Bánh chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Nếu bạn chưa biết phải làm bánh chưng thế nào thì hãy thử ngay công thức cách làm bánh chưng ngon chuẩn vị dưới đây của BlogAnChoi nhé!
Bánh chưng: Món ăn truyền thống mang đậm không khí tết Việt
Những ngày Tết đang cận kề, dù phải trải qua một năm đầy khó khăn và biến động cùng với đại dịch Covid-19 nhưng việc chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy vẫn hết sức quan trọng đối với mỗi gia đình. Và trong mâm cơm ngày Tết không thể thiếu sự xuất hiện của bánh chưng, bánh giầy.
Theo thông lệ, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất còn bánh giầy hình tròn tượng chưng cho trời. Bánh chưng với vỏ ngoài gói bằng lá dong hoặc lá chuối, bên trong là nếp bao lấy đậu và thịt heo, hành tím. Mỗi một lát bánh chưng đầy đủ dinh dưỡng, thơm ngon béo ngậy bởi vị dẻo thơm của nếp, bùi bùi của đậu xanh và béo ngậy của thịt heo ninh nhuyễn. Những ngày đầu xuân se lạnh, thưởng thức một lát bánh chưng nóng hổi cùng củ kiệu thì thật tuyệt vời cho một ngày Tết đủ đầy phải không nào?
Những nguyên liệu và dụng cụ để làm bánh chưng
Nguyên liệu để làm bánh chưng
- Nếp: 1000 gam (chọn nếp dẻo, ngon)
- Đậu xanh: 200 gam (loại đậu xanh đã bỏ vỏ)
- Thịt heo: 200 gam (chọn loại thịt ba chỉ)
- Lá dong: 8 cái (chọn loại lá to, đẹp, không bị rách)
- Hành tím: 150 gam
- Dây lạt/Dây nilong: 8 sợi
- Tiêu, muối, bột ngọt vừa đủ
Việc lựa chọn nguyên liệu tươi ngon là hết sức cần thiết, chính vì vậy, bạn cần lưu ý để chọn được những sản phẩm tốt nhất cho chiếc bánh chưng ngày Tết của mình nhé!
Dụng cụ để làm bánh chưng
- Khuôn làm bánh, kích thước 15 x 15 x 6 (cm). Bạn có thể mua khuôn làm bánh trên Shopee tại đây.
- Nồi nấu bánh chưng. Bạn có thể tìm mua nồi nấu bánh chưng trên Shopee tại đây.
- Kéo, dao, thớt…
Các bước sơ chế để gói bánh chưng
Nếp sau khi đã vò qua một lần thì ngâm khoảng 12 tiếng (thường mình sẽ để qua đêm) rồi rửa sạch, đổ ra rổ dày cho ráo nước và cho vào ½ muỗng canh muối, trộn đều.
Đậu xanh ngâm nước ấm 2-4 tiếng rồi chắt hết nước, rửa sạch. Cho vào 200 ml nước đun sôi cho đến khi nước cạn và đậu chín đều. Đợi đậu nguội thì cho vào cối giã nhuyễn (giã chứ không xay nhé), vo thành viên tròn. Với định lượng như trên thì vo thành 2 viên tròn đủ dùng cho 2 bánh.
Thịt heo rửa sạch, cắt lát dày khoảng 5mm, hành tím cắt nhỏ, trộn đều với thịt heo và cho tiêu, muối với lượng vừa đủ vào ướp trong khoảng 30 phút.
Lá dong đem rửa sạch, lau khô 2 mặt của lá. Gấp đôi lá theo đường gân lá, sau đó tiếp tục gấp đôi chiều dài gân lá lại, tiến hành đo cắt theo độ dài của khuôn. Lưu ý: để lá khớp với độ dài của khuôn thì nên dùng 1 đoạn cuống lá thẳng, đo theo chiều dài lọt lòng của khuôn rồi ướm vào từng lá và cắt theo.
Lạt mua loại đã chẻ sẵn và ngâm nước cho lạt dai và mềm hơn.
Cách làm bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng
- Xếp 2 dây lạt thành hình chữ thập rồi đặt khuôn đè lên lạt.
- Xếp từng lá làm đôi theo đường gân lá (mặt bóng ra ngoài), sau đó tiếp tục gấp làm tư. Kéo hai mép lá ở giữa xuống tạo thành hai mặt phẳng vuông góc. Gấp đôi phần đáy tạo thành hình tam giác (như trong ảnh).
- Làm tương tự với 3 lá còn lại và xếp đều vào các góc. Có thể chèn thêm các đầu lá dư vào các góc để bánh không bị bục khi nấu.
- Lần lượt cho 1 chén nếp, 1 phần đậu xanh, 2 miếng thịt lớn, sau cùng cho thêm 1 chén nếp lên trên.
- Ép chặt hai mặt lá đối diện, rồi làm tương tự với 2 mặt đối diện còn lại. Nhẹ nhàng rút khuôn, sau đó dùng lạt cố định phần bánh đã gói
- Cứ 2 cái bánh xếp úp vào nhau và dùng dây đan chữ thập là có ngay một cặp bánh chưng đúng chuẩn rồi.
Nấu bánh chưng
Dùng phần dây lạt và lá còn dư cho xuống dưới đáy nồi, xếp bánh vào nồi, cho một ít lá lên trên rồi đổ nước ngang mặt bánh, sau đó đun trong 8-10 tiếng cho đến khi bánh chín nhừ. Trong thời gian đun nếu nước cạn thì phải thêm, đảm bảo nước luôn ngang mặt bánh.
Khi bánh chín vớt ra ngâm trong nước nguội rồi vớt ra để ráo và dùng vật nặng đè lên mặt bánh cho bánh nén lại chuẩn khuôn. Ép bánh khoảng 30 phút là bánh vừa đẹp vừa ráo nước. Lúc này, bạn đã có một cặp bánh chưng chuẩn chỉnh rồi đấy.
Thành phẩm và thưởng thức
Bánh bóc vỏ rồi cắt thành 4-8 phần và thưởng thức cùng với dưa món, củ kiệu thì ngon đúng điệu. Bên cạnh đó, để thay đổi hương vị, bạn có thể chiên dòn bánh. Bánh chưng chiên bên ngoài giòn giòn, bên trong dẻo thơm, nghe là thấy thèm rồi phải không nào?
Bánh chưng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng 3-4 ngày và lâu hơn khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Những lưu ý khi gói bánh chưng
- Để bánh không bị bục khi nấu lâu cần dùng lá chèn kĩ các góc bánh.
- Bánh cần nấu ít nhất 8-10 tiếng để nếp không có hiện tượng “sống lại” hoặc bị sượng.
- Sau khi nấu bánh nên ép bánh trong tối thiểu 30 phút để nước trong bánh chảy ra hết và bánh vuông vắn hơn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các bài viết khác trên BlogAnChoi như:
- 10 cửa hàng bánh chưng ngon ở Hà Nội dành cho người bận rộn
- Dàn Sao Việt tất bật gói bánh chưng đón tết
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi và chia sẻ những kinh nghiệm nấu bánh chưng của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé!
source https://bloganchoi.com/cach-lam-banh-chung-ngon/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét