Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

3 tip nhỏ giúp sinh viên kiếm nhiều tiền hơn khi đi làm thêm

Bắt đầu cuộc sống đại học đồng nghĩa với việc bạn sẽ lần đầu được tự lập. Bên cạnh việc phải làm quen với môi trường học tập, nếp sinh hoạt mới, một trong những vấn đề mà các bạn sinh viên năm nhất băn khoăn đó chính là các bạn sẽ phải bắt đầu tìm việc làm thêm như thế nào? Trong bài viết ngắn gọn sau đây, BlogAnChoi sẽ giúp bạn vạch ra được những tips nhỏ giúp cho sinh viên kiếm nhiều tiền hơn khi làm thêm nhé!

Đi làm thêm là một trong những trải nghiệm quý giá nhất mà bạn nên có khi còn ngồi trên ghế giảng đường (Ảnh: Internet)
Đi làm thêm là một trong những trải nghiệm quý giá nhất mà bạn nên có khi còn ngồi trên ghế giảng đường (Ảnh: Internet)

Mở đầu: Vì sao mình làm bài viết này?

Mình bắt đầu đi làm kể từ năm nhất đại học, và tính tới thời điểm hiện tại thì đã trải qua gần 10 công việc khác nhau. Tất nhiên, có những công việc mình gắn bó trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng cũng có công việc mà mình gắn bó rất dài và để lại cho mình rất nhiều bài học.

Qua bài viết này, mình muốn gửi đến các bạn một vài “gạch đầu dòng nhỏ” trước khi các bạn bắt đầu quá trình tìm việc. Đây sẽ là 3 tips mà mình ước rằng đã có ai đưa cho mình vào lúc mười tám tuổi, để cho quãng thời gian vừa qua của mình bớt nhọc nhằn và thu lại nhiều giá trị hơn. Mình mong rằng các bạn sẽ nhận được phần nào giá trị sau khi đọc xong bài viết này

TIP số 1: Bạn muốn công việc như thế nào?

Đây là bước đầu tiên, nhưng mình nghĩ chúng ta sẽ thường bỏ qua nhất, đó chính là xác định công việc phù hợp với bản thân mình.

Mình còn nhớ vào thời điểm tháng 10/2018, thời điểm mà mình vừa mới bắt đầu kỳ học đầu tiên trên đại học, đủ thứ vấn đề ập vào mình: gia đình có biến cố, việc học không ra đâu vào đâu,… Thứ khiến mình cảm thấy bản thân có ích nhất, đó chính công việc làm trợ giảng tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ. Mức lương chỉ rơi vào vài trăm nghìn đồng một tháng, thậm chí còn bị trễ lương nữa chứ. Nhưng nhìn lại, đó là công việc khiến cho bản thân mình cảm thấy hài lòng và hạnh phúc nhất.

Tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân là bước đầu tiên giúp bạn tránh khỏi những áp lực không đáng có sau này (Ảnh: Internet)
Tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân là bước đầu tiên giúp bạn tránh khỏi những áp lực không đáng có sau này (Ảnh: Internet)

Có một sự thật mà mình đã đúc kết được sau gần hai năm đi làm, đó chính là ngoài kia sẽ luôn có công việc dành cho chúng ta. Tuy nhiên, chính vì sự “dễ dàng” và “sẵn có” như vậy, bạn sẽ phải chấp nhận những sự thật khá “buồn” như: mức lương không tương xứng với nỗ lực bạn bỏ ra, tỷ lệ cạnh tranh cao… Mình sẽ nêu ra một vài giải pháp cho vấn đề này ở bước tiếp theo, các bạn đừng quá lo lắng nhé!

Nhờ việc siêng “lăn lộn” ở nhiều lĩnh vực, mình có kiến thức ở nhiều mảng. Có những công việc “nhẹ nhàng” với người khác nhưng lại là “cực hình” với mình như làm phục vụ bàn ở quán cà phê, làm telesales, làm nhân viên văn phòng. Có những công việc có vẻ khó nhằn và nhàm chán, nhưng lại khiến bản thân mình cực kỳ hăng say và muốn gắn bó lâu dài như: làm trợ giảng tiếng Anh, làm lễ tân cho một khách sạn trên phố cổ, và hiện tại là viết blog…

Mình đã trăn trở về vấn đề này khá lâu, đôi lúc còn tự hỏi liệu có phải do mình lười biếng hay kỹ năng kém nên mới trở nên “khó ở” như vậy không. Dần dần, mình hiểu ra rằng mỗi người đều có điểm yếu hoặc thế mạnh riêng. Bạn có thể làm Telesales có thể là do bạn giỏi ăn nói và chấp nhận được sự từ chối, còn với người vốn ngại nhận phải cái lắc đầu từ người khác, như mình, đó là một công việc hoàn toàn không “dễ dàng” chút nào.

Xác định một công việc phù hợp với bản thân là việc cực kỳ quan trọng, nhưng thường bị các bạn sinh viên bỏ qua hoặc không xét đến (Ảnh: Internet)
Xác định một công việc phù hợp với bản thân là việc cực kỳ quan trọng, nhưng thường bị các bạn sinh viên bỏ qua hoặc không xét đến (Ảnh: Internet)

Đặc điểm chung của những bạn sinh viên năm nhất (trong đó có mình), đó là thường xuyên hồ hởi lao đầu ra ngoài đời, chọn đại một công việc và cố gắng hết mình với nó. Nhưng có thể các bạn không biết rằng mình đang đánh đổi lấy chi phí quý giá khác chỉ để lấy một khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Khoản chi phí đó là gì thì mình sẽ nói chi tiết hơn ở bước ba.

Khi bạn đã trả lời phần nào được những câu hỏi trên, mình tin là bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tăng độ hiệu quả khi đi làm thêm đấy.

Chốt lại TIP 1: Bạn hãy cố gắng tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân để có thể tránh được những vấn đề không đáng có sau này.

TIP số 2: Hiểu thị trường, vì thị trường mới là thứ quyết định mức lương của bạn

Đa phần các trường đại học lớn, thu hút sinh viên sẽ nằm ở các thành phố như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những thành phố lớn sẽ luôn thu hút nhiều người, từ đó dẫn đến nhiều cơ hội cho tất cả chúng ta.

Nhưng như mình đã đề cập ở phía bên trên, không chỉ sinh viên mà cả những người đã đi làm sẽ phải đối mặt với những vấn đề “khó nhằn” như: mức lương không tương xứng với nỗ lực bỏ ra, tỷ lệ cạnh tranh cao…

Tìm hiểu thị trường lao động là việc nên làm, kể cả khi bạn là sinh viên hoặc người muốn nhảy việc (Ảnh: Internet)
Tìm hiểu thị trường lao động là việc nên làm, kể cả khi bạn là sinh viên hoặc người muốn nhảy việc (Ảnh: Internet)

Và thứ đứng đằng sau sự thật đó, chính là quy luật cung cầu.

Lúc mình đi làm phục vụ bàn ở quán cà phê, mình làm ca tối. Vào ca là 18h và kết ca là 22h30. Mình thường dọn dẹp mọi thứ từ 22h. Nhưng có những trường hợp rất gần kết ca mà khách lại vào, nếu một hai khách thì mình xin phép khách là không phục vụ vì gần đến giờ đóng cửa rồi. Nhưng xui hơn, khách vào cả đoàn là xác suất là hôm đó phải ở lại muộn là rất cao. Sau khi dọn dẹp, đóng cửa mọi thứ xong xuôi, mình phóng xe máy về nhà thì cũng đã quá nửa đêm. Mình làm như thế suốt một thời gian mà không cảm thấy nề hà gì, không phàn nàn chuyện mức lương mình chỉ lẹt đẹt quanh quẩn ở mức hơn 1 triệu một tháng.

Vị trí pha chế là một trong những công việc thu hút rất nhiều lao động trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên (Ảnh: Internet)
Vị trí pha chế là một trong những công việc thu hút rất nhiều lao động trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên (Ảnh: Internet)

Mình kể câu chuyện ở trên có phải là trách những người chủ lao động đã “bóc lột” mình không? Không! Mình hoàn toàn hiểu và nếu đặt mình vào vị thế người chủ, mình cũng sẽ sẵn sàng trả lương cho vị trí phục vụ bàn cái giá “rẻ mạt” đó.

Sau một khoảng thời gian, mình nói với chị chủ quán: “Chị! Cho em nghỉ việc!”. Chị chủ quán có vẻ hơi buồn một tí, nhưng rồi cũng ậm ừ cho qua. Và chỉ một tuần sau, một bạn nhân viên khác thay thế cho vị trí của mình.

Đối với những bạn học kinh tế, có lẽ các bạn đã hiểu rất rõ quy luật cung cầu. Đối với các bạn ngoại đạo kinh tế, mà điển hình như mình, chúng ta chỉ cần hiểu, càng có nhiều người có thể làm công việc mà chúng ta đang làm, giá trị thị trường của chúng ta sẽ càng thấp. Không quan trọng mình làm phục vụ bàn chăm chỉ ra sao, nhưng nếu mai mình vì lý do gì mà phải nghỉ việc, ngoài kia có 10 người xếp đơn xin làm vị trí của mình. Người thuê lao động, tại sao phải trả cao hơn trong khi mục tiêu cuối cùng họ quan tâm chỉ là lợi nhuận?

Chốt lại TIP 2: Các bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu thị trường lao động trước khi quyết định viết đơn xin việc. Hành động này sẽ giúp bạn tránh được tới 90% những áp lực không đáng có khi bạn làm công việc không phải sở trường của bản thân.

TIP số 3: Hiểu rõ những gì mà mình sẽ phải đánh đổi

Như đã đề cập ở bước 1 của bài viết, chúng ta đã và đang đánh đổi lấy chi phí quý giá khác chỉ để đổi lấy một khoản tiền, và bạn sẽ hỏi mình chi phí quý giá đó là gì?

Đó chính là chi phí cơ hội.

Một trong những điều mà mình từng học được trong sách vở, đó chính là hãy tính ra “Chi Phí Cơ Hội” mà chúng ta sẽ phải đánh đổi. Nói chính xác hơn, nếu không đi làm part-time 5 tiếng, thì bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó?

Chi phí cơ hội thường là yếu tố mà không nhiều bạn sinh viên cân nhắc đến (Ảnh: Internet)
Chi phí cơ hội thường là yếu tố mà không nhiều bạn sinh viên cân nhắc đến (Ảnh: Internet)

Nếu bạn đi làm Part-Time 5 tiếng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất đi 5 tiếng nghỉ ngơi, ôn lại bài tập ở trên giảng đường, tập thể dục. Có nhiều người bạn của mình thường không nhận ra điều này, và họ quên mất rằng đây là một trong những loại chi phí đắt nhất khi ta đi làm thêm. Họ sẵn sàng đánh đổi thời gian để tập thể dục, đọc sách, cải thiện bản thân, ôn lại bài vở để đổi lấy một mức lương vô cùng “bèo bọt” mỗi tháng.

Bạn có thể bảo: “Mình đâu có cảm thấy như vậy đâu? Mình cảm thấy hạnh phúc và có tiền. Đối với mình thế là đủ.” Mình cũng từng như vậy.

Khoảng thời gian làm lễ tân ở khách sạn, mình mải mê chạy theo công việc. Mình cố gắng không nghỉ ngày phép nào, và thậm chí còn cảm thấy tội lỗi nếu bản thân phải nhờ đồng nghiệp tăng ca hộ. Làm khách sạn đồng nghĩa với việc bạn sẽ không được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Mình làm như vậy trong suốt một năm ròng. Cho đến những tháng gần cuối, mình dần cảm thấy đuối sức và cảm nhận sự bế tắc trong cuộc sống.

Mình dần quên đi mất đam mê đọc sách, lịch sinh hoạt của mình trở nên thất thường, mình dần bị stress và hàng loạt vấn đề khác. Ở trên trường đại học, mình bị xếp vào danh sách chuyển lớp do liên tục đi học muộn và nghỉ quá số buổi quy định.

Khi chúng ta còn trẻ, thứ chúng ta muốn nhất là tiền. Nhưng khi đã có một chút tiền rồi, chúng ta sẽ tự hỏi: Tiền cuối cùng để làm gì?

Mình muốn bạn hãy suy nghĩ kĩ về vấn đề này, nếu bạn không đi làm thêm, bạn sẽ sử dụng quãng thời gian trống vào việc gì?

Tạm kết

Qua ba tip trên, mình mong các bạn đã có một mindset rõ ràng trước khi lên kế hoạch bắt đầu một công việc bất kì nào. Mong rằng bài viết trên đã đem đến cho các bạn một chút giá trị nào đó.

Mời các bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/3-tip-nho-giup-sinh-vien-kiem-nhieu-tien-hon-khi-di-lam-them/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét