Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Sàn thương mại điện tử là gì? Điểm khác biệt giữa website và sàn thương mại điện tử

Việt Nam đang là sân chơi hấp dẫn của nhiều “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, v.v. Tuy nhiên, trong thị trường tỉ đô này, người tiêu dùng hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm “sàn thương mại điện tử” và “website thương mại điện tử”. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa sàn và website thương mại điện tử, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Sàn thương mại điện tử là gì?

Sàn giao dịch thương mại điện tử là trang web cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thuộc sở hữu của website có thể tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa/dịch vụ trên chính website đó. Nói một cách đơn giản, sàn thương mại điện tử là một “khu chợ” mà tại đó, các doanh nghiệp có thể đến để thuê vị trí mở một gian hàng cho mình.

Một số sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, v.v. Hầu hết các sàn thương mại điện tử này đang sử dụng 3 mô hình kinh doanh chính:

  • B2B (Business To Business): Giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp
  • B2C (Business To Customer): Giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng
  • B2B2C (Business To Business To Customer): Giữa 2 doanh nghiệp với người tiêu dùng

Ưu điểm khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử Shopee (Ảnh: BlogAnChoi).
Sàn thương mại điện tử Shopee (Ảnh: BlogAnChoi).

Tận dụng người dùng và hệ sinh thái của các sàn thương mại điện tử

Khi doanh nghiệp mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo thì doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với hàng triệu người dùng sẵn có.

Theo báo cáo của iPrice Q4/2021 công bố:

  • Shopee: 88.956.700 lượt truy cập/tháng
  • Lazada: 20.633.300 lượt truy cập/tháng
  • Tiki: 17.866.700 lượt truy cập/tháng
  • Sendo: 4.946.700 lượt truy cập/tháng

Ngoài ra doanh nghiệp còn được tận dụng các tiện ích bổ sung được tích hợp sẵn trên hệ sinh thái của các sàn thương mại điện tử như thanh toán trực tuyến, giao hàng miễn phí, báo cáo, phân tích, marketing, etc.

Tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường thương mại điện tử

Nếu so sánh với việc tự mình xây dựng và vận hàng cả một hệ thống kinh doanh thương mại điện tử thì việc mở một gian hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đồng thời, doanh nghiệp không cần phải lo lắng đến các vấn đề kỹ thuật vì đã có đội ngũ hỗ trợ hoạt đồng 24/7 để tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp.

Nhược điểm khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử Lazada (Ảnh: Internet).
Sàn thương mại điện tử Lazada (Ảnh: Internet).

Lệ thuộc vào chính sách của các sàn thương mại điện tử

Mặc dù chi phí đăng ký mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử là hoàn toàn miễn phí nhưng doanh nghiệp cần trải qua hàng loạt thủ tục đăng ký khá phức tạp.

Chẳng hạn như Lazada sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thành các khóa đào tạo online rồi mới được đi vào hoạt động. Hoặc Tiki chỉ cho phép các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh mới được đăng ký mở gian hàng mà chưa có các chính sách để hỗ trợ cho các nhà kinh doanh cá nhân.

Ngoài ra, khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp còn phải trả thêm các chi phí để duy trì hoạt động như chi phí hoa hồng, chi phí lấy hàng, chi phí xử lý đơn hàng (Fulfilled by Lazada), v.v.

Không sở hữu mã dữ liệu

Nhược điểm lớn nhất của việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử chính là vấn đề về dữ liệu. Doanh nghiệp phải đánh đổi việc thất thoát dữ liệu khách hàng vào tay các “ông lớn” bởi vì tất cả các mã nguồn và data đều nằm trên server của các sàn thương mại điện tử.

Website thương mại điện tử là gì?

Website thương mại điện tử là trang web được xây dựng để phục vụ toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa/dịch vụ cho một doanh nghiệp nhất định, như dịch vụ thanh toán, vận chuyển, Marketing, chăm sóc khách hàng, v.v.

Các website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay có thể kể đến như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS, Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh, v.v. Đa số các website thương mại điện tử này đang sử dụng 3 mô hình kinh doanh chính:

  • B2B (Business To Business): Giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp
  • B2C (Business To Customer): Giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng
  • D2C (Direct to Customer): Giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng nhưng đã loại bỏ qua các khâu phân phối ở giữa

Ưu điểm khi kinh doanh trên website thương mại điện tử

Ưu điểm của website thương mại điện tử (Ảnh: Internet).
Ưu điểm của website thương mại điện tử (Ảnh: Internet).

Kinh doanh và định vị thương hiệu tốt hơn

Việc xây dựng website thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh 24/7 với đầy đủ tính năng hỗ trợ quá trình mua sắm trực tuyến như tìm kiếm sản phẩm nhanh, so sánh sản phẩm, gợi ý sản phẩm, checkout nhanh, v.v. Từ đó thúc đẩy hoạt động mua sắm diễn ra nhanh hơn, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng và tăng trưởng doanh số cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, giao diện của website thương mại điện tử còn thể hiện “bộ mặt” của thương hiệu, giúp khách hàng dần nhận biết các đặc điểm của doanh nghiệp so với các đối thủ cùng ngành. Đồng thời, website thương mại điện tử còn hỗ trợ doanh nghiệp định vị thương hiệu tốt hơn với các chiến dịch Ecommerce Marketing.

Khai thác và phân tích dữ liệu hiệu quả hơn

Khác với việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, khi triển khai website thương mại điện tử riêng, doanh nghiệp sẽ được toàn quyền sở hữu mã nguồn và dữ liệu khách hàng của mình, như dữ liệu nhân khẩu học, hành vi mua sắm, sở thích, chi phí mua sắm, v.v. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những báo cáo, phân tích và định hướng kinh doanh tốt hơn.

Nhược điểm khi kinh doanh trên website thương mại điện tử

Nhược điểm của website thương mại điện tử (Ảnh: Internet).
Nhược điểm của website thương mại điện tử (Ảnh: Internet).

Tốn chi phí và thời gian để triển khai website hiệu quả

Việc phát triển website thương mại điện tử sẽ phức tạp hơn nhiều so với các website bán hàng thông thường. Doanh nghiệp cần xây dựng website trên các nền tảng chuyên biệt như Magento, Shopify, Haravan, WooCommerce (plugin của WordPress), v.v để có thể xây dựng giao diện chuẩn UI/UX và hệ thống chức năng giải quyết được các đặc thù ngành như trả góp, tính thuế VAT, theo dõi đơn hàng, tìm kiếm bằng giọng nói, v.v. Và tất nhiên, việc đó sẽ hao tốn rất nhiều thời gian và ngân sách của doanh nghiệp.

Khan hiếm đơn vị phát triển website thương mại điện tử uy tín

Để thiết kế được website thương mại điện tử chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể tự xây dựng đội ngũ IT inhouse (nội bộ) hoặc tìm đến các đơn vị uy tín, có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, các đơn vị có đủ năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển website thương mại điện tử ở Việt Nam còn khá ít.

Một số đơn vị phát triển website thương mại điện tử uy tín ở Việt Nam mà doanh nghiệp có thể tham khảo như SmartOSC, Secomm, Haravan, BSS Commerce, Magenest, v.v.

Nhìn chung, việc lựa chọn kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hay website thương mại điện tử sẽ phụ thuộc vào chiến lược, mô hình kinh doanh và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/san-thuong-mai-dien-tu-la-gi-diem-khac-biet-giua-website-va-san-thuong-mai-dien-tu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét