Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Đừng thắt nút cả hai đầu sợi chỉ

Nhờ học thêu, tôi mới biết rằng khi khâu vá hay thêu thùa, chúng ta không nên thắt nút cả hai đầu sợi chỉ. Trước đây, khi những mũi kim vụng về của tôi đâm xiên, đâm xẹo, rối tung rối mù lên, tôi không thể gỡ ra được.

Chiếc khăn tay thêu nhành linh lan trắng

Mẹ tôi thường cằn nhằn tôi là đứa con gái vụng về. Nhà ngoại, nhà nội đều hát hay, khéo tay mà tôi lại chẳng được “cái nết” gì. Ngày còn đi học, tất cả các bài tập thủ công của tôi đều do mẹ tôi làm. Từ đan lát bằng giấy màu cho đến thêu thùa, may vá… Những trò như gấp hạc, gấp hoa, gấp sao mà lũ trẻ con hồi đó đều biết thì tôi cũng chẳng thể nào nhớ được, dù các bạn có dạy đi dạy lại, chỉ sau vài ngày tôi sẽ lại quên hết.

Vậy mà, tôi lại muốn thêu một chiếc khăn tay.

Thật ra, đó là một chiếc khăn tay đã được in hình sẵn và có hướng dẫn rất tỉ mỉ, chi tiết. Với người khác, chắc hẳn là điều đơn giản. Nhưng với tôi, đó là một “miền đất mới”.

Tôi muốn thêu một nhành hoa linh lan trắng. Hoa linh lan mang ý nghĩa là một sự trở về, sẽ rất hợp để làm món quà cho người tôi yêu thương. Dù biết mình vụng nhưng tôi vẫn muốn tự tay thêu từng sợi chỉ lên chiếc khăn, giống như dệt vào đó những tâm tư, tình cảm và cả sự nhớ mong của mình.

Hoa linh lan mang ý nghĩa của sự trở về (Ảnh: Internet).
Hoa linh lan mang ý nghĩa của sự trở về (Ảnh: Internet).

Khi yêu, người ta luôn mộng mơ, nhỉ?

Trước đây, khâu một đường chỉ rách với tôi cũng là khó, khâu đường thẳng thôi cũng xiên xẹo, vặn vẹo. Nhìn tôi loay hoay với kim, chỉ, khung thêu… lóng nga lóng ngóng mà mẹ tôi cười cả buổi. Và tôi phải thừa nhận: mình vụng về thật! Từ rút chỉ, xỏ kim, thắt nút, đâm lên, đâm xuống trên một đường thẳng thôi… những thứ tưởng chừng quá đỗi đơn giản mà với tôi lại thật lạ lẫm.

Tôi kể với bạn tôi chuyện này mà nó không tin, nhưng nhờ học thêu, tôi mới biết rằng khi khâu vá hay thêu thùa, chúng ta không nên thắt nút cả hai đầu sợi chỉ. Khi học theo các clip trên You tube, tôi chỉ làm như hướng dẫn mà chẳng suy nghĩ gì. Tập thêu những mũi đầu tiên, tôi làm sai lên sai xuống, rối tung rối nùi, cứ thêu được vài mũi lại phải cắt chỉ đi, thêu lại một cách máy móc. Cho đến khi nhận ra, nếu đâm mũi kim sai, tôi có thể rút lại đường chỉ đó một cách dễ dàng, vì một đầu của sợi chỉ không thắt nút. Tôi thấy mình sao mà quá ngốc!

Đấy là do, từ trước đến nay khi khâu vá, tôi luôn thắt nút chập cả hai đầu chỉ. Vậy nên nếu đâm kim sai, đâm lệch hoặc rối chỉ, mũi chỉ đó không thể sửa lại. Một điều hết sức giản đơn, hiển nhiên, ấy thế mà với tôi lại quá bất ngờ, mới mẻ.

Thêu thùa giúp chúng ta "tĩnh" lại (Ảnh: Internet).
Thêu thùa giúp chúng ta “tĩnh” lại (Ảnh: Internet).

Mẹ tôi đùa rằng, học thêu cũng là một cách để tĩnh tâm, mong là tôi sẽ trở nên nền nã, nhẹ nhàng hơn khi thêu xong chiếc khăn tay. Còn bạn tôi thì nói: “Chẳng được mấy ngày đâu, bị kim đâm vào tay vài lần là lại tung hê hết lên rồi bỏ xó”. Đến giờ thì tôi cũng đã bị kim đâm đến chục lần, mà mới chỉ là đang tập thêu những mũi cơ bản, còn chưa dám đâm kim vào nhành linh lan. Tính cách cũng chưa thấy nền nã hơn, nhưng ” cái tâm” thì có “tĩnh” đi vài phần.

Đừng thắt nút cả hai đầu sợi chỉ

Đấy là khi tôi nhận ra lý do vì sao người ta chỉ thắt nút một đầu sợi chỉ. Là khi tôi nhận ra, rút lại một đường chỉ thêu thật dễ dàng nếu ta biết cách. Hay thậm chí, khi tôi biết cách thắt nút chỉ bằng đầu kim, ta còn có thể điều chỉnh cho nút thắt to, nhỏ tùy theo vòng cuốn trên mũi kim.

Trước đây nếu phải khâu vá, tôi chỉ làm qua quýt, thì bây giờ tôi đang học cách để từng mũi kim, đường chỉ khi đâm lên, đâm xuống phải thật chắc chắn và ngay ngắn. Có như vậy, mới là “sửa”, là “chữa”, là “nối lại” những vết rách, những phần bị bung chỉ. Nếu chỉ đâm bừa, lỏng lẻo, tạm bợ thì chỉ cần một tác động nhỏ thôi, mọi sự gắn kết sẽ lại bung ra dễ dàng.

Trước đây, khi những mũi kim vụng về của tôi đâm xiên, đâm xẹo, rối tung rối mù lên, tôi không thể gỡ ra được. Thì nay tôi học được cách để lại một “đường lui” để dễ dàng sửa lại “lỗi” của mình.

Có thể dễ dàng sửa lại, không có nghĩa là thoải mái làm sai. Khi rút chỉ khỏi mũi kim đã đâm xuống, rồi lại đâm thêm một mũi khác, chắc chắn ta sẽ để lại một lỗ hổng trên mặt vải, dù nhỏ hay to. Nó giống như “mọi sai lầm đều phải trả giá” vậy. Nhưng ít ra, biết cách tạo một đường lui cho mình, để “sửa sai” ngay ở nơi ta làm sai, vẫn tốt hơn là phải bỏ đi tất cả, phải không?

Đừng thắt nút cả hai đầu sợi chỉ (Ảnh: Internet).
Đừng thắt nút cả hai đầu sợi chỉ (Ảnh: Internet).

Tôi sẽ phải tập thêu rất nhiều nữa thì mới “can đảm” đâm kim lên nhành linh lan trắng. Tôi muốn những đường kim, mũi chỉ trên chiếc khăn tay sẽ thật chính xác, mượt mà. Cho dù không thể so với những bàn tay khéo léo khác, nhưng những đường kim, mũi chỉ trên nhành linh lan sẽ “thật” nhất, thật từ chính tấm lòng tôi, dành cho người sắp trở về, sắp gặp lại sau bao năm xa cách.

Chúng ta vẫn nên tạo cho nhau những cơ hội, phải không? Đừng thắt nút cả hai đầu sợi chỉ, ta sẽ luôn có một cánh cửa ở phía sau.



source https://bloganchoi.com/dung-that-nut-ca-hai-dau-soi-chi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét