Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Biến thể Omicron của virus gây COVID-19 nguy hiểm tới mức nào? Tại sao lại “đáng lo ngại”?

Biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19 mang tên Omicron được WHO xếp vào nhóm “đáng lo ngại” và khiến nhiều nước trên khắp thế giới phải siết chặt đi lại. Rốt cuộc biến thể Omicron nguy hiểm đến mức nào mà khiến cả thế giới đề phòng đến vậy?

Omicron là biến thể đáng lo ngại mới nhất được WHO công nhận

Ngày 26/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Omicron là một biến thể đáng lo ngại và cho biết các chuyên gia đang tiếp tục theo dõi sát sao cũng như thực hiện nhiều nghiên cứu về biến thể mới này.

Chỉ những biến thể nguy hiểm mới được gọi là "đáng lo ngại" (Ảnh: Internet).
Chỉ những biến thể nguy hiểm mới được gọi là “đáng lo ngại” (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên WHO cũng lưu ý rằng biến thể Omicron vẫn còn rất mới lạ và có nhiều điều chưa được làm rõ, chẳng hạn như khả năng lây lan của nó có thực sự mạnh hơn Delta, có khả năng gây bệnh nặng hơn, hay có nguy cơ kháng vaccine hay không. Các chuyên gia cho rằng nên bình tĩnh và chờ đợi các nghiên cứu khoa học để hiểu rõ về biến thể mới.

Omicron có nguồn gốc từ đâu?

Biến thể này ban đầu được đặt tên là B.1.1.529, tới nay đã xuất hiện ở Nam Phi, Botswana, Hongkong, Bỉ và Israel. Theo WHO, ca mắc đầu tiên ở Nam Phi được lấy mẫu ngày 9/11 vừa qua và số lượng người mắc biến thể này đang có xu hướng tăng ở nhiều nơi trên khắp đất nước.

Nam Phi là nước đầu tiên phát hiện biến thể này (Ảnh: Internet).
Nam Phi là nước đầu tiên phát hiện biến thể này (Ảnh: Internet).

Cơ quan y tế Nam Phi cho biết có một du khách mắc biến thể Omicron từ nước này di chuyển đến Hongkong, sau đó tại Hongkong cũng phát hiện ca nhiễm thứ hai ở trong cùng khách sạn cách ly. Cũng trong ngày 26/11 vừa qua, ngành y tế Bỉ xác nhận một người từ Ai Cập đến nước này chưa được tiêm vaccine và đã mắc biến thể mới, trở thành ca nhiễm Omicron đầu tiên ở châu Âu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật châu Âu cảnh báo nguy cơ biến thể mới lây lan ở châu Âu là “cao đến rất cao” do khả năng né tránh hệ miễn dịch và cạnh tranh lây truyền cao hơn so với Delta.

Tại Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci là giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm cho biết hiện tại chưa phát hiện Omicron ở nước này và có thể nó đã bị giới hạn, nhưng vẫn nên đề phòng.

Tại sao Omicron lại gây lo ngại?

Virus liên tục xuất hiện biến thể mới (Ảnh: Internet).
Virus liên tục xuất hiện biến thể mới (Ảnh: Internet).

Các nhà nghiên cứu tại Nam Phi cho biết biến thể này sở hữu nhiều đột biến đến mức bất thường: hơn 30 đột biến trong protein gai vốn là cấu trúc quan trọng giúp virus xâm nhập vào tế bào chủ. Các chuyên gia lo ngại rằng đột biến có thể làm cho Omicron lây lan mạnh hơn và chống lại hệ miễn dịch.

Tiến sĩ Fauci nói rằng các đột biến có thể dự đoán phần nào về đặc tính của biến thể mới, đặc biệt là khả năng né tránh hệ miễn dịch. Hiện tại đang có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Các nhà khoa học đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để xác định xem Omicron có chống lại được miễn dịch tự nhiên hoặc vaccine ngừa COVID-19 hay không.

Biến thể mới có kháng vaccine không? (Ảnh: Internet).
Biến thể mới có kháng vaccine không? (Ảnh: Internet).

Trong khi đó, tiến sĩ Ashish Jha là trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Brown (Mỹ), cho rằng khả năng Omicron làm cho vaccine bị vô hiệu hóa hoàn toàn là “cực kỳ khó xảy ra”, mà thay vào đó nên tìm hiểu xem mức độ kháng vaccine của nó là nhiều hay ít, và có thể vài ngày tới sẽ có thông tin sơ bộ về vấn đề này.

Omicron có gì đặc biệt so với các biến thể khác?

Các đột biến và biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19 liên tục xuất hiện là điều đã được dự đoán trước, nhưng Omicron khiến các chuyên gia đặc biệt lo ngại hơn.

Tiến sĩ Jha cho biết trong vòng vài tháng gần đây đã có nhiều biến thể mới xuất hiện, hầu hết đều không nổi bật. Nhưng Omicron lại khác, “có vẻ nó dễ lây lan hơn nhiều so với ngay cả biến thể Delta,” thủ phạm đã gây ra những làn sóng COVID-19 khủng khiếp ở Mỹ và châu Âu, thậm chí theo CDC Mỹ thì khả năng lây lan của Delta tương đương với bệnh thủy đậu.

Biến thể mới có mạnh hơn Delta? (Ảnh: Internet).
Biến thể mới có mạnh hơn Delta? (Ảnh: Internet).

Các biến thể trước đây thường phải trải qua thời gian khá dài khoảng vài tháng để lây lan rộng và trở thành chủng chiếm ưu thế ở một khu vực nào đó, nhưng Omicron đã chiếm ưu thế rất nhanh ở các vùng của Nam Phi, chỉ mất vài ngày đến vài tuần. Tiến sĩ Jha cho biết số ca mắc ở Nam Phi hiện nay khá ít, nên có thể do các yếu tố khác chứ không hẳn là Omicron dễ lây lan hơn, tuy nhiên tốc độ chiếm ưu thế của nó vẫn là bất thường và đáng lo ngại.

Các chuyên gia của WHO cũng cho biết: các dữ liệu ban đầu gợi ý rằng Omicron có khả năng tái nhiễm – tức là nhiễm lại cho người đã mắc COVID-19 trước đó – cao hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác.

Các hãng vaccine có lo ngại không?

Hãng Moderna ngày 26/11 nói rằng họ đang khẩn trương đánh giá hiệu lực của vaccine đối với biến thể mới, dự kiến ​vài tuần nữa ​sẽ có kết quả. Theo Moderna, biến thể Omicron chứa các đột biến giống Delta có thể giúp lây lan mạnh hơn, ngoài ra có các đột biến giúp né tránh hệ miễn dịch giống Delta và Beta. Khi kết hợp các đột biến này có nguy cơ làm suy yếu miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine.

Moderna cho biết đang thử nghiệm tiêm mũi vaccine tăng cường với liều lớn hơn để tăng khả năng bảo vệ nếu cách tiêm hiện nay bị giảm hiệu quả trước biến thể mới. Hãng này cũng đang đánh giá 2 loại vaccine tăng cường chứa một số đột biến có trong Omicron, ngoài ra còn có một loại tăng cường khác dành riêng cho nó.

Vaccine liệu có còn hiệu quả? (Ảnh: Internet).
Vaccine liệu có còn hiệu quả? (Ảnh: Internet).

Hãng AstraZeneca cũng đang nghiên cứu xem vaccine của họ có tác dụng như thế nào với biến thể Omicron tại các nước châu Phi là Botswana và Eswatini, như vậy sẽ thu được dữ liệu thực tế chính xác hơn. Ngoài ra họ cũng đang thử nghiệm chống lại chủng mới này bằng kháng thể AZD7442.

Công ty BioNTech của Đức và Johnson & Johnson của Mỹ cũng đang nghiên cứu và dự kiến trong thời gian tới sẽ có kết quả về hiệu lực của vaccine đối với biến thể mới.

Nhiều quốc gia siết chặt đi lại do lo ngại Omicron

Chính quyền Mỹ từ ngày 29/11 sẽ hạn chế người đến từ 8 nước châu Phi để phòng ngừa lây lan biến thể mới. Trước đó Liên minh Châu Âu cũng tạm thời hạn chế người nhập cảnh từ các nước châu Phi nói trên.

Các nước châu Phi bị hạn chế đi lại tới Mỹ và EU (Ảnh: Internet).
Các nước châu Phi bị hạn chế đi lại tới Mỹ và EU (Ảnh: Internet).

Bộ trưởng Y tế của Canada cho biết sẽ cấm nhập cảnh người nước ngoài đã đi qua miền nam châu Phi trong vòng 14 ngày gần nhất. Trong khi đó Israel sẽ kiểm soát đối với người đã đi lại ở hầu hết các khu vực của châu Phi.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/bien-the-omicron-virus-covid-19/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét