Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Bạn có phải là người có EQ cao không?

Ngày nay, cụm từ EQ cũng như là chỉ số EQ đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Vậy bạn có thắc mắc EQ là gì, vì sao EQ lại xuất hiện nhiều đến vậy trên các phương tiện truyền thông và chỉ số EQ nghĩa là thế nào không? Hãy cùng chúng tôi đi sâu và tìm hiểu về vấn đề thú vị này.

EQ và chỉ số EQ là gì?

EQ có thể hiểu là chỉ số cảm xúc, viết tắt của cụm từ Emotional Quotient trong tiếng Anh.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều những tranh cãi xoay quanh định nghĩa về trí tuệ xúc cảm nên có thể hiểu một cách đơn giản: Đó là sự cảm nhận của bạn về thế giới xung quanh, sự sáng tạo cũng như khả năng điều tiết cảm xúc, nhận biết của bản thân trước một sự vật, sự việc hay hiện tượng đời sống.

Nên hiểu như thế nào về EQ? (Ảnh: Internet)
Nên hiểu như thế nào về EQ? (Ảnh: Internet)

Chỉ số EQ là một khung chuẩn mực để đo lường sự nhạy bén, sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử, nhìn nhận của mỗi người về một vấn đề nào đó.

Đây là một khái niệm đã được đề cập bởi hai nhà tâm lý học là Peter Salovey và John Mayer trong những năm 1990. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của trí thông minh cảm xúc có thể bắt nguồn từ việc diễn đạt cảm xúc của các cá thể có vai trò quan trọng đối với quá trình chọn lọc tự nhiên và các thay đổi thích nghi, theo nghiên cứu của Charles Darwin.

Người có EQ cao là người như thế nào?

Nhiều người thường cho rằng EQ là do trời phú. Điều này đúng một phần nếu áp vào trường hợp hiếm nhưng hầu hết những người có chỉ số EQ cao đều là dựa vào công sức trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, sự va chạm với những tình huống thực tế mà họ tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.

Người có EQ cao có nhiều lợi thế trong cuộc sống (Ảnh: Internet).
Người có EQ cao có nhiều lợi thế trong cuộc sống (Ảnh: Internet).

Người có chỉ số EQ cao thì sẽ thường là người có thể giữ được một tâm thế tốt, không dễ để những việc bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc bản thân và họ luôn biết cách kiềm chế, điều chỉnh trạng thái cảm xúc cho phù hợp với tình huống đang diễn ra. Hiếm khi nào mà bạn bắt gặp được họ tức giận, cau có hay khó chịu.

Đặc biệt là họ luôn biết cách nói câu từ chối với những mối liên hệ có ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của mình (một điều mà mọi người đều rất khó có thể mở lời) làm sao để người giao tiếp với mình không bị phật ý mà vẫn vui vẻ tiếp tục công việc một cách rất tích cực.

Người có EQ cao có khả năng thấu hiểu chính mình và những người khác. Họ biết cái gì là tốt cho bản thân và tốt cho những người xung quanh. Hiểu bản thân mình cần gì, mình muốn gì và mình cần phải làm gì để thực hiện những mong muốn ấy. Trong nhiều trường hợp, họ biết đặt mình vào tâm thế của người khác để có thể nắm bắt và hiểu được tâm trạng, cảm xúc của người đó. Từ việc thấu hiểu, họ sẽ cân nhắc để đưa ra những lời nói, hành động, cử chỉ phù hợp nhất có thể.

Họ không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, không bao giờ tỏ vẻ ta đây biết hết mọi điều. Đặc biệt là việc học tập từ người đi trước. Từ những trải nghiệm của bậc “tiền bối” mà họ tự rút ra cho bản thân những kinh nghiệm làm hành trang cho chính bản thân mình.

Người có chỉ số thông minh cảm xúc cao luôn biết cách yêu thương, tôn trọng bản thân. Họ nhận thức được giá trị của chính mình nên luôn biết cách làm cho mình vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc. Nhưng yêu bản thân không có nghĩa là họ sẽ làm những thứ có lợi cho riêng mình hay làm những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Đó không phải phong cách của người có EQ cao mà chỉ là của những kẻ ích kỷ, nhỏ nhen, sân si.

Chính những điều này đã giúp họ có được sự nể phục, sự tin tưởng từ người khác, từ đó đem lại hiệu quả cao trong công việc của cá nhân cũng như của tập thể.

Người có chỉ số cảm xúc EQ cao thực sự sẽ đạt được những thành công ngoài mong đợi (Ảnh: Internet).
Người có chỉ số cảm xúc EQ cao thực sự sẽ đạt được những thành công ngoài mong đợi (Ảnh: Internet).

Có một câu nhận định của một nhà khoa học đã nêu bật lên tầm quan trọng của EQ. Đó là “Với IQ người ta tuyển bạn nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn.”

Vì vậy mà các nhà tuyển dụng luôn có xu hướng đi tìm cho mình những trợ thủ đắc lực có chỉ số EQ cao. Khi có được họ rồi thì mọi vấn đề rắc rối lớn nhỏ trong công ty hầu hết đều có thể được đưa ra giải quyết rất gọn gàng và nhanh chóng nhờ vào sự bình tĩnh, chủ động nắm bắt tình hình sự việc của những con người ấy.

Qua đây ta càng thấy được tầm quan trọng của chỉ số này và nhận thức nhiều hơn về sự cần thiết phải trau dồi nó.

Vậy nên việc trau dồi để tăng chỉ số EQ cần phải được làm ngay từ lúc mỗi người còn nhỏ. Các cụ ta xưa vẫn thường nói “Dạy con từ thuở còn thơ”. Nếu được chỉ dạy, trải nghiệm từ nhỏ, hẳn những đứa trẻ ấy sau này ra đời sẽ trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa, nhận thức của chúng về mọi điều trong cuộc sống ắt khiến người khác phải bất ngờ, đặc biệt là những công việc sẽ được thực hiện đầy hiệu quả.

Trong cuộc sống sau này, nếu bạn có một chỉ số EQ tốt, khả năng cuộc sống của bạn về mọi mặt thành công và hạnh phúc là cao hơn rất nhiều bởi cuộc đời là sự cân bằng được mọi thứ. Và EQ sẽ giúp bạn làm điều đó một cách dễ dàng.

Test EQ

Cũng giống như IQ, EQ cũng có những bài test nhằm đánh giá mức độ, chỉ số thông minh cảm xúc của một người. Thường thì các bài test EQ sẽ được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm có các đáp án ở nhiều mức độ khác nhau với những tình huống liên quan đến đời sống thực tế. Tùy vào từng hoàn cảnh và cảm nhận của chính bạn về sự việc đó mà bạn sẽ đưa ra lựa chọn của riêng mình.

Chẳng hạn như khi gặp phải tình huống là bạn biết mình bị đồng nghiệp nói xấu và người đồng nghiệp đó lại là người bạn luôn cất nhắc, đề bạt với cấp trên thì bạn sẽ xử trí thế nào? Hay khi được mời đi tham dự đám cưới, bạn bất ngờ gặp lại người yêu cũ – mối tình đầu của mình thì liệu bạn có bỏ về hay sẽ ngượng ngùng trong suốt buổi gặp mặt đó?

Để có được kết quả tốt nhất, bạn nên làm bài test khi ở một mình bởi nếu xung quanh bạn có nhiều người sẽ có thể dẫn đến hiện tượng bạn bị tác động bởi ý kiến của người đó mà đưa ra câu trả lời không được chính xác.

Cũng vì EQ thuộc về phạm trù tình cảm, cảm xúc, việc đánh giá không thể chuẩn được 100% như bài test IQ vốn là thuộc về những con số, tính toán, nói đúng là đúng, nói sai là sai nên bài kiểm tra cũng chỉ mang tính chất tương đối nhất định. Cái quan trọng nhất vẫn phải là ở bản thân mỗi người tự đánh giá sao về chính mình và cảm thấy mình nên phát huy hay giảm thiểu những tính cách nào cho phù hợp.

Bạn có thể tìm thấy những bài test EQ của cả Việt Nam và nước ngoài nhưng với những bài nước ngoài có đôi lúc chúng ta chưa nắm rõ nghĩa của câu hỏi mà đưa ra câu trả lời không được đúng lắm thì đây cũng là một điều cần lưu ý nếu như bạn có làm bài test của nước ngoài.

Test EQ liệu có chính xác? (Ảnh: Internet)
Test EQ liệu có chính xác? (Ảnh: Internet)

Ngoài những bài test như này thì việc tham khảo nhận xét từ những người thân quen, gần gũi với mình cũng là một ý hay để bạn có thể có cái nhìn tổng quát hơn về bản thân.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo qua cuốn sách của Daniel Goleman – Emotional Intelligence. Đây được coi là một trong những cuốn sách hay nhất về EQ, sẽ cho bạn thêm nhiều điều hay ho mới mẻ liên quan tới chỉ số EQ cũng như là đưa ra gợi ý về cách kiểm tra EQ. Và rồi bạn sẽ thấy EQ kì diệu đến mức nào, những lợi ích, giá trị mà trí tuệ cảm xúc mang lại với cuộc đời mỗi người cũng như là toàn bộ xã hội, thế giới này lớn lao, vĩ đại đến nhường nào!

Cuốn sách Emotional Intelligence của Daniel Goleman (Ảnh: Internet).
Cuốn sách Emotional Intelligence của Daniel Goleman (Ảnh: Internet).

Trên đây là một số thông tin cung cấp về chỉ số cảm xúc – EQ. Hy vọng sau bài viết này, mỗi người đều sẽ tự đánh giá được chỉ số EQ hiện tại của bản thân cũng như đưa ra được cho mình những phương án trau dồi trí tuệ cảm xúc tốt nhất.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/ban-co-phai-la-nguoi-co-eq-cao-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét