Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Chân bị ngứa thường xuyên là bệnh gì? Làm cách nào để giảm ngứa tại nhà?

Bạn có bao giờ bị ngứa ở chân thường xuyên, nhất là ban đêm? Có phải chỉ là do đi giày nhiều hoặc da bị khô và không đáng ngại? Thực ra có rất nhiều nguyên nhân làm cho bàn chân bị ngứa thường xuyên, trong đó có các bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng khám phá nhé!

Ngứa bàn chân có thường gặp không?

Ngứa có thể là tình trạng cấp tính hoặc mãn tính, có thể xảy ra trên toàn thân hoặc chỉ tập trung ở một vài khu vực cụ thể như bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc đùi.

Tại sao chân bị ngứa? (Ảnh: Internet).
Tại sao chân bị ngứa? (Ảnh: Internet).

Da ở bàn chân dễ bị mẩn ngứa hơn các vùng khác do chân thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt, các chất gây kích ứng ngoài môi trường, hoặc xỏ trong giày nên tích tụ hơi ẩm. Stress hoặc các chất kích thích cũng có thể khiến da bị khô hoặc bị nhiễm nấm gây ngứa chân, nổi mẩn.

Có một số giả thuyết về hiện tượng ngứa chân ban đêm. Bác sĩ Brian S. Kim tại Trung tâm Nghiên cứu Ngứa của Trường Y Đại học Washington (Mỹ) cho biết: “Một giả thuyết kinh điển là mọi người ít bị phân tâm hơn vào ban đêm và đột nhiên bị ngứa. Tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy.”

Một giả thuyết mới hơn cho rằng ngứa ban đêm có thể là do nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Ban đêm, các chất chống viêm trong cơ thể giảm xuống và chúng có thể liên quan đến cảm giác ngứa.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân chân bị ngứa về đêm (Ảnh: Internet).
Vẫn chưa rõ nguyên nhân chân bị ngứa về đêm (Ảnh: Internet).

Đa số trường hợp da bị kích ứng hoặc ngứa đều không đáng lo ngại, nhưng đôi khi đó có thể là triệu chứng của các bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Nếu bạn cảm thấy bàn chân bị ngứa dữ dội, ngứa lan rộng, ngứa nhiều vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, kèm theo phát ban, nổi da gà, mụn nước, hoặc tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần, thì có thể đó là một bệnh cần điều trị.

Nguyên nhân khiến chân bị ngứa là gì?

Ngứa bàn chân là triệu chứng phổ biến với nhiều mức độ khác nhau, từ khó chịu một chút cho tới kéo dài mãn tính và nghiêm trọng.

Da bị khô

Nếu bạn bị ngứa bàn tay và bàn chân, da bị đỏ hoặc bong tróc nhưng không phát ban, thì nguyên nhân có thể là da khô gây kích ứng, tróc vảy và ngứa. Để khắc phục vấn đề này có thể dùng chất dưỡng ẩm ngay lập tức sau khi tắm xong để giữ độ ẩm cho da.

Dùng kem dưỡng ẩm cho bàn chân để tránh khô và ngứa da (Ảnh: Internet).
Dùng kem dưỡng ẩm cho bàn chân để tránh khô và ngứa da (Ảnh: Internet).

Thay đổi hormone

Ngứa ở tay và chân vào ban đêm có thể là triệu chứng của sự dao động estrogen tự nhiên ở phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Vết thương và sẹo

Khi có vết thương ngoài da, các đầu dây thần kinh tại đó cũng có thể bị tổn thương. Khi da và dây thần kinh bắt đầu lành lại có thể gây hiện tượng nhạy cảm hoặc ngứa ngáy ở xung quanh vết sẹo.

Dị ứng

Bất kỳ vùng da nào khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc, nổi mẩn ngứa.

Vết cắn của côn trùng hoặc ký sinh trùng

Các nốt sưng đỏ và ngứa trên bàn chân có thể là vết côn trùng cắn hoặc ký sinh trùng (ít gặp hơn).

Nấm da

Nấm thường phát triển ở kẽ ngón chân (Ảnh: Internet).
Nấm thường phát triển ở kẽ ngón chân (Ảnh: Internet).

Cảm giác ngứa, rát ở bàn chân có thể do nấm da, hay còn gọi là hiện tượng “bàn chân vận động viên” vì những người này thường xuyên đi giày nên dễ bị nấm. Nhiễm nấm da là tình trạng phổ biến rất khó chịu, thường lây lan trong môi trường có nhiều độ ẩm như phòng thay đồ và thảm cỏ ẩm ướt.

Bác sĩ da liễu Shawn Kwatra tại bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: “Khi một bệnh nhân đến và phàn nàn về bàn chân ngứa, điều đầu tiên mà bác sĩ da liễu thường làm là xem xét giữa các ngón chân để xem có mẩn đỏ, nứt nẻ, bong tróc hay đóng vảy không.” Những dấu hiệu đó thường do bệnh nấm da chân, biện pháp khắc phục là giữ cho bàn chân càng khô càng tốt và sử dụng các thuốc chống nấm không cần kê đơn.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến có thể làm da bị đỏ, tróc vảy và ngứa khắp cơ thể, bao gồm cả bàn chân, ngón chân và mắt cá chân.

Bệnh chàm

Viêm da dị ứng, thường được gọi là bệnh chàm, là tình trạng da bị viêm đỏ, kích ứng và ngứa.

Ngứa do thai kỳ

Ngứa lòng bàn tay và bàn chân có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân do tắc nghẽn đường mật ở gan. Phụ nữ mang thai nếu bị ngứa chân thường xuyên nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Tùy vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể kê đơn các loại kem bôi hoặc thuốc uống để giảm bớt khó chịu.

Phụ nữ mang thai có thể bị ngứa chân (Ảnh: Internet).
Phụ nữ mang thai có thể bị ngứa chân (Ảnh: Internet).

Bệnh gan, bệnh thận

Ngứa lòng bàn chân có thể là triệu chứng của bệnh xơ gan mật nguyên phát, một bệnh diễn tiến âm thầm lâu năm. Bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối cũng có thể gây ngứa da nghiêm trọng cùng với nhiều triệu chứng khác.

Rối loạn tuyến giáp

Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu của các bệnh tuyến giáp như suy giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves, v.v. Các bệnh này thường gây nhiều triệu chứng khác kèm theo.

Rối loạn thần kinh

Bệnh thần kinh ngoại biên là hiện tượng tổn thương các dây thần kinh, thường do biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc các rối loạn thần kinh khác, có thể làm tăng cảm giác ngứa bàn chân hoặc bàn tay vào ban đêm.

Các vấn đề về tâm thần

Những người bị trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xuất hiện nhiều triệu chứng lạ, trong đó có ngứa thường xuyên.

Ung thư

Một số loại ung thư như bệnh bạch cầu, u lympho, ung thư túi mật và ung thư gan có thể gây cảm giác ngứa ngáy.

Ngứa bàn chân biểu hiện như thế nào?

Có nhiều từ ngữ được mọi người sử dụng để mô tả tình trạng này. Một số người cảm thấy nhột như có con gì đang bò, khô da, khó chịu, hoặc cảm giác muốn gãi. Gãi là hành động tự nhiên và có thể tạm thời làm giảm triệu chứng, nhưng đó không phải là giải pháp tốt về lâu dài. Gãi nhiều có thể làm ngứa nhiều hơn hoặc làm trầy xước da dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.

Chẩn đoán ngứa bàn chân như thế nào?

Hầu hết những người bị ngứa nhẹ không cần chăm sóc y tế, nhưng nếu ngứa nhiều hoặc kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có bệnh lý tiềm ẩn nào hay không.

Đừng chủ quan với triệu chứng này (Ảnh: Internet).
Đừng chủ quan với triệu chứng này (Ảnh: Internet).

Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ có thể kiểm tra bàn chân của người bệnh xem có phát ban hoặc sưng tấy hay không. Đôi khi có thể cần sinh thiết, nuôi cấy hoặc cạo da đối với vùng da có kết cấu hoặc màu sắc bất thường, hoặc lấy mẫu máu để xét nghiệm thêm.

Làm cách nào để hết ngứa bàn chân?

Nếu bạn muốn giảm bớt khó chịu ngay lập tức, hãy thử những cách trị ngứa tại nhà như sau:

  • Bôi kem dưỡng ẩm bôi trơn không chứa cồn
  • Đắp một miếng gạc ướt và mát lên chân
  • Tắm với dung dịch bột yến mạch dạng keo
  • Ngâm chân trong giấm táo

Làm thế nào để phòng ngừa hiện tượng ngứa bàn chân?

Cách phòng ngừa tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra triệu chứng này. Tốt nhất là hãy chăm sóc bàn chân của mình thường xuyên, tránh nhiễm nấm và giảm ngứa bằng cách:

  • Rửa sạch chân bằng xà phòng nhẹ và nước
  • Thoa kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng cho chân sau khi tắm
  • Đảm bảo chân phải khô hoàn toàn trước khi đi tất hoặc giày
  • Dùng các loại tất làm từ vải tự nhiên thoáng khí như cotton
  • Mang giày đúng cách, thoáng khí
Mang giày thoáng khí giúp chân thoải mái hơn (Ảnh: Internet).
Mang giày thoáng khí giúp chân thoải mái hơn (Ảnh: Internet).

Quan trọng là tránh các tác nhân gây kích ứng tiềm ẩn: chọn các loại chất tẩy rửa không gây dị ứng, hạn chế dùng nước hoa và nước khử mùi, không tắm nước quá nóng, và giảm stress.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp ngứa chân nhẹ đều thuyên giảm khi dùng kem dưỡng ẩm và các loại kem không cần kê đơn, áp dụng các biện pháp đơn giản tại nhà và thay đổi lối sống. Nhưng đôi khi ngứa chân có thể là triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn cần chăm sóc y tế. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Ngứa kéo dài hơn vài tuần hoặc tái phát thường xuyên, kể cả khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa
  • Ngứa ảnh hưởng đến một phần lớn hoặc toàn bộ cơ thể
  • Ngứa dữ dội đến mức khiến bạn mất tập trung vào ban ngày hoặc khó ngủ vào ban đêm
  • Ngứa kèm theo các triệu chứng khác như da phát ban, sưng tấy hoặc nhiễm trùng
  • Ngứa xuất hiện khi bắt đầu mãn kinh hoặc trong thời gian mang thai

Đặc biệt nếu bạn bị ngứa kèm theo khó thở, sưng phù ở môi, lưỡi, miệng hoặc mặt, thì có thể đó là phản ứng dị ứng nguy hiểm được gọi là sốc phản vệ, khi đó hãy gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Trên đây là những bệnh thường gặp có thể gây ngứa bàn chân. Đừng chủ quan với triệu chứng này và hãy lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/chan-bi-ngua-la-benh-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét