Trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, yếu tố tiên quyết làm nên sự thành công ngoài kiến thức, kỹ năng thì còn một điều không thể không nhắc đến chính là trách nhiệm. Vậy tại sao lại nói như thế, trách nhiệm mang lại lợi ích to lớn gì hay sao? Hãy cùng chúng tôi đi vào những phân tích sau đây.
Trách nhiệm nghĩa là gì?
Muốn hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm, đầu tiên ta cần hiểu được trách nhiệm là gì.
Có thể hiểu một cách chung nhất thì trách nhiệm chính là sự tận tâm, tận lực cao độ bạn dành cho công việc hay cho bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn theo đuổi để bảo đảm rằng kết quả mình nhận được sẽ đạt yêu cầu đã đề ra trước đó.
Một khi đã nói là có trách nhiệm, điều đó tức là mọi kết quả đạt được hay điều gì liên quan đến vấn đề bạn đảm nhận dù xấu dù tốt thì bạn không được phép chối bỏ, có thể là sẽ đón nhận vui vẻ hoặc cố gắng nghĩ ra những biện pháp khắc phục hậu quả và quan trọng nhất là bạn không được bỏ dở nó, phải đồng hành cùng vấn đề đến cuối cùng của chặng đường.
Người có trách nhiệm thì sẽ lấy được sự tín nhiệm của những người xung quanh, được người khác tôn trọng và ngưỡng mộ. Nếu như bạn nhận được sự công nhận từ mọi người về trách nhiệm đối với công việc, hãy tự hào vì đó là minh chứng rằng bạn đã là một người rất thành công rồi.
Trái lại, người vô trách nhiệm thì khó lòng được ai đó giao cho một việc gì, không được ai tôn trọng và tin tưởng. Khi bạn bị chê trách là không có trách nhiệm thì hãy tiếp thu lời nhận xét ấy, xem xét lại bản thân và cần thật nhanh chóng thay đổi, chỉnh đốn lại mình, nếu không sau này ắt sẽ phải hối hận vì sự tắc trách trước đây của bản thân.
Trách nhiệm có ý nghĩa như thế nào?
Cho dù là đối với công việc hay bất kỳ một hoạt động nhỏ nào được giao, bạn cũng cần có trách nhiệm. Bởi lẽ một khi đã là con người có trách nhiệm, chắc chắn những công việc bạn được giao dù có khó khăn đến mức nào thì cũng đều có thể được hoàn thành một cách tốt nhất so với khả năng của bản thân bạn.
Trách nhiệm giống như một sợi dây ràng buộc bạn với công việc. Khi bạn đang có ý định từ bỏ một thứ gì, trách nhiệm sẽ khơi lên trong bạn sự nhiệt tình với nó mà khiến bạn không nỡ bỏ dở cái việc kia. Sau đó, vì trách nhiệm mà con người có được động lực tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi nào hoàn thành thì thôi.
Trách nhiệm xây dựng cho bạn bản tính kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn, gian khổ, ý chí kiên cường không bỏ cuộc. Chắc hẳn chẳng ai muốn bị nói là một con người vô trách nhiệm – lời nói có thể bị coi là xúc phạm với những ai bị chỉ trích.
Có trách nhiệm sẽ giúp con người tự tin, chủ động dấn thân vào những thứ mà người khác coi là khó, dám thể hiện bản thân trước mặt người khác dù là người xa lạ.
Việc chịu trách nhiệm và trở nên có trách nhiệm giúp mỗi người trưởng thành hơn rất nhiều. Bởi lẽ khi ấy, bạn đã tự đứng ra gánh vác mọi thứ, đảm nhận bằng năng lực vốn có của mình và không còn trông đợi, dựa dẫm vào sự trợ giúp của người khác.
Muốn có trách nhiệm được với những thứ khác, bạn cần phải có trách nhiệm với chính mình đã. Đây sẽ là nền tảng đưa bạn đến với những thành công phía trước.
Có trách nhiệm với bản thân quả thực mang lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ bản thân mỗi người sẽ từng ngày tốt lên, tự khiến mình ngày mai phải tốt hơn ngày hôm qua mà đồng thời cũng sẽ lan tỏa tinh thần ấy đến với những người xung quanh, đến với cộng đồng.
Làm thế nào để sống có trách nhiệm?
Không phải tự nhiên khi sinh ra, ai cũng đã là một người có trách nhiệm. Hoàn cảnh sống, mục đích sống và những lựa chọn của bản thân mỗi người sẽ là điều kiện tác động tới ý thức và trách nhiệm của cá nhân họ. Từ đó, hình thành nên những con người có trách nhiệm hay thiếu ý thức, cẩn thận hay ẩu đoảng.
Để là một người có trách nhiệm, trước hết mỗi chúng ta cần ý thức được vai trò của bản thân trong cuộc sống, với chính mình và với cộng đồng.
Thêm vào đó, cần hiểu được rằng sẽ bất lợi đến nhường nào khi là một người không có trách nhiệm. Khi không có trách nhiệm, sẽ chẳng có ai tin tưởng, giao phó cho công việc vì họ chẳng thế biết bạn có hoàn thành được hay không.
Hãy thiết lập những mục tiêu cho bản thân và thể hiện tầm quan trọng của chúng với mình. Khi đó, bạn sẽ có động lực và đích đến để hướng tới và bạn buộc phải có trách nhiệm với những gì đã đặt ra.
Đề ra những hình phạt nếu có khi nào bản thân sống thiếu trách nhiệm.
Tự thiết lập những chuẩn mực, giới hạn trách nhiệm của bản thân và tuân thủ một cách phù hợp nhất, đừng quá cứng nhắc nhưng cũng đừng quá buông thả.
Quan trọng nhất vẫn là tư duy. Hình thành tư duy linh hoạt về trách nhiệm, thế nào là trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm với mọi người, đâu là giới hạn không cần tuân thủ trách nhiệm… Khi đó không chỉ bạn trở nên có trách nhiệm hơn mà cuộc sống của bạn cũng được đặt trong vòng kiểm soát dễ dàng hơn.
Trên đây là một số những lý giải về trách nhiệm cùng những ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm chúng tôi muốn gửi đến tất cả các bạn. Hy vọng sẽ sớm nhận được những phản hồi tích cực cùng những đóng góp của độc giả để chúng tôi có thể hoàn thiện nội dung một cách tốt nhất, đầy đủ nhất!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Kỷ luật – Bí quyết thành công chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc
- Đừng thần thánh hóa Deadline trong công việc và cuộc sống
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/nha-tuyen-dung-nao-cung-can-nguoi-co-trach-nhiem/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét