Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Bổ sung sắt, kẽm và iod trong thai kỳ giúp mẹ và bé khỏe mạnh tối ưu

Trong thai kỳ, ngoài việc bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất thì các mẹ bầu cũng cần chú ý bổ sung những vi khoáng vô cùng quan trọng như sắt, kẽm, iod cho cơ thể. Vậy làm thế nào để bổ sung vi khoáng đúng cách, mẹ bầu có thể tham khảo bài viết chi tiết dưới đây nhé.

Sắt

Ở người bình thường, nhu cầu sắt chỉ vào khoảng 10-15 mg/ngày. Nhưng trong giai đoạn mang thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi bình thường khoảng 30 mg/ngày vì phụ nữ có thai cần lượng máu gần gấp đôi bình thường để vừa nuôi mình vừa có thể nuôi thai. Bởi lẽ, tất cả các chất dinh dưỡng, oxy,… dùng để nuôi trẻ đều được cung cấp từ máu của mẹ.

Sắt là một chất khó hấp thu và dự trữ ít nên lượng cung cấp qua khẩu phần ăn thường không đủ cho nhu cầu trong thai kỳ, nhất là ở những phụ nữ đã bị thiếu sắt từ trước khi mang thai. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn cung cấp từ thực phẩm hàng ngày, thai phụ cũng cần uống thêm viên sắt để bổ sung chất sắt.

Thực phẩm chứa nhiều sắt (Nguồn: Internet)
Thực phẩm chứa nhiều sắt (Nguồn: Internet)

Các mẹ nên uống viên sắt kèm với vitamin C hoặc nước cam, nước chanh,… để tăng cường tối đa khả năng hấp thu chất sắt vào cơ thể. Để tạo hồng cầu đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng lượng máu trong thai kỳ thì ngoài chất sắt, cơ thể người mẹ còn cần nhiều chất dinh dưỡng khác như acid folic, vitamin B12, vitamin A, chất đạm, kẽm, iod,…

Do đó, nếu các mẹ chỉ tập trung bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt đơn thuần thì sẽ không thể làm tăng lượng hồng cầu trong máu. Các mẹ cần phải kết hợp giữa sắt và các thực phẩm giàu đạm, đặc biệt là đạm động vật. Cụ thể là trong bữa ăn nên có thêm các loại thịt đỏ, thịt trắng và cá.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt có thể kể đến như: Huyết động vật, thịt heo, thịt bò, trứng, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá có màu xanh đậm, đậu nành, khoai tây, quả khô, đậu Hà Lan, chuối và nho đen,… Lưu ý là nội tạng gan, thận chứa nhiều sắt nhưng cần tránh ăn trong thai kỳ.

Kẽm

Nhu cầu kẽm trong thai kỳ tăng không nhiều như sắt, chỉ khoảng 50% so với nhu cầu bình thường của cơ thể: khoảng 15 mg/ngày ở thai phụ so với 8-10 mg/ngày ở người trưởng thành có sức khỏe bình thường. Mặc dù nhu cầu kẽm không nhiều nhưng kẽm lại là thành phần của hầu hết các men tham gia vào những quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Kẽm tham gia vào hầu hết các hoạt động của cơ thể, từ chuyển hóa năng lượng đến hoạt động của hệ thần kinh, miễn dịch, chức năng sinh dục và sinh sản, hoạt động tiêu hóa thức ăn và cả các yếu tố thuộc về cảm quan với thức ăn như sự ngon miệng và thèm ăn.

Thực phẩm chứa nhiều kẽm (Nguồn: Internet)
Thực phẩm chứa nhiều kẽm (Nguồn: Internet)

Trong thai kỳ, kẽm cần thiết giúp tế bào sinh sản và tăng trưởng, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Có thể tóm tắt là kẽm quan trọng với thai nhi bởi vừa giúp phát triển cơ thể, vừa tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Kẽm có nhiều trong ngũ cốc (gạo), thịt bò, sữa, đậu nành, chuối và một số loại hải sản có vỏ (nhất là hàu).

Iod

Iod là một vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần với lượng rất nhỏ nhưng chức năng rất quan trọng, thậm chí có thể quyết định trí thông minh của em bé sau này. Iod là một trong những thành phần chính để tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp. Nội tiết tố này tác dụng trên tất cả các tế bào của cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến nội tiết khác.

Vì vậy, iod ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động của cơ thể bao gồm sản sinh tế bào mới, giúp tế bào trưởng thành, tham gia vào hoạt động của tế bào,… Hai loại tế bào mà iod ảnh hưởng nhiều nhất là tế bào xương và tế bào thần kinh. Nhu cầu iod trong suốt thai kỳ tăng cao hơn so với bình thường.

Thiếu iod ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến bướu cổ ở thai phụ, sinh non, thai chậm phát triển, thai chết lưu và nghiêm trọng nhất là bệnh đần độn ở thai nhi. Thiếu iod ở trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng sẽ làm trẻ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ, cơ thể thấp lùn, giảm chỉ số IQ, thiếu máu,…

Thực phẩm chứa nhiều kẽm (Nguồn: Internet)
Thực phẩm chứa nhiều kẽm (Nguồn: Internet)

Hiện nay, nguồn cung cấp iod duy nhất từ thực phẩm là cá và các loại hải sản. Nhu cầu iod hằng ngày thực ra không nhiều và dễ dàng được đáp ứng bởi chế độ ăn đa dạng và có các loại hải sản như cá biển, rong biển,… Dùng muối iod nêm nếm thức ăn cũng giúp tăng một phần iod trong khẩu phần.

Điều quan trọng nhất cần lưu ý là phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ăn nhạt nhất có thể để tránh tình trạng giữ nước, nhiễm độc thai,… Chính vì vậy, với thai phụ, iod nên được cung cấp qua thức ăn giàu iod hơn là từ muối iod.

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:

Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!



source https://bloganchoi.com/bo-sung-sat-kem-va-iod-trong-thai-ky/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét