Thực tế ảo (VR) được coi là công nghệ của tương lai, mở đường cho thế giới ảo metaverse và các ứng dụng khác. VR sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong vài năm tới cũng giống như Internet đã từng thay đổi thế giới trước đây. Nhưng bất kỳ công nghệ mới nào cũng tiềm ẩn mặt trái, đối với VR thì một trong những câu hỏi lớn là nó có gây hại cho mắt hay không?
Thiết bị VR hoạt động như thế nào?
Các thiết bị VR đã được tạo ra từ những năm 1960 với hình dạng tương tự như ngày nay, nhưng ban đầu chưa có công nghệ kỹ thuật số mà chỉ đơn thuần tạo ra hình ảnh ảo bằng các bức tranh toàn cảnh, màn hình chiếu phim và hình ảnh lập thể.
Ngày nay thực tế ảo đã được nâng cấp thành không gian 3 chiều giống như ngoài đời thật và cho phép người dùng tương tác với các đối tượng ảo thông qua công nghệ máy tính. Chúng ta có thể khám phá và tương tác với thế giới này khi bản thân mình đang ở trong đó, trải nghiệm những ảo giác về thể chất và tinh thần cực kỳ sống động.
Một hệ thống thực tế ảo thường bao gồm:
- Thiết bị VR (headset) hay còn gọi là “kính VR” đeo trên đầu giống như tấm che mặt khi hàn kim loại.
- Máy tính hoặc smartphone sử dụng phần mềm để tạo ra hình ảnh 3D
- Dây cáp, thường là HDMI hoặc USB-C, kết nối headset với máy tính hoặc điện thoại để truyền dữ liệu
- Các thiết bị và phần mềm theo dõi chuyển động của đầu và tay, có thể bao gồm cảm biến xúc giác
Mục tiêu chính của hệ thống VR là mô phỏng trải nghiệm của các giác quan một cách sống động, càng giống thật càng tốt, trong đó quan trọng nhất là chiếc kính tạo ra hình ảnh 3 chiều. Mỗi headset có 2 màn hình cho 2 mắt riêng biệt để tạo hiệu ứng lập thể mang đến cho người dùng cảm giác chiều sâu giống như thật. Màn hình được điều chỉnh bằng thấu kính lấy nét tự động dựa theo chuyển động hoặc vị trí của mắt.
Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người lo sợ: VR có hại cho mắt hay không?
VR có thể ảnh hưởng tới mắt như thế nào?
Công nghệ nào cũng có mặt trái, ví dụ như mạng xã hội giúp chúng ta giao tiếp và kết nối với nhau, nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Tiền điện tử tạo ra cách thức mới để giao dịch tài chính, nhưng lại không tốt cho môi trường. Thực tế ảo cũng có mặt xấu, nhất là khi người dùng thường đeo thiết bị trong thời gian dài. Thậm chí một số người nói rằng thấy khó chịu chỉ sau một thời gian ngắn.
VR thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh bằng cách đánh lừa cả mắt và não cùng một lúc. Bình thường khi mắt muốn nhìn rõ thứ gì đó, các cơ sẽ xoay nhãn cầu về hướng đó và thủy tinh thể điều chỉnh để hình ảnh hiện rõ trên võng mạc. Tín hiệu từ võng mạc truyền về não để chúng ta nhận biết được vật đó là gì. Khi dùng VR, mắt luôn nhìn cố định vào một điểm nhưng đồng thời phải liên tục điều chỉnh để nhìn rõ các hình ảnh ở khoảng cách xa gần khác nhau. Sự thay đổi cách hoạt động của mắt như vậy có thể gây ra một số vấn đề.
Mỏi mắt, đau nhức mắt
Đây là triệu chứng rất thường gặp khi sử dụng VR, nguyên nhân chính là do bộ não gặp khó khăn khi xử lý hình ảnh. Mắt của chúng ta có góc quan sát tự nhiên rộng khoảng 200°, nhưng hầu hết headset VR hiện nay được thiết kế góc nhìn nhỏ hơn, do đó mắt bị cố định trong thời gian dài gây đau mỏi.
Ngoài ra mắt phải tập trung liên tục vào màn hình ở khoảng cách gần thay vì tầm nhìn tự nhiên xa gần khác nhau. Sự mâu thuẫn giữa màn hình ở gần và hình ảnh ở xa khiến cho mắt khó xác định vị trí của vật thể, từ đó tạo thêm căng thẳng cho mắt.
Mỏi mắt thường không quá nghiêm trọng và không gây tổn thương vĩnh viễn, nhưng để đảm bảo đôi mắt được thoải mái, Viện Nhãn khoa Mỹ khuyến cáo người dùng nên nghỉ giải lao ngay khi bắt đầu thấy mỏi mắt.
“Say” do thị giác
Còn được gọi là chứng “say mạng”, đây là hiện tượng rất phổ biến đối với những người vốn đã bị say tàu xe từ trước. Nguyên nhân là vì bộ não nhận được tín hiệu hình ảnh mô phỏng cơ thể đang di chuyển, trong khi thực tế là không.
Ví dụ: khi VR tạo ra cảnh bạn đang chạy, các vật thể xung quanh trôi qua trước mắt khiến cho bộ não tưởng rằng bạn đang chạy nhưng thực ra không phải, cơ quan cảm nhận chuyển động nằm ở tai trong vẫn báo hiệu rằng cơ thể đang đứng yên. Sự mâu thuẫn này khiến bộ não bị “rối” và có cảm giác giống như say tàu xe. Các cảnh VR mô phỏng chuyển động nhanh hoặc rơi từ trên cao dễ gây hiện tượng này.
Chóng mặt
Sự thăng bằng của cơ thể được điều chỉnh bởi hệ thống tiền đình nằm ở tai trong, giúp đảm bảo cơ thể luôn giữ được trạng thái cân bằng. Khi sử dụng VR có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thống này.
Ví dụ như khi mắt nhìn thấy hình ảnh đang chạy nhưng đầu của bạn vẫn đứng yên, tức là hệ thống tiền đình vẫn cho rằng cơ thể không chuyển động. Các tín hiệu trái ngược như vậy có thể làm mất thăng bằng và chóng mặt.
Giật cơ mắt
Các hình ảnh và ánh sáng chuyển động nhanh liên tục có thể gây hại cho các cơ xung quanh mắt nếu nhìn lâu. Các hệ thống VR thường tạo ra ánh sáng và chuyển động thay đổi nhanh, đòi hỏi cơ mắt cũng phải điều chỉnh nhanh để theo kịp, nếu kéo dài có thể gây hiện tượng giật cơ.
Sử dụng VR có lợi ích nào không?
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực như trên, VR vẫn có một số ứng dụng giúp ích trong thực tế như:
- Có thể giúp cải thiện thị lực ở những người mắc chứng nhược thị.
- VR có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt, đặc biệt là ở trẻ em, từ đó dùng các loại kính thường để khắc phục.
- Có thể giúp luyện tập phối hợp vận động giữa tay và mắt, là kỹ năng rất cần thiết đối với một số công việc đặc thù như lái xe.
- VR có thể giúp cải thiện khả năng nhìn cho những người bị cận thị hoặc có vấn đề về cảm nhận chiều sâu.
Thực tế ảo không hoàn toàn là có hại. Các nhà phát triển đang cố gắng cải tiến để giảm tác động xấu của VR đối với mắt, ví dụ các thương hiệu headset VR hàng đầu như Oculus Quest 2 có thấu kính đặc biệt giúp giảm ánh sáng xanh và giảm mỏi mắt.
Tóm lại
Giống như bất kỳ công nghệ nào khác, VR có mặt tốt và cũng có mặt xấu, nhưng nó ngày càng được cải tiến để trở nên thân thiện với người dùng hơn. Để tránh các vấn đề về mắt, hãy nhớ sử dụng VR một cách có chừng mực, không sử dụng liên tục quá lâu, và ngay khi thấy khó chịu hãy nghỉ giải lao.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Top 5 chiếc kính thực tế ảo giá tốt và đáng sở hữu nhất hiện nay
- 8 xu hướng công nghệ sẽ rung chuyển thế giới năm 2022
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/kinh-thuc-te-ao-vr-co-hai-mat-khong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét