Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

7 điều cần chú ý khi chọn mua TV OLED để có hình ảnh đẹp và trải nghiệm “sướng” nhất

Trong số rất nhiều loại TV với đủ mức giá từ thấp đến cao trên thị trường hiện nay, TV OLED được cho là đem đến chất lượng hình ảnh tốt nhất và mặc dù mức giá cao hơn các loại khác nhưng cũng ngày càng phải chăng hơn. Nếu bạn đang tìm mua một chiếc TV OLED cho gia đình mình thì có một số điều cần lưu ý, hãy cùng xem nhé!

TV OLED là gì?

OLED là viết tắt của Organic Light-Emitting Diode – diode phát quang hữu cơ. Màn hình OLED được cấu tạo bởi các diode siêu nhỏ, khi có dòng điện chạy qua từng diode thì chúng sẽ phát sáng để tạo nên hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy, còn khi không có dòng điện chạy qua thì chúng sẽ tắt để tạo màu đen gần như tuyệt đối. Đây là điểm khác biệt so với các công nghệ TV như LED hay QLED phải có đèn nền chiếu sáng liên tục.

TV OLED có nhiều ưu điểm được cho là công nghệ hàng đầu hiện nay (Ảnh: Internet)
TV OLED có nhiều ưu điểm được cho là công nghệ hàng đầu hiện nay (Ảnh: Internet)

Nhờ cấu tạo đặc biệt không cần đèn nền, màn hình OLED luôn mỏng và nhẹ hơn các loại TV khác và do đó các mẫu TV siêu mỏng cao cấp hiện nay đều thuộc loại OLED. Ngoài ra chúng còn có ưu điểm vượt trội được người dùng ưa chuộng như:

  • Màu sắc sống động và chân thực, màu đen sâu, độ tương phản cao
  • Ít tốn điện hơn các loại TV khác vì không cần đèn nền chiếu sáng liên tục
  • Góc quan sát rộng hơn

Tuy nhiên giá bán của TV OLED cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất trên thị trường. Trong nhiều năm qua, hầu hết người dùng bình thường không thể tiếp cận được TV OLED 4K do mức giá quá cao. Tuy nhiên công nghệ ngày càng phát triển giúp cho chi phí sản xuất giảm xuống và giờ đây OLED đã trở thành xu hướng chủ đạo của TV, rất nhiều người có khả năng mua được.

TV OLED ngày càng có giá phải chăng hơn (Ảnh: Internet)
TV OLED ngày càng có giá phải chăng hơn (Ảnh: Internet)

Nhưng không phải loại TV OLED nào cũng như nhau vì công nghệ này đã được cải thiện và thay đổi khá nhiều qua thời gian. Để chọn được một chiếc TV đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, tránh mua phải các mẫu TV lỗi thời, bạn cần chú ý 7 yếu tố sau đây khi chọn mua.

7 điều cần chú ý khi chọn mua TV OLED

1. Độ sáng

Một trong những nhược điểm chính của TV OLED so với đối thủ cạnh tranh QLED là độ sáng. Tuy nhiên các tấm nền OLED đã được chế tạo ngày càng sáng hơn để cung cấp độ sáng phù hợp hỗ trợ cho trải nghiệm HDR tuyệt vời. Do đó hãy đảm bảo chiếc TV OLED mà bạn định mua phải có độ sáng tối đa khoảng 700-800 nits khi xem nội dung HDR.

Chọn TV có độ sáng đủ cao để hình ảnh hiện lên đẹp mắt (Ảnh: Internet)
Chọn TV có độ sáng đủ cao để hình ảnh hiện lên đẹp mắt (Ảnh: Internet)

Đối với hình ảnh SDR tiêu chuẩn thấp hơn, độ sáng của TV cần đạt khoảng 400-500 nits để có trải nghiệm xem thoải mái trong điều kiện phòng đủ ánh sáng. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên xem TV trong phòng tối thì độ sáng cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng.

2. Tốc độ làm mới của màn hình

Tốc độ làm mới là thông số rất quan trọng đối với các loại màn hình điện tử nói chung, tốc độ càng cao thì hình ảnh càng chuyển động mượt mà, ít bị giật lag. Nếu bạn chủ yếu xem phim, video và các chương trình truyền hình thông thường thì tốc độ làm mới ở mức 60Hz là hoàn toàn phù hợp.

Tốc độ làm mới càng cao thì hình ảnh chuyển động càng mượt (Ảnh: Internet)
Tốc độ làm mới càng cao thì hình ảnh chuyển động càng mượt (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên nếu bạn dùng màn hình TV để chơi game thì cần phải có tốc độ cao hơn. Các dòng máy chơi game console mới nhất như PS5 và Xbox Series X cho phép chơi game với chất lượng hình ảnh 4K và tốc độ khung hình lên tới 120 FPS. Để tận hưởng đồ họa đẹp mắt ở tốc độ cao như vậy, bạn cần trang bị một màn hình có tốc độ làm mới tương ứng.

May mắn là hầu hết các mẫu TV OLED được sản xuất trong 1-2 năm gần đây đều có thể đạt tốc độ làm mới 120Hz nhờ tiêu chuẩn HDMI 2.1. Ngoài ra một số mẫu TV cũng có tính năng thay đổi thông số này để phù hợp với tốc độ khung hình của các nội dung khác nhau được hiển thị trên màn hình. Điều này giúp tránh hiện tượng vỡ hình và giật hình khi chơi game trên TV.

Tóm lại, nếu bạn thích chơi game trên TV thì hãy chọn những sản phẩm có cổng HDMI 2.1 hỗ trợ tốc độ làm mới 120Hz và thay đổi được.

3. Giá cả

Giá của TV OLED đã giảm trong những năm gần đây, nhưng chúng vẫn đắt hơn so với các loại TV sử dụng công nghệ LED truyền thống. Ngoài ra mức giá còn phụ thuộc rất nhiều vào thương hiệu và model của TV, ví dụ TV OLED cao cấp của Sony đắt hơn vài triệu đồng so với các mẫu tương đương của LG.

Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách chọn mẫu TV đã ra mắt từ năm trước thay vì mẫu mới ra, hoặc mua vào lúc có đợt giảm giá, xả hàng. Các mẫu từ năm trước thường có hầu hết các tính năng giống như mẫu mới nhất vừa ra mắt, nhưng cũng nên kiểm tra kỹ các thông số kỹ thuật để xem nó có đáp ứng nhu cầu của bạn hay không.

4. Chất lượng âm thanh

Chất lượng hình ảnh là quan trọng nhất đối với một chiếc TV, nhưng cũng đừng bỏ qua chất lượng âm thanh. Nếu bạn không muốn chi thêm tiền để mua dàn âm thanh riêng thì hãy quan tâm đến chất lượng của loa có sẵn trong TV.

TV chất lượng cao không chỉ có hình ảnh đẹp mà âm thanh cũng phải hay (Ảnh: Internet)
TV chất lượng cao không chỉ có hình ảnh đẹp mà âm thanh cũng phải hay (Ảnh: Internet)

Một số TV OLED có hình ảnh đẹp và trung thực vượt trội nhưng loa chỉ ở mức bình thường, trong khi những TV khác lại có âm thanh tuyệt vời nhưng chất lượng hình ảnh trung bình. Bạn hãy chọn chiếc TV nào có sự cân bằng giữa hai yếu tố này phù hợp với nhu cầu của bản thân. Hoặc nếu chiếc TV bạn thích lại có âm thanh không tốt thì hãy đầu tư mua thêm loa ngoài chất lượng.

Cách tốt nhất để biết âm thanh của TV có ưng ý hay không là tự nghe thử ở showroom. Nếu âm thanh đủ to và rõ để bạn nghe được thoải mái ở một không gian rộng và ồn ào như vậy thì nó cũng hoàn toàn phù hợp với không gian trong nhà bạn.

5. Độ trễ đầu vào (input lag)

Nên coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu nếu bạn muốn chơi game trên TV, đặc biệt là những game nhiều người chơi. Lưu ý rằng độ trễ đầu vào khác với tốc độ phản hồi của TV. Hầu hết các TV OLED đều có thời gian phản hồi gần như ngay tức thì, vì vậy đó không phải là vấn đề quan trọng, nhưng độ trễ đầu vào lại là một yếu tố hoàn toàn khác.

Độ trễ đầu vào là khoảng thời gian từ lúc bạn nhấn nút trên bộ điều khiển (tín hiệu đầu vào) cho tới khi có phản ứng xảy ra trên màn hình TV. Độ trễ này càng lớn thì càng gây khó chịu khi chơi các game có nhịp độ nhanh. Ngày nay hầu hết TV OLED đều có chế độ chơi game chuyên dụng được điều chỉnh để giảm độ trễ đầu vào, nhưng một số mẫu đặc biệt có độ trễ thấp hơn các mẫu khác.

Nhìn chung độ trễ đầu vào dưới 20 miligiây là lý tưởng cho hầu hết các game thủ, nhưng nếu bạn muốn có trải nghiệm tốt hơn nữa thì hãy chọn các mẫu TV có độ trễ trên dưới 10ms.

6. Bộ xử lý hình ảnh

Bộ xử lý hình ảnh là một trong những lý do quan trọng nhất giúp cải thiện chất lượng hình ảnh của TV OLED trong vài năm qua. Bộ xử lý thế hệ càng mới thì khả năng xử lý càng tốt, hay nói cách khác là TV đời mới hơn thì chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn. Tuy nhiên sự khác biệt về hình ảnh thường rất nhỏ và không phải ai cũng nhận ra được bằng mắt thường.

7. Các tính năng bổ sung

Phần mềm trên TV OLED cũng quan trọng không kém phần cứng vì nó sẽ quyết định những nội dung mà bạn có thể xem được. May mắn là hầu hết các thương hiệu TV hiện nay đều cho phép truy cập các dịch vụ truyền hình phổ biến như Netflix, Disney+, v.v. Nhưng lưu ý rằng tùy vào nhà sản xuất, TV có thể được trang bị hệ điều hành Android TV hoặc webOS.

Kiểm tra các tính năng phần mềm của TV trước khi mua (Ảnh: Internet)
Kiểm tra các tính năng phần mềm của TV trước khi mua (Ảnh: Internet)

Các tính năng phần mềm bổ sung là một điểm cộng lớn, ví dụ như AirPlay là tính năng cho phép chiếu màn hình của các thiết bị Apple như iPhone, iPad hoặc Mac lên TV để xem thoải mái hơn. Một số TV OLED của LG tương thích với công nghệ đồng bộ hóa NVIDIA G-Sync giúp bạn chơi game không bị vỡ hình và giật hình khi kết nối TV với PC.

Tổng kết

TV OLED hiện nay có rất nhiều tùy chọn với nhiều mức giá, nhưng bạn không cần phải mua TV đắt tiền nhất mà quan trọng là chiếc TV phải phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Ví dụ nếu bạn không có ý định chơi game trên TV thì chẳng việc gì phải mua các mẫu có tốc độ làm mới quá cao. Số tiền dư ra có thể dùng để mua một dàn âm thanh chất lượng cao để xem TV sướng hơn. Hãy kiểm tra các yếu tố đã nêu trên để đưa ra quyết định sáng suốt nhé.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/cach-chon-mua-tv-oled-hinh-anh-dep/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét