Những điều vụn vặt luôn bủa vây lấy chúng ta mỗi ngày. Lắm lúc những việc khiến chúng ta đắn đo, chần chừ ấy nó… ngộ nghĩnh lắm. Tôi nhận ra điều đó, trong một chiều ngồi cắt đi những rễ lan huệ già, trước khi cất chúng vào tủ lạnh để “ngủ đông”.
Chậu lan huệ của mẹ
Trên sân thượng nhà tôi có một chậu lan huệ rất to. Tôi không nhớ ông nội mang nó về từ bao giờ. Ngày trước, khi mà chưa hứng thú với cỏ cây hoa lá như bây giờ, tôi thậm chí còn không để ý, cũng chẳng biết tên. Tháng này qua năm nọ, chậu hoa vẫn cứ um tùm một góc sân, thỉnh thoảng lại nở những bông hoa đỏ rực.
Cho đến một lần, bố mẹ tôi sửa sang lại nhà cửa, mẹ tôi đã dọn dẹp đi gần hết những chậu cây trên sân thượng, chỉ giữ lại duy nhất chậu hoa lan huệ. Tôi hỏi mẹ, tại sao chỉ giữ lại chậu này, mẹ bảo vì nó có hoa, còn những chậu khác chỉ là những cây gai góc. Và hôm đó tôi mới biết tên của loài hoa đó là lan huệ.
Nhưng cũng từ lần đó, chậu lan huệ nhà tôi rất ít ra hoa, hơn 1 năm nay thì không nở bông nào nữa, chỉ có lá là vẫn um tùm. Mẹ cứ chép miệng thở dài không hiểu lý do vì sao, nhưng cũng không có thời gian để tìm hiểu và “chữa bệnh” cho nó. Chỉ đến khi tôi “bập” vào tình yêu với cây cối, rồi tình cờ nhìn thấy bài viết của một group trên Facebook dành cho những người yêu hoa, mọi người chia sẻ cách “ép” cho lan huệ nở hoa vào đúng dịp Tết.
Chậu lan huệ của nhà tôi nở ra những bông hoa đỏ, rất thích hợp nếu cắm vào ngày Tết, nếu mà Tết năm nay chậu hoa trổ bông thì chắc chắn mẹ sẽ rất vui. Dù cho bản thân không mát tay trong việc trồng hoa, nhưng tôi vẫn muốn thử. Nghĩ là làm, tôi hì hục nhổ hết đống củ lan huệ trong chậu lên. Chậu hoa nhà tôi trồng đã rất nhiều năm, nên củ hoa rất già và để nhiều củ non. Mất nguyên buổi sáng để dọn dẹp đống củ đó. Tôi cũng lo lắng, không biết làm vậy có khiến chậu hoa chết hẳn hay không.
Chậu lan huệ đã ở cùng gia đình tôi nhiều năm. Phải trải qua rất nhiều nắng mưa mới trở nên cứng cáp, tỉa đi những chiếc lá xanh rì cũng khiến tôi có chút không nỡ. Và hơn hết, tôi sợ mình không cứu được hoa, ngược lại còn làm mất đi chậu hoa mẹ rất thích.
Đừng để những điều vụn vặt lấp đầy suy nghĩ
Những suy nghĩ vụn vặt luôn bủa vây lấy chúng ta mỗi ngày. Lắm lúc những việc khiến chúng ta đắn đo, chần chừ ấy nó… ngộ nghĩnh lắm. Tôi nhận ra điều đó, trong một chiều ngồi cắt đi những rễ lan huệ già, trước khi cất chúng vào tủ lạnh để “ngủ đông”. Những chiếc rễ rất dài, có những rễ mập mạp nhưng cũng có những rễ đã khô quắt. Nếu cứ giữ những củ hoa này trong chậu, chúng sẽ chẳng chết đi, vẫn sẽ xanh tốt um tùm, tôi có thể cứ thế hy vọng và đợi, biết đâu có ngày nó sẽ ra hoa trở lại.
Những chiếc rễ già cũng giống như những điều vụn vặt tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta. Có thể nó không gây hại, có thể nó cũng sẽ tự biến mất. Nó cũng từng là một phần quan trọng để nuôi dưỡng cho củ hoa phát triển. Nhưng đến một giai đoạn, nó sẽ khiến cho bộ rễ trở nên chật chội. Cũng như những cành khô, lá úa trên thân cây, những chiếc rễ già cũng khiến chất dinh dưỡng nuôi cây bị phân tán, nếu loại bỏ chúng đi thì chúng ta sẽ có một bộ rễ thông thoáng, khỏe mạnh. Thân và ngọn muốn phát triển, chẳng phải sẽ cần có một cái gốc vững chắc hay sao?
Vòng đời của một cái cây hay một con người, có thể sẽ rất ngắn. Sống chung với suy nghĩ vụn vặt, thừa thãi, cũ kĩ, tuy chẳng gây hại trầm trọng nhưng lại đang âm thầm làm chậm bước đi của ta. “Chậm” không phải lúc nào cũng “chắc”, biết và chấp nhận bỏ đi những thứ không còn cần thiết, đem lại một cơ hội mới để thay đổi, phát triển vẫn luôn là con đường để những điều tốt đẹp đến với chúng ta, phải không?
source https://bloganchoi.com/dung-de-nhung-dieu-vun-vat-lap-day-cuoc-song-cua-ta/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét