So với thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu nổ ra từ cuối năm 2019, đến nay các nhà khoa học đã hiểu được nhiều điều về loại virus mới và căn bệnh có sức lây lan khủng khiếp này. Tuy nhiên vẫn còn một số “bí ẩn” rất quan trọng mà có lẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới tìm ra lời giải. Hãy cùng xem đó là gì nhé.
Thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ khoa học để chống lại virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, và những điều đó diễn ra khá nhanh so với những dịch bệnh đã từng xuất hiện trước đây. Đến cuối năm 2021 đã có nhiều loại vaccine hiệu quả được sử dụng trên khắp thế giới cùng với một số loại thuốc chống virus đặc hiệu.
Hơn 2 năm đã trôi qua, đã có hơn 6 triệu người mất đi sinh mạng vì COVID-19 trên toàn cầu, trong số hàng trăm triệu ca nhiễm bệnh và nhập viện. Tuy vậy các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải cho một số câu hỏi quan trọng về đại dịch này.
1. Sẽ cần bao nhiêu mũi tiêm tăng cường để ngừa COVID-19 hiệu quả?
Thực tế cho thấy khả năng bảo vệ của các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian trong khi các biến thể mới liên tục xuất hiện, do đó các chuyên gia y tế cho rằng sẽ phải tiêm nhắc lại nhiều lần để đảm bảo ngừa bệnh hiệu quả.
Trong một cuộc họp báo ngày 16/2 vừa qua, tiến sĩ Anthony Fauci – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Cố vấn Y tế của Nhà Trắng – cho biết rằng các cơ quan y tế đang theo dõi cẩn thận để quyết định việc tiêm tăng cường bổ sung ngừa COVID-19, tức là mũi tiêm thứ tư đối với các loại vaccine mRNA hoặc mũi thứ ba cho vaccine Johnson & Johnson.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) đã cập nhật hướng dẫn nói rằng một số người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm mũi thứ tư COVID-19 ngay bây giờ, trong khi Israel, Đức và các nước khác đang nghiên cứu hiệu quả của mũi tiêm thứ tư đối với dân số nói chung.
Chủ tịch hãng sản xuất vaccine Moderna, ông Stephen Hoge, cho biết: rất có thể chúng ta sẽ cần tiêm nhắc lại COVID-19 theo mùa giống như bệnh cúm hiện nay, ít nhất là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh và bệnh nặng cao.
2. Miễn dịch do vaccine kéo dài bao lâu?
Các loại vaccine COVID-19 đầu tiên đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2020, trong đó 2 loại có hiệu quả tốt nhất là của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech đều được sản xuất bằng công nghệ mRNA: sử dụng phân từ mRNA để kích thích các tế bào của cơ thể chúng ta tạo ra loại protein giống với virus, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch để chuẩn bị sẵn.
Theo CDC, mặc dù công nghệ vaccine mRNA đã được phát minh và nghiên cứu từ hàng chục năm trước nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục thu thập số liệu để đánh giá mức độ hiệu quả của nó, cũng như thời gian kéo dài được bao lâu.
Các chuyên gia đã nhận thấy khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần trong vòng 6 tháng, do đó một số ý kiến cho rằng nên tiêm nhắc lại sau mỗi 6 tháng.
Một bản báo cáo gần đây của CDC nói rằng vaccine mRNA bị giảm tác dụng chống nhập viện đáng kể chỉ sau 4 tháng, kể cả đối với mũi tiêm tăng cường. Cụ thể, trong giai đoạn biến thể delta chiếm ưu thế, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện là 96% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm mũi vaccine mRNA thứ 3, nhưng sau 4 tháng chỉ còn 76%. Khi biến thể omicron lan rộng, con số này giảm từ 91% xuống còn 78%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khả năng chống nhiễm virus của vaccine Pfizer và Moderna đã giảm nhiều trước biến thể omicron so với các biến thể khác. Các loại vaccine khác như Johnson & Johnson, AstraZeneca hay vaccine của Nga và Trung Quốc thậm chí còn giảm nhiều hơn, theo The New York Times.
Dù sao có cũng hơn không. Theo Trường Y Harvard, những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong hơn nhiều so với người chưa tiêm đủ, và nếu tiêm nhắc lại thì càng tốt hơn nữa. Các chuyên gia đều cho rằng sẽ không xảy ra tình huống vaccine mất hiệu lực hoàn toàn.
3. Sẽ xuất hiện thêm nhiều biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai?
Virus liên tục đột biến, đôi khi các dạng đột biến nhanh chóng biến mất và không gây ảnh hưởng gì, nhưng cũng có trường hợp chúng tồn tại lâu dài và có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn. Theo WHO, cho đến nay đã xuất hiện 5 “biến thể đáng lo ngại” của virus gây bệnh COVID-19. Lý do khiến chúng trở nên “đáng lo ngại” là khả năng gây bệnh nặng, lây lan nhanh từ người sang người và các biện pháp y tế kém hiệu quả với chúng.
Các biến thể alpha, beta và gamma đã bị hạ cấp xuống “biến thể đang được theo dõi” từ tháng 9/2021, trong khi delta và omicron vẫn được coi là các biến thể đáng lo ngại. Vào tháng 1/2022, các cơ quan y tế Mỹ công bố omicron là biến thể chiếm ưu thế ở nước này, chiếm gần 3/4 số ca nhiễm mới.
Biến thể delta có khả năng làm người bệnh nhập viện cao gấp đôi so với alpha – biến thể chính ở thời kỳ đầu đại dịch, còn omicron có thể ít gây bệnh nặng hơn delta nhưng mức độ lây lan mạnh hơn nhiều. Đến tháng 2 vừa qua, tốc độ lây nhiễm của omicron đã giảm tại Mỹ, nhưng một dòng phụ của nó thậm chí còn dễ lây lan hơn đã được phát hiện và đặt tên là BA.2 hay “omicron tàng hình”, với khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so với omicron gốc.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng đại dịch càng kéo dài và nhiều người vẫn chưa được tiêm vaccine thì virus càng có nhiều thời gian để lây lan và đột biến. Mỗi khi có biến thể mới xuất hiện, cần phải có thời gian thu thập dữ liệu để đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của nó, nhưng cũng không đơn giản. Chúng ta đã có những phương pháp để giải mã di truyền của virus và xác định biến thể mới, nhưng không thể đọc dễ dàng như một cuốn sách được.
4. Tại sao một số người bị bệnh rất nặng và bị COVID kéo dài?
COVID-19 có thể gây rất nhiều triệu chứng từ đau đầu, ớn lạnh, sốt cho đến mất định hướng, buồn nôn, nôn ói, thậm chí mất vị giác hoặc khứu giác. Các nhà khoa học không chỉ tìm hiểu xem tại sao có người bị triệu chứng này mà không có triệu chứng khác, mà cũng chưa rõ tại sao một số người mắc bệnh nặng trong khi những người khác bị rất nhẹ.
Một trong những yếu tố đã được xác định liên quan với bệnh nặng là tuổi tác, nhưng thực tế vẫn có những người trẻ tuổi tử vong, thậm chí cả trẻ em, trong khi tất cả các yếu tố đều cho thấy họ lẽ ra chỉ bị bệnh nhẹ.
Các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm hiểu hiện tượng “COVID kéo dài”, đó là các triệu chứng bắt đầu xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng sau khi đã mắc bệnh và khỏi bệnh. WHO đã đưa ra danh sách các triệu chứng của COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, khó thở, lo lắng, các vấn đề về thận, cục máu đông và “sương mù não”. Tuy nhiên đến nay nguyên nhân của nó vẫn chưa rõ ràng, và các triệu chứng ngày càng xuất hiện nhiều thêm.
COVID kéo dài là nỗi ám ảnh đối với những người đã từng mắc COVID-19 kể cả bệnh nhẹ, đặc biệt là từ khi xuất hiện biến thể omicron. Một số triệu chứng chung của COVID-19 như mất khứu giác và vị giác ít xảy ra hơn với omicron, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết khả năng mắc COVID kéo dài của biến thể này. Cần có thêm thời gian để quan sát và đánh giá.
5. COVID-19 từ đâu ra?
Chưa ai dám khẳng định chắc chắn nguồn gốc của COVID-19. Giả thuyết ban đầu cho rằng đây là loại virus từ động vật đã “nhảy” sang người. Các triệu chứng đầu tiên của COVID-19 đã được phát hiện ở một số người làm việc hoặc sống gần chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).
Theo nhiều nguồn tin, trong đó có một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports vào tháng 6/2021, khu chợ này không chỉ có các loại thực phẩm thông thường mà còn bán nhiều loài động vật hoang dã làm thú cưng hoặc thức ăn như nhím, lửng, cầy hương. Virus gây dịch COVID-19 được cho là bắt nguồn từ những động vật đó.
Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, có thể là chủng virus xuất hiện tự nhiên hoặc đã được chỉnh sửa nhân tạo và vô tình nhiễm vào những người làm việc trong phòng, rồi từ đó lây lan rộng hơn. Đến nay vẫn không có bằng chứng chắc chắn cho giả thuyết này và cũng chưa phát hiện loại virus nào trong phòng thí nghiệm giống với virus mà chúng ta đang phải đối mặt.
Chợ Hoa Nam đã bị đóng cửa rất nhanh ngay sau khi bùng phát dịch bệnh và các manh mối khác cũng bị xóa sạch nên các nhà nghiên cứu hầu như không thể tìm ra nguồn gốc chính xác của virus là từ động vật nào. Điều này khác với dịch SARS năm 2003, khi đó những con cầy hương ở nơi bùng dịch được phát hiện nhiễm bệnh và dễ dàng kết luận nguồn gốc của nó.
Bước sang năm thứ 3 của đại dịch, chúng ta đã có rất nhiều “vũ khí” để chống lại COVID-19 như vaccine và thuốc kháng virus, tốt hơn hẳn so với giai đoạn đầu. Tuy nhiên những bí ẩn trên đây vẫn là thách thức lớn không chỉ đối với COVID-19 mà cả những dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- COVID kéo dài – Hiện tượng còn nhiều ẩn số và ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đại dịch COVID-19
- Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc như thế nào? Đi tìm gợi ý từ những đại dịch trong quá khứ!
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/dai-dich-covid-19-con-nhieu-an-so-chua-duoc-giai-dap/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét