Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Văn Miếu Quốc Tử Giám – Biểu tượng truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam

Nói đến Hà Nội nghìn năm văn hiến thì không thể không nói đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam ta nhằm đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Hiện nay, Văn Miếu là nơi được nhiều du khách ghé thăm nhất là các bạn học sinh, sinh viên với mục đích cầu may mắn cho việc học hành, thi cử. Hôm nay, hãy theo chân mình để cùng tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám này nhé.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở đâu?

Hiện nay Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm tại địa chỉ số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, ở giữa 4 con phố là Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám.

Đôi nét về lịch sử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng từ rất sớm vào năm 1070 với mục đích chính là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, đồng thời để thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông) – con trai của vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan – theo học tại đây.

Sau khi lên ngôi vào năm 1072 thì đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng Quốc Tử Giám ngay bên cạnh Văn Miếu. Quốc Tử Giám lúc đó là một trường đào tạo cho con em của vua quan và các bậc quyền quý trong triều đình, nơi đây được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Internet)
Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Ảnh: Internet)

Dưới đời vua Trần Thái Tông vào năm 1253, Quốc Tử Giám được mở rộng và bắt đầu tiếp nhận con của nhân dân có thành tích xuất sắc vào học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời, vua Trần Thánh Tông cũng đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện.

Đến các triều đại của nhà Hậu Lê, dưới đời vua Lê Thánh Tông vào năm 1484 đã cho dựng bia tiến sĩ kể từ khoa thi năm 1442 trở đi. Sang đời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được đổi thành học đường của phủ Hoài Đức, còn Văn Miếu Thăng Long được tu sửa và đổi thành Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đó là Văn Miếu Hà Nội.

Khám phá kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể khá rộng với diện tích khuôn viên lên đến 54331 m², với nhiều công trình kiến trúc khác nhau và được bao bọc bằng những bức tường xây bằng gạch vồ. Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lối kiến trúc đăng đối từng khu, từng lớp theo hướng trục Bắc Nam, mô phỏng gần giống với miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc tại Khúc Tự, Sơn Đông quê hương của ông, tuy nhiên được đơn giản hóa và phối hợp hài hòa với nghệ thuật kiến trúc của văn hóa dân tộc Việt.

Sơ đồ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Internet)
Sơ đồ của Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Ảnh: Internet)

Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan những nơi nào?

1. Khuê Văn Các

Đây là một công trình tuy không lớn nhưng lại hài hòa về bố cục và vô cùng bắt mắt. Khuê Văn Các có kết cấu hình vuông với bốn trụ gạch bên dưới nâng đỡ phần gác làm bằng gỗ ở phía trên. Mỗi mặt của tầng gác có một khung cửa tròn hình mặt trời đang tỏa sáng, phía ngoài có lan can nhỏ được làm bằng gỗ. Phần mái ngói gồm có hai lớp với tám mái tạo nên điểm độc đáo cho Khuê Văn Các.

Khuê Văn Các (Ảnh: Internet)
Khuê Văn Các (Ảnh: Internet)

Hiện nay, Khuê Văn Các còn được xem là một trong những biểu tượng của thành phố Hà Nội.

2. Khu nhà bia tiến sĩ

Đây là nơi khắc tên những người đỗ đạt cao trong các khoa thi do triều đình tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Các tấm bia đều được làm bằng đá, chạm khắc công phu và mỗi tấm bia được đặt trên lưng của rùa đá. Hiện nay, khu nhà bia tiến sĩ còn lưu giữ 82 tấm bia – đây là một trong những dấu ấn vàng son của lịch sử.

Khu Nhà bia tiến sĩ (Ảnh: Internet)
Khu Nhà bia tiến sĩ (Ảnh: Internet)

3. Văn Miếu và Khu nhà Thái học

Văn Miếu bao gồm hai tòa nhà là Bái đường ở phía ngoài và Thượng Cung ở phía bên trong. Đây là nơi thờ Khổng Tử và Tứ Phối.

Khu nhà Thái học: dưới thời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tại Huế, nhà Thái Học được đổi thành nơi thờ thân sinh của Khổng Tử với tên gọi là nhà Khải thánh. Tuy nhiên, trong thời kì chống thực Pháp, khu nhà này đã bị phá hủy nên khu nhà Thái học hiện nay là công trình được Thành phố Hà Nội cho xây dựng lại vào năm 1999.

Ngoài những cái tên trên đây còn nhiều công trình kiến trúc khác như Văn Miếu Môn, cổng Đại Trung Môn, nhà Tiền Đường – Hậu Đường…

Đại Trung Môn (Ảnh: Internet)
Đại Trung Môn (Ảnh: Internet)

Trên đây là một vài thông tin về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mong là sẽ giúp ích phần nào cho các bạn. Nếu có ý kiến đóng góp hãy để lại bên dưới phần bình luận. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại. Thân ái!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/van-mieu-quoc-tu-giam-truong-dai-hoc-dau-tien-viet-nam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét