Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Trẻ chậm nói do nguyên nhân gì? Làm sao nhận biết được và cách chữa như thế nào?

Em bé 2 tuổi hoặc 3 tuổi phải nói được mấy từ mới gọi là bình thường? Tại sao có những bé “ít nói” hơn các bạn cùng tuổi? Trẻ chậm nói có phải là bị bệnh và có cách nào chữa được không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Lời nói là dấu hiệu cho thấy trẻ phát triển bình thường

Trong quá trình phát triển của trẻ có những cột mốc dùng để nhận biết sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ. Đối với tiếng nói cũng vậy, nếu ở độ tuổi nhất định mà trẻ không đạt được cột mốc tương ứng thì có thể là vấn đề bất thường.

Các bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi con mình bị chậm nói (Ảnh: Internet).
Các bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi con mình bị chậm nói (Ảnh: Internet).

Các cột mốc cũng chỉ mang tính tương đối, vì mỗi em bé có tốc độ phát triển riêng không giống nhau. Đa số các bé chậm biết nói có thể vẫn là bình thường và sẽ sớm nói được như các bạn cùng tuổi. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, chậm nói có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng như mất thính giác hoặc rối loạn thần kinh, rối loạn phát triển.

Chậm nói có đồng nghĩa với chậm phát triển ngôn ngữ?

Mặc dù 2 khái niệm này khó phân biệt và thường được coi như đồng nghĩa nhưng thực ra có vài điểm khác biệt giữa chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ.

Nói là hành động tạo ra âm thanh và tiếng nói phát ra ngoài. Trẻ bị chậm nói có thể rất cố gắng để nói nhưng lại không tạo ra được âm thanh chính xác như ý muốn. Như vậy chậm nói không liên quan đến “chậm hiểu” hay khả năng suy nghĩ, giao tiếp không lời.

Chậm nói khác với chậm phát triển ngôn ngữ (Ảnh: Internet).
Chậm nói khác với chậm phát triển ngôn ngữ (Ảnh: Internet).

Trong khi đó chậm phát triển ngôn ngữ liên quan đến khả năng hiểu và giao tiếp có lời lẫn không lời. Trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát ra âm thanh chính xác và nói được một số từ, nhưng lại không thể tạo thành cụm từ hoặc câu có ý nghĩa. Những trẻ này cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu người khác.

Trẻ em có thể bị chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ, hoặc đôi khi là cả hai. Trên thực tế không nhất thiết phải phân biệt rõ 2 vấn đề này mà có thể đánh giá và bắt đầu điều trị ngay.

Trẻ chậm nói là như thế nào?

Lời nói và ngôn ngữ của trẻ bắt đầu biểu hiện bằng những tiếng u ơ, sau đó là tiếng bập bẹ chưa có ý nghĩa và dần dần phát triển thành những từ có nghĩa. Chậm nói là khi em bé không đạt được khả năng nói như kỳ vọng đúng với độ tuổi.

Chậm nói không phải là hiện tượng hiếm gặp (Ảnh: Internet).
Chậm nói không phải là hiện tượng hiếm gặp (Ảnh: Internet).

Mốc phát triển bình thường của trẻ là như thế nào?

Thông thường trẻ 2 tuổi có thể nói khoảng 50 từ và nói được những cụm 2-3 từ. Đến 3 tuổi, vốn từ vựng của bé tăng lên khoảng 1.000 từ và có thể nói những câu ngắn 3-4 từ. Ngoài ra trẻ 3 tuổi có thể:

  • Gọi tên bản thân mình và người khác
  • Diễn tả các sự vật ở số nhiều
  • Đặt câu hỏi
  • Kể chuyện, hát, lặp lại câu nói có vần

Khoảng 50 đến 90% các bé 3 tuổi có khả năng nói đủ để người lạ hiểu được hầu hết nội dung, đó được coi là bình thường. Những người dành nhiều thời gian chơi với trẻ có thể hiểu được nhiều hơn.

Dấu hiệu trẻ bị chậm nói

Nếu em bé không phát ra tiếng u ơ hay các âm thanh khác lúc 2 tháng tuổi thì đó có thể là dấu hiệu sớm của chậm nói. Đến 18 tháng tuổi hầu hết các bé có thể phát âm những từ đơn giản như “ma ma” hay “ba ba”. Đối với trẻ lớn hơn, dấu hiệu chậm nói là:

  • 2 tuổi: không nói được ít nhất 25 từ khác nhau
  • 2 tuổi rưỡi: không nói được cụm 2 từ hoặc cụm kết hợp danh từ – động từ
  • 3 tuổi: không nói được ít nhất 200 từ, không biết gọi tên đồ vật, hoặc những người sống chung với trẻ cũng khó hiểu được lời nói của trẻ
  • Bất kỳ tuổi nào: mất đi những từ đã học được trước đó

Nguyên nhân nào làm trẻ chậm nói?

Trẻ chậm nói có thể là do tốc độ phát triển khác với các trẻ khác và sẽ bắt kịp sau này, nhưng cũng có thể do các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.

Khuyết tật ở miệng

Khuyết tật có thể gây khó phát âm (Ảnh: Internet).
Khuyết tật có thể gây khó phát âm (Ảnh: Internet).

Chậm nói có thể do vấn đề ở vòm miệng, lưỡi hoặc sàn miệng. Có một khuyết tật gọi là ankyloglossia, lưỡi bị dính với sàn miệng, có thể gây khó khăn đối với một số âm nhất định như đ, l, r, s, t, z, th. Khuyết tật này cũng có thể làm trẻ khó bú mẹ.

Rối loạn lời nói và ngôn ngữ

Nếu trẻ 3 tuổi có thể hiểu người khác và giao tiếp không lời nhưng lại không nói được nhiều từ thì có thể là tình trạng chậm phát triển lời nói. Trái lại, nếu trẻ có thể nói một vài từ nhưng không kết hợp thành các cụm từ dễ hiểu thì có thể là chậm phát triển ngôn ngữ.

Hãy để ý cả giao tiếp có lời và không lời của bé (Ảnh: Internet).
Hãy để ý cả giao tiếp có lời và không lời của bé (Ảnh: Internet).

Chứng rối loạn vận động lời nói cũng khiến trẻ khó phát âm chính xác để tạo thành các từ, nhưng không ảnh hưởng đến giao tiếp không lời và khả năng hiểu ngôn ngữ. Một nguyên nhân thường gặp gây chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ là do sinh non.

Mất thính giác

Nếu trẻ không thể nghe rõ môi trường xung quanh hoặc nghe các âm thanh không chính xác do thính giác có vấn đề thì sẽ rất khó phát triển ngôn ngữ của riêng mình. Một dấu hiệu của mất thính giác là em bé không nhận biết được một người hoặc đồ vật nào đó khi người lớn gọi tên, nhưng có thể nhận ra được nếu dùng cử chỉ để diễn tả.

Hãy quan sát trẻ thật kỹ để phát hiện bất thường (Ảnh: Internet).
Hãy quan sát trẻ thật kỹ để phát hiện bất thường (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên mất thính giác có thể rất khó phát hiện, đôi khi chậm nói chính là dấu hiệu dễ thấy duy nhất.

Thiếu kích thích từ môi trường

Trẻ học cách nói để giao tiếp với mọi người, do đó cũng rất khó phát triển lời nói nếu không ai nói chuyện với trẻ. Môi trường đóng vai trò quan trọng giúp phát triển ngôn ngữ. Trẻ bị bỏ bê, ngược đãi hoặc thiếu kích thích bằng lời nói có thể sẽ bị chậm phát triển.

Hội chứng tự kỷ

Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ là biểu hiện rất thường gặp ở rối loạn phổ tự kỷ, ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như:

  • Nhắc lại cụm từ của người khác thay vì tự nói theo ý mình
  • Hành vi lặp đi lặp lại
  • Kém giao tiếp, cả có lời và không lời
  • Ít tương tác xã hội
  • Mất khả năng ngôn ngữ đã từng có trước đó

Vấn đề thần kinh

Một số rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng đến các cơ dùng để tạo ra lời nói, chẳng hạn như:

  • Bại não
  • Loạn dưỡng cơ
  • Chấn thương sọ não

Bại não cũng có thể gây mất thính giác và các rối loạn phát triển khác ảnh hưởng tới lời nói.

Thiểu năng trí tuệ

Chậm nói có thể là do thiểu năng trí tuệ, tức là trẻ kém phát triển nhận thức chứ không phải khó phát âm các từ.

Chẩn đoán chậm nói ở trẻ như thế nào?

Vì tốc độ phát triển của mỗi trẻ là khác nhau nên không dễ để phân biệt giữa chậm nói “bình thường” với rối loạn nghiêm trọng. Hầu hết những trẻ bị coi là “chậm” thực ra lại không hề bị rối loạn phát triển và có thể bắt kịp các bé khác khi lên 3 tuổi.

Chậm nói đôi khi rất khó chẩn đoán (Ảnh: Internet).
Chậm nói đôi khi rất khó chẩn đoán (Ảnh: Internet).

Bác sĩ nhi khoa sẽ đặt câu hỏi để đánh giá khả năng ngôn ngữ và lời nói của trẻ cũng như kiểm tra các cột mốc phát triển khác, có thể kiểm tra miệng và thính giác của trẻ. Tùy theo kết quả đánh giá ban đầu, bác sĩ có thể tư vấn đưa trẻ đến các chuyên gia khác để xem xét kỹ hơn.

Điều trị chậm nói ở trẻ như thế nào?

Liệu pháp ngôn ngữ – lời nói

Đây là phương pháp được lựa chọn hàng đầu, và nếu trẻ chỉ bị chậm nói đơn thuần thì có thể không cần thêm phương pháp khác.

Dùng lời nói để tập cho trẻ nói theo (Ảnh: Internet).
Dùng lời nói để tập cho trẻ nói theo (Ảnh: Internet).

Liệu pháp ngôn ngữ – lời nói cũng có thể được kết hợp vào kế hoạch điều trị lớn hơn nếu trẻ bị rối loạn phức tạp. Chuyên gia trị liệu sẽ trực tiếp nói chuyện với trẻ và hướng dẫn cha mẹ những việc có thể làm để hỗ trợ diều trị. Nếu được can thiệp sớm, trẻ có thể nói bình thường khi đến tuổi đi học.

Các dịch vụ can thiệp sớm

Nghiên cứu cho thấy chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ ở thời điểm 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi có thể làm trẻ bị khó đọc khi đi học. Chậm nói cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi và hòa nhập xã hội của trẻ. Nếu đã được bác sĩ chẩn đoán, trẻ có thể được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp sớm trước khi bắt đầu đi học.

Điều trị nguyên nhân

Nếu chậm nói có nguyên nhân rõ ràng hoặc xảy ra đồng thời với các rối loạn khác thì điều quan trọng là phải giải quyết các vấn đề đó, bao gồm:

  • Phục hồi thính giác
  • Điều trị các khuyết tật ở miệng hoặc lưỡi
  • Vật lý trị liệu
  • Kiểm soát các rối loạn thần kinh

Cha mẹ nên làm gì để tránh cho bé bị chậm nói?

Dưới đây là một số cách để cha mẹ có thể hỗ trợ con mình phát triển lời nói từ sớm:

  • Nói chuyện trực tiếp với bé, kể cả những điều đơn giản như diễn tả những việc mình đang làm.
  • Dùng hành động và chỉ vào các vật khi nói đến các từ, chẳng hạn như bộ phận trên cơ thể, con người, đồ chơi, màu sắc hoặc những thứ trên đường trong lúc đưa bé đi dạo.
  • Đọc sách cho bé nghe và nói về những hình ảnh xuất hiện trong lúc đọc.
  • Chú ý hoàn toàn vào bé khi nói chuyện và kiên nhẫn khi bé muốn nói chuyện với mình.
  • Khi ai đó đặt câu hỏi cho bé thì đừng trả lời thay.
  • Ngay cả khi đã biết trước ý định của bé thì cứ để bé tự nói ra.
  • Khi bé phát âm sai, đừng la mắng mà hãy nhắc lại từ đúng để bé tự sửa.
  • Tạo cơ hội cho bé tiếp xúc với những bé khác có khả năng ngôn ngữ tốt.
  • Đặt câu hỏi cho bé và đưa ra nhiều lựa chọn, cho bé có nhiều thời gian để trả lời.

Tổng kết

Chậm nói ở trẻ là khi trẻ không đạt được các cột mốc phát triển về lời nói ứng với độ tuổi cụ thể, đôi khi đó là dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn cần điều trị. Tuy nhiên nhiều trẻ có thể biết nói sớm hơn hoặc muộn hơn mức trung bình, vì vậy không phải lúc nào cũng đáng lo ngại.

Nếu cha mẹ nhận thấy con mình có bất thường về khả năng nói, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra chính xác. Các phương pháp can thiệp sớm có thể giúp trẻ bắt kịp bạn bè khi đến tuổi đi học.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/tre-cham-noi-do-nguyen-nhan-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét