Bạn đã biết đánh răng và dùng chỉ nha khoa là những việc cần làm để vệ sinh răng miệng mỗi ngày, nhưng nếu bạn muốn chăm sóc và làm sạch răng miệng tốt nhất thì cạo lưỡi là việc không thể thiếu. Vậy tại sao phải chú ý đến lưỡi của mình? cạo lưỡi mang lại tác dụng gì cho sức khỏe răng miệng? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Cạo lưỡi là gì?
Cạo lưỡi là một phương pháp làm sạch lưỡi đã có từ thời xưa và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, mục đích nhằm loại bỏ các chất bẩn tích tụ trên lưỡi có thể ảnh hưởng đến vị giác, sức khỏe răng miệng và thậm chí làm hơi thở có mùi.
Có những tài liệu cho rằng cạo lưỡi đã được thực hiện từ nhiều thế kỷ trước ở châu Âu, châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ và Nam Mỹ. Tuy nhiên phương pháp này thường được cho là bắt nguồn từ Ayurveda – hệ thống y học cổ truyền Ấn Độ, theo Trung tâm Yoga và Sức khỏe Kripalu.
Y học Ayurveda bao gồm các phương pháp nâng cao sức khỏe toàn diện cho con người đã có lịch sử rất lâu đời trong văn hóa Ấn Độ và đến nay vẫn là một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn của Ấn Độ. Các phương pháp cổ xưa của Ayurveda đang ngày càng phổ biến ở các nơi khác trên thế giới, trong đó có cạo lưỡi.
Tại sao cần phải cạo lưỡi?
Khoang miệng là phần đầu tiên của đường tiêu hóa, do đó luôn tiếp xúc với tất cả thức ăn và vi khuẩn mà chúng ta ăn vào. Vi khuẩn và các mảng bám thức ăn có thể dính lại trên răng, nướu và tất nhiên cả lưỡi.
Bạn có thể nhìn thấy điều này bằng cách thè lưỡi và soi gương, các mảng bám trên lưỡi thường có dạng một lớp màu trắng hoặc các đốm trắng, cũng có thể màu vàng hoặc nâu. Theo Mayo Clinic, lớp phủ này xuất hiện khi các gai vị giác trên bề mặt lưỡi phát triển to ra làm cho các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn và tế bào chết có thể bị mắc kẹt giữa chúng. Theo Cleveland Clinic, mục đích của việc cạo lưỡi là loại bỏ vi khuẩn có hại gây sâu răng, viêm nướu và hôi miệng.
Tuy nhiên quan niệm Ayurveda lại giải thích theo cách khác: khi có lớp phủ trên lưỡi chứng tỏ hệ tiêu hóa hoạt động không tốt và không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Theo Ayurveda, lớp phủ trên lưỡi có thể chứa độc tố được hình thành khi cơ thể xử lý thức ăn, do đó cần phải cạo bỏ hàng ngày để ngăn chất độc thấm ngược lại vào cơ thể, làm suy yếu hệ tiêu hóa và gây ra các vấn đề như táo bón, đầy hơi.
Tuy nhiên điều quan trọng cần nhớ là cạo lưỡi không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp vệ sinh răng miệng thông thường như đánh răng 2 lần một ngày trong 2 phút với kem đánh răng chứa fluor, làm sạch kẽ răng mỗi ngày bằng chỉ nha khoa, và đi khám răng định kỳ. Cạo lưỡi chỉ được xem là biện pháp bổ sung.
Các loại dụng cụ cạo lưỡi
Có nhiều loại dụng cụ với hình dạng, kích cỡ và chất liệu khác nhau được dùng để cạo lưỡi. Loại phổ biến nhất có hình móng ngựa và được làm bằng thép không gỉ, đồng hoặc nhựa. Có cả những chiếc cạo được làm giống như bàn chải đánh răng. Bạn có thể mua dụng cụ cạo lưỡi tại đây, hoặc có thể dùng cạnh của một chiếc thìa để thực hiện việc này.
Nếu bạn muốn theo truyền thống Ayurvedic, hãy chọn một chiếc cạo hình móng ngựa được làm bằng đồng, vì đồng được cho là có đặc tính kháng khuẩn tốt hơn thép không gỉ, giúp bảo vệ lưỡi và răng miệng tốt hơn.
Cạo lưỡi có tác dụng gì cho sức khỏe?
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu cho kết quả rõ ràng về tác dụng của cạo lưỡi nhưng có một số lợi ích tiềm năng như sau.
Tăng cường sức khỏe răng miệng
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trong miệng chúng ta luôn có đầy vi khuẩn – khoảng 700 loại vi khuẩn và nấm khác nhau. Một số vi khuẩn có ích nhưng nhiều loại khác là thủ phạm gây sâu răng, bệnh về nướu và tích tụ mảng bám. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ vi khuẩn, nhưng chúng cũng có thể tồn tại trên lưỡi. Cách dễ dàng để loại bỏ chúng là cạo lưỡi, trong khi đánh răng bình thường không làm được.
Trong một nghiên cứu, những người tham gia không mắc bệnh răng miệng đã thực hiện cạo lưỡi để loại bỏ hoàn toàn lớp phủ trên lưỡi kết hợp với vệ sinh răng miệng như thường, so sánh với một nhóm khác chỉ vệ sinh răng miệng mà không cạo lưỡi. Sau 3 ngày, kết quả cho thấy việc cạo lưỡi giúp làm giảm lượng vi khuẩn trên lưỡi mặc dù không ảnh hưởng đến mảng bám trên răng.
Trong khi đó một nghiên cứu khác ở trẻ em cho thấy việc cạo lưỡi làm giảm đáng kể mảng bám trên răng sau 10 ngày và 21 ngày. Tuy nhiên một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nha chu tháng 2/2018 cho thấy không có sự thay đổi về vi khuẩn ở những người mắc bệnh về nướu sau khi thực hiện cạo lưỡi trong 2 tuần.
Tất cả những nghiên cứu trên đều có quy mô nhỏ và thời gian ngắn, vì vậy cần có thêm bằng chứng rõ hơn để biết chính xác việc cạo lưỡi có thể giúp bảo vệ răng miệng của chúng ta tốt hơn hay không.
Hơi thở thơm tho
Nếu bạn cảm thấy hơi thở của mình có vấn đề thì một trong những nguyên nhân có thể là mảng bám trên lưỡi, không chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp mà còn là dấu hiệu cho thấy răng miệng chưa được chăm sóc tốt. Theo Johns Hopkins Medicine, khi thức ăn bám lại trên lưỡi, răng và nướu sẽ bị phân hủy gây ra mùi và vị khó chịu trong miệng.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên là việc phải làm để có hơi thở thơm tho, nhưng một số vi khuẩn ở mặt dưới của lưỡi có thể phân hủy thức ăn thừa và tạo ra các hợp chất chứa lưu huỳnh nặng mùi. Do đó cạo lưỡi là một cách để loại bỏ vi khuẩn mà bàn chải và chỉ nha khoa không thể làm được.
Trong một nghiên cứu nhỏ, những người nam giới bị sâu răng và mắc bệnh về nướu đã thực hiện cạo lưỡi 2 lần một ngày trong một tuần. Ban đầu có gần 42% trong số này cho biết hơi thở có mùi, nhưng sau 1 tuần cạo lưỡi đã giảm xuống còn 30%. Khi đo lượng vi khuẩn trong nước bọt để so sánh trước và sau khoảng thời gian đó, kết quả cho thấy cạo lưỡi giúp làm giảm đáng kể vi khuẩn trong miệng.
Tương tự, nghiên cứu cho thấy làm sạch lưỡi kết hợp với thói quen đánh răng giúp làm giảm đáng kể các chỉ số về chứng hôi miệng mãn tính so với chỉ đánh răng đơn thuần. Điều này cho thấy cạo lưỡi có thể là một biện pháp bổ sung hữu ích cùng với thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên giúp bạn tránh bị hôi miệng.
Cải thiện vị giác
Loại bỏ các mảng bám trên bề mặt lưỡi có thể giúp vị giác nhạy bén hơn, theo Cleveland Clinic. Một nghiên cứu cho thấy những người không mắc bệnh về nướu khi thực hiện làm sạch lưỡi 2 lần mỗi ngày trong 2 tuần không chỉ giúp giảm đáng kể lớp phủ trên lưỡi mà còn cải thiện vị giác, đặc biệt là tăng cảm giác vị đắng và vị mặn của muối. Dụng cụ cạo lưỡi bằng nhựa có tác dụng cải thiện vị giác tốt hơn so với bản chải thông thường.
Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ gồm rất ít người tham gia và cảm nhận vị giác mang tính chủ quan tùy thuộc vào từng người nên cần có thêm bằng chứng để xác nhận điều này.
Lợi ích của cạo lưỡi theo Ayurveda
Tác động tới các cơ quan nội tạng
Theo Ayurveda, các vùng của lưỡi tương ứng với các cơ quan nội tạng khác nhau. Khi có mảng bám xuất hiện ở một phần của lưỡi tức là có độc tố ở cơ quan tương ứng với nó. Cạo lưỡi giúp loại bỏ độc tố cũng như kích thích các cơ quan, ví dụ cạo vùng lưỡi tương ứng với ruột già có tác dụng giống như xoa bóp gián tiếp cho cơ quan này, kích thích sự vận động đưa thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa.
Đây là những quan niệm truyền thống và chưa có bằng chứng khoa học hiện đại.
Hỗ trợ tiêu hóa
Chăm sóc miệng giúp cải thiện tiêu hóa, và theo quan niệm Ayurveda, việc loại bỏ độc tố khỏi lưỡi là rất quan trọng để ngăn chặn chúng làm hại đường tiêu hóa.
Hiện nay không có nhiều bằng chứng xác nhận điều này, nhưng một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Liệu pháp Bổ sung trong Y học vào tháng 2/2018 cho thấy việc cạo lưỡi hàng ngày trong 4 tuần có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng táo bón, đi tiêu lỏng có mùi hôi và mệt mỏi ở những người khỏe mạnh.
Cạo lưỡi có nguy cơ gì không?
Các chuyên gia cho biết: cạo lưỡi nhìn chung là một biện pháp an toàn cho mọi người, nhưng quan trọng là phải có dụng cụ tốt. Các dụng cụ chất lượng kém có thể khiến lưỡi bị tổn thương, do đó và phải luôn kiểm tra dụng cụ trước khi thực hiện.
Một điều cần lưu ý là lực cạo tác dụng lên lưỡi. Mọi người thường nghĩ rằng “cạo” là phải mạnh nhưng đôi khi lại quá mức cần thiết. Thực tế chỉ cần chuyển động lướt nhẹ nhàng để loại bỏ lớp phủ trên bề mặt lưỡi là đủ, không nên làm quá mạnh tay.
Ngoài ra cũng không được cạo lưỡi nếu bạn đang có vết cắt, vết thương hoặc lở trong miệng.
Cách thực hiện cạo lưỡi tại nhà như thế nào?
Trước hết bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ để xem việc cạo lưỡi có phù hợp với mình hay không. Các bước thực hiện được chuyên gia hướng dẫn như sau:
- Chụm hai đầu của dụng cụ cạo lưỡi lại với nhau và cầm nhẹ nhàng bằng ngón trỏ và ngón cái.
- Thè lưỡi ra và đặt phần cong của đồ cạo về phía gốc của lưỡi, càng xa càng tốt nhưng vẫn cảm thấy thoải mái và không kích thích phản xạ buồn nôn.
- Đặt chiếc cạo nằm phẳng áp sát vào lưỡi và nhẹ nhàng kéo về phía đầu lưỡi.
- Rửa sạch đồ cạo bằng nước nóng.
- Lặp lại 3 đến 5 lần.
- Sau khi cạo xong, hãy làm sạch đồ cạo bằng xà phòng và nước hoặc bông tẩm cồn, sau đó treo lên hoặc giữ ở nơi thoáng mát để khô ráo hoàn toàn.
Các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên cạo lưỡi vào buổi sáng, không nên cạo quá thường xuyên có thể làm tổn thương lưỡi vì cấu tạo của nó rất mỏng manh.
Trên đây là những điều cần biết về cạo lưỡi – một phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Bạn có thường xuyên cạo lưỡi tại nhà không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 9 mẹo chăm sóc răng miệng giúp răng khỏe đẹp có thể bạn chưa biết
- Nhìn lưỡi cũng đoán được bệnh? Lưỡi trắng, lưỡi đỏ, lưỡi đen là bệnh gì?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/cao-luoi-co-tac-dung-gi-cham-soc-rang-mieng/