạn nên nhất tâm cầu nguyện cho người mất, giúp họ xả bỏ mọi luyến tiếc ở cuộc sống trần gian, trần gian chỉ là cõi tạm, nên nhất tâm niệm Phật A Di Đà để được về cõi Tịnh Độ, an lạc.
Không khí trong gia đình nặng nề, mọi người không hòa thuận
Người mất đặc biệt là bố hoặc mẹ, nếu nhìn thấy con cái không hiếu thuận, không sống chan hòa với nhau, tranh giành từng chút một, sẽ rất buồn lòng, và lo lắng. Điều này khiến họ không thể đi tái sanh, còn bận lòng về con cái. Vậy chúng ta là những người còn sống, cần phải yêu thương, giúp đỡ nhau để làm cho bố/ mẹ yên lòng, sẵn sàng xả bỏ tất cả để về cảnh giới cao hơn.
Bạn biết đây, năng lượng từ trường của hương linh rất mạnh, vì thế nếu bạn buồn thì họ sẽ buồn hơn bạn, bạn vui họ sẽ vui theo, và họ rất cần bạn để tạo thêm phước cho họ, giúp họ nhanh chóng sanh vào cõi lành. Vì thế nếu một ai đang có người thân mất hãy suy nghĩ và làm việc thật ý nghĩa, làm sao để mọi phước đức mình tạo ra đều giúp cho hương linh sớm nhận được bạn nhé!
Sau 49 ngày người chết đi về đâu có lẽ không còn là thắc mắc của bạn nữa khi đã đọc xong bài viết trên đây của chúng tôi. BlogAnChoi hy vọng những hiểu biết, thông tin có được từ trải nghiệm và rút ra từ bài giảng của quý Thầy này sẽ giải thích cho bạn đọc những hoài nghi về thời gian tái sanh của người mất. Vậy có lẽ bạn đã rõ bản thân cần làm gì và không nên làm gì để giúp người thân vừa qua đời của mình được sanh vào chốn lành rồi! Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những thông tin hữu ích nhất trong đời sống hằng ngày nhé bạn!
source https://bloganchoi.com/sau-49-ngay-nguoi-chet-di-ve-dau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét