Từ khóa “peer pressure” những ngày gần đây được nhắc đến với tần suất lớn hơn bao giờ hết, không những gen Z mà cả những thế hệ trước đó đều phải trải qua những áp lực mang tên đồng trang lứa, vậy áp lực này có thật sự cần thiết hay chỉ là một vòng luẩn quẩn mà chúng ta tự tạo cho chính bản thân mình? Sau đây là một bài viết của cô học trò gen Z vừa bước vào môi trường Đại học và chia sẻ quan điểm của bản thân về peer pressure
Đại học và peer pressure
Đại học thật sự khác so với việc học cấp 3, thật đấy, và nó lại khó khăn hơn nhiều khi những đứa bạn thời cấp 3 của mình học khác trường, có một vài đứa chung trường thì lại khác ngành, khác khoa. Nó khó ở đâu nhỉ? Câu trả lời là cái gì cũng khó. Mà khó khăn nhất chính là áp lực từ những bạn bè cùng lớp.
Mình ngưỡng mộ một bạn trong lớp rất nhiều nhưng rồi một ngày, mình thấy bạn ấy chia sẻ trên trang cá nhân rằng bạn ấy tự ti khi nhìn thành tích của các bạn cùng lớp, đọc xong bài viết của bạn thì mình có thêm một vài suy nghĩ trong đầu, phải chăng peer pressure chỉ là cái vòng luẩn quẩn hay chính xác hơn là áp lực mà chính bạn đem đến cho bản thân mình chứ không phải một ai khác gây ra những áp lực đó? Bạn luôn không nhìn thấy sự nổi trội của bản thân và chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp đó ở người khác. Trong khi bạn nhìn nhận mình ở phương diện kém hoàn hảo thì người khác lại nhìn thấy những ưu điểm của bạn để tự áp lực lên chính họ một lần nữa. Và cái vòng vây áp lực lại quấn quanh tất cả mọi người, người ta hay nói nhờ cái áp lực đồng trang lứa đó mà chúng ta mới biết phấn đấu để mình tốt hơn. Mình đi ngược lại quan điểm ấy, mình không thấy thế.
Đối với mình, để phấn đấu cần có động lực rõ ràng, có thể là sự so sánh, sự cạnh tranh nhưng nó phải là một động lực tích cực, còn peer pressure cũng có thể là xem là cạnh tranh nhưng nó tiêu cực vô cùng. Bạn và người khác có hướng đi khác nhau, hoài bão và ước mơ khác nhau thì những thứ các bạn phải theo đuổi làm sao mà giống nhau được, nhưng đâu phải ai cũng suy nghĩ như thế? Chỉ cần thấy người khác tiến thêm một bậc trên cuộc hành trình của họ thì bạn lại tăng thêm một tí áp lực cho chính mình rồi ép bản thân phải lết lên từng nấc trên bậc thang hoài bão CỦA NGƯỜI KHÁC. Đến một lúc nào đấy bạn quay đầu nhìn lại, ừ thì cũng trau dồi được một thứ gì đó, biết thêm một thứ gì đó nhưng rồi chả thể làm được gì với những thứ ấy vì nó vốn dĩ là những thứ tích lũy để hoàn thành ước mơ của người khác chứ không phải ước mơ của bạn.
À thì ra bạn tiến đến gần hơn với đích đến trên hành trình của người khác nhưng lại kéo xa hơn khoảng cách tới đích trong cuộc hành trình của chính bản thân. Thế thì phí công sức và phí cả thời gian.
Làm sao để vượt qua peer pressure?
Chính vì vậy, khi thấy ai đó giỏi trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi thì có thể xin lời khuyên và sự hỗ trợ từ họ để hoàn thiện bản thân, nhìn vào thành công của họ để làm động lực chứ đừng lấy sự áp lực từ thành công ấy trở thành động lực, vì nếu không, đến một lúc nào đấy, bạn sẽ tự ép bản thân mình đến ngõ cụt của sự tiêu cực.
Cũng đừng quên rằng, thật ra người mà bạn ngưỡng mộ sẽ có nhiều lúc ngưỡng mộ bạn ở một khía cạnh nào đó nữa đấy. “Không ai có thể bị vùi chết trong mồ hôi của sự nỗ lực”, vì vậy, hãy cố gắng lên bạn nhé!!
- Gen Z và Peer Pressure: Áp lực đồng trang lứa và cách cân bằng cuộc sống mới
- Áp lực đồng trang lứa: Đừng vì con nhà người ta mà hạ thấp chính mình
source https://bloganchoi.com/peer-pressure-ap-luc-dong-trang-lua/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét