Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Những thói quen trong cuộc sống đã vĩnh viễn thay đổi do đại dịch COVID-19

Cuối năm 2019, khi những thông tin ban đầu về virus Corona được chia sẻ trên truyền thông, mình đã có một suy nghĩ khá ngây thơ rằng: “Cuộc sống mình chắc sẽ không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đâu.” Và tới thời điểm hiện tại là cuối năm 2021, khi đại dịch đã hoành hành trên thế giới được gần hai năm, mình đã phải ngậm ngùi chấp nhận rằng có những thói quen mà mình đã dần phải thay đổi để thích nghi. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn những thói quen đã vĩnh viễn thay đổi do đại dịch của bản thân mình.

Đối với nhiều người, đại dịch đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn rất nhiều. (Ảnh: BlogAnChoi)
Đối với nhiều người, đại dịch đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn rất nhiều. (Ảnh: BlogAnChoi)

1. Tụ họp đông người

Có lẽ kể cả nằm mơ, mình cũng không tưởng tượng ra khung cảnh Hà Nội yên tĩnh đến lạ như thế vào giữa tháng 4, tháng 5 hay tháng 6. Khi tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng, chính quyền các cấp đã phải thực hiện những biện pháp chống dịch cao nhất như hạn chế ra đường hay giãn cách xã hội. Trường học, công sở hay các sự kiện giải trí đông người đều phải tạm dừng hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến.

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào tháng 8/2021 (Ảnh: Internet)
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào tháng 8/2021 (Ảnh: Internet)

Mình đã từng ước sẽ có một ngày mà mình có thể hoàn thành tất cả mọi thứ: từ học tập, đi làm… thông qua mạng mà không phải đến trường hay đến công sở. Và ngày đó đã đến với mình sớm hơn dự định. Tuy vậy, quá trình dịch chuyển cuộc sống qua Internet có nhiều vấn đề hơn mình tưởng. Bên cạnh những vấn đề kỹ thuật như tốc độ đường truyền, mình còn phải đối diện với những vấn đề tâm lý như làm việc độc lập, hoàn thành công việc cho kịp deadline hay không được gặp gỡ bạn bè trong thời gian dài.

Tất nhiên, những khó khăn ban đầu rồi sẽ qua. Ở thời điểm hiện tại, mình đã quen với việc phải hoàn thành mọi thứ trên Internet. Bên cạnh đó, mình có nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân, học thêm kỹ năng và tìm kiếm những công việc trực tuyến. Hơn hết, đại dịch đã cho mình thấy rằng sẽ luôn có cơ hội ở trong nghịch cảnh. Việc của chúng ta đó chính là suy nghĩ tích cực và hành động để biến những nghịch cảnh thành bàn đạp cho sự phát triển trong tương lai.

2. Cuộc sống không chỉ có học tập hay làm việc

Cái gì nhiều quá cũng không tốt, và mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó kể từ sau đại dịch. Trước khi đại dịch xuất hiện, mình là một con người cuồng công việc. Một ngày có 24 tiếng thì mình dành tới quá nửa là cho công việc, học tập và dự án cá nhân. Điều đáng nói ở đây là mặc dù ý thức bản thân đang đi sai hướng, mình vẫn không thể nào dừng lại được.

Đại dịch đã khiến cho nhiều người thức tỉnh bởi cuộc sống đâu chỉ có làm việc và học tập? (Ảnh: Internet)
Đại dịch đã khiến cho nhiều người thức tỉnh bởi cuộc sống đâu chỉ có làm việc và học tập? (Ảnh: Internet)

Và bùm, đại dịch xuất hiện. Mình được nghỉ ngơi và ở nhà nhiều hơn bao giờ hết… Tất cả có vẻ ổn, cho đến khi mình ở nhà liên tục trong nhiều tuần (Đúng vậy, mình không hề ra khỏi nhà nhiều tuần liên tiếp). Thời gian đầu, mình cảm thấy khá ổn. Nhưng mình không thể kéo dài tình cảnh này được. Mình dành thời gian học kĩ năng và kiến thức mới, mình xem lại sổ tay ghi những kế hoạch dang dở. Mình chợt nhận ra là lần cuối mình đi tập thể dục đã là hơn một năm trước, lần cuối mình gặp người bạn thân là gần hai năm. Lý do cho những sự trì hoãn đó không có gì ngoài: công việc, học tập và deadline.

Rất nhiều người không ý thức được bản thân đã bị cuốn vào guồng quay công việc như thế nào, cho đến khi đại dịch diễn ra (Ảnh: Internet)
Rất nhiều người không ý thức được bản thân đã bị cuốn vào guồng quay công việc như thế nào, cho đến khi đại dịch diễn ra (Ảnh: Internet)

Như đã nói ở phần trên, làm việc hay học tập trực tuyến có một ưu điểm vượt trội đó chính là sự linh hoạt. Trước khi COVID diễn ra, mình thường mất tới 2 tiếng mỗi ngày để di chuyển giữa từ nhà đến trường học, và lại thêm 1 tiếng nữa để di chuyển từ trường học đến chỗ làm. Bên cạnh chi phí di chuyển, mình còn phải đối mặt với stress, khói bụi ở trên đường. Từ khi hai công việc trên chuyển sang hình thức trực tuyến, mình đã có được sự thoải mái và linh hoạt hơn trong giờ giấc. Nhiều khi sáng 7h30 vào lớp thì 7h25 mình mới bắt đầu dậy đánh răng để online. Mình cũng không phải bắt buộc có mặt tại văn phòng như thường lệ mà chỉ cần hoàn thành công việc đúng tiến độ đã đề ra.

Đối với cá nhân mình, "Work From Home" đã đem đến cho mình sự linh hoạt và tự chủ trong cuộc sống, điều mà mình sẽ không thể nào tìm thấy ở những công việc văn phòng (Ảnh: Internet)
Đối với cá nhân mình, “Work From Home” đã đem đến cho mình sự linh hoạt và tự chủ trong cuộc sống, điều mà mình sẽ không thể nào tìm thấy ở những công việc văn phòng (Ảnh: Internet)

Trên mạng xã hội, không khó để chúng ta tìm được những phương pháp để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Tuy vậy, đa số các phương pháp đó thường chỉ áp dụng được nếu bạn làm part-time hoặc freelance. Phần lớn chúng ta sẽ đi làm suốt 8 tiếng từ thứ 2 đến thứ 6 (và sẽ thật khó để xin sếp về sớm mỗi ngày với lý do là em muốn có cuộc sống cân bằng hơn). Do vậy, nếu bạn bị sa thải do đại dịch Covid (giống như mình), đây là lúc bạn bắt đầu tìm kiếm cho bản thân một cơ hội mới. Viết blog, dịch thuật, làm content hoặc những công việc hành chính như kế toán, tư vấn tài chính… đều có thể làm việc tài nhà được.

Tất nhiên, để có thể tìm kiếm được công việc online như mơ, bạn sẽ cần rất nhiều cố gắng và kiên trì, nhưng không có nghĩa là không thể. Một khi đã làm việc tại nhà đủ lâu, bạn mới thấy được cuộc sống của mình thoải mái và năng suất hơn nhiều như thế nào.

3. Một cuộc sống ý nghĩa hơn

Một trong những mất mát lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt đó chính là sự ra đi của những người thân yêu. Tại thời điểm bài viết này được thực hiện, thế giới đã mất đi hơn năm triệu người. Năm triệu câu chuyện, năm triệu hoàn cảnh riêng biệt. Rất nhiều gia đình đã không còn trọn vẹn, nhiều đứa trẻ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều phụ huynh đã mất con…

Brittanya Karma, nữ vlogger người Đức gốc Việt đã qua đời ở tuổi 29 do COVID-19 (Ảnh: Internet)
Brittanya Karma, nữ vlogger người Đức gốc Việt đã qua đời ở tuổi 29 do COVID-19 (Ảnh: Internet)
Sau một quãng thời gian chiến đấu, ca sĩ Phi Nhung đã qua đời ở tuổi 51 do COVID-19 (Ảnh: Internet)
Sau một quãng thời gian chiến đấu, ca sĩ Phi Nhung đã qua đời ở tuổi 51 do COVID-19 (Ảnh: Internet)

Hơn hết, đại dịch đã dạy cho chúng ta về sự hữu hạn của cuộc sống. Trong cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” của Đặng Hoàng Giang, tác giả có chia sẻ một tập quán được cho là của người Ai Cập. Khi cuộc vui hội hè lên tới đỉnh điểm, họ cho đem vào phòng tiệc một bộ xương khô. Đó là lời cảnh báo cho khách khứa về sự rình rập của cái chết, về thân phận mong manh của mỗi người. Hãy làm những điều mình muốn, hãy sống hết mình và yêu thương những người xung quanh. Bởi vì bất kể chúng ta là ai, sinh lão bệnh tử là quy luật chúng ta không thể chối bỏ. Hãy sống hết mình, yêu thương thật nhiều vì quãng thời gian trên đường đời của bạn không phải vô tận.

Mời các bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/nhung-thoi-quen-trong-cuoc-song-da-vinh-vien-thay-doi-do-dai-dich-covid-19/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét