Bạn đã bao giờ bị khàn tiếng và chỉ cần nghỉ ngơi một vài ngày là tự hết? Nhưng bạn có biết rằng khàn tiếng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị kịp thời? Hãy cùng khám phá xem nhé!
Khàn tiếng là như thế nào?
Khàn tiếng là tình trạng dây thanh quản bị tổn thương và viêm, làm cho giọng nói bị thay đổi trở nên khó nghe. Tình trạng viêm này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số chỉ là tạm thời như la hét quá mức nhưng cũng có những bệnh lý nguy hiểm gây triệu chứng khàn tiếng.
Theo Viện Quốc gia về Điếc và Rối loạn Giao tiếp Khác của Mỹ (NICDC), khàn giọng là khi giọng nói nghe thô ráp hoặc căng thẳng với âm vực thấp hơn hoặc âm lượng nhỏ hơn, có thể báo hiệu vấn đề ở dây thanh âm hoặc cổ họng.
Khàn giọng có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm thanh quản. Thanh quản là phần nằm ở phía trên cùng của cổ họng và chứa các dây thanh âm, đó là hai dải sụn và cơ có khả năng rung lên khi chúng ta phát âm.
Kích thước và hình dạng của các nếp gấp trên dây thanh âm sẽ ảnh hưởng đến giọng nói phát ra. Khi dây thanh âm bị sưng phù hoặc kích ứng có thể dẫn đến hạn chế chuyển động rung bình thường, làm cho giọng nói trở nên khàn.
Nguyên nhân gây khàn tiếng là gì?
Viêm thanh quản
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, và có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm thanh quản cấp tính thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm cúm, ngoài ra cũng có thể do nói quá nhiều và quá to, ví dụ:
- La hét
- Hát to
- Nói quá lâu mà không nghỉ ngơi
- Phát âm giọng quá trầm hoặc quá cao
Các chuyên gia định nghĩa viêm thanh quản là mãn tính nếu kéo dài hơn 3 tuần, các nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là:
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng rượu
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Tiếp xúc với hóa chất hoặc bụi gây kích ứng thanh quản
Các nốt, u nang và polyp trên dây thanh âm
Các nốt, u nang và polyp là những khối u lành tính có thể xuất hiện dọc theo dây thanh âm.
- Nốt thanh âm – hay còn gọi là “nốt của ca sĩ” vì thường gặp ở những người làm công việc này – xuất hiện thành từng cặp ở hai bên đối diện của dây thanh âm, có thể dẫn đến tăng áp lực hoặc ma sát khi dây rung để phát âm.
- U nang là một mô cứng phát triển bên trong dây thanh âm.
- Polyp khác với nốt là thường chỉ xuất hiện ở một bên của dây thanh âm.
Phương pháp điều trị cho các dạng u lành tính này thường bao gồm nghỉ ngơi, phẫu thuật hoặc trị liệu bằng giọng nói.
Xuất huyết dây thanh âm
Đây là hiện tượng xảy ra khi mạch máu nhỏ trên bề mặt dây thanh âm bị vỡ, có thể gây khàn giọng đột ngột, khi đó người bệnh phải ngưng phát âm ngay lập tức và đến gặp bác sĩ.
Liệt dây thanh âm
Là hiện tượng 1 hoặc cả 2 dây thanh âm không thể rung như bình thường để tạo ra tiếng nói, có thể là do:
- Chấn thương ở đầu, ngực hoặc cổ
- Khối u ở nền sọ, cổ và ngực
- Ung thư phổi
- Ung thư tuyến giáp
Tùy vào nguyên nhân cụ thể, phương pháp điều trị sẽ là liệu pháp giọng nói hoặc phẫu thuật.
Các bệnh thần kinh
Một số bệnh thần kinh có thể ảnh hưởng đến các khu vực của não điều khiển cổ họng và các cơ thanh quản, cụ thể là:
- Đột quỵ
- Bệnh Parkinson
- Chứng khó thở co thắt
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Đây là tình trạng axit trong dạ dày bị đẩy lên trên và gây kích ứng cổ họng, ở một số người có thể ảnh hưởng tới thanh quản, khi đó được gọi là chứng trào ngược thanh quản (LPR).
GERD là vấn đề nghiêm trọng, có thể khiến giọng nói bị khàn nhiều hơn vào buổi sáng khi mới thức dậy. Những người bị LPR có thể cảm thấy như cổ họng bị vướng và phải hắng giọng liên tục.
Điều trị trào ngược axit thường bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc.
Các triệu chứng thường xuất hiện kèm theo khàn giọng
Tùy vào nguyên nhân cơ bản gây khàn giọng, có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo khác nhau bao gồm:
- Cảm giác có khối u trong cổ họng
- Cảm giác khô cổ họng
- Cảm giác khó chịu, phải hắng giọng liên tục
- Ho dai dẳng
- Chảy dịch mũi sau
- Khó nuốt
- Đau họng
- Nhiều đàm trong cổ họng
Một số triệu chứng có thể chỉ ra nguyên nhân cụ thể, ví dụ như có vị đắng hoặc chua trong miệng và khó chịu hơn sau khi ăn đồ cay có thể là dấu hiệu của GERD.
Khi nào khàn tiếng cần đi khám?
Khàn giọng thường không đáng ngại, ví dụ sau khi sử dụng giọng nói quá mức như la hét hoặc hát to, những trường hợp này chỉ bị khàn tạm thời. Tuy nhiên hãy đến gặp bác sĩ nếu bị khàn giọng kéo dài hơn 3 tuần, nhất là khi không có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm, và phải đi khám ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Ho ra máu
- Phát hiện khối u ở cổ
- Đau khi nói hoặc nuốt
- Khó thở
- Mất giọng hoàn toàn trong vài ngày
Có thể làm gì để bớt khàn giọng ngay tại nhà?
Một vài cách tự chăm sóc tại nhà để giảm bớt khàn giọng là:
- Nghỉ ngơi vài ngày: hạn chế nói chuyện và la hét, đặc biệt là không nói thì thầm vì như vậy thực ra lại làm căng dây thanh âm nhiều hơn.
- Uống nhiều nước: nước có thể làm giảm một vài triệu chứng và giữ ẩm cho cổ họng.
- Tránh caffeine và cồn: các chất này có thể làm khô cổ họng và làm khàn giọng trầm trọng thêm.
- Dùng máy tạo độ ẩm cho không khí có thể giúp dễ thở hơn. Bạn có thể mua máy tạo độ ẩm tại đây
- Tắm nước nóng: hơi nước từ vòi hoa sen sẽ giúp làm thông thoáng đường hô hấp và cung cấp độ ẩm.
- Không hút thuốc lá: khói thuốc sẽ làm cổ họng bị khô rát.
- Giữ ẩm cho cổ họng bằng viên ngậm hoặc kẹo cao su: cách này giúp kích thích tiết nước bọt và có thể làm dịu cổ họng.
- Tránh các chất gây dị ứng trong môi trường: dị ứng có thể gây ra khàn giọng hoặc làm nặng thêm.
- Không dùng thuốc thông mũi để chữa khàn giọng: loại thuốc này có thể gây kích ứng và làm khô cổ họng nhiều hơn.
Nếu những biện pháp tại nhà này không làm bớt khàn giọng thì hãy đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Nếu khàn tiếng dai dẳng và mãn tính thì nguyên nhân có thể là bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm, do đó cần đi khám để can thiệp kịp thời tránh hậu quả nghiêm trọng.
Phòng ngừa khàn tiếng như thế nào?
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp bảo vệ dây thanh âm của bạn:
- Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động: khói thuốc có thể gây kích ứng thanh quản, dây thanh âm và làm khô cổ họng.
- Rửa tay thường xuyên: khàn giọng thường do nhiễm virus đường hô hấp, rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa mầm bệnh lây truyền.
- Uống đủ nước để làm loãng chất nhầy trong cổ họng và giữ ẩm.
- Tránh các chất làm cơ thể bị mất nước như đồ uống chứa caffeine và cồn. Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn.
- Đừng hắng giọng quá nhiều, vì hành động này có thể làm tăng tình trạng viêm dây thanh âm và kích ứng toàn bộ vùng cổ họng.
- Tránh ăn đồ quá cay, nhất là những người bị trào ngược axit.
- Hạn chế nói to và kéo dài, áp dụng kỹ thuật giữ hơi khi hát.
Tổng kết
Nhiều nguyên nhân có thể làm cho giọng nói bị khàn. Ngoài triệu chứng chính là giọng nói khàn trầm thì có thể xuất hiện các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân, chẳng hạn như ho hoặc đau họng.
Đa số các trường hợp khàn giọng không đáng lo ngại, thường thì giọng nói sẽ trở lại bình thường mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu không tìm được nguyên nhân rõ ràng hoặc khàn giọng kéo dài thì nên đi khám để chẩn đoán chính xác.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Bạn đã hiểu đúng về ung thư da? 13 điều lầm tưởng cực sai nhưng thường gặp
- Ngủ không gối có lợi hay có hại? Có thể bỏ gối khi ngủ không?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/nguyen-nhan-va-cach-chua-khan-tieng/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét