Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Game roguelike là gì? Có khác với roguelite hay chỉ là một?

Bạn đã thấy nhiều game được gọi là roguelike ngày càng phổ biến nhưng không hiểu rõ roguelike là gì? Còn “roguelite” thì sao, nghe rất giống nhau nhưng có phải là một? Hãy cùng khám phá game roguelike và roguelite là gì nhé!

Game roguelike là gì?

Từ “roguelike” có thể hiểu là “giống như Rogue”, xuất phát từ tựa game tiên phong trong kiểu chơi này là Rogue được phát hành cho các máy tính đời đầu từ năm 1980. Rogue là game kiểu “chui hầm”, trong đó bạn phải vượt qua các màn chơi được bố trí như đường hầm mê cung, thu thập các vật phẩm và đánh bại kẻ thù xuất hiện trên đường.

Game Rogue thời xưa có đồ họa rất thô sơ (Ảnh: Internet).
Game Rogue thời xưa có đồ họa rất thô sơ (Ảnh: Internet).

Rogue sử dụng bộ mã ASCII đơn giản để thiết kế nên mọi hình ảnh, từ đường đi cho tới các nhân vật trong game, phù hợp với các thiết bị thời đó chỉ có thể hiển thị văn bản. Ngoài ra game còn được thiết kế để mỗi lần chơi đều có bố cục khác nhau, người chơi không thể nhớ để làm lại giống như lần chơi trước.

Game Rogue có những đặc tính như vậy một phần là do trình độ kỹ thuật thời đó chưa phát triển, nhưng sau này các game mới hơn cũng lấy cảm hứng từ đó để thiết kế lối chơi tương tự. Những game như vậy được gọi là roguelike.

Game roguelike có những đặc điểm gì?

Năm 2008 tại Hội nghị Phát triển Roguelike Quốc tế được tổ chức ở Berlin (Đức), các nhà phát triển game và game thủ đã thống nhất đưa ra định nghĩa cho roguelike với bộ tiêu chuẩn riêng, có thể chưa thật sự hoàn chỉnh nhưng đây là cơ sở để hiểu game roguelike là như thế nào.

Theo đó, những yếu tố quan trọng nhất của roguelike bao gồm:

  • Môi trường thay đổi ngẫu nhiên: Mỗi lần chơi bạn sẽ thấy bố cục khác nhau, kẻ thù và vật phẩm xuất hiện ở vị trí khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo tránh các vị trí “oái oăm” không thể chơi được.
  • Permadeath: Tức là mỗi khi bạn chết trong game thì phải chơi lại từ đầu, không thể lưu lại những thành tích hay vật phẩm đã kiếm được.
  • Hành động theo lượt, di chuyển theo đường: Game roguelike hoàn toàn không giống như thời gian thực, bạn có thể thoải mái suy nghĩ cho bước đi hoặc các hành động khác của mình trong game, không bị áp lực thời gian. Ngoài ra các bước đi trong roguelike phải theo đường ngang dọc được thiết kế sẵn, không được di chuyển tự do theo hướng bất kỳ.
Game roguelike phải di chuyển theo đường có sẵn (Ảnh: Internet).
Game roguelike phải di chuyển theo đường có sẵn (Ảnh: Internet).
  • Bối cảnh đồng nhất: Trong roguelike, tất cả các sự kiện và hành động đều diễn ra trên cùng một bối cảnh, không có bối cảnh riêng cho các trận đấu hay kể chuyện.
  • Lối chơi phức tạp với nguồn lực hạn chế: Game roguelike phải có nhiều giải pháp cho mỗi thử thách, chẳng hạn như làm thế nào để vượt qua cánh cửa nếu không có chìa khóa. Bên cạnh đó người chơi phải tính toán sử dụng các vật phẩm một cách hợp lý để vượt qua thử thách.
  • Tập trung vào tiêu diệt quái vật: Các game roguelike đều dựa trên lối chơi chiến đấu giống như game đời đầu, không có game nào theo kiểu “hòa bình” cả.
  • Mang tính khám phá: Ví dụ như tác dụng của các vật phẩm có thể thay đổi qua mỗi lần chơi, do đó người chơi phải tự khám phá tác dụng cụ thể của chúng.

Ngoài ra còn có một vài tiêu chí ít quan trọng hơn như: người chơi chỉ điều khiển một nhân vật duy nhất, quái vật trong game tuân theo quy tắc giống như người chơi, sử dụng các ký tự ASCII để tạo hình ảnh và hiển thị số liệu thống kê.

Game roguelike có nhiều hình thức đa dạng (Ảnh: Internet).
Game roguelike có nhiều hình thức đa dạng (Ảnh: Internet).

Không nhất thiết phải có đủ tất cả những yếu tố trên thì mới được coi là roguelike, và ngược lại không phải cứ có vài yếu tố thì được gọi là roguelike. Nhưng hiện nay ngày càng có nhiều game được gọi là “roguelike” nên có thể dựa vào các tiêu chí trên để so sánh chúng với nhau.

Một số game được công nhận là roguelike tại hội nghị nêu trên là ADOM, Angband, Linley’s Dungeon Crawl, NetHack.

Game roguelite: “giống roguelike” mà không phải roguelike

Có thể bạn đã từng chơi những game hiện đại được gắn nhãn là roguelike nhưng không tuân theo các quy tắc nêu trên. Trong thời kỳ bùng nổ game indie cuối những năm 2000 – đầu những năm 2010, một số nhà phát triển đã tạo ra các tựa game có lối chơi dựa theo roguelike nhưng không đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn như trên.

Một trong những game phổ biến đời đầu là Spelunky ra mắt năm 2008. Spelunky có rất nhiều đặc điểm của roguelike như permadeath, khám phá và môi trường ngẫu nhiên, được thiết kế dạng 2D. Sau đó có game The Binding of IsaacFTL cũng rất thành công khi kết hợp các đặc điểm roguelike với lối chơi hành động phiêu lưu và chiến thuật trong thời gian thực.

Game Spelunky có nhiều đặc điểm roguelike (Ảnh: Internet).
Game Spelunky có nhiều đặc điểm roguelike (Ảnh: Internet).

Mặc dù có nhiều yếu tố quan trọng của roguelike nhưng các game này đều không phải roguelike thực sự vì không có lối chơi theo lượt và chuyển động theo đường. Từ đó xuất hiện một tên gọi mới cho phong cách game này là “giống roguelike” hay “roguelite”, nói lên rằng chúng có hầu hết các yếu tố roguelike nhưng phong cách chơi khác với truyền thống.

Nhiều người thường gọi “giống roguelike” và “roguelite” là một, nhưng thực ra có sự khác biệt nhỏ. Các tựa game giống roguelike có điểm tương tự Rogue truyền thống là mỗi lần chơi đều làm lại từ đầu, trong khi roguelite cho phép người chơi mang theo một số vật phẩm và thành tích đã đạt được trước đó để hoàn thành mục tiêu lớn của game.

Ví dụ về game roguelite

Hades là game roguelite nổi tiếng (Ảnh: Internet).
Hades là game roguelite nổi tiếng (Ảnh: Internet).

Tựa game Hades ra mắt năm 2020 là một hình mẫu về roguelite được nhiều người yêu thích. Người chơi phải đóng vai con trai của thần địa ngục Hades và tìm cách trốn thoát khỏi thế giới dưới lòng đất. Các yếu tố trong game thay đổi ngẫu nhiên qua mỗi lần chơi như: thứ tự của các phòng, phần thưởng cho người chơi khi qua màn và các bonus tăng sức mạnh do các vị thần trên đỉnh Olympian ban tặng. Nếu “chết”, bạn sẽ mất hết sức mạnh và tiền bạc, phải chơi lại từ đầu.

Tuy nhiên một số thứ mà bạn thu thập vẫn được lưu lại sau khi chết, có thể dùng chúng để mở khóa các chế độ nâng cấp vĩnh viễn và tăng cơ hội chiến thắng. Như vậy qua mỗi lần chơi bạn không chỉ tăng kỹ năng chơi game mà còn tích lũy thêm sức mạnh.

Hades chỉ đáp ứng vài tiêu chuẩn của roguelike nêu trên nhưng vẫn là một game tuyệt vời vì nó làm cho các yếu tố roguelike trở nên thú vị và dễ chơi hơn. Trước Hades đã có các game roguelite khác xuất hiện với nhiều thể loại khác nhau, ví dụ như Slay the SpireCrypt of the Necrodancer.

Định nghĩa roguelike ngày càng mờ nhạt

Có thể thấy việc định nghĩa chính xác game roguelike là không đơn giản, do đó nhiều người hiện nay không còn phân biệt rạch ròi khái niệm này. Khi ai đó nói về “roguelike”, có thể họ không nghĩ rằng nó là game chui hầm kiếm vật phẩm giống như Rogue thời xưa mà chỉ là một game nào đó có môi trường ngẫu nhiên và permadeath, ví dụ như Spelunky.

Tương tự, mặc dù có sự khác nhau giữa game “giống roguelike” và “roguelite” nhưng trong thực tế 2 từ này thường được dùng với nghĩa như nhau.

Nhiều người không đồng ý với bộ tiêu chuẩn về roguelike vì không thể bắt các game ngày nay duy trì kiểu đồ họa ASCII như thời xưa. Điều này cũng tương tự như sau khi game Doom ra mắt năm 1993, các game theo phong cách giống với nó từng được gọi là “Doom clone” nhưng ngày nay đã được gọi là game bắn súng góc nhìn thứ nhất và không thể bắt tất cả chúng đều có cách chơi giống hệt như Doom.

Game bắn súng Doom kinh điển (Ảnh: Internet).
Game bắn súng Doom kinh điển (Ảnh: Internet).

Nếu bạn quan tâm đến game roguelike thì tốt nhất là nên tìm hiểu xem các yếu tố roguelike được áp dụng như thế nào trong game đó, có thể là một roguelike “thực thụ” hoặc chỉ lấy vài yếu tố và điều chỉnh để phù hợp với game.

Bạn đã từng chơi tựa game roguelike hay roguelite nào chưa? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!



source https://bloganchoi.com/game-roguelike-roguelite-la-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét